Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Gãy Đòn Bẩy

-Gãy Đòn Bẩy

Các nhà đầu tư chứng khoán tại sàn giao dịch New York
trước tiếng chuông đóng cửa ngày 1 tháng 6 năm 2011. 
Chỉ số Dow Jones đóng cửa 279 điểm. AFP photo 
Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA 2011-06-01
Thị trường chứng khoán và... trứng cút
Từ ba tuần nay, thị trường chứng khoán tại Việt Nam tuột giá liên tục sau khi đã mất giá kể từ đầu năm. Vụ cổ phiếu rớt giá khiến các công ty chứng khoán lâm khủng hoảng, nhiều giới chức cao cấp bị thay thế hoặc thậm chí chủ tịch cũ đã lặn tăm sau khi tài sản công ty bị hụt hơn 100 tỷ, còn lớn hơn vốn sở hữu của công ty. Khi Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa thì ông gọi đó là nạn "gãy đòn bẩy". 
 

"Đòn bẩy" là gì?


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, thị trường chứng khoán Việt Nam đang bị khủng hoảng nặng khi các cổ phiếu đều mất giá nặng từ ba tuần nay. Nạn sụt giá ấy đã khởi sự từ đầu năm 2011 và bắt đầu gieo họa cho nhiều công ty chứng khoán lẫn các tổ chức tín dụng đã cho giới đầu tư vay tiền để kiếm lợi trong thị trường cổ phiếu. Vì vậy, chương trình kỳ này xin đề nghị ông phân tích cho hiện tượng đó.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng ta đang gặp hiện tượng có thể gọi là "gãy đòn bẩy" và chuyện đó không chỉ thu gọn trong thị trường chứng khoán tại Việt Nam. Cho nên nhân dịp này chúng ta cùng tìm hiểu về hiện tượng gọi là "đòn bảy", và tôi cố gắng từng bước trình bày cái chuyện rất phức tạp này một cách thật nôm na dễ hiểu, chẳng biết như vậy có được không?

Vũ Hoàng: Xin đồng ý như vậy và mời ông trình bày cho thế nào là cái đòn bẩy và vì sao lại có nạn gẫy đòn bẩy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta đều biết "đòn bẩy" trong vật lý học là một khí cụ cứng rắn ta dùng để chuyển động một vật nặng mà ít tốn sức. Trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh, người ta lấy khái niệm đòn bẩy đó để nói đến việc mượn sức người khác hầu đạt kết quả cao hơn thực lực. Tây phương có một ngạn ngữ là câu nói của nhà văn Alexandre Dumas, đó là "kinh doanh là tiền của người khác!" Nó ứng vào chuyện đòn bẩy này.

- Về định nghĩa, ngưởi ta ưa nói đến kinh tế "vi mô" và "vĩ mô" có vẻ uyên bác mà khó hiểu, vì vậy có lẽ ta nên tìm cách gọi đơn giản hơn. Một cá nhân hay đơn vị sản xuất như doanh nghiệp mà tính toán về lời lỗ thì hãy tạm gọi đó là "kinh doanh" thay vì "kinh tế vi mô" là kinh tế thuộc phạm vi nhỏ. Còn khuôn khổ tính toán kinh tế cho cả nước thì được gọi là "kinh tế vĩ mô", tôi xin đề nghị cứ gọi là tính toán "kinh tế", để phân biệt với tính toán "kinh doanh".
 
- Như trong nhiều lĩnh vực khác của xã hội con người, cá nhân trong kinh doanh hay quốc gia trong kinh tế đều nghĩ đến việc mượn sức, là dùng đòn bẩy. Đòn bẩy thông dụng nhất mà không là duy nhất là đi vay tiền.

Vũ Hoàng: Nếu ta tạm áp dụng cách nhìn và cách gọi đó thì một quốc gia hay doanh nghiệp và  đều có thể mượn lực của đòn bẩy, nhưng việc mượn lực đó không nhất thiết là đi vay, có phải như vậy không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng thế vì nếu hiểu theo ý rộng thì ta giải thích được nhiều vấn đề của vụ khủng hoảng vừa qua trên thế giới và chuyện khủng hoảng về cổ phiếu tại Việt Nam.

- Trước hết, khi vay tiền theo lối "vặt mũi bỏ mồm", là để tiêu thụ vì không có lợi tức, thì ta không có hiện tượng "đòn bẩy", đấy không là tính toán kinh doanh, mà là một thảm kịch của đời sống. Ta có thảm kịch đó tại Việt Nam vào dịp Tết nhất khi dân nghèo vay tiền để ăn Tết và ra Giêng là è cổ trả nợ. Ta cũng thấy thảm kịch đó tại Hoa Kỳ khi giới tiêu thụ vay tiền qua thẻ tín dụng để chi tiêu. Số tín dụng tiêu thụ ấy có lúc lên tới hơn 2.600 tỷ đô la nên giờ này họ phải dè xẻn để trả nợ. Vì dân Mỹ tiêu thụ ít hơn, tức là nhập khẩu ít hơn, nên Hoa Kỳ mới gây khó khăn cho kinh tế thế giới.
... cá nhân trong kinh doanh hay quốc gia trong kinh tế đều nghĩ đến việc mượn sức, là dùng đòn bẩy. Đòn bẩy thông dụng nhất mà không là duy nhất là đi vay tiền.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
- Ở đầu bên kia, ta có Trung Quốc lại lấy xuất khẩu - chủ yếu là xuất khẩu qua Mỹ - làm đòn bẩy kinh tế. Khi khủng hoảng bùng nổ năm 2008, Trung Quốc đạt xuất siêu, là xuất nhiều hơn nhập khẩu, với Hoa Kỳ khoảng 270 tỷ đô la. Số xuất siêu ấy bằng 6% Tổng sản lượng Trung Quốc. So với đà tăng trưởng là 10% thì ta thấy là nếu thiếu thị trường Mỹ, đà tăng trưởng của Trung Quốc phải giảm mất 6%. Đó là chuyện trực tiếp. Nhưng về gián tiếp trhì tình hình còn nguy hơn.

- Kết quả gián tiếp là có tăng trưởng nhờ xuất khẩu, là đầu tư trực tiếp của Mỹ, là các dự án xây dựng để yểm trợ xuất khẩu và lợi tức gia tăng cho công nhân hay cả lượng tín dụng ào ạt bơm vào kinh tế nhờ dân chúng ký thác tiền vào ngân hàng, v.v.... Kể thêm ngần ấy yếu tố phụ trội thì kinh tế Trung Quốc lệ thuộc nặng vào nước Mỹ. Khi Hoa Kỳ không còn khả năng tiêu thụ và nhập khẩu như xưa, và Chính quyền lại muốn nâng xuất khẩu mỗi năm thêm 15%, thì một đòn bẩy kinh tế của Trung Quốc coi như không còn và xứ này bị vất vả nặng trong mấy năm tới. Đấy là cách khác để thấy ra quy luật đòn bẩy, trước khi ta nói đến cái đòn bẩy thông dụng nhất là đi vay trong kinh doanh.

 

Hạn chế rủi ro

000_Hkg4927770-200.jpg
Một nhà đầu tư theo dõi giá cổ phiếu tại một sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội vào ngày 23 tháng 5 năm 2011. AFP photo


Vũ Hoàng: Ông trình bày như thế có nghĩa là trong kinh doanh của một cá nhân hay một doanh nghiệp, ta có thể vay tiền như một cách dùng tiền bạc của người khác kiếm lợi cho mình, có phải như vậy không?
 

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng thế và đấy là một trong nhiều nguyên do của vụ khủng hoảng tài chính năm 2008.

- Trên nguyên tắc, khi ta đầu tư bằng tài sản riêng thì mức doanh lợi bị hạn chế như dùng sức mình để lay một tảng đá. Nếu nghĩ rằng triển vọng kiếm lời vẫn cao thì người ta đi vay để đạt mức lời lớn hơn, y như ta dùng một đòn bẩy. Sau khi trừ đi khoản phí tổn đi vay, tức là lãi suất, mà vẫn có lời thì người ta đi vay tiếp. Vấn đề ở đây là khi đi vay để kiếm lời cao hơn thì doanh nghiệp cũng gặp rủi ro lớn hơn mà vì lạc quan nên họ không tính ra. Muốn hạn chế rủi ro thì phải biết là chỉ có thể vay được một lượng tiền nào đó tương xứng với số vốn của mình mà thôi.

- Vụ khủng hoảng tài chính 2008 bùng nổ tại Mỹ là do các tập đoàn đầu tư không chỉ kinh doanh bằng vốn riêng mà còn vay gấp bội so với vốn riêng, như tập đoàn Lehman Brothers đã vay hơn 30 lần số vốn riêng. Khi doanh lợi sút giảm vì bong bóng đầu tư trên thị trường gia cư bị bể năm 2006 thì họ hết trả được nợ và bị vỡ nợ. 

- Vì họ lạc quan giao dịch chồng chéo với nhau qua các kén nợ tín dụng gia cư, cứ chuyền tay từ công ty này qua công ty khác, khi kén nợ trở thành nợ thối thì ta có hiện tượng vỡ nợ dây chuyền và khủng hoảng, khiến Chính quyền phải tung ra 700 tỷ đô la chuộc nợ để cấp cứu hệ thống ngân hàng. Bây giờ Việt Nam cũng bị như vậy trên thị trường cổ phiếu mà chưa chắc Chính quyền đã có khả năng cấp cứu.

Vũ Hoàng: Chúng ta đi vào phần cốt lõi của vụ khủng hoảng tại Việt Nam, theo ông nhìn thì cũng vì hiện tượng đòn bẩy tương tự?
Muốn hạn chế rủi ro thì phải biết là chỉ có thể vay được một lượng tiền nào đó tương xứng với số vốn của mình mà thôi.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Lấy thí dụ là tôi có 100 tỷ vốn riêng để mua cổ phiếu kiếm lời khi nghĩ rằng cổ phiếu sẽ lên giá. Nhưng vì lạc quan thiếu cơ sở, tôi còn vay thêm 100 tỷ nữa, vị chi là có 200 tỷ để "chơi stock", y như người ta bước vào sòng bạc vậy! Khi giá cổ phiếu mà sụt 20%, như đã thấy từ đầu năm nay, thì tôi lãnh rủi ro gấp đôi, là mất 40% số tiền đánh bạc đó. Nếu lại tính cả tiền lời đi vay ngân hàng đã quá 20% thì rõ ràng là tôi bị sạch vốn và hết khả năng trả nợ! Khi hiện tượng này lan rộng thì không chỉ có các công ty chứng khoán bị phá sản mà cả hệ thống ngân hàng bị vạ lây vì không thu được nợ và tai họa kế tiếp sẽ là thị trường bất động sản.

 

Hiện tượng "gãy đòn bẩy"


Vũ Hoàng: Thưa ông, vì sao lại có hiện tượng sụt giá ào ạt như vậy?
 
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Căn bản thì cũng là sự hồ hởi sảng hay ảo giác của việc làm giàu!

- Trước hết là sự lạc quan thiếu cơ sở từ năm 2007 với viễn ảnh Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và thiên hạ sẽ đổ tiền vào thị trường Việt Nam. Sự lạc quan ấy thiếu cơ sở khi ta thấy số "vốn hóa", tức là giá thị trường của tổng số cổ phiếu của các doanh nghiệp được niêm yết trên sàn giao dịch tại Sàigòn, đã lên tới 40% Tổng sản lượng Nội địa GDP!

- Sản lượng chứ chưa nói đến doanh lợi hay cổ tức của các doanh nghiệp đó không thể lên tới con sổ ảo như vậy! Rồi nhiều doanh nghiệp nhà nước, là các đơn vị sản xuất kinh doanh bằng công quỹ của quốc gia, cũng ồ ạt lập ra công ty chứng khoán để ăn theo.


000_Hkg4833428-220.jpg
Một người mua bán ve chai ở VN. AFP photo
 
- Thế rồi từ đỉnh cao vào tháng Ba năm 2007, chỉ số VN-Index đã ba lần lên tới "mức chặn" là gần 1.200 điểm và cứ thế mà sụt tới "mức nâng" là 200 điểm vào đầu năm 2009. Nhưng đấy cũng là khi tín dụng ngân hàng được bơm ào ạt để kích thích kinh tế. Nhờ vậy mà ta thấy ra tác dụng đòn bẩy, là vay tiền ngân hàng mua cổ phiếu, với một lượng giao dịch rất lớn. Nhờ được bơm tín dụng,  sức mua rất cao so với trước đây có tạo ra lực đẩy trong năm 2009 và một đợt nữa vào cuối năm 2010. Vậy mà vẫn không nâng chỉ số VN-Index quá mức chặn là 520 điểm, rồi từ đó cứ tuột dần. Thị trường chứng khoán tại Hà Nội còn bi đát hơn vậy.

- Trong khi đó, nguy cơ lạm phát bùng nổ khiến ngân hàng nâng lãi suất và vì cổ phiếu mất giá giới đầu tư phải châm thêm vốn. Họ không có khả năng đó và tiến trình giải chấp đồng loạt bắt đầu. Những tin khả quan hơn từ mấy ngày qua thật ra không bền nếu ta nhìn vào lượng giao dịch vẫn còn thấp, tức là không có lực đẩy!

Vũ Hoàng: Rồi đây tình hình sẽ ra sao khi các ngân hàng không đòi được nợ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trên nguyên tắc, khi đi vay tiền chơi chứng khoán thì khách nợ phải có tài sản đảm bảo, thí dụ như một bất động sản để làm vật thế chấp. Thực tế có thể không được chặt chẽ như vậy và ngân hàng có ôm lấy vật đảm bảo là cổ phiếu thì tài sản đảm bảo đó bị sụt cùng giá cổ phiếu nên ngân hàng lãnh họa và các doanh nghiệp nhà nước lập ra công ty chứng khoán phải đóng cửa! Vì vậy, tôi e rằng nhiều người thiếu nợ sẽ phải bán nhà, hoặc tài sản bị sai áp. Thị trường bất động sản không chỉ bị đóng băng mà nay mai có thể cũng sụt giá và nhiều ngân hàng sẽ bị khủng hoảng vì mất nợ. 

- Đó là lý do mình nói đến hiện tượng "gãy đòn bẩy" là vay tiền đánh bạc rồi bị lỗ làm ngân hàng hay các tổ chức tín dụng bị vỡ nợ! Trong hoàn cảnh ngân sách bị bội chi quá nặng như hiện nay, chưa rõ là chính quyền sẽ xử trí ra sao nếu tình trạng đó xảy ra.

- Chúng ta nên e ngại kịch bản đó vì những gì đã thấy ở nhiều xứ khác, kể cả Hoa Kỳ là nơi có luật lệ nghiêm ngặt, thông tin minh bạch và có các cơ chế thanh tra và kiểm soát. Việt Nam chưa được như vậy và hồ sơ sổ sách lại không rõ ràng nên hoạn nạn tới mức nào thì chưa ai biết.

Vũ Hoàng: Tức là ông đoán rằng một thành phần đông đảo các nhà đầu tư sẽ sạt nghiệp hay sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi xin được nhắc tới một quy luật sơ đẳng về đầu tư là "chỉ dùng tài sản dư dôi cho đầu tư" - chứ không thể lấy tiền chợ đi đánh bạc! Tức là phải đầu tư với tâm lý cẩn trọng, là nếu có mất hết cả thì cũng không ảnh hưởng tới sinh hoạt của gia đình. Vì vậy, nếu mà giới đầu tư, là những người có tiền ở thành phố, mà hết sạch vốn thì họ phải chấp nhận trong tinh thần "được ăn cả, ngã về không". Đấy là quy luật bình thường, nhưng nguyên tắc thì như vậy chứ thực tế lại chưa được như vậy ở Việt Nam. Giới đầu tư cò con thì mất vốn và con em trong gia đình đều bị ảnh hưởng.

- Sự thể có khi còn tai hại hơn nếu khủng hoảng lan rộng qua lĩnh vực ngân hàng. Với lạm phát đã vượt 20% và sản xuất sút giảm, nếu ngân hàng mà sụp đổ, nhiều doanh nghiệp sẽ bị điêu đứng vì thiếu tín dụng cho sản xuất. Việt Nam đang bị lạm phát và chưa giải quyết xong khủng hoảng về ngoại hối thì lại lãnh thêm trận này, đâm ra chính là thành phần nghèo khổ sẽ bị tai họa nặng nhất.

- Cho đến nay, sự lầm than của dân nghèo chưa làm chế độ lung lay, nhưng khi những kẻ có tiền và có quan hệ với đảng viên cán bộ nhà nước mà lại mất vốn vì gãy đòn bẩy thì sự thể sẽ khác. Trong giả thuyết có xác suất cao, là họ mà gây áp lực với nhà nước để cứu lấy tài sản riêng, thì Việt Nam sẽ lại áp dụng nhiều phương thuốc đổ bệnh còn nguy ngập hơn!
 
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa.
 
- Kịch bản đánh lên chứng khoán bắt đầu (VEF).-  - Chứng khoán “bốc hơi” cả trăm ngàn tỉ đồng (NLĐO) -
pictureGiá nhiều cổ phiếu đã ở mức thấp nhất từ trước đến nay khiến tài sản của các thành phần tham gia thị trường giảm sút nghiêm trọng. Thiệt hại nhất vẫn là nhà đầu tư vì họ đem tiền thật vào thị trường
– Châu Xuân Nguyễn: Thị Trường Chứng Khoán Sụp Đổ (TTHN).  – Cổ phiếu cỏ   —   (Tuanddk).

Tổng số lượt xem trang