Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Bình yên có trở lại với Huổi Khon?

-Bình yên có trở lại với Huổi Khon?

Một trung tá biên phòng người Kinh trước lối vào Huổi Khon, Mường Nhé - hình của AFP/Getty Images
Huổi Khon là một bản có 11 nóc nhà với vài chục nhân khẩu đã trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết cùng với cái tên Nậm Kè, Mường Nhé và Hmông.

Nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ của tỉnh Điện Biên khoảng 200 km, với 6 giờ xe chạy, đến được đây bằng ô tô cũng là nỗi kinh hoàng không nói gì đến việc cuốc bộ. Thế mà hàng ngàn người Hmông từ nhiều vùng khác nhau của Điện Biên và một số tỉnh khác để làm một việc không thể tin nổi là kéo nhau đến tụ tập ở Huổi Khon.
Chờ đón sự xuất hiện của thế lực siêu nhiên, nguồn sức mạnh đem đến sự ấm no, hạnh phúc nơi miền đất hứa Huổi Khon này hay chính xác hơn là chờ đón sự xuất hiện của Vua và thành lập nhà nước riêng cho người Hmông.
Huổi Khon là một vị trí có tính chiến lược và chiến thuật với những ai toan tính cho một cuộc bạo loạn.
Nằm cách trung tâm xã Nậm Kè nơi đóng quân của đồn biên phòng Nậm Kè, chừng vài km mem theo con đường ven núi đang được mở rộng. Huổi là suối, Nậm là nước. Quanh khu vực Huổi Khon có một con suối lớn và một con suối nhỏ. Nơi có thể đảm bảo nguồn nước ăn uống, sinh hoạt và thậm chí chạy được cả máy phát điện.
Đứng ở Huổi Khon có thể nhìn xuống được khu vực trung tâm của xã Nậm Kè và đồn biên phòng. Lên đến khu vực trung tâm của Huổi Khon là con đường dốc đứng. Một yếu tố quan trọng cấu thành sự phòng vệ của những người tụ tập trong việc chống lại chính quyền.
Tuy nhiên, lên đến trên cao, hai quả đồi tương đối bằng phẳng, thêm nữa là một thung lũng nhỏ có con suối nhỏ chạy giữa sẽ là vị trí thuận lợi cho việc cắm trại lâu dài và có sức chứa đông người.
Song hơn hết, phía tây của Nậm Kè chính là biên giới với Lào. Nếu có bất an, những người tổ chức bạo loạn sẽ tháo chạy vào rừng trước khi đào thoát sang Lào.
Mường Nhé chính là nơi có ngã ba biên giới Việt Trung Lào với điểm cực Tây A Pa Chải của Việt Nam. Giờ đây, dân du lịch phượt không còn mặn mà với A Pa Chải sau vụ bạo loạn cùa người Hmông cuối tháng 4 đầu tháng 5. Họ lo ngại sự không an toàn và chính quyền cũng lo lắng cho sự không an toàn bằng việc tăng cường và kiểm soát an ninh chặt chẽ.
Nằm cách Huổi Khon hàng trăm km trên con đường độc đạo, đồn biên phòng Si Pa Phìn nằm trên đất của huyện Mường Chà kiểm soát mọi phương tiện và con người đi qua con đường này. Ở Nậm Kè, Huổi Khon an ninh, quân đội và biên phòng nhiều hơn người dân địa phương. Những chiếc xe chuyện dụng chở lính, những chiếc xe chở chỉ huy biển đỏ, xe cảnh sát biển xanh và cả những chiếc xe máy mang biển Hà Nội trải đều từ UBND xã Nậm Kè vào sâu trong bản Huổi Khon.
Rỉ tai nhau leo trên đỉnh núi
Hình của AFP/Getty Images
Người dân Huổi Khon thuộc dân tộc Hmong


Trở lại câu chuyện tụ tập của người Hmong cách đây khoảng 1 tháng. Giàng A Súa, một giáo dân ở Na Cô Sa, một xã giáp với Nậm Kè và biên giới với Trung Quốc nói với một giáo sĩ ở địa phương là anh ta không hể biết những người hàng xóm đã kéo nhau vào Huổi Khon từ khi nào. “Khi con tỉnh dậy, chúng nó đã đi hết rồi” Súa nói. Theo vị giáo sỹ này, đặc trưng của người Hmong là quan hệ theo nhóm gia đình với dân trí thấp. Họ rỉ tai nhau và rủ nhau đi. Họ không cần biết điều mà họ được nghe có đúng hay không? Họ không hiểu sự việc gì phía sau câu chuyện đó. Đi và đi tìm đến điều mà họ mong muốn cho dù đó là không tưởng!
Những gia đình không thuộc cùng dòng họ hoặc cùng nhóm thân thiết thì không được rủ tham gia. Các số con số từ các nguồn khác nhau cũng khác nhau nhưng có lẽ tin tưởng hơn cả vẫn là khoảng 5 ngàn người tụ tập và hậu quả là 7 người đang bị giam giữ để điều tra và một đưa trẻ bị chết khi thời tiết nắng mưa thất thường nơi miền viễn biên này.
Phần lớn những người tụ tập ở đây là những người Tin Lành mà chính quyền gọi họ là Tin Lành Vàng Chứ. Một số khác khoảng 700 đến 800 người là giáo dân công giáo. Số nhỏ còn lại không theo hai đạo này.
Chính quyền đưa ra thông tin rằng đồng bào Hmong bị lừa phỉnh. Rẳng đến đây đón nhận sự xuất hiện của thế lực siêu nhiên. Con người sẽ được tới miền đất hứa. Nơi có sự giàu sang, ấm no và hạnh phúc. Tuy nhiên, các giáo dân nói với các giáo sỹ rằng, họ được tuyên truyền là đến Huổi Khon để đón ông vua về. Vua về sẽ thành lập một vương quốc riêng. Sẽ được xây nhà thờ và được làm lễ. Không phải xin phép chính quyền. Vua về sẽ cho mỗi gia đình 80 đến 100 triệu đồng (tương đương khoảng tư 4 ngàn đến 5 ngàn đô la Mỹ).
Nhưng trước khi được Vua cho tiền thì họ phải nộp một khoản tiền đại loại như là hội phí tham gia là 3 triệu đồng (khoảng 150 đô la Mỹ). Nhiều người đã bán nhà, bán cửa, bán đồ đạc ruộng nương trâu bò để đến vùng đất hứa này. Nhưng cho đến ngày 21 tháng 5 năm 2011, ngày mà họ tin ông vua sẽ đến đã không đến. Chỉ có lực lượng an ninh hùng hậu đến ‘giúp đỡ’ họ về nhà.
Không biết trong số bảy người hiện đang được ‘ở lại hợp tác với cơ quan điều tra’ có ông vua 27 tuổi Vàng A Ía của họ không? Chính quyền vẫn không công bố danh tính bảy người đang bị tạm giữ này.
Vương Quốc riêng cho người Hmông.
Trở lại với lịch sử cách đây vài trăm năm, người Hmong ở Việt Nam hay Lào di cư từ phía nam Trung Quốc. Gốc gác của họ chính là người Miêu ở Vân Nam và Quý Châu. Đặc điểm của họ là sống trên núi cao, nơi các dân tộc khác không sinh sống làm ăn. Họ tự phân chia phần đất của họ theo độ cao của núi chứ không phải theo địa giới. Họ phát nương, đốt rừng và sống theo hình thức du canh du cư. Khi những mảnh đất trên núi cao bị phát đi làm rẫy. Vài ba năm đất sẽ bạc màu và họ lại ra đi tìm nơi mới. Vài ba năm sau, quá trình khai hoang, phục hóa thổ nhưỡng trở lại, đất màu mỡ trở lại.
Hình của AFP
Hôm gần đây, chính quyền đã tổ chức chi tiết một chuyến đi cho các nhà báo đến Mường Nhé - hình của AFP
Họ sẽ quay lại mảnh đất đó. Nhưng nay, khi họ quay lại đất đã có chủ mới. Đất đai hiếm dần và các dân tộc khác cũng leo lên cao để chiếm dụng mảnh đất đó. Vì thế họ nhận thức rằng đất đai của họ bị chiếm dụng và việc thành lập một vương quốc riêng để bảo vệ phong tục tập quán sinh hoạt riêng của họ. Mảnh đất mà họ mong ước là khu vực ngã ba biên giới Việt Trung Lào mà thủ phủ Mường Nhé, Điện Biên. Tự do và độc lập riêng cho người Hmong. Và ông vua của họ, theo lời đồn có tên Vàng A Ía, 27 tuổi.
Không chỉ nơi miền viễn biên này, cả vùng Tây Bắc từ Hòa Bình đến Lai Châu, chính quyền không thừa nhận có sự tồn tại của tôn giáo. Đạo Phật cần phải có chùa và có sư. Công Giáo cần nhà thờ hoặc chí ít là việc hành lễ có sự tham dự của các linh mục. Chính quyền không thừa nhận sự tồn tại này và đó không phải là mảnh đất mà Phật Giáo hay Công Giáo tồn tại được theo đúng nghi thức của mình.
Nhưng với Tin Lành thì khác. Nơi đâu cũng là nhà thờ. Chỗ nào cũng có thể hành lễ. Ai cũng có thể là một nhà truyền giáo. Vì vậy, sự cấm đoán của chính quyền không ảnh hưởng đến sự phát triển của Đạo Tin Lành ở đây. Họ đi trên những đỉnh núi, nhà nọ sang nhà kia. Và Tin Mừng lan trên các đỉnh núi nơi mà lực lương an ninh không bao giờ biết đến. Người Hmong này nói với người Hmong khác về Tin Mừng và cứ như vậy nó lan từ miền xuôi lên đến các đỉnh núi cao nơi đây.
Một đặc điểm nữa là Tin Lành trợ giúp lẫn nhau và trợ giúp những người nghèo mới gia nhập. Khi đã khá giả, anh ta sẽ đóng góp và giúp đỡ lại những người khác. Cứ như thế, nó vượt qua các đỉnh núi bất chấp sự cấm đoán của chính quyền. Và cách mà người ta kêu gọi tụ tập, biểu tình thành lập Vương Quốc Hmong riêng cũng theo cách đó. Chính quyền càng cấm, Tin Lành càng phát triển.
Bình yên trở lại?
Trên hai quả đồi, nơi được cho rằng hàng ngàn người Hmong đã tụ tập ở đây chỉ còn là quả đồi trống, trông giống như cảnh phá rừng nhiều hơn. Hai thanh gỗ dựng thành một cái cổng còn sót lại.
Những hòn đá còn vết đen của khói lửa xếp thành những cái bếp ngoài trời cùng với một số khúc củi cháy dở. Vỏ mì gói, những chiếc dép bỏ lại, vài mảnh bạt và váy của phụ nữ. Sâu hơn bên trong là những đoạn tre không biết có phải để dựng lán trại hay của người dân địa phương dùng để làm nhà(?!).
Chính quyền cả tỉnh lẫn huyện bác bỏ thông tin cho rằng nhiều người vẫn còn ở trong rừng bằng việc số cử tri đi bầu cử Quốc Hội và Hội đồng Nhân dân các cấp đạt gần 100% nhưng họ không nói rõ liệu những người trong rừng kia có phải là cử tri địa phương hay không? Hay họ đã bị tước đi quyền cử tri khi tham gia tụ tập ở đây từ những ngày cuối tháng 4?
Thậm chí đại diện của chính quyền, Phó Chủ Tịch tỉnh Điện Biên bà Giàng Thị Hoa, một người phụ nữ Hmong gốc Tuần Giáo đã đổ lỗi cho các một số tổ chức nước ngoài và truyền thông nước ngoài làm phức tạp thêm tình hình trong đó có việc đưa tin sai sự thật và có dụng ý xấu.
Một buổi trưa cuối tháng 5, một đoàn khách lạ hiếm hoi tới thăm Huổi Khon, tới thăm nơi đã từng là địa điểm của cuộc tụ tập lên đến hàng ngàn người.
Tiếp đón đoàn có vài người đàn ông Hmong có lẽ do chính quyền sắp đặt và một lũ trẻ con. Trong số đó có nhiều bé trai và cả bé gái đón khách hôm nay thậm chí không có cả áo chứ đừng nói là có quần. Nó tắm ngoài suối hay ngồi trên bậc thềm như thể chả có điều gì đã và đang xảy ra. Những con bò đang gặm cỏ ở thung lũng ven suối.
Chả biết bình yên đã thực sự trở lại với Huổi Khon này hay một Huổi khác, một Nậm khác trong một ngày không xa? Chí ít thì cho đến khi bảy người đồng bào của họ đang bị giam giữ được thả.
Bảy người này có thể sẽ bị xét xử bởi một tòa án địa phương hay có thể chỉ bị phê bình trước dân. Nhưng câu chuyện về đất đai, dân tộc và tôn giáo như bài học Tây Nguyên một lần nữa đã xảy ra ở Tây Bắc và liệu đến khi nào nó xảy ra ở Tây Nam.
Câu chuyện về các miền Tây đang thực sự thách thức chính quyền Hà Nội.
Bài viết thể hiện quan điểm của một cây bút xin phép không nêu tên, gửi tới BBC từ Việt Nam.

Tổng số lượt xem trang