Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Đại tá Quách Hải Lượng: Phải vạch rõ cái phi nghĩa của TQ

-- Đại tá Quách Hải Lượng: Phải vạch rõ cái phi nghĩa của TQ(PLTP).
Là một chuyên gia nghiên cứu đã hàng chục năm về Trung Quốc, Đại tá Quách Hải Lượng, nguyên tùy viên quân sự Việt Nam tại Trung Quốc (ảnh), cho rằng sự cố cắt cáp tàu Bình Minh 02 vừa rồi là hành động tất yếu sẽ xảy ra.
Việc Việt Nam cần làm bây giờ là: Về đối ngoại, ngay lập tức vạch rõ tính phi chính nghĩa của Trung Quốc và nêu rõ tính chính nghĩa của ta, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế; về đối nội, lãnh đạo phải tin vào nhân dân.
Ông Quách Hải Lượng khẳng định: Không nên quá lo sợ và chỉ tập trung chú ý vào tiềm lực quân sự của Trung Quốc, mà nên cảnh giác với cả các lĩnh vực khác có sự tham gia rất mạnh mẽ của Trung Quốc như đầu tư, kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng… ở Việt Nam.
Đối phó với nhiều mũi
. Vì sao ông lại cho rằng việc Trung Quốc gây hấn với Việt Nam qua sự cố tàu Bình Minh 02 vừa rồi là tất yếu?
+ Để trả lời câu hỏi này, phải phân tích chiến lược toàn cầu của Trung Quốc. Đối với riêng vấn đề biển Đông, Trung Quốc có hai lợi ích: Một là muốn có một chỗ đứng chân chiến lược để phát triển vào Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương và nói chung là đi ra thế giới. Hai là thèm khát năng lượng. Hai yếu tố đó trở thành động cơ cho chiến lược chung của Trung Quốc, cả toàn cầu lẫn khu vực. Và Trung Quốc đã có nhiều hoạt động nhằm thực thi chiến lược ấy bao nhiêu năm qua.
Thứ nhất là họ tăng cường sức mạnh quân sự để đe dọa và giữ quyền khống chế, chủ động trên toàn bộ biển Đông.
Thứ hai, họ tham gia các dự án đầu tư lớn và các khối thị trường tự do để xâm nhập Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Họ xây dựng hạ tầng cơ sở, làm những con đường chiến lược xuyên Đông Dương, xuyên Á và liên Á, để có thể phát triển ra thế giới bằng đường bộ và đường sắt. Cộng thêm vào biện pháp kinh tế-đầu tư là chính sách di dân của Trung Quốc: Ở tất cả những nơi Trung Quốc đến làm ăn kinh tế, họ đều muốn người của mình ở lại.
Với riêng Việt Nam, thật ra vấn đề nổi cộm giữa ta và Trung Quốc là biển Đông nhưng để ép ta về vấn đề biển Đông thì Trung Quốc sử dụng nhiều mũi nhọn: kinh tế, đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở… Cho nên, việc Việt Nam xử sự với Trung Quốc là phải đối phó lại rất nhiều mũi nhọn chứ không phải chỉ riêng biển Đông.
. Trung Quốc đối xử với tất cả các nước đều như vậy hay với mỗi nước một khác?
+ Tôi cho rằng họ đối xử với mỗi nước mỗi khác, rất khác biệt nhau. Với Philippines thì họ hơi chờn, nhất là từ khi Philippines trở thành đồng minh của Mỹ. Với một số nước khác như Myanmar, Indonesia thì họ có cách đối xử khác. Riêng đối với Việt Nam thì họ coi như đối tượng để bắt nạt, lợi dụng. Trong quan hệ thương mại, ta nhập siêu của Trung Quốc gần đây tới hơn 12 tỉ USD. Họ còn gạ Việt Nam làm “một trục hai cánh”, “một hành lang hai vành đai”, thì cũng nhằm thâm nhập kinh tế Việt Nam, đưa Việt Nam vào tiểu vùng kinh tế của Trung Quốc, là Quảng Tây - Vân Nam, hai tỉnh lạc hậu nhất...
Tin vào nhân dân
. Trở lại chuyện căng thẳng mấy hôm nay, ông nghĩ Trung Quốc được lợi gì, bị thiệt hại gì?
+ Thực sự là Trung Quốc đã làm điều rất không có lợi cho chính Trung Quốc: Thứ nhất là phá tình hữu nghị Trung-Việt. Thứ hai là phá luật pháp quốc tế, làm cho quốc tế lên án. Thứ ba là phá lòng tin. Họ yêu cầu xây dựng lòng tin mà bây giờ họ làm thế thì ai tin họ? ASEAN, Việt Nam, cộng đồng quốc tế không thể tin Trung Quốc được.
Sâu xa hơn nữa, cái rất nguy hiểm là họ làm cho dân tộc hiểu nhầm dân tộc, dân tộc oán thù dân tộc. Một vài người, một tập đoàn, một nhóm người mà oán hận Trung Quốc là chuyện cứ cho là nhỏ đi. Nhưng nếu cả dân tộc này oán hận Trung Quốc thì họ sẽ nghĩ như thế nào về cái lợi trước mắt và lâu dài của họ?
. Bây giờ Việt Nam nên ứng xử như thế nào?
+ Trước mắt ta phải vạch rõ cái phi nghĩa của Trung Quốc, nêu cái chính nghĩa của ta, tranh thủ sự đồng tình của dư luận quốc tế.
Về dài hạn là đấu tranh pháp lý. Đấu tranh vô hiệu hóa “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đòi hỏi ta phải có tài liệu nhiều nữa và phải phát biểu nhiều, phải huy động toàn thể nhân dân, cả trong và ngoài nước. Phải đấu về pháp lý, về lịch sử, về ngôn luận, truyền thông và ngoại giao, rồi phải làm cho sức mạnh quân sự lên nữa.
Cuối cùng tôi muốn nói rằng: Trước hết ta phải để cho thế giới thấy Trung Quốc đã tự bỏ cái mặt nạ của họ và họ trở thành không chính nghĩa. Việc ta làm tốt nhất hiện nay là để cho chính trị đi trước: Vạch mặt bằng hết cái không chính nghĩa của Trung Quốc, làm thật rõ sự chính nghĩa của Việt Nam. Như thế là tạo lợi thế trên trường ngoại giao quốc tế. Thứ nữa là phải tin vào nhân dân. Cũng phải thấy rằng, nhân dân Việt Nam, quân đội Việt Nam với Đảng và Nhà nước phải là một. Nhân dân cũng như quân đội hết sức tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đảng và Nhà nước cũng không bao giờ ngăn cản, cấm đoán lòng yêu nước của người dân.
. Xin cảm ơn ông.
Khen thưởng thủy thủ tàu Bình Minh 02
Theo Petrotimes ngày 2-6, ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), đã trao giấy khen và phần thưởng cho các tập thể, cá nhân vì nỗ lực khắc phục sự cố đứt cáp và đưa tàu Bình Minh 02 trở lại hoạt động bình thường chỉ sau một thời gian ngắn trong vụ tàu hải giám Trung Quốc cản phá hôm 26-5. Tổng giám đốc PTSC đã trao 70 triệu đồng tiền thưởng cho các tập thể (tập thể tàu Bình Minh 02, bộ phận điều khiển cáp thu, bộ phận điều khiển nguồn nổ của tàu Bình Minh 02, tàu Đông Nam 02, tàu Bình An 01 và tàu Vạn Hoa 739); thưởng 10 triệu đồng cho 10 cá nhân trên các tàu này.
THX
- Sự kiện “Bình Minh” đe dọa cảng Trung chuyển Quốc tế Vân Phong (Kinh tế biển).-Thuyền trưởng tàu Bình Minh 02: "Tôi chứng kiến điều không tin nổi" (TT 2-6-11) - TS Tô Văn Trường: Ai đang làm nổi sóng ở biển Đông? (TVN)
- Luật gia Phan Thanh Hải: Hỏi đáp Pháp luật về biểu tình chống Trung quốc (Đinh Tấn Lực)  - Làm cách nào để giữ vững chủ quyền đất nước?(Boxitvn)
- Sống giữa biển đông – Kỳ 2: Những hải trình khủng khiếp (Tuổi trẻ)  - Thêm ba tàu cá Việt Nam bị uy hiếp (PLTP).    - Những “hải đội” ngư dân (SGGP).   – Ngư dân kiên trì bám biển (NLĐ).  -Bảo vệ ngư dân: Đừng nên thương hại! (Trần Minh Quân).
- LÊ VĨNH TRƯƠNG (Quỹ Nghiên cứu biển Đông): Cái ngưỡng của tinh thần hòa hiếu (PLTP)  -   GS Carl Thayer: ASEAN đoàn kết để kìm Trung Quốc. ( Người Lao động )

Tổng số lượt xem trang