Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

Về tự do báo chí (Phan Đăng Lưu)

Cảm ơn Mafiovi báo tin 03 tháng 5 năm 2011 Cụ Phan Đăng Lưu cũng ... tự diễn biến, guys:


(Bổ sung hồi 18h: Độc giả H.Đ lưu ý “Người chụp nói trích lại thì đúng. Còn chụp lại bản báo thời Phan Đăng Lưu thì coi chừng, vì font chữ đẹp quá, nền giấy có vẽ cũ lắm rồi”. Và BS đã kiếm lại tư liệu nguồn, đó là từ trang Mạc Tộc, bài PHAN ĐĂNG LƯU VỚI VIỆC GIÁO DỤC LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG CHO THẾ HỆ TRẺ) Phan Đăng Thuận
 
(PHAN ĐĂNG LƯU 1902 - 1941)
Phan Đăng Lưu là “một trí thức cách mạng tiêu biểu”[1]. Xuất thân trong một gia đình nho học có truyền thống yêu nước, tiếp thu Tây học, ông nhanh chóng trưởng thành từ một công chức trong chính quyền thực dân  trở thành một người chiến sĩ cách mạng chuyên nghiệp. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Phan Đăng Lưu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Một trong  những đóng góp đó là ông không ngừng giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ sau.
 Sau khi tốt nghiệp trường Canh nông Tuyên Quang, Phan Đăng Lưu bắt đầu vào một cuộc đời công chức trong chính quyền thực dân Pháp . Năm 1925 đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của Phan Đăng Lưu khi ông được chuyển về làm việc tại nhà tằm Diễn Châu. Phan trở về Nghệ An vào lúc các chiến sĩ yêu nước đang bí mật vận động thành lập Hội Phục Việt và tuyên truyền hoạt động chống thực dân Pháp. Ông được bạn bè giác ngộ và tham gia tổ chức yêu nước này. “Anh có được nhận thức là thanh niên trí thức phải có lý tưởng yêu nước, tích cực đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân cướp nước và bọn vua quan làm tay sai cho chúng, nước mất thì yêu cầu cấp bách nhất là giành lại độc lập dân tộc. Tổ quốc có độc lập thì ước vọng áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để phát triển nông nghiệp nâng cao đời sống nông thôn mới có điều kiện thực hiện”2. Phan Đăng Lưu bắt đầu say mê nghiên cứu lý luận cách mạng tìm hiểu các học thuyết chính trị, tiếp cận với chủ nghĩa Mác – Lênin, đọc báo Le Paria và biết Nguyễn Ái Quốc đang hoạt ở nước ngoài.
Với tư cách là Thường vụ Đảng Tân Việt phụ trách tuyên truyền huấn luyện, Phan Đăng Lưu rất coi trọng tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Xuất phát từ quan niệm “không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”, ông không ngừng trau dồi thêm các kiến thức thức của mình về khoa học xã hội, chính trị, triết học… Phan Đăng Lưu tìm đọc thêm các sách báo nói về chủ nghĩa Mác- Lênin. “Anh đã cùng với người em trai dịch Tuyên ngôn Đảng Cộng sảnLàm gì3.
 Đảng Tân Việt quyết định thành lập nhà xuất bản Quan Hải tùng thư nhằm in ấn, xuất bản tuyên truyền những sách báo tiến bộ. Quan Hải tùng thư được thành lập là học tập Phương Đông văn khố của Trung Quốc mà ra những tập sách khoảng 100 trang trở xuống nhằm lợi dụng việc xuất bản hợp pháp để giới thiệu truyền bá vào tâm trí thế hệ trẻ một ít kiến thức về chủ nghĩa Mác lẫn một ít kiến thức mới về khoa học nhất là khoa học xã hội, là những điều kiện cần thiết để hiểu chủ nghĩa Mác dễ hơn. Qua công tác tuyên truyền, Tân Việt lựa chọn những người ưu tú để phát triển Đảng. Nhớ lại những ngày làm việc ở Quan Hải tùng thư, học giả Đào Duy Anh nhận xét về Phan Đăng Lưu: “Đồng chí (Phan Đăng Lưu- PĐT) là người đã từng đọc sách nhiều, có Hán học, lại đọc được bạch thoại. Tôi vui mừng được một người cộng tác đắc lực trong công việc biên tập sách Quan Hải tùng thư”4. Chính Phan Đăng Lưu đã dịch cuốn Xã hội luận bằng chữ Hán của Đông Phương văn khố xuất bản ở Thượng Hải. Cuốn sách được viết theo quan điểm tiến hóa của Đác-Uyn cho bạn đọc thấy rằng loài người tiến hóa là do quy luật khách quan, không phải do ý chí của thượng đế, cũng không phải do ý muốn chủ quan của con người. Tiếp theo tập trên, Phan Đăng Lưu lược dịch: “Lịch sử các học thuyết kinh tế” (quyển hạ) theo “Kinh tế học thuyết sử” của Nhật Bản, ở phần cuối của cuốn sách có giới thiệu về học thuyết Mác.  Trong thời gian tham gia Quan Hải tùng thư, Phan Đăng Lưu đã dùng báo chí để tuyên truyền vận động cách mạng góp một phần không nhỏ vào thắng lợi của khuynh hướng vô sản ở tổ chức Tân Việt. Những cuốn sách nhỏ của Quan Hải tùng thư và các bài báo của Phan Đăng Lưu đã có tác dụng giác ngộ lý tưởng cách mạng những thanh niên giàu lòng yêu nước. Trong thời gian tham gia  Tân Việt, Phan Đăng Lưu đã giác ngộ lý tưởng cách mạng cho nhiều bạn trẻ  tiêu biểu nhất là Võ Nguyên Giáp. Chính “Anh Lưu đã hướng dẫn cho anh Giáp (Đại tướng Võ Nguyên Giáp- PĐT) viết tài liệu huấn luyện về chủ nghĩa Mác, về lịch sử phong trào công nhân và phụ nữ thế giới”5.
 Năm 1936, Phan Đăng Lưu thoát khỏi nhà tù đế quốc. Vừa được tự do, ông lao vào một cuộc chiến đấu mới với kẻ thù. Được phân công đứng đầu bộ phận hoạt động công khai hợp pháp, Phan Đăng Lưu càng có điều kiện quan tâm giáo dục bồi dưỡng lý luận cách mạng cho thế hệ trẻ. Lợi dụng tình thế hợp pháp, ông ra sức dìu dắt thanh niên tiến bộ, rèn luyện họ trở thành những đảng viên hiểu biết về lý luận. Ông trực tiếp bàn bạc với bộ phận tích cực trong giới học sinh tổ chức thành “nhóm đọc sách” rồi thông qua việc giáo dục công tác mà thử thách đào tạo. Cả một thế hệ học sinh ở Huế đã tiếp thu được ánh sáng cách mạng trong thời kỳ 1936-1939 từ học sinh trường công: Quốc học, Đồng Khánh… đến trường tư: Thuận Hóa, Hồ Đắc Hàm, Phú Xuân…
 Có thể nói, những cán bộ đảng viên trưởng thành ở Huế từ 1936-1939 không thể nào quên được Phan Đăng Lưu trong vai trò dẫn dắt, giác ngộ mình đi theo con đường cách mạng của Đảng.  Chính ông là người khai tâm cho Tố Hữu về kinh tế- chính trị học Mác xít. Sau này trong bài thơ “Quê mẹ” Tố Hữu nhớ lại công lao của Phan Đăng Lưu:
“Con lớn lên con tìm cách mạng
Anh Lưu, anh Diệu dạy con đi
Mẹ không còn nữa, con còn Đảng
Dìu dắt khi con chửa biết gì”.
Phan Đăng Lưu đã dìu dắt cậu học sinh Nguyễn Kim Thành (tức Tố Hữu) trong những bước đường đầu tiên đi theo cách mạng. Tố Hữu nhớ lại: “Người giảng chính trị nhiều nhất cho tôi qua sách là anh Phan Đăng Lưu. Lần đầu gặp anh, tôi cầm cuốn Tư bản nói với anh:
-         Anh ơi, tôi thấy khó hiểu quá.
-         Anh nói: Cậu nên tìm cuốn dễ đọc trước.
Rồi anh hướng dẫn tôi dần dần đọc từ thấp đến cao. Từ những quyển sách ABC về chủ nghĩa Mác của nhà xuất bản Xã hội Pháp đến “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” và những tác phẩm kinh điển khác”6. Chính ông đã hướng Tố Hữu khơi nguồn dòng thơ ca cách mạng: “Cậu biết làm thơ, hãy làm những bài thơ về những người lao động nghèo khổ. Nghèo khổ không phải do số phận mà là do đế quốc phong kiến bóc lột và do sưu thuế nặng nề. Những cảnh ăn mày, đày tớ, trẻ mồ côi…có rất nhiều điều cần viết để thức tỉnh nhân dân… Nhưng phải chú ý: Thơ phải chân thật, xúc động lòng người, dễ hiểu, dễ nhớ và đừng dài dòng”7.
Nguyễn Chí Thanh cũng là người được Phan Đăng Lưu dạy những bài học đầu tiên về chính trị. “Năm 1936, Vịnh (tức Nguyễn Chí Thanh-PĐT) và người bạn là Phạm Oanh gặp Phan Đăng Lưu ở nhà cụ Phan Bội Châu. Phan Đăng Lưu đã giải thích cho hai người rõ về tình hình chính trị nước Pháp, về thành phần Mặt trận nhân dân ở Pháp, về đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương và chủ trương của những người cộng sản Đông Dương. Anh nói tôn chỉ, mục đích của những người cộng sản Đông Dương là đánh đổ đế quốc và phong kiến giành độc lập dân tộc, dân chủ, xây dựng một xã hội không có giai cấp, không có áp bức bóc lột ở Đông Dương, đưa Đông Dương lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Nhưng trước mắt nhân dân ta phải đoàn kết đấu tranh, chống phản động thuộc địa để đòi hòa bình, tự do, cơm áo… Những lời giảng giải của Phan Đăng Lưu giúp cho Vịnh sáng tỏ nhiều điều. Vịnh vui mừng, phấn khởi vì tìm thấy được con đường đi đúng đắn”8.
Không chỉ giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, Phan Đăng Lưu còn ảnh hưởng to lớn đối với nhân sĩ trí thức Nho học. Chương Thâu, nhà nghiên cứu chuyên sâu về Phan Bội Châu, khẳng định: “...về "tính thuyết phục" của Phan Đăng Lưu đối với các vị nhân sỹ trí thức nho học (như Phan Bội Châu, Hoàng Văn Khải...) vào những năm từ 1929-1939 ở Huế cũng rất đáng kể và rất có ý nghĩa tích cực đối với phong trào yêu nước lúc bấy giờ. Chẳng hạn năm 1937 khi được Xứ Ủy Trung Kỳ cử ra giúp việc "thông dịch" tiếng Pháp cho cụ Phan Bội Châu tiếp kiến toàn quyền Varen ngày 24/2/1937, Phan Đăng Lưu đã "gỡ bí" được nhiều vấn đề mà cụ Phan không kịp lường trước được âm mưu của tên thực dân cáo già này.v.v"9.
 Nói tóm lại trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Phan Đăng Lưu có nhiều đóng góp với sự nghiệp cách mạng của Đảng của dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp của ông như một trong những vì sao sáng  trên bầu trời cách mạng Việt Nam. Ánh sáng của vì sao sáng đó có sức hấp dẫn đối với nhiều thế hệ trẻ giàu lòng yêu nước. Nhiều người trong số đó sau này trở thành những nhà lãnh đạo như: Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh…
Tháng 3/2011
[1] Lời Cố Tổng bí thư Lê Duẩn
2 Nguyễn Thành: Phan Đăng Lưu – Tiểu sử, tác phẩm, Nxb Thuận Hóa, 1998, tr 18.
3 Ngô Nhật Sơn: Đồng chí Phan Đăng Lưu, Nxb Nghệ Tĩnh, 1987, tr 14.
4 Đào Duy Anh: Nhớ nghĩ chiều hôm, nxb Trẻ, 2000, tr 38.
5 Hồng Cư: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ, Nxb Thanh niên, 2004, tr 120.
6 Tố Hữu: Nhớ lại một thời, Báo Văn nghệ số 30 ngày 22/07/2000 tr 4.
7 Tố Hữu: Nhớ lại một thời, Báo Văn nghệ số 30 ngày 22/07/2000 tr 4.
8 Nguyễn Chí Thanh của chúng ta, Nxb Thuận Hóa-Huế 1981, tr 40.
9 Chương Thâu: Đọc sách Phan Đăng Lưu: tiểu sử-tác phẩm, Tạp chí Sông Hương, số 125, tháng 7/1999.

THAM KHẢO THÊM

Tổng số lượt xem trang