Trời thật chiều lòng người, sáng hôm qua thứ bẩy mưa như trút, vậy mà sáng nay không có dấu hiệu trời mưa mặc cho dự báo sẽ có mưa. Sáng nay sương đùng đục báo hiệu một ngày nắng nóng, nhưng nếu trời mưa thì không biết có đi biểu tình được không? Mặc dù hôm nay mệt lắm và tôi muốn ở nhà, nhưng thật không đành lòng.
Trước khi đi, tôi chuẩn bị sẵn cơm nước cho ông bố gần 90 tuổi của tôi. Không muốn đánh thức cụ dậy, tôi viết vào giấy dặn cụ:
“Cơm canh con mới nấu, bố không phải hâm lại. Con đi biểu tình chống Trung Quốc đây. Đến giờ bố cứ ăn trước đi, đừng chờ con”
Thương ôi, trời có chiều nhưng người lại chẳng chiều lòng người, đang đi bộ tới quán cà phê cột cờ từ xa đã thấy những người muốn vào quán bị chặn lại ngay ngoài cổng, lòng tôi thấp thỏm một nỗi lo âu: vậy là làm căng hơn rồi đây.
Quán vắng tanh, cả một quãng vỉa hè trước quán cà phê và bảo tàng quân đội không một bóng người biểu tình mà chỉ toàn đủ loại sắc phục đứng lố nhố. Tôi đến bên hai người đàn ông mặc thường phục bắt chuyện:
- Các anh là an ninh à?
- Không, dân thôi
- Dân thì đứng đây làm gì, thế ra quyết không cho bà con biểu tình đấy, không lẽ chính quyền sợ dân đến thế sao.
Một ông nhìn tôi không nói gì đi ra chỗ khác, ông to béo thì nói:
- Sợ gì đâu, dân mình cả mà, sao phải sợ?
- Không sợ thế sao công an đông thế này để làm gì, ngăn cấm dân biểu tình à?
Vẫn cái luận điệu quen thuộc: phải bình tĩnh chờ đợi, chắc nhà nước phải có cách giải quyết chứ
Tôi nói huỵch tẹt, tôi chả tin nhà nước nữa, độc lập bao nhiêu năm nay dân vẫn đói, nước vẫn nghèo, bao nhiêu vấn nạn bức xúc không giải quyết, bác bảo dân chờ đến bao giờ, chờ Trung Quốc nó vào cắt cổ à? Đang mải “cãi lý” với bác an ninh mặc thường phục thì một chị đi đến kéo tay tôi, ồ hóa ra là chị Hương người quen cũ từ đợt biểu tình lần trước nữa. Tôi bỏ mặc bác an ninh đấy quay ra tay bắt mặt mừng với chị í. Hai chị em hỏi han nhau tin tức, xung quanh vẫn chẳng thấy ai. Lát sau thì chị Hương có điện thoại và biết bố con nhà anh Thạch đang ngồi ở cà phê 36 Điện Biên Phủ, thế là hai chị em kéo nhau đi bộ ra đó. Ngồi một lúc thì tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cũng đi tới rồi cả một cậu tre trẻ tên là Anh Tuấn thì phải. Hóa ra chả cần phải khó khăn gì để làm quen, cứ đi biểu tình với nhau một vài lần là tự khắc biết nhau thôi. Ngồi uống nước một lúc tôi đã thấy sốt ruột, nhìn đồng hồ trên tay anh Diện thấy chỉ 9 giờ kém 15, tôi bảo hay ta cứ ra ngoài đó xem sao.
Thế là cả nhóm chúng tôi đi bộ ra công viên Lê Nin, vẫn vắng hoe. Chúng tôi buồn bã đứng lẻ loi bên này đường, Thạch bảo hay thôi ta sang công viên chụp vài kiểu ảnh làm kỷ niệm, chửi mấy câu cho bỏ tức rồi đi về vậy. Thấy chúng tôi lững thững qua đường, mấy cậu cơ động lập tức nhỏm dậy, công an cũng sáp vào:
- Mời bà con ra khỏi khu vực cấm
Cái lý duy nhất luôn được đưa ra một cách tùy tiện mà không cần giải thích: Cấm!
Cái tính tôi ương bướng, cứ cố cãi nhì nhằng một lúc. Rốt cục trước khi lưu luyến rời bỏ cái khoảng sân trống vắng mênh mông lại đằng sau, bố con cậu Thạch, chị Hương và tôi cũng chụp được mấy bức làm kỷ niệm đánh dấu sự có mặt để biểu tình phản đối Trung Quốc bất thành ngày 26/6/2011. Chắc hẳn đám công an ngứa mắt lắm khi tôi rút lá cờ trong ba lô ra để chụp ảnh, kỳ lạ thay cái biểu tượng của Tổ quốc mà chúng tôi coi như tấm bùa hộ mệnh lại dường như là dấu hiệu của sự nguy hiểm đối với nhà cầm quyền. Vì cầm cờ nên sau khi xua chúng tôi sang bên này đường rồi, chỉ được vài phút, công an lẫn cơ động lại tiếp tục kéo sang cầm theo biển cấm tiếp tục đuổi chúng tôi đi. Cái biển cấm di động ấy đi đến đâu là chúng tôi bị đuổi khỏi đến đó, chỉ một nhúm dăm ba người như chúng tôi mà họ thì đúng là đông gấp bao nhiêu lần chúng tôi không rõ. Tôi hỏi công an:
- Thế chúng tôi được đứng ở đâu?
- Các bác cứ đi hết con đường này
- Ôi giời anh nói thế thì biết là đâu
- Sau cái xe tải kia
Chị Hương kéo tay tôi không cho tôi đôi co với công an. Đến sau cái xe tải ở ngã ba đường Điện Biên Phủ và Nguyễn Tri Phương, cảnh sát ở đó lại đuổi chúng tôi đi tiếp. Lúc này tôi nhận thấy chỉ còn hai chị em tôi, bố con cậu Thạch và anh Diện, cậu Anh Tuấn không thấy đâu cả. Tôi định quay lại tìm họ nhưng cảnh sát không cho. Thế là biện pháp chia cắt nhóm 5 người chúng tôi đã thành công rực rỡ. Tôi cố ngoái cổ lại hỏi khi chị Hương kéo tôi đi:
- Đất nước này còn chỗ nào cho chúng tôi đứng nữa đây?
Họ không trả lời.
Tôi không đành lòng quay về, cứ đứng mỏi mắt kiếm tìm một đám đông nào quanh đó để được nhập bọn. Chị Hương đã định bắt taxi đi về, may mà có người nào đó nói ở Bờ Hồ đang có đoàn biểu tình. Tôi chạy vội vào nhà bà chị gái gần đó lấy xe máy chở chị Hương phóng như điên ra Bờ Hồ, chị Hương ngồi sau kêu:
- Cậu cũng đi ác đấy chứ nhỉ?
Vòng một vòng quanh Bờ Hồ không thấy đoàn biểu tình. Đến nhà hàng Thủy Tạ, thấy một cậu thanh niên mặc áo đỏ có ngôi sao vàng trước ngực, tôi túm lại hỏi có thấy đoàn biểu tình đâu không, cậu ta nói đang ở Bà Triệu, thế là ba chân bốn cẳng phóng ra Bà Triệu. Mừng quá khi từ xa đã thấy bóng những lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới ở ngã tư Bà Triệu và Hai Bà Trưng, tôi phóng xe theo, thả chị Hương xuống rồi cũng quẳng bừa xe trước một cửa hàng, nói dối tay bảo vệ là vào nhà hàng rồi lẻn qua bên kia đường để nhập vào đoàn biểu tình.
Thương quá dân tôi, thương quá những chàng trai, cô gái, những chị những bác, những cháu nhỏ dưới trời nắng gắt, không ngại ống kính của đám công an chìm chĩa vào ghi hình để đe dọa khủng bố tinh thần, đoàn biểu tình vẫn hô vang không mệt mỏi những khẩu hiệu quen thuộc: đả đảo Trung Quốc xâm lược, Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam.
Lẫn trong đám biểu tình, bà con đã bắt đầu nhận mặt những kẻ mà bà con gọi một cách thiếu thiện cảm là “Việt gian”. Tôi trỏ cho mấy cháu chụp lại hai gã VG, y như rằng hai gã lấy tay che mặt, tôi nói to: A! chụp ảnh dân mà dân chụp lại lại che mặt à? Một người đàn ông cản tôi, bảo phải thông cảm vì họ cũng chỉ làm nhiệm vụ thôi. Tôi hi vọng là thế, hi vọng là họ chỉ diễn thôi nhưng tôi tin chắc khi cần thì vở diễn sẽ biến thành chứng cớ để o ép khủng bố dân ta đấy.
Như mọi lần, đoàn biểu tình bị chặn lại và giải tán ở ngã tư Trần Phú Điện Biên Phủ. Tôi theo chị Hương và bố con cậu Thạch bắt taxi quay trở lại nhà hàng Thủy Tạ để lấy xe. Dọc đường có một đôi nam nữ đi theo xe chúng tôi suốt, thậm chí xuống Thủy Tạ rồi, họ cứ đứng bên kia đường. Tôi và chị Hương kéo nhau sang tận nơi hỏi cô gái:
- Có cần địa chỉ không các cô cung cấp cho
Cô ta chối đây đẩy bảo đứng chờ bạn, tôi bảo:
- Nếu các cháu không phải là an ninh thì cô lại phê bình các cháu, thanh niên sao lại thờ ơ với việc đất nước bị đe dọa thế?
Không thể ngờ được, không biết là cô ta đần độn hay trơ chẽn nữa khi trả lời tôi:
- Thanh niên bây giờ toàn thế thôi cô ạ.
- Chết thật, thanh niên mà lại trả lời thế à, thế khi có chuyện các cháu định trông chờ vào ai, vào những người có tuổi như các cô hay sao?
Chị Hương ngăn tôi đừng tranh luận với họ nhưng lại đề nghị chụp một kiểu ảnh làm kỷ niệm, nhất định đôi nam nữ ấy tìm cách che mặt hoặc quay đi không cho chị Hương chụp. Vậy họ là ai chắc mọi người đều hiểu.
Tôi đoán mục đích của việc theo dõi, chụp ảnh là cốt để tìm ra người tổ chức, người cầm đầu để hòng bóp chết mọi cái từ trong trứng. Than ôi, nếu như có người dẫn dắt đưa đường chỉ lối thực thì những cuộc biểu tình đâu có dễ dàng bị bóp chết thế này, lực lượng tham gia đâu có khiêm tốn thế này, thậm chí đến hô khẩu hiệu cũng đủ thấy dân ta thiếu kinh nghiệm đến thế nào, người hô khởi xướng cứ gọi là khản cả cổ mà bà con ta đáng lẽ hô hướng ứng ba lần thì lại chỉ hô có mỗi một lần…
Tôi đi nhờ xe một cậu thanh niên trong đoàn biểu tình cũng gửi xe ở Thủy Tạ. Đáng buồn là lúc lấy xe ở trên đường Hai Bà Trưng, tay bảo vệ mắng tôi xơi xơi là đồ lừa đảo mặc cho tôi đề nghị trả tiền gửi xe, mặc cho tôi thanh minh vì muốn đi theo đoàn biểu tình. Tôi chẳng biết nói thế nào đành dắt xe ra về, lòng buồn rười rượi vì cái tình của người dân Việt, vì chính quyền quyết tâm bóp chết sự phẫn nộ của dân ta trước nỗi nhục bị láng giềng hăm dọa, cướp đoạt…
Trước khi ra về, tôi đáp lại ông công an lớn tuổi đang ra sức hô bà con về nghỉ ngơi:
- Các bác cứ ru ngủ dân ta thôi, cái gì cũng đủ rồi, yêu nước cũng đủ rồi…
Cũng khổ thân các bác thật, cứ đến chủ nhật là chả được nghỉ ngơi, cứ bị lùa ra để ngăn chặn đoàn biểu tình để rồi bị chính dân ta oán ghét. Tôi cười rũ ra khi cậu Thạch nói: giặc chưa đến nhà mà dân ta đã tự oánh nhau thế này. Cười đấy nhưng lòng tôi chả vui tý nào. Tôi xin lỗi Thạch nếu nói chưa chính xác từng từ nhé.
Hà Nội ngày 26 tháng 6 năm 2011
Phương Bích
Nguồn