Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Bảy, ngày 21/5/2011
TTXVN (Niu Yóoc 16/5)
Theo mạng “Jamestown Foundation” (Mỹ) ngày 8/5, sau những căng thẳng do bất đồng lãnh thổ trên biển Đông (biển Nam Trung Hoa) năm ngoái, các nhà phân tích an ninh hy vọng các nước tuyên bố chủ quyền sẽ xem xét lại chính sách, có quan điểm hoà giải, linh hoạt và ưu tiên tìm kiếm giải pháp ngoại giao nhằm xử lý bất đồng tốt hơn. Nhưng quý 1/2011 cho thấy bất đồng ở biển Đông vẫn tiếptục phát triển theo hướng tiêu cực. Nổi bật nhất là căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh sau sự kiện hai tàu tuần tiễu Trung Quốc ngăn chặn một tàu thăm dò khảo sát của Philippin đang hoạt động tại các vùng biển mà Manila tuyên bố chủ quyền của họ.Sự kiện này cho thấy Trung Quốc vẫn sẵn sàng sử dụng biện pháp “cưỡng bức nhất định” trong việc giải quyết bất đồng với các nước Đông Nam Á về các nguồn tài nguyên trên biển như: năng lượng và đánh bắt cá. Cuộc tranh cãi đảo Reed Bank (Bãi cỏ rong) đã đẩy Chính quyền Philippin của Tổng thống Benigo Aquino theo đuổi đường lối cứng rắn hơn với Bắc Kinh về vấn đề biển Đông, kể cả các biện pháp tăng cường sự hiện diện của Lực lượng Vũ trang Philippin (AFP) ở quần đảo Trường Sa, và chính thức gửi công hàm bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Trong khi đó, mặc dù các nước thành viên thuộc Hiệp hội Các Nước Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc tuyên bố các bên tiếp tục cam kết thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin (CBM) trong Tuyên bố năm 2002 về Cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DoC), nhưng tiến trình đàm phán tiếp tục khó khăn và không có dấu hiệu nào cho thấy bế tắc sẽ được giải quyết một sớm một chiều.
Ngày 2/3, hai tàu tuần tiễu Trung Quốc áp sát tàu thăm dò MV Veritas Voyager của Philippin gần đảo Reed Bank và ép tàu này rút khỏi khu vực thăm dò. Reed Bank nằm gần đảo Palawa và trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) như đã tuyên bố chủ quyền của Philippin. Công ty dầu lửa và khí đốt của Anh có tên “Forum Energy” đã thuê chiếc tàu thăm dò khảo sát này sau khi giành được hợp đồng năm 2005 với Chính phủ Philippin để tiến hành thăm dò khí đốt thuộc khu vực Sampaguita ở Reed Bank. Kết quả khảo sát phát hiện 3,4 nghìn tỷ cubic feet (1 cubic feet = 0,3048m3) khí đốt, do đó đây là một nguồn thu nhập tiềm tàng cho Chính phủ Philippin. Tháng 2/2010, Malina kéo dài hợp đồng và tháng 3/2011 tàu khảo sát Veritas Voyager bắt đầu hoạt động để xác định vị trí của các mỏ khí cụ thể. Theo Thiếu tướng Juancho Sabban, Tư lệnh Bộ Chỉ huy phía Tây bao gồm khu vực biển mà Philippin tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, các tàu tuần tiễu Trung Quốc ra lệnh tàu khảo sát của Philippin chấm dứt hoạt động vì cho rằng khu vực này thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Ngay sau đó Bộ Chỉ huy phía Tây của Philippin triển khai 1 máy bay tấn công OV-10 và 1 máy bay giám sát đảo đến khu vực Reed Bank (lúc đó các tàu tuần tiễu của Trung Quốc đã rút khỏi khu vực); 2 tàu tuần tiễu ven bờ để hộ tống tàu khảo sát Veritas Voyager cho đến khi các hoạt động thăm dò hoàn thành. Tướng Sabban nói: “Rõ ràng đây là lãnh thổ của chúng tôi. Nếu họ ức hiếp chúng tôi, thậm chí trẻ con cũng sẽ chống trả”. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Boltaire Gazmin và Tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Philippin, Trung tướng Eduardo Oban, đến thăm sở chỉ huy Bộ Tư lệnh phía Tây để thể hiện sự ủng hộ. Trong chuyến thăm, ông Gazmin cho biết Chính phủ Philippin đã gửi công hàm phản đối cho Sứ quán Trung Quốc tại Manila nhưng chưa nhận được trả lời. Ngày 24/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với quần đảo Trường Sa và các vùng nước liền kề. Các hoạt động thăm dò khi đốt và dầu lửa của bất cứ nước nào hoặc công ty nào trong vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc mà không được phép của Chính phủ Trung Quốc là vi phạm chủ quyền, quyền và lợi ích của Trung Quốc, và vì vậy là trái phép và không có giá trị”.
Ngoài việc đưa máy bay tuần tiễu và các tàu hộ tống tàu khảo sát Veritas Voyager, Chính quyền Aquino còn áp dụng 2 hành động để phản ứng trước sự kiện Reed Bank: Tuyên bố các biện pháp tăng cường sự hiện diện của AFP ở quần đảo Trường Sa; phản đối các căn cứ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông. Đứng trước bất đồng lãnh thổ với Trung Quốc, Manila luôn bất lợi vì thực lực của lực lượng vũ trang yếu kém. Mặc dù kế hoạch hiện đại hoá quốc phòng đã được hình thành năm 1995 sau khi Trung Quốc chiếm đảo Vành khăn, nhưng kế hoạch đó chưa bao giờ được thực hiện do thiếu ngân sách và quyết tâm chính trị. Sau ngày 11/9/2001, Mỹ viện trợ tài chính quan trọng để giúp Chính phủ Philippin hiện đại hoá AFP, nhưng chủ yếu giúp quân đội Philippin đối phó với các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở phía Nam. Do đó lực lượng không quân và hải quân Philippin không thể tạo sự răn đe quan trọng ở khu vực quần đảo Trường Sa. Từ lâu các nhà lãnh đạo AFP đã lên tiếng về thực trạng đó và đề nghị các Chính phủ hậu Marcos giải quyết tình trạng thiếu hụt sức mạnh không quân và hải quân. Họ không hề giấu giếm sự yếu kém của quân đội. Ví dụ, tháng 8/2010, phát biểu trước một cuộc họp báo chung nhân chuyến thăm Philippin của Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) Mỹ, Tư lệnh AFP Ricardo David nói: “Khả năng của chúng tôi trên biển Đông hầu như không đáng kể” và nếu xảy ra xung đột, AFP “không có gì để đáp trả”. Tháng 3/2011, Tư lệnh Hải quân Philippin, Phó Đô đốc Alexander Pama, thú nhận: “Trong số 53 tàu chiến của Bộ Tư lệnh, chỉ có 25 chiếc hoạt động và các tàu này đã hoạt động trong suốt 36 năm qua. Để bảo vệ chủ quyền, chúng tôi không thể chỉ dựa vào các tuyên bố mà phải có sức mạnh. Hơn nữa, trong khi Việt Nam, Trung Quốc và Malaixia đã nâng cấp cơ sở hạ tầng quân sự trên các hòn đảo chiếm đóng, các cơ sở của Philippin không hề được sửa chữa và nâng cấp”. Điều này được thể hiện trong tháng 10/2010 khi một máy bay vận tải C-130 chở Bộ trưởng Quốc phòng Gazmin và Tướng David buộc phải hạ cánh trên đảo Pag-asa của Philippin vì thực trạng đường băng quá lạc hậu.
Trước hành động của Trung Quốc tại Reed Bank, Tổng thống Aquino cam kết chỉ bổ sung 255 triệu USD cho AFP trong ngân sách quốc phòng năm 2011. Nguồn ngân sách này được trích từ các khoản thu nhập khí đốt ở khu vực Malampaya gần Sampaguita. AFP đề nghị Chính phủ sử dụng khoản ngân sách bổ sung để mau rađa phòng không, phương tiện thông tin liên lạc, máy bay tuần tiễu đường dài và tàu thuyền tuần tiễu tốc độ cao, đồng thời chi 700.000 USD để nâng cấp đường băng trên đảo Pag-asa. Tuy nhiên, cùng với việc cam kết tăng chi phí quân sự, Tổng thống Aquino lưu ý AFP phải chấm dứt tình trạng tham nhũng khi triển khai các dự án. Đáng chú ý, Mỹ cũng cam kết tăng cường ủng hộ xây dựng khả năng trên biển cho AFP. Chính sách này lần đầu tiên được Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Scher đưa ra năm 2009 trước cuộc điều trần tại Quốc hội nhằm “ngăn chặn căng thẳng trên biển Đông phát triển thành mối đe doạ các lợi ích của Mỹ”. Tháng 1/2011, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell cho biết ông đang xem xét các biện pháp mà Mỹ có thể giúp “tăng khả năng trên biển của Philippin” và một tháng sau Đô đốc Willard cam kết PACOM sẽ tiếp tục hợp tác với Manila trong việc bảo vệ an ninh và toàn vẹn lãnh thổ. Như một phần của các nỗ lực đó, cuối năm nay Mỹ sẽ chuyển giao một tàu 3.250 tấn đã được cải tiến và nâng cấp cho lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippin. Tàu này sẽ được triển khai ở khu vực Bộ Chỉ huy phía Tây để tăng cường khả năng giám sát cũng như răn đe trên biển Đông. Hơn nữa, sau khi xảy ra sự kiện Reed Bank, Ngoại trưởng Hillary Clinton gọi điện cho Bộ trưởng Ngoại giao Philippin Albert del Rosario để trao đổi cách thức cải thiện an ninh trên biển ở châu Á. Ngay sau đó, tại buổi họp báo, Đại sứ Trung Quốc tại Philippin Lưu Kiến Siêu cho rằng sự can thiệp của Mỹ chỉ làm phức tạp thêm các bất đồng ở biển Đông. Phản ứng thứ hai trước sự kiện ngày 2/3 của Chính phủ Aquino là Philippin chính thức phủ nhận bản đồ mà Trung gửi Uỷ ban ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc tháng 5/2009 để phản đối bản đệ trình chung của Malaixia và Việt Nam. Bản đồ của Trung Quốc cho thấy 9 đường đứt đoạn bao gồm hầuhết khu vực biển Đông là của Trung Quốc và Bắc Kinh không giải thích bản đồ đó nghĩa là gì và làm sao có thể phù hợp luật pháp quốc tế, từ đó tạo nên mối lo ngại khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong công hàm ngỳa 5/4, Philippin khẳng định Nhóm đảo Kalayaan là một phần lãnh thổ của Philippin và nước này sẽ sử dụng chủ quyền ở các vùng nước xung quanh nhóm đảo này, do đó bản đồ 9 đường đứt đoạn của Trung Quốc không có cơ sở luật pháp quốc tế. Bắc Kinh phản ứng bằng cách cho rằng các nội dung của công hàm là hoàn toàn không thể chấp nhận đối với Chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh cho biết từ những năm 1970 Manila từng bước “xâm lược và chiếm đóng” các hòn đảo thuộc “chủ quyền không thể chối cãi” của Trung Quốc. Tổng thống Aquino dự định đến thăm Bắc Kinh từ 23-25/5, nhưng do bất đồng, chuyến thăm đã hoãn lại đến cuối năm nay.
Các sự kiện bất đồng và nguy hiểm ngày càng tăng trên biển một lần nữa nhấn mạnh các nước Đông Nam Á cần nhanh chóng tìm kiếm một cơ chế để tránh xảy ra xung đột trên biển Đông. Về vấn đề này, DoC đã có một số CBM tích cực. Nhưng các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về phương hướng thực hiện vẫn bế tắc, chủ yếu do Bắc Kinh cho rằng các nước thành viên ASEAN không nên thảo luận bất đồng trước khi hội đàm với các quan chức Trung Quốc. Hội nghị của Nhóm Hoạt động Chung (JWG) về DoC tại Côn Minh ngày 22-23/12/2010 không đạt kết quả, khiến Bộ trưởng Ngoại giao Inđônêxia Marty Natalegawa – nước Chủ tịch hiện nay của ASEAN cam kết biến bất đồng biển Đông thành một ưu tiên – nhận thấy cần thúc đẩy các cuộc thảo luận, trong đó bao gồm tất cả các quan chức. Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề đối với hoà bình và an ninh khu vực, ông Natalegawa nhấn mạnh “cần đạt được một sự đột phá”. Nhưng bất đồng chỉ được đề cập ngắn gọn tại một hội nghị của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và Trung Quốc ngày 26/1. Ông Natalegawa cho biết mặc dù Hội nghị cấp cao Đông Á tháng 11/2011 lần đầu tiên sẽ thảo luận các vấn đề an ninh, nhưng bất đồng biển Đông sẽ không cần đưa vào chương trình do Trung Quốc phản đối. Quan điểm và thái độ của các nước lớn về bất đồng biển Đông vẫn không thay đổi trong quý 1/2011 và các nỗ lực xây dựng lòng tin và hợp tác thông qua đối thoại đã và đang giảm dần. Biểu hiện của tình hình thất vọng này là sự kiện Reed Bank, hiện đang thúc đẩy Philippin chống lại sự quả quyết của Trung Quốc bằng cách phản đối các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đồng thời loan báo các kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Trường Sa. Trung Quốc cũng có ý định tăng cường sự hiện diện của họ ở biển Đông bằng cách đưa thêm 36 tàu tuần tiễu mới đến khu vực trong vài năm tới. Vì vậy, căng thẳng trên biển Đông không thể giảm trong tương lai.
*
* *
TTXVN (Bắc Kinh 15/5)
Tiếp theo sau bài đăng trên tạp chí “Tri thức thế giới” 2 tuần/kỳ số 9 ra ngày 1/5/2011 về quá trình hình thành đường 9 đoạn để khẳng định chủ quyền “không thể tranh cãi” của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như các đảo và các quần đảo khác ở Biển Đông là có căn cứ pháp lý mang tính lịch sử, tạp chí nói trên số 10 ra ngày 16/5/2011 tiếp tục đăng bài “Nam Hải lại nổi sóng: Philippin gửi kháng nghị lên Liên hợp quốc” cho biết Trung Quốc bác bỏ kháng nghị của Philippin về chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực biển tranh chấp Trường Sa như thế nào? Dưới đây là nội dung bài viết:Theo tin từ Uỷ ban ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc ngày 8/4, ngày 5/4 Philippin đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc về việc Trung Quốc đã dựa vào “đường đứt quãng 9 đoạn” để “đòi hỏi chủ quyền” đối với Nam Hải (Biển Đông), nói rằng việc làm của Trung Quốc đã vi phạm Luật biển quốc tế, xâm phạm chủ quyền của Philippin. Ba “Lý do” được Philippin nêu lên gồm:
1) “Quần đảo Kalayann” (tên gọi của Philippin đối với một bộ phận các bãi, đảo ở quần đảo Nam Sa) đã trở thành bộ phận cấu thành lãnh thổ của Philippin, thuộc quyền quản lý của Philippin.
2) Philippin thi hành chủ quyền và quyền quản lý đối với vùng biển và khu vực phụ cận xung quanh “quần đảo Kalayann” theo nguyên tắc Luật biển quốc tế.
3) Việc Trung Quốc đề xuất đòi hỏi đối với vùng biển, lòng biển và đất dưới đáy biển thuộc “quần đảo Kalayann” là không có căn cứ, vì quyền quản lý thuộc về Philippin.
Việc làm của Philippin như vậy khiến cho Nam Hải vốn không yên lặng một lần nữa nổi sóng lớn. Vì vậy, chúng ta cần phải nhìn sơ qua lịch sử của “quần đảo Kalayann” như Philippin đã tuyên bố, đồng thời cũng nhìn rõ ý đồ của Philippin gửi công hàm lên Liên hợp quốc là gì.
Philippin tuyên bố về “quần đảo Kalayann” như thế nào?
Không lâu sau khi tuyên bố độc lập năm 1964, Philippin đã bắt đầu thèm muốn quần đảo Nam Sa (Trường Sa). Nhưng mãi đến khi báo chí đưa tin khu vực này có dầu mỏ vào năm 1971, Philippin mới chính thức tuyên bố, và gửi “Công hàm ngoại giao” cho Đài Loan Trung Quốc, yêu cầu Đài Loan rút quân ra khỏi đảo Thái Bình mà Đài Loan đang đóng giữ. Trước đó, vào năm 1968 Philippin đã lập trạm gác ở các đảo Nam Thược, Trung Nghiệp, Bắc Tử và đã lần lượt chiếm cứ các đảo Mã Hoan, Phí Tín, Tây Nguyệt, bãi cát Song Hoàng, đá ngầm Tư Lệnh, đá ngầm Nhân Ái.
Ngày 11/6/1978, Philippin đã công bố Lệnh Tổng thống số 1596 do Tổng thống lúc đó là Marcos ký, tuyên bố vùng biển rộng 64.976 Km vuông gồm 33 đảo, bãi đá, bãi cát, bãi nổi là “một bộ phận lãnh thổ của Philippin, đồng thời thi hành quản lý hành chính đối với các đảo, bãi nói trên”. Họ đặt tên cho nhóm đảo trong vùng biển này là “Quần đảo Kalayann”, nghĩa là “Quần đảo tự do”. Việc Philippin tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo là dựa vào ba lý do:
1) Quần đảo có vai trò hết sức quan trọng đối với huyết mạch an ninh và kinh tế của Philippin.
2) Philippin ở gần các đảo này nhất.
3) Về mặt pháp luật các đảo này không thuộc bất cứ nước nào, là “đất vô chủ”, nếu có nước nào khác đòi hỏi chủ quyền cũng vô hiệu.
Liệu những cái gọi là lý do nói trên có hợp lý hay không?
Thứ nhất, Philippin dựa vào lý do lợi ích an ninh và kinh tế, tuỳ tiện tuyên bố chủ quyền đối với lãnh thổ của một nước khác là không được. Dù Philippin quả thực rất cần dầu mỏ và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, dù an ninh quốc gia có vì thế mà gặp tổn hại như thế nào thì cũng không thể lấy nó làm cớ để cướp lãnh thổ của nước khác làm của mình, đó là kiến thức tối thiểu nhất.
Thứ hai, lấy lý do “gần” để đòi hỏi chủ quyền cũng không thể được. Trên thế giới có rất nhiều ví dụ về vùng biển lớn ở cách xa bản quốc, hoặc các đảo hay quần đảo ở gần bờ biển của nước láng giềng, các vùng biển, đảo và quần đảo như vậy từ trước đến nay cũng không vì vị trí địa lý ở gần mà thay đổi được chủ quyền đối với các đảo đó. Ví dụ, đảo Christmas (đảo Nôen) của Ôxtrâylia nằm trong phạm vi 200 hải lý của đảo Java thuộc Inđônêxia, cách lục địa Ôxtrâylia mấy trăm hải lý nhưng không thể vì ở gần Inđônêxia mà thuộc về Inđônêxia.
Một ví dụ khác với cả Philippin, rất nhiều đảo đơn lẻ trong quần đảo Sulu của Philippin cách đảo Kalimantan (đảo duy nhất trên thế giới thuộc về ba quốc gia là Inđônêxia, Malaixia và Brunây) chỉ 3-5 hải lý, cách xa đảo chính của Philippin đến mấy chục lần như vậy nhưng tại sao không vì ở gần mà thuộc về cả ba nước nói trên? Lại còn đảo thuộc eo biển Bashi ở phía Bắc Philippin, vì sao không ở gần Đài Loan Trung Quốc mà thuộc về Đài Loan? Như vậy, yếu tố “ở gần” không phải là lý do.
Thứ ba, quần đảo Nam Sa từ xưa đến nay không phải là “đất vô chủ”, điều này đã được quốc tế công nhận rộng rãi. Trong cuốn “Quần đảo Nam Sa: Tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa”, học giả Ôxtrâylia là Bob Catley và Makmur Keliat viết: “Theo luật quốc tế, một mảng lãnh thổ nếu là đất vô chủ sẽ hoàn toàn không phải, ngay từ trước khi Philippin chiếm cứ một số đảo và bãi đá ở quần đảo Nam Sa, Trung Quốc đại lục, Đài Loan Trung Quốc và Việt Nam đã tranh luận mãi về chủ quyền ở quần đảo này. Hơn nữa từ năm 1956 Đài Loan đã đóng quân trên hòn đảo lớn nhất. Điều này có nghĩa đất vô chủ mà Philippin vẫn nói là đi ngược lại nguyên tắc đã được mọi người chấp nhận rộng rãi từ ban đầu, đất vô chủ nghĩa là lãnh thổ không có người ở, hoặc không bị nước khác chiếm lĩnh một cách hữu hiệu. Cách nói chiếm lĩnh hữu hiệu ở đây, cũng như đã được chấp nhận nói chung, không nhất thiết phải chiếm lĩnh toàn bộ lãnh thổ, mà chỉ cần thực hiện kiểm soát hữu hiệu phần trung tâm là được”. Còn như gọi là “vì đã bỏ nên không còn hiệu lực” lại càng không có cơ sở. Theo quy định của luật quốc tế, một phần lãnh thổ chỉ khi nào thực sự bị bỏ, nước khác mới có thể lấy bằng phương pháp chiếm lĩnh. Chỉ cần nước đó còn khả năng chiếm hữu lại, hơn nữa lại đang nỗ lực chiếm hữu trở lại thì lãnh thổ đó sẽ không bị coi là đã bỏ. Sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, Chính phủ Trung Quốc lúc đó đã lập tức đưa hải quân trú đóng ở đảo chính là đảo Thái Bình. Trong thời gian đó tuy Đài Loan có tạm thời buông lỏng việc trú đóng vào năm 1950 nhưng đến năm 1956 lại khôi phục đóng quân cho đến ngày nay. Tình hình như vậy không thể cho là “bỏ đi”. Mặc dù Philippin đã đưa quân vào chiếm lĩnh một số đảo và bãi đá trong quần đảo Nam Sa gần Philippin vào các năm 1968, 1971 nhưng Chính phủ Trung Quốc vẫn luôn phản đối hành động xâm chiếm này, hơn nữa vẫn nhấn mạnh quần đảo Nam Sa là một phần lãnh thổ của Trung Quốc chứ tuyệt nhiên không có biểu hiện bỏ đi.
Vì sao Philippin biết rõ vô lý nhưng vẫn không muốn từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với “Quần đảo Kalayann”? Nguyên nhân ở đây là thèm muốn tài nguyên thiên nhiên phong phú ở quần đảo. Ayleen, chuyên gia về vấn đề Trung Quốc thuộc Đại học Philippin đã nói một cách dứt khoát: “Đảo Kalayann trong quần đảo Trường Sa có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Philippin, lý do như sau: Giá trị kinh tế của bản thân đảo tuy không lớn nhưng xung quanh đảo từ trước đến nay là khu vực có nguồn cá phong phú. Khu vực này cũng được cho là có nhiều dầu mỏ, khí đốt thiên nhiên và nguồn khoáng chất”. “Quần đảo Kalayann” ngày càng được coi là nguồn của cải kinh tế quan trọng mà Philippin có thể khai thác sử dụng. Cung cấp năng lượng luôn là vấn đề nghiêm trọng mà Chính phủ Philippin phải đối mặt, mặc dù đã có một số nỗ lực phát triển nguồn năng lượng trong nước, nhưng 95% lượng dầu mỏ cần thiết vẫn phải dựa vào nhập khẩu, vì thế Manila hy vọng thông qua phát triển dầu khí ở “quần đảo Kalayann” để có thể giúp Philippin tự túc về dầu mỏ. Chính phủ Philippin luôn coi việc thăm dò vùng biển gần Palawan cạnh “quần đảo Kalayann” là mục tiêu chủ yếu. Họ tin rằng kết cấu địa chất ở vùng biển gần Palawan tương tự kết cấu mỏ dầu Bắc Hải chủ yếu ở châu Âu, hy vọng khai thác 100 triệu thùng dầu thô ở khu vực này, đồng thời cũng liên tưởng đến thực tế “quần đảo Kalayann” có thể có nguồn dầu mỏ phong phú. Ngoài ra, Philippin là một quốc gia quần đảo, chiếm cứ “quần đảo Kalayann” cũng rất quan trọng đối với việc Philippin mở rộng lãnh thổ. Philippin thông qua đề xuất một phần nguyên tắc về tuyên bố và sử dụng đối với quần đảo Nam Sa là có thể có được thêm vùng lãnh thổ 260.850 Km vuông, việc này cũng sẽ đem lại thêm khu đặc quyền nghề cá cho các tàu đánh cá, từ đó gia tăng mạnh mẽ nguồn lực nghề cá của Philippin.
Vì sao Philippin chọn thời điểm hiện nay để phản đối?
Chính phủ Trung Quốc gửi bản đồ về “đường đứt quãng 9 đoạn” lên Liên hợp quốc ngày 7/5/2009, ngay hôm sau Việt Nam và Malaixia đã gửi đơn kháng nghị, Inđônêxia tuy chưa tuyên bố về các đảo ở Nam Sa nhưng một năm sau cũng lên tiếng phản kháng. Còn Philippin tại sao mãi hai năm sau mới lên tiếng phản đối như vậy?
- Nhằm thăm dò dầu mỏ vùng biển thuộc bãi Lễ Nhạc ở quần đảo Nam Sa.
Ngày 5/3 Đội cảnh vệ bờ biển Philippin tuyên bố tàu thăm dò dầu mỏ của họ đã bị hai tàu tuần tra của Trung Quốc gây khó khăn ở bãi Lễ Nhạc thuộc quần đảo Nam Sa. Từ đó họ đã đưa tàu cứu viện và tàu cứu hộ của Đội cảnh vệ bờ biển đến bãi Lễ Nhạc để bảo vệ tàu thăm dò, đồng thời Philippin thông qua Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối Trung Quốc theo đường ngoại giao. Ngày 24/3 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi bình luận về việc Philippin thăm dò dầu mỏ ở Nam Hải đã nói: “Trung Quốc có chủ quyền không thể nghi ngờ đối với quần đảo Nam Sa và vùng nước phụ cận của quần đảo”. Người phát ngôn cũng đồng thời tuyên bố: “Bất cứ hoạt động thăm dò dầu khí của nước nào hoặc công ty nào ở vùng nước do Trung Quốc quản lý, nếu không được Chính phủ Trung Quốc cho phép sẽ là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, cũng là hoạt động phi pháp và không có hiệu lực”. Vì thế, Philippin đã kiện Trung Quốc lên Liên hợp quốc. Ở đây, họ có tâm lý gặp may, cho rằng nếu Liên hợp quốc ủng hộ yêu cầu này thì sẽ có thể đảm bảo cho họ khai thác tài nguyên ở các đảo, bãi thuộc Nam Sa mà họ đã chiếm.
- Dựa vào đó để mở rộng đầu tư quân sự, bảo vệ cái gọi là “quyền quản lý” các đảo, bãi ở Nam Sa.
Mặt khác, ngày 15/4 Người phát ngôn quân đội Philippin Jose Mabanta tuyên bố hải quân Philippin sẽ điều tàu tuần tra “Hamilton” mới mua của Mỹ hồi gần đây ra tuần tra ở vùng biển phụ cận quần đảo Nam Sa. Hiện nay, sĩ quan binh lính hải quân Philippin phụ trách vận hành tàu tuần tra nói trên đang được huấn luyện tại Mỹ, dự tính sẽ chính thức lên tàu thao tác vào tháng 6 tới đây.
Được biết, tàu tuần tra nói trên sẽ trang bị hệ thống vũ khí tầm ngắn, được hải quân Mỹ mệnh danh là “Pháo hạm chịu đựng cao”. Trên pháo hạm trang bị pháo tầm trung, cỡ nhỏ và hệ thống chỉ huy, tên lửa điều khiển tiên tiến mà tàu hải quân Mỹ hiện đang sử dụng, có thể thực hiện “nối chặt” với hải quân Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho hải quân Mỹ thu thập các tư liệu về tài nguyên và hải dương ở Nam Hải.
- Đẩy mạnh tiến trình hiện đại hoá quân đội Philippin dưới danh nghĩa phòng vệ đảo, bãi Nam Sa
- Lấy lý do an ninh và chủ quyền quốc gia bị đe doạ mưu tìm sự ủng hộ của Mỹ và Nhật Bản
Trong khi Philippin gửi bản kháng nghị lên Liên hợp quốc, cũng là lúc Nam Hải tiếp tục nổi sóng, Tổng thống Aquino ngày 9/4 ám chỉ cho thấy Philippin sẽ thỉnh cầu sự ủng hộ của Mỹ và Nhật Bản khi an ninh và chủ quyền của họ bị đe doạ. Phát biểu tại lễ tôn vinh Ngày trung dũng tổ chức tại tỉnh Bataan, Aquino nói: “Philippin chưa bao giờ có bạn vĩ đại hơn nước Mỹ và Nhật Bản”, rằng “tôi tin rằng hai nước bạn sẽ ủng hộ chúng ta khi an ninh và chủ quyền quốc gia bị đe doạ”.
Trước những thắc mắc, nghi ngờ về tuyên bố của Chính phủ Philippin về chủ quyền đối với Nam Hải của Trung Quốc, tại buổi họp báo thường kỳ vào ngày 14/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi ở quần đảo Nam Sa và vùng biển phụ cận của quần đảo này, đồng thời có chủ quyền và quyền quản lý đối với vùng biển cũng như đáy biển và đất dưới đáy biển liên quan; chủ quyền cũng như quyền lợi và quyền quản lý liên quan của Trung Quốc ở Nam Hải là có đầy đủ căn cứ lịch sử và pháp lý, về nội dung mà Philippin trình bày trong Công hàm số 000228, Chính phủ Trung Quốc không thể chấp nhận. Ngày 15/4, phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn Bác Ngao châu Á, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nói: “Trung Quốc sẽ tiếp tục cố gắng thông qua đàm phán hữu nghị và giải quyết hoà bình tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải và quyền lợi biển với nước láng giềng, phát huy vai trò mang tính xây dựng trong những điểm nóng khu vực, tích cực tham gia đối thoại và hợp tác an ninh khu vực bằng nhiều hình thức, nỗ lực bảo vệ môi trường khu vực có lợi cho hoà bình và phát triển ở châu Á”.
Nội dung phát biểu của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tuy không nêu đích danh vấn đề tranh chấp Nam Sa, nhưng tranh chấp ở Nam Sa rõ ràng đã bao hàm trong đó. Ngày 16/4, phía Philippin lên tiếng cho biết ủng hộ phát biểu của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Phó phát ngôn viên của Tổng thống Philippin Wadi khi trả lời phỏng vấn của đài phát thanh cho biết phát biểu của Hồ Cẩm Đào là thống nhất với lập trường của Philippin về việc giải quyết hoà bình tranh chấp khu vực. Bà Wadi nói, Philippin đồng ý quần đảo Nam Sa cần phải giải quyết hoà bình, tất cả mọi quốc gia liên quan đến tranh chấp, dù với bất cứ lý do gì, đều phải giải quyết thông qua phương thức hoà bình. Đây là lần đầu tiên sau khi Philippin gửi kháng nghị lên Liên hợp quốc dẫn đến tranh cãi, nước này có phản ứng tích cực đối với đề nghị của Trung Quốc./.
PHILIPPINES - TRUNG QUỐC - BIỂN ĐÔNG: Tổng thống Philippines sẽ thảo luận về Biển Đông với bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc (RFI)-Trong khuôn khổ chuyến công du Philippines, ngày mai 22/05/2011, bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt sẽ đến chào xã giao tổng thống Benigno Aquino. Hôm nay, tổng thống Philippines cho biết là ông sẽ nêu lên vấn đề tranh chấp chủ quyền tại vùng Trường Sa với vị khách Trung Quốc.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino, Manila, 20/05/2011 (Reuters)
Việt Nam gửi công hàm về Biển Đông lên LHQ
Sau Philippines, Trung Quốc, Việt Nam cũng vừa gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc khẳng định chủ quyền của mình ở Trường Sa và Hoàng Sa.
Tuy nhiên, công hàm của Việt Nam gửi sau Philippines chừng một tháng.
Ngày 05/04, Phái đoàn Thường trực của Philippines tại LHQ gửi note verbale để phản đối yêu sách đường chín đoạn chiếm gần 80% Biển Đông của Bắc Kinh.
Ngay lập tức, Trung Quốc lên tiếng phản bác thư ngoại giao của Philippines thông qua phát ngôn của Bộ Ngoại giao.
Một tuần sau đó, ngày 14/04, Phái đoàn Thường trực của Trung Quốc gửi công văn chính thức lên Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói chính Philippines từ những năm 1970 đã "bắt đầu xâm lược" quần đảo Nam Sa (Trường Sa) mà Trung Quốc "nắm chủ quyền không thể chối cãi".
Thông tấn xã Việt Nam nói vì hai công hàm của Philippines và Trung Quốc đều đề cập đến vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, nên Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc cũng đã gửi công hàm đến ông Ban Ki-moon để "khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam".
Công hàm cũng nhấn mạnh rằng "Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo đó".
Hiện Philippines, Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam đang tham gia tranh chấp lãnh thổ tại Trường Sa.
Asean bàn về Biển Đông
Bắc Kinh vẫn kiên quyết yêu sách đường chữ U chiếm phần lớn Biển Đông, đã được nước này chuyển cho LHQ năm 2009.
Yêu sách này trước đã bị các nước Việt Nam, Malaysia và Indonesia phản đối.
Trong hội nghị cấp cao các nước Đông Nam Á lần thứ 18 vừa họp cuối tuần rồi tại Jakarta, Indonesia, lãnh đạo các nước Asean đã thảo luận chủ đề Biển Đông, coi đây là một trong các yếu tố có nguy cơ gây mất ổn định trong khu vực.
Asean nhấn mạnh nhu cầu cần có bước đột phá trong chủ đề Biển Đông và phải khuyến khích việc thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về Cách Ứng xử của các quốc gia liên quan tại Biển Đông (DOC).
Được biết một nhóm làm việc của Asean hiện đang soạn thảo bản hướng dẫn thực hiện DOC nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng giải pháp ngoại giao.
Khối Đông Nam Á vẫn còn mâu thuẫn với Trung Quốc quanh việc thực hiện DOC cho dù đã ký với nhau Tuyên bố này vào năm 2002.
Asean hy vọng sẽ có bước tiến mới nhân dịp kỷ niệm 10 năm DOC và 20 năm quan hệ Asean-Trung Quốc.
Theo sáng kiến của đương kim chủ tịch Asean là Indonesia, khối Đông Nam Á thống nhất xem xét thành lập Viện Asean vì Hòa bình và Hòa giải, nhằm đi đến cơ chế giải quyết các bất đồng và tranh chấp trong khu vực, như vấn đề Biển Đông và tranh chấp biên giới Campuchia-Thái Lan.
Tuy nhiên, từ trước tới nay Asean bị cho là chưa có hiệu quả khi mang các nghị quyết của mình vào áp dụng trong thực tế.