Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Quay lại Mường Nhé

-Quay lại Mường Nhé

Lữ Giang

-Trong khi chính phủ Obama cố gắng tung ra nhiều thông tin ảo liên quan đến cái chết của Osama bin Laden, quan trọng hóa cái chết này để yểm trợ cho cuộc bầu cử sắp đến, những tin tức về biến cố xẩy ra ở Mường Nhé cũng đến dồn dập. Tuy nhiên, cho đến nay, mặc dầu Phó Thủ Tướng Trương Vĩnh Trọng khẳng định "tình hình tại đây đã yên ổn", vẫn chưa ai có thể xác định được chuyện gì đã xẩy ra ở đó. Vậy chúng ta thử đi thăm Mường Nhé để biết chuyện gì đã thực sự xẩy ra và xem có thể rút được bài học kinh nghiệm nào cho các cuộc đấu tranh hay không.
 
ĐI THĂM MƯỜNG NHÉ

Năm 2003, nhà cầm quyền CSVN đã tách tỉnh Lai Châu thành hai tỉnh là tỉnh Lai Châu và tỉnh Điện Biên. Qua trận đánh tại Điện Biên Phủ giữa Pháp và Việt Minh năm 1954, hầu hết người Việt đều biết đến địa danh Điện Biên Phủ. Từ Điện Biên Phủ đến Hà Nội là 474 km.
Điện Biên là một tỉnh nằm ở vùng tây bắc miền Bắc Việt Nam, phía bắc giáp tỉnh Vân Nam của Tàu, phía Tây giáp tỉnh Phongsali của Lào, phía đông giáp tỉnh Lai Châu và phía nam giáp tỉnh Sơn La của Việt Nam,
Tỉnh Điện Biên có một thành phố là Điện Biên Phủ và 7 huyện là Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Mường Chà, Mường Nhé, Tủa Chùa và Tuần Giáo. Tổng dân số tỉnh Điện Biên là 491.046 người, chủ yếu là người Thái (38%), tiếp đó là Hmong (30%) rồi đến người Kinh (20%).
Mường Nhé là một huyện miền núi, nằm ở ngã ba biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc – Lào, phía tây bắc giáp tỉnh Vân Nam của Trung Quốc và phía tây và tây nam giáp Lào, có diện tích 249.950,43 ha, cách tỉnh lỵ Điện Biên khoảng 200 km. Mường Nhé hiện nay có khoảng 54.000 dân thuộc 11 sắc tộc cùng chung sống trong 16 xã gồm 149 bản. Đây là một huyện nghèo, GDP bình quân dầu người được ước tính chỉ khoảng từ 200 – 300 USD/người/năm. Lúc đầu, tại Mường Nhé chỉ có bản Nậm Là là nơi sinh sống của sắc tộc Hmong, nay số người Hmong đã tăng lên bằng nữa dân số của Mường Nhé, tức khoảng 22.000 người, do những người Hmong từ nơi khác di dân đến. Người ta tính trung bình, mỗi năm số dân huyện Mường Nhé đã tăng thêm 4.600 người. Tại sao?
Vào đầu những năm 1980, rừng Mường Nhé với diện tích được khoanh để bảo vệ là hơn 310.000ha, trong đó có khoảng 250 con voi, 300 con bò tót, còn nai, hoẵng, sơn dương, cầy cáo thì rất nhiều. Đến năm 2009 chỉ còn 45.000 ha. Rừng bị tàn phá do những người di dân tự do từ khắp nơi đến, họ chiếm hết những cánh rừng giàu có nhất và "cố thủ" ở đó. Họ chống đối quyết liệt việc cưởng bức hồi hương và thành lập thêm những bản làng mới rồi định cư luôn ở đó, vì thấy rằng việc phá rừng giúp họ có một cuộc sống sung túc hơn ở quê cũ.
Nếu đọc thêm loạt bài phóng sự “Choáng váng với rừng ở Mường Nhé” của phóng viên Đỗ Doãn Hoàng đăng trên báo Lao Động vào tháng 11/2009, khi chưa có chuyện gì xẩy ra, chúng ta thấy kiếm ăn bằng phá rừng hấp dẫn mọi người như thế nào.
Muốn biết chuyện gì đã xẩy ra ở huyện Mường Nhé trong thời gian vừa qua là điều rất khó, vì huyện này nằm ở nơi khỉ ho cò gáy, đường sá hiểm trở, chính quyền lại cắt đứt nhiều phương tiện thông tin, từ chối trả lời phỏng vấn hay đưa ra những thông tin mập mờ. Ngoài ra, các tổ chức đối kháng cũng đã pha lẫn những thông tin thực mà họ nhận được với những thông tin ảo để làm cho biến cố càng trở nên trầm trọng các tốt, nên đi tìm sự thật là cả một vấn đề. Tuy nhiên, trước hết cũng cần nghe chính quyền nói gì.
 
NGHE NHÀ CẦM QUYỀN NÓI
Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 5.5.2011 đã đưa ra một bản tin như sau: Ông Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch kiêm Chánh Văn phòng UBND tỉnh Điện Biên, cho biết ở trong nước gần đây, trong một bộ phận người H’Mông, chủ yếu là ở Mường Nhé, có thông tin lan truyền rằng những ngày đầu tháng 5, tại Mường Nhé sẽ xuất hiện một "Thế lực siêu nhiên." "Thế lực" này sẽ mang bà con về "một miền đất hứa," ở đó mọi người sẽ được ban sức khỏe, hạnh phúc, sự giàu sang và phú quý...
Lợi dụng tình hình đó, một số phần tử xấu đã kích động, vận động đòi thành lập “vương quốc” riêng của người H’Mông, gây mất trật tự, an ninh, an toàn ở địa phương.
Theo ông Lê Thành Đô, trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã cử cán bộ xuống vận động, thuyết phục bà con không nên tin vào những thông tin bịa đặt lừa bịp, cùng các luận điệu sai trái đối với chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước ta do các phần tử xấu tung ra, sớm trở về nhà để tiếp tục công việc sản xuất, kinh doanh, sống bình yên như trước đây. Hiện nay một số bà con đã trở về nhà.
Còn báo Công An Nhân Dân nói rằng từ đầu năm 2010, tại địa bàn một số bản thuộc các xã: Nà Bủng, Nà Khoa, Na Cô Sa và Nậm Kè thuộc huyện Mường Nhé (Điện Biên) rộ lên những thông tin về sự xuất hiện của một thế lực siêu nhiên làm người dân hoang mang. Ở một số bản, nhiều gia đình đã bỏ bê sản xuất, tích góp lương thực, tụ tập để chờ được đón lên giời?! Cấp ủy, chính quyền và lực lượng Công an đã vào cuộc để đấu tranh chống lại những luận điệu của kẻ xấu và niềm tin đã trở về.
 
TIẾNG NÓI TỪ PHÍA ĐỐI KHÁNG
Trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC ngày 7.5.2011, bà Laura Lo Xiong, Giám đốc điều hành của Tổ chức Hmong International Human Rights Watch đặt trụ sở ở Mỹ, đã cho biết những điểm chính về cuộc tranh đấu của người Hmong ở Mường Nhé như sau:
Nguyên nhân dẫn đến phong trào hiện tại là hệ quả của việc người ta giải thể Năm mới của người Hmong. Dựa trên những thông tin chúng tôi nhận được, khi người Hmong tổ chức mừng năm mới của họ, có nhiều người Việt Nam đến làng mạc của người Hmong và tịch thu gia súc, gạo, cùng các loại ngũ cốc từ tài sản của họ. Người Hmong khiếu nại việc này với chính quyền Việt Nam, nhưng được cho biết rằng họ nên ăn mừng năm mới với người Việt Nam.
Do tất cả những vấn đề này, người Hmong đã quyết định thống nhất lại và tìm nơi riêng của họ để trồng trọt, nơi mà không ai có thể đến để lấy tài sản của họ, theo các nguồn cho biết. Khi ý tưởng này đến, vị tiên tri đã xuất hiện. Dựa trên những thông tin mà chúng tôi nhận được, tất cả câu chuyện đều phù hợp, có một người đàn ông Hmong tuyên bố là con trai của Thiên Chúa, Đấng đã được gửi đi để cứu rỗi những người Hmong. Ông nói có một nơi (là quê hương) mà thượng đế đã dành riêng cho những người Hmong. Ông tiếp tục rao giảng rằng để giành được đất, họ phải chiến đấu chống lại Chính phủ Việt Nam trước khi tới được đích đó.
Khi được hỏi chính phủ tại Việt Nam đổ lỗi sự việc cho một số người Hmong lưu vong vốn ủng hộ Tướng Vàng Pao, và rằng niềm tin có tính “mê tín dị đoan” là một nguyên nhân làm khuấy trộn lên những gì mà họ gọi là "rắc rối", bà nghĩ gì, bà Laura Xiong đã trả lời:
“Tôi sẽ không đổ lỗi tất cả cho những người Hmong ở Mỹ. Có thể có một số cá nhân đồng ý hỗ trợ cho phong trào, nhưng họ chẳng có thể làm được gì cả.”
Được hỏi có phải chính đức tin mới (Kitô giáo) đóng một vai trò trong việc thống nhất các sắc dân Hmong tại Lào, Việt Nam, và có thể là tại Tây Nam Trung Quốc, bà Laura Xiong nói:
“Không, tôi không tin như vậy. Kitô giáo có thể là một phần của niềm tin, nhưng nó chắc chắn không đóng một vai trò nào trong việc thống nhất người dân Hmong ở bất kỳ nước nào. Người Hmong có niềm tin khác nhau, như Thiên Chúa giáo, Saman giáo (truyền thống tín ngưỡng), và triết học (như là cộng sản hay tư bản chủ nghĩa phương Tây). Tôi không tin rằng một vài người, chẳng hạn như những người trong phong trào ở Điện Biên sẽ đại diện cho những người mong nói chung.”
Những điều bà Laura Lo Xiong tiết lộ cũng có một số điểm gióng với tuyên bố của chính quyền.
Trong bài dưới đầu đề “Biểu tình đòi tự do tôn giáo ở Điện Biên - 39 người bị giết” được đài RFA phổ biến ngày 7.5.2011, ký giả Gia Minh đã phỏng vấn ông Philip Smith, giám đốc điều hành của Trung Tâm Phân Tích Chính Sách Công tại thủ đô Washington, về những thông tin mới nhất về vụ biểu tình của người Hmong tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ông Philip Smith cho biết như sau:
“Theo những nguồn tin của chúng tôi tính đến hôm nay có 39 người được xác định đã thiệt mạng, một người khác bị thương nặng”.
Theo ông sở dĩ có cuộc biểu tình lớn của người Hmong tại Mường Nhé là vì có “quá nhiều bất bình dồn nén lại vì ở Việt Nam trong quá trình phát triển những nơi khác tại Việt Nam nhận được tăng trưởng, sung túc đáng kể; nhưng tình hình này lại không có được ở tỉnh Điện Biên". Ông cũng nói đến việc phá rừng bất hợp pháp phá vỡ môi trường, làm hại đất đai của người dân. Ông nhấn mạnh: “Người Hmông đầu tiên tập trung chỉ vì những quan tâm về chuyện đất đai, tình hình cải cách, tự do tôn giáo, nay trở thành một cuộc khủng hoảng quốc tế...”
Chúng tôi có cảm tưởng như ông Philip Smith chỉ đọc lại những đoạn trong “Quốc Văn Giáo Khoa Thư Chống Cộng” mà người Việt chống cộng thường đọc hàng ngày. Ông không phải là người theo sát tin tức, phân tích và đưa ra nhận định.
Trước tiên, cũng phải nhìn qua sắc tộc Hmong tại Việt Nam, ảnh hưởng của các nhà truyền giáo Tin Lành đối với họ, sau đó mới thấy được những gì đã xẩy ra tại Mường Nhé.
 
VÀI NÉT VỀ NGƯỜI HMONG VIỆT NAM
Người Hmong có một nền văn hóa khoảng 4.000 năm như người Việt, chủ yếu ở miền nam Trung Quốc, trong các tỉnh Quý Châu, Hồ Nam, Vân Nam, Tứ Xuyên, Quảng Tây và Hồ Bắc. Theo điều tra dân số năm 2000, số lượng người Hmong ở Trung Quốc khoảng 9,6 triệu. Trong quá trình lịch sử, họ đã tràn xuống Thái Lan, Lào, Việt Nam và Miến Điện. Ngày nay họ đã có mặt tại Hoa Kỳ, Guyana thuộc Pháp, Pháp và Úc do kết quả của các cuộc di cư sau năm 1975.
Người Hmong đã đến Việt Nam qua nhiều đợt, và hiện đang sinh sống tại các tỉnh phía Bắc như Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An và một số đã di dân vào các vùng miền Trung Việt Nam như Đắc Lắc, Đắc Nông.
Tài liệu thống kê của miền Bắc cho biết năm 1960 số người Hmong ở Việt Nam là có 105.521 người, đến năm 1974 lên 348.722 người và năm 2009 là là 787.604 người. Họ sống chủ yếu bằng nghề khai thác ruộng rẩy và phá rừng, mức sống và văn hóa còn rất thấp.
Trong bài “Người H’Mông ở Việt Nam – Họ là ai?” được phổ biến trên đài RFA ngày 10.5.2011, ký giả Việt Hà đã nhắc lại những thiên phóng sự của ký giả Đỗ Doãn Hoàng, một cây viết đã nhiều năm lăn lộn trên núi rừng Tây Bắc, đăng trên báo Lao Động năm 2009, mô tả lại cảnh phá rừng của người Hmong ở Mường Nhé. Sau đây là một đoạn được đài RFA ghi lại:
“Trước thảm trạng hơn 20 năm qua, 310.000 ha rừng đặc dụng Mường Nhé chưa bao giờ được cắm mốc xác định ranh giới, thậm chí đến khi rừng bị phá, cơ quan chức năng ngơ ngác  hỏi nhau: Ai sẽ chịu trách nhiệm nhỉ? Rừng bị tàn sát đến choáng váng kia không còn làm ai ngạc nhiên nữa. Đến nay, diện tích chính thức được bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé chỉ còn có 45.000 ha.”
Nhưng người Hmong ở Mường Nhé đã biểu tình chống đối và bị đàn áp không phải do phá rừng mà vì lý do tôn giáo.
 
ĐẠO TIN LÀNH TẠI VIỆT NAM
Cũng trong bài “Người H’Mông ở Việt Nam – Họ là ai?” nói trên, Việt Hà cho biết các số liệu thống kê của các tổ chức phi chính phủ quốc tế gần đây cho thấy hiện có khoảng 300.000 người H’Mông sống ở vùng núi phía Bắc theo đạo Tin Lành.
Việt Hà cũng cho biết những người H’Mông theo đạo tin lành ở phía Bắc cũng chịu sự đàn áp về tôn giáo từ chính quyền. Các tổ chức về tôn giáo và phi chính phủ như Trung tâm tự do tôn giáo có trụ sở tại Mỹ đã từng lên tiếng phản đối chính phủ Việt Nam trong việc đàn áp người H’Mông theo đạo Tin Lành, bắt họ phải từ bỏ niềm tin của mình. Tổ chức Helping Suffering Churches, một tổ chức phi chính phủ cho biết vào năm 2002, có rất nhiều người H’Mông theo đạo Thiên chúa tại các tỉnh lai Châu, và Lào Cai đã bị đánh đập, bắt bớ và bắt phải bỏ đạo của mình.
Như chúng ta đã biết, đạo Tin Lành được Liên Hiệp Phúc Âm Truyền Giáo (The Christian and Missionary Alliance - CMA) truyền vào Việt Nam vào năm 1915. Liên Hiệp này hiện có trụ sở tại Colorado Hoa Kỳ. Cơ qua an ninh CSVN thường coi CMA là CIA nên trên bản đồ hoạt động, Liên Hiệp này không ghi Việt Nam nữa mà chuyển qua Lào, Kampuchia, Thái Lan và Miến Điện.
Hiện nay, tại Việt Nam Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (The Evangelical Church of Vietnam) là Hội Thánh được nhà cầm quyền Việt Nam công nhận đầu tiên, được chia làm hai nhánh, một nhánh ở miền Nam và một nhánh ở miền Bắc. Tài liệu cho biết Hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam có khoảng 115 mục sư và 350.000 tín hữu. Còn Hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc chỉ có 10.000 tín hữu. Năm 2006, nhà cầm quyền công nhận thêm Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm với khoảng 22.000 tín hữu, 3 mục sư và 21 truyền đạo, và Hội Thánh Báp Tít Ân Điển. 
Ngoài ba hội thánh nói trên còn Hội Thánh Cơ Đốc Liên Hữu có 45.000 tín hữu, Hội Thánh Cơ Đốc Truyền Giáo Việt Nam có 15.000 tín hữu. Các tín hữu Tin Lành còn lại thuộc về hàng chục các Hội Thánh (nhóm) Tin Lành khác, rất khó biết được. Vậy 300.000 người Hmong được nói là theo Tin Lành thuộc hệ thống nào?
 
ĐẠO VÀNG CHỨ
Bản tin của BBC ngày 10.5.2011 cho biết Mục sư Nguyễn Hữu Mạc, Hội Trưởng Hội Thánh Tin Lành Miền Bắc, nói với BBC rằng các tín đồ Hmong tham gia vụ bất ổn không có liên quan tới Hội thánh Tin Lành đã chính thức được Nhà nước công nhận, mà đa phần là theo đạo Vàng Chứ, một phiên bản của Tin Lành.
Đạo Vàng Chứ là đạo nào?
Website vi.wikipedia.org cho biết Vàng Pao có sáng lập đạo Vàng Chứ nhằm mục đích chống cộng trên cơ sở đạo Tin Lành. Vàng Pao là một thủ lãnh của người Hmong chống cộng ở Lào trong chiến tranh Việt Nam với sự trang bị, hổ trợ và điều động của CIA.
Sau khi vụ Hmong ở Mường Nhé được nói là đã giải quyết xong, các báo trong nước thi nhau đăng các bài nói về Đạo Vàng Chứ, đặc biệt là loạt bài ““Đạo Vàng Chứ” và những hệ lụy buồn” của Lù Pò Khương. Tác giả cho biết năm 2010, trên địa bàn biên giới của tỉnh Điện Biên có 24 xã với 255 hộ/1.412 khẩu, chủ yếu là dân tộc Mông di cư từ các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu... đến. Hiện nay đã có 16 xã có “đạo Vàng Chứ” và có tới 17.793 người theo đạo này.
Tác giả đã đưa ra 3 tài liệu mà người Hmong gọi là “Kinh thánh” của “đạo Vàng Chứ”: Quyển 1 là “Những lời nói của Vàng Chứ để cứu người” dày 1.470 trang. Quyển 2 là “Nghe bài hát của chúa Giê-su” dày 164 trang. Và quyển thứ 3 là “Những người lắng nghe chúa Giê-su hát thánh ca”. Quyển “Những bài hát của chúa Giê- su” có ghi nguồn gốc từ La Mirada, CA. 90637, được in ở Hàn Quốc từ năm 1996. La Mirada là một thành phố ở gần Orange County, nam Cali.
Bản chụp một cuốn “Kinh thánh” cho thấy được in bằng mẫu tự Latin như tiếng Việt và in rất đẹp. Theo tác giả, đó là tiếng Hmong được phiên âm bằng mẫu tự Latin, rất ít người Hmong đọc được. Tác giả đã trích một đoạn trong sách được một người theo đạo Vàng Chứ dịch ra như sau:
“Vàng Chứ là ngôi sao trên trời. Mặt trời, mặt trăng cho Vàng Chứ thức ăn. Chúa Giê su trên cao tất cả... Cả thế giới là của chúa Giê su. Chúa Giê su đi khắp nơi để chia sẻ với những nỗi khổ của người dân nghèo. Mọi lỗi lầm, sai trái sẽ được chúa Giê su bỏ qua. Rồi chúa Giê su lại đi cùng biển, cùng trời, cùng đất. Đến hẹn chúa Giê su lại về. Chúa gặp linh hồn của mọi người trên trời cao. Chúa Giê su sẽ cho mọi người có được ba bữa cơm gạo...”.
Bản tin của đài BBC ngày 5.5.2011 cho biết Bộ Ngoại Giao Việt Nam, trong thông cáo mới ra trích lời ông Lê Thành Đô, Chánh Văn phòng tỉnh Điện Biên, nói người Hmong tụ tập từ đầu tháng trong điều kiện thiếu vệ sinh vì tin rằng một thế lực siêu nhiên sẽ tới mang họ đến Miền Đất Hứa.
Thông cáo viết: "Một số người đã kêu gọi thành lập vương quốc riêng của người Hmong, gây bất ổn, bất an ninh và thiếu an toàn".
Dĩ nhiên, nhà cầm quyền đã dẹp cuộc biểu tình này không khó khăn lắm. Khác với các nhà độc tài ở Trung Đông và Bắc Phi là mổi khi có biến loạn xẩy ra, cứ đem cảnh sát và quân đội ra đối phó ngay, công an CSVN đã cho cuộc biểu tình ở Mường Nhé kéo dài từ 30.4.2011 đến 9.5.2011, để điều tra xem ai là những thành phần chỉ huy và xách động, sau đó mở cuộc hành quân bắt các thành phần chỉ huy và xách động này, cuộc nổi dậy sẽ tan rã. Đây là một kinh nghiệm mà người Việt đấu tranh phải biết, nếu không sẽ “nướng quân” hết.
Điều cần ghi nhận ở đây là người Hmong ở hải ngoại tuy dân số rất ít và có văn hoá thấp hơn người Việt chống cộng nhiều, nhưng sau 36 năm họ vẫn còn có tổ chức lãnh đạo kháng chiến, có kế hoạch và chương trình hàng động, mặc dầu chưa biết kết quả sẽ đi tới đâu. Trong khi đó, người Việt chống cộng chỉ còn biểu tình và ra tuyên ngôn tuyên cáo để “biểu dương khí thế” rồi ngồi đợi chế độ cộng sản sụp đổ và tin “nó” sắp sụp đổ rồi!
 
Ngày 11.5.2011
Lữ Giang

Tổng số lượt xem trang