Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

Cảm nhận và ngôn từ

-Cảm nhận và ngôn từ
Trong sự kiện Dominique Strauss-Kahn (không cần nói rõ hơn ai cũng hiểu !), giữa vô số những phản ứng, bình luận đủ mọi kiểu và ở đủ mọi cấp, một điểm nổi bật được nhiều người nhận xét là cái hố sâu giữa hai nền pháp luật Mỹ và Pháp, hay đúng hơn giữa hai quan điểm về pháp luật và bình đẳng trước pháp luật.
Mỹ và Pháp đều là nhà nước pháp quyền, cùng chia sẻ những giá trị cơ bản về dân chủ và nhân quyền, trong đó bình đẳng trước pháp luật là then chốt. Nhưng sự kiện DSK vừa qua làm lộ rõ sự khác biệt giữa hai quan điểm thế nào là bình đẳng và thể hiện ra sao. Điều làm dư luận Pháp bị chấn động nhất, thậm chí phẫn uất, là hình ảnh một DSK hốc hác bơ phờ sau 30 giờ hỏi cung, bị còng tay dẫn diễu đi trước một rừng máy quay phim, máy nhiếp ảnh bấm lia lịa.
Đối với người Pháp, đấy là vi phạm trắng trợn một điều khoản nền tảng của luật pháp, sự suy đoán vô tội (présomption d'innocence, thuật ngữ luật học): cho đến khi được phán xử là có tội, với bằng chứng rành rành, người bị tình nghi hay tố cáo vẫn phải được coi như vô tội và đối xử với tất cả sự tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm như tất cả mọi người khác. Không được đem ra bêu riếu như thế. Ngược lại, người Mỹ, và những độc giả của các nhà văn Mỹ như John Grisham hay Michael Connelly chẳng hạn, không lạ gì với cái "perp walk" (perpetrator walk) này vì đấy là một giai đoạn quen thuộc của thủ tục tố tụng hình sự: cảnh sát, sau khi điều tra sơ khởi, nếu thấy có đủ yếu tố để bắt giam, có thể và thường xuyên triệu tập báo chí truyền hình đến chứng kiến lúc người bị tình nghi bị áp giải ra xe đưa về tạm giam. Một phần qua đó cảnh sát cũng "phát huy thành tích" của mình, và công tố viện cũng ghi được "bàn thắng" đầu tiên khi người mới chỉ bị tình nghi đã đương nhiên bị gọi là tội phạm, bị dẫn đi trong tư thế nhục nhã của người sẽ phải chịu trừng phạt. Và tất nhiên vụ án càng to, càng "hấp dẫn" thì mấy giây phút ngắn ngủi ấy lại càng được dàn dựng kỹ lưỡng, tổ chức rầm rộ. Với tất cả những hậu quả tàn phá lên hình ảnh của người bị liên can.
Đối với người Mỹ, đây là một thí dụ chứng mình sự bình đẳng trước pháp luật: một ông Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế cũng phải chịu perp walk như bất cứ anh tội phạm quèn nào khác. Sang hay hèn thì một khi dính líu tới cảnh sát, quan toà, đều sẽ bị đầy đoạ như nhau. Đó cũng là quan điểm về vai trò giáo dục của luật lệ trong một nước có truyền thống name and shame (vạch mặt chỉ tên) và không ngần ngại dùng những biện pháp thô bạo để răn đe. Tarring and feathering, chẳng hạn, là một hình thức trả thù hay trừng phạt của quần chúng rất dã man nhưng phổ biến ở Mỹ trong các thế kỷ trước: nạn nhân bị lột trần, trét nhựa đường nóng lên ngực và lưng rồi gắn lông gà lông vịt, lôi đi diễu hành khắp nơi cho bá tánh thấy. Một kiểu perp walk ! Mục đích là vừa hành hạ thể xác vừa sỉ nhục để đương sự chỉ còn nước bỏ xứ ra đi. Đây là một hình thức lynching, ngoài vòng luật pháp, nhưng khẳng định nhận xét của giáo sư James Whitman trong bài viết đăng trên báo Le Monde gần đây: phẩm cách cá nhân là một giá trị hầu như hoàn toàn không được biết đến trong pháp chế (jurisprudence) của Mỹ1. Điều này cũng dễ hiểu trong một xã hội Mỹ vẫn hung bạo về nhiều mặt và một quốc gia vẫn còn rất "cao bồi" trong các quan hệ quốc tế. Vậy thì DSK có tủi hổ bao nhiêu, so với cực hình tar and feather thì có thấm thía gì đối với người Mỹ !
Ngược lại, người Pháp coi trọng việc bảo vệ phẩm cách cá nhân và khái niệm suy đoán vô tội, đến mức thay đổi cả từ ngữ : đã từ lâu, người bị tình nghi hay tố cáo không còn là inculpé (người bị qui tội) mà chỉ bị mis en examen (đối tượng điều tra). Tất nhiên, đối tượng của một cuộc điều tra nghĩa là cũng có "vấn đề", nhưng bao lâu mọi việc chưa sáng tỏ thì không có thể bị qui tội, chụp mũ gì cả. Và tất cả mọi người, sang hay hèn, đều được hưởng sự suy đoán vô tội giống nhau vì nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật. Đây là một điểm then chốt của nền pháp lý, xuất phát từ Bản Tuyên ngôn nhân quyền và quyền công dân (Déclaration des droits de l'homme et du citoyen, 26.8.1789) và Cách mạng Pháp năm 1789. Dưới Chính thể cũ (Ancien Régime), thời chuyên chế của vua chúa, một trong những đặc quyền đặc lợi của giai cấp quí tộc là được hưởng quy chế riêng khi có khúc mắc với luật lệ hay quyền lực, không phải chịu những hình thức xử phạt áp dụng cho dân chúng, nhất là giai cấp cùng đinh. Chẳng hạn như hình phạt pilori : phạm nhân bị trói vào một cây cột hay giam trong cũi trên một tháp gỗ nhỏ để thiên hạ đi qua đều thấy. Cách mạng 1789 lật đổ chế độ quân chủ, xoá đi mọi đặc quyền đặc lợi, đặt nền tảng cho chính thể cộng hoà trên cơ sở tự do, bình đẳng và bác ái, vẫn là khẩu hiệu của nước Pháp ngày nay. Hai điều lệ quan trọng của Bản Tuyên ngôn nhân quyền và quyền công dân là điều 1 - " Con người sinh ra và tiếp tục tự do và bình đẳng trước quyền lợi. Mọi phân biệt xã hội chỉ có thể dựa trên ích lợi chung"2- và điều 9 - "Mỗi người đều được coi như vô tội cho đến khi bị khẳng định là có tội, nếu xét thấy nhất thiết phải bắt giữ, mọi khắc nghiệt không cần thiết để giam giữ đương sự đều phải được luật pháp nghiêm trị."3.
Như thế, cùng một khái niệm bình đẳng trước pháp luật nhưng thể hiện trái ngược nhau : ở Mỹ là ngang hàng trong bùn nhơ, người cao sang bị hạ bệ xuống phường vô loại. Ở Pháp là tất cả ngang hàng trong sự tôn trọng và bảo vệ nhân cách trước đây chỉ có một thiểu số rất nhỏ, giai cấp quyền quí, mới được hưởng. Nguyên tắc ấy áp dụng triệt để, xoá đi phần nào những bất bình đẳng khó tránh trong thực tế do chênh lệch giàu nghèo.
Do đó không ngạc nhiên khi có những phản ứng đối chọi nhau bên này và bên kia Đại Tây Dương trong sự kiện DSK . Báo chí Pháp không ngần ngại dùng cụm từ "sốc văn hoá" để nói đến những khác biệt không chỉ giữa hai hệ thống pháp lý mà còn giữa các quan điểm, tư duy và truyền thống xã hội. Nói tóm lại, khác biệt trong cảm nhận.
Tất nhiên cảm nhận khác nhau là chuyện thường tình, nếu không muốn nói một trong những nguyên nhân chính của rất nhiều vấn đề, từ bất đồng ý kiến cá nhân đến xung đột tập thể, thậm chí chiến tranh. Song ngoài những trường hợp cực đoan ấy, khác biệt trong cảm nhận cũng tiềm ẩn trong nhiều khía cạnh của cuộc sống hàng ngày và lắm khi hi hữu. Và tất nhiên thể hiện qua ngôn ngữ. Hình ảnh ly nước nửa đầy hay nửa vơi là thí dụ quen thuộc của cái nhìn khác nhau giữa người lạc quan và người bi quan trước cùng một thực tế (nhưng khách quan thì nói sao cho gọn nhỉ, chẳng lẽ cứ phải dài dòng "ly nước chứa một nửa dung lượng của nó" ?!).
Có lẽ ở nước nào cũng có ít nhiều khác biệt giữa các địa phương, trong lối sống, tập tục và có khi cả tiếng nói, do ảnh hưởng của thổ nhưỡng, khí hậu, hoạt động kinh tế hay sự cấu tạo dân cư từ những thế kỷ trước. Song có lẽ ít có nơi nào cho phép cảm nhận rõ rệt những khác biệt ấy như ở Thuỵ Sĩ, một nước bé tí xíu nhưng có bốn ngôn ngữ chính thức khác nhau. Nước nhỏ, chỉ đi vài tiếng đồng hồ là đã qua vùng văn hoá khác, Thuỵ Sĩ là nơi rất lý thú để quan sát những khác biệt trong cảm nhận thể hiện qua ngôn ngữ. Giòng sông Sarine ở thành phố Fribourg là ranh giới tự nhiên giữa vùng Romandie nói tiếng Pháp và vùng Alémanique nói tiếng Đức. Băng qua cây cầu là tất cả đổi hẳn tiếng nói, từ địa danh đến tên đường phố và mọi bảng hiệu, thông tin công cộng. Tấm biển cảnh báo nguy hiểm trong các nhà ga vẫn y như thế nhưng hàng chữ "Attention, danger de mort" đã trở thành "Achtung, Lebensgefahr". Cùng một nguy hiểm nhưng bên này bảo phải tránh cái chết, và bên kia dặn phải bảo vệ cuộc sống. Thông điệp vẫn là một nhưng "Coi chừng, dễ chết lắm đấy" không đánh mạnh vào tâm lý bằng "Coi chừng, toi mạng bây giờ", vì trong thâm tâm con người, cái chết của bản thân vẫn là một khái niệm trừu tượng, và càng mơ hồ, càng xa xôi càng tốt, trong khi cuộc sống, tính mạng là cái hiện hữu trong từng hơi thở. Một thí dụ vui hơn là cái bao giấy hình tam giác đựng hạt dẻ rang bán trong những kiosques nhỏ trên các đường phố mùa đông. Bao giấy quen thuộc màu nâu nhạt, in hình hạt dẻ và mấy dòng quảng cáo ba thứ tiếng, ăn xong vo lại vứt đi, mấy ai để ý. Nhưng nếu tỉ mẩn đọc rồi ngẫm nghĩ một tí thì lại thấy phảng phất đâu đó sự khác biệt giữa ba nền văn hoá. Tiếng Ý nôm na nhất: "Un prodotto naturale". Một sản phẩm tự nhiên. Tất nhiên rồi, hạt dẻ thu hoạch về, lau sạch, đem rang, rồi bán, có thêm thắt pha chế gì đâu. Tiếng Pháp bay bướm hơn : "Un délice de la nature". Món ngon tuyệt của thiên nhiên. À cái này vừa khoái khẩu vừa là của Trời cho, mấy viên hạt dẻ bỗng như có thêm cái mà các nhà kinh tế vẫn gọi là "giá trị thặng dư", biến thành món quà quí. Tiếng Đức nghiêm trang : "Das gesunde Essen". Đúng vậy, cái này là để ăn, và ăn vào thì tốt cho sức khoẻ !
Những khác biệt cỏn con này vô hại và thật ra làm phong phú, duyên dáng hơn cuộc sống. Trong vài trường hợp khác, chúng cũng đáng được để ý. Các tư liệu chỉ dẫn cách sử dụng, bảo quản máy móc thiết bị chẳng hạn, viết bằng nhiều thứ tiếng nhưng ngoài các điểm chính giống nhau thường có thêm một vài chi tiết có trong tiếng này nhưng không có trong tiếng kia, mỗi tiếng mỗi khác. Cho nên tốt hơn cả là chịu khó đọc hết các tiếng mình biết để có đầy đủ hơn những thông tin hữu ích.
Trong thế giới toàn cầu hoá, biết sinh ngữ là một trong những đòi hỏi chính trong nhiều ngành nghề. Song đa sinh ngữ vẫn chưa là hiện tượng phổ quát và người thông dịch vẫn còn có đất dụng võ, bao lâu các máy dịch vẫn chưa nắm vững được như bộ óc con người những khác biệt trong cảm nhận có thể đưa đến những mâu thuẫn tiêu biểu như trong sự kiện DSK. Đằng sau các ngôn từ là cả một thế giới của những khác biệt về văn hoá, tư duy và nhãn quan, cái métalangage (siêu ngôn ngữ) tiềm ẩn nhưng chi phối mạnh mẽ các quan hệ giữa con người. Khi cảm nhận khác nhau có thể đưa đến những hậu quả không lường, người thông dịch rất đáng đánh đòn nếu đứng giữa ông nói gà bà nói vịt, lại thêm vào đó những ngan với ngỗng !

Đỗ Tuyết Khanh

11.6.2011



1 Whitman, James, Deux notions d'égalité devant la loi, Le Monde, 4.6.2011.
2 Les hommes naissent et demeurent libres et égaux en droits. Les distinctions sociales ne peuvent être fondées que sur l'utilité commune.
3 Tout homme étant présumé innocent jusqu'à ce qu'il ait été déclaré coupable, s'il est jugé indispensable de l'arrêter, toute rigueur qui ne serait pas nécessaire pour s'assurer de sa personne doit être sévèrement réprimée par la loi.

Tổng số lượt xem trang