Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

Thần mất linh (Lê Phan)

Thần mất linh (Lê Phan)
-Hồi năm 1949, một số những cây bút lừng danh của Tây Phương đã từng theo đảng Cộng Sản cho xuất bản một tuyển tập sáu bài tiểu luận để nói lên sự thất vọng đã dẫn đến họ từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản. Cuốn sách đó có cái tên là “The God that Failed,” mà chúng tôi xin mạn phép dịch là “Thần mất linh.”
Chủ thuyết Cộng Sản, đối với các nhân vật này, gồm có Louis Fischer, André Gige, Arthur Koestler, Ignazio Silone, Stephen Spender và Richard Wright, đã thay thế tôn giáo và trở thành một “thượng đế” mới. Nhưng tiếc thay, “thần linh” mới đó đã không còn linh nghiệm nữa.
Sau đó mấy chục năm, hồi năm 1992, trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam của chính quyền Hà Nội, một chuyện rất ngắn, vỏn vẹn có đúng một trang khổ giấy của tờ báo, không hiểu vì vô ý hay cố tình, đã được đăng ngay trang thứ nhì. Chuyện đó nay hẳn đã nhiều người biết. Nhưng lúc mới ra đời, Linh Nghiệm, có lẽ cũng vì quá ngắn, đã bị kiểm duyệt bỏ quên chăng.

Khổ mỗi nỗi, giới trí thức vốn thích bàn, một vị đọc xong, thích thú, vội vã kêu gọi bạn bè đọc theo cho vui. Tin đồn cũng đến tai lãnh đạo. Lúc đó các ông “lãnh đạo văn nghệ” mới ngồi đọc lại, đọc xong hết hồn “Cái thằng này láo quá. Nó dám ‘chửi’ Bác Hồ!” Thế là báo bị tịch thu. Ông Hữu Thỉnh, lúc đó là tổng biên tập, thì viện cớ vắng mặt để chạy tội, nhưng nghe đâu cũng vẫn bị kỷ luật. Tác giả Trần Huy Quang bị treo bút ba năm. Dĩ nhiên nhà nước càng cấm thì chuyện càng được phổ biến. Hồi đó Internet chưa có bao nhiêu nhưng chuyền tay nhau, cả nước ai cũng đọc cả.
Mà càng đọc càng thấm thía, nhất là đoạn cuối:
Cái đám đông ấy cứ như dòng nước trong lòng sông, trôi đi chứ không cạn. Người đến trước thất vọng ra về trước, người đến sau thất vọng ra về sau. “Tìm cái này” là cái gì thì không ai biết, nhưng cứ hy vọng có chút no ấm mờ mờ phía trước cũng đã hấp dẫn lắm, để họ trở thành một dòng nước.
Trưa.
Rồi chiều.
Và... vẫn còn đám đông xúm xít giữa vườn hoa mùa Xuân.
Nhưng nó còn thấm thía hơn bởi nó cũng là câu chuyện của một “God that failed.”
Có điều những chuyện của Thần mất linh trong các chế độ cộng sản còn lại của thế giới ngày nay nó còn mỉa mai và chua chát hơn thế. Bởi một khi Thần mất linh thì không còn nền tảng đạo đức, luân lý nữa, không còn cái gì để kềm chế lòng tham, sự tàn nhẫn và dục vọng của con người khiến cho con người trong những chế độ trở thành những kẻ sống trong cái thế giới mà Hobbs hẳn sẽ bảo là “ngắn ngủi và tàn bạo.”
Và đó chính là lý do tại sao họ có thể nhẫn tâm làm giả mạo đủ thứ kể cả sữa bột cho trẻ sơ sinh, loại baby formula vốn đã làm cả trăm ngàn em nhỏ mang bệnh, một số chết, nhưng số còn lại có lẽ cũng tật nguyền hay kém sức khỏe suốt đời.
Ðiều còn khó hiểu hơn cho những người sống ngoài những xã hội đó là thái độ của họ đối với giả trá.
Mới đây một người bạn forward cho tôi một video clip của một đài truyền hình bên Nhật Bản về hột gà giả. Phóng viên của đài đã lặn lội tìm đến một nơi và tìm được một “ông thầy” chuyên dạy làm trứng giả. Ðiều ông cương quyết nói với phóng viên: “Ðây không phải là trứng giả. Ðây là trứng nhân tạo. Trứng do người làm ra. Nó không phải là trứng dỏm.” Khi nhà báo vặn hỏi thì ông ta có vẻ tức tối lắm bởi theo ông, điều ông làm là tiêu biểu cho sự khôn khéo của con người. Ông cả quyết: “Tôi không làm trứng dỏm. Tôi làm trứng nhân tạo.”
Chuyện đến vậy thì đành miễn bàn. Có điều không hiểu những người như “ông thầy” dạy làm trứng “nhân tạo chứ không phải trứng dỏm” đó có biết đến cái tâm trạng của một người bị xài phải cái sản phẩm của ông không.
Hôm nọ tôi đã phải trải qua cái kinh nghiệm ấm ức đó. Một người quen vừa ở trong nước sang chơi, đến ăn cơm và cũng lễ nghĩa mang đến cho một hộp chocolate của Ferrero Rocher. Khách đến, khách về, hộp chocolate được cất vào tủ. Một hôm có khách đến chơi bất thường. Sau bữa cơm, không còn bánh ngọt nên mới lấy hộp chocolate ra mời khách. Bao bì trong ngoài không khác gì cả. Nhưng khi mở ra, mời khách rồi mới lấy một viên. Ăn rồi mới thấy là lạ. Không phải là nó quá dở đến phải vứt đi. Nhưng nó không ngon bằng Ferrero Rocher được.
Khách về tôi hỏi người nhà xem phải cái hộp Ferrero Rocher này ăn nó làm sao ấy. Cả nhà ai cũng đồng ý.
Tức quá, hôm sau tôi đi mua một hộp khác ngoài siêu thị. Về mở ra so sánh thì quả là có khác ngay cả từ bao bì. Cái khác nó không nhiều nhưng nếu nhìn kỹ thì quả là có khác. Mở ra ăn thì mới thấy khác hẳn. Ðồ thiệt ngon thơm, đồ dỏm chỉ ăn tạm.
Bực mình tôi email than thở với một bạn đồng nghiệp cũ bây giờ đang làm việc ở Bắc Kinh. Lập tức nhận được email trả lời: “Hà. Bây giờ bạn mới thông cảm cho cái nỗi khổ của những kẻ sống ở cái xứ này. Không còn biết đâu là thật giả nữa. Ngay cả các siêu thị lớn, các tiệm sang cũng vẫn có thể có hàng giả. Nhưng chỉ một hộp chocolate thì đâu có tức gì cho lắm. Mới đây tôi còn bị một cú đau hơn nhiều. Hẳn bạn đã có kinh nghiệm, ở những quốc gia xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, các cửa hàng quốc doanh thường không bị hàng dỏm. Hôm nọ tôi đi mua một món nữ trang bằng ngọc cho bà xã. Sợ bị giả, tôi đến cửa hàng đá quý của nhà nước. Hí hửng mua một đồng điếu khá bự, nước ngọc thật đẹp. Tôi mang về Anh và đến một tiệm nữ trang quen của mẹ tôi nhờ làm thành một medallion. Ông thợ già sờ mó một hồi rồi rút ra đồ thử. Ông ta hỏi tôi: ‘Cậu mua ở đâu vậy?’ Khi nghe tôi kể, ông lắc đầu bảo: ‘Nó lừa cậu rồi. Ngọc này non lắm, không phải ngọc làm nữ trang. Mà họ nhuộm đấy.’!!! Bạn thấy không, đến cửa hàng đá quý của nhà nước cũng bán đồ dỏm.”
Bẵng đi vài tháng, ông bạn đồng nghiệp về thăm nhà. Cả một bữa nhậu ở cái pub gần nhà câu chuyện chỉ xoay quanh cái vấn đề này. Câu chuyện dần dà đến việc bức tượng Khổng Tử ở Thiên An Môn, mà chính quyền long trọng dựng lên mới hôm đầu năm, rồi chỉ bốn tháng sau lặng lẽ dỡ mang đi, viện cớ không ai tin nổi. Sau khi nói đùa: “Bạn có biết dân Bắc Kinh nói sao về bức tượng biến mất không? Họ bảo Thánh Khổng không có hộ khẩu thường trú Bắc Kinh nên bị đuổi về quê rồi.”
Nhưng rồi anh nghiêm mặt lắc đầu nói: “Tôi sợ cho họ và tôi sợ cho chúng ta. Sở dĩ chế độ tìm về Khổng Giáo là cũng muốn lập lại kỷ cương. Nhưng dựng lên rồi mới thấy cái đó cũng không được, bởi nó không đem lại cho họ được một ông thần linh nghiệm. Một chế độ của những kẻ không có căn bản đạo đức mà nếu bị lâm nguy thì sẽ vô cùng đáng sợ. Họ đã sẵn sàng chà đạp lên dân để bảo vệ chỗ ngồi. Họ cũng sẽ sẵn sàng chà đạp lên cả thế giới nếu thấy chỗ của họ bị lung lay!”
Hy vọng ông bạn chỉ quá bi quan.

Tổng số lượt xem trang