Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Giảm nhập siêu nên bắt đầu từ mối nguy Trung Quốc

-- Giảm nhập siêu nên bắt đầu từ mối nguy Trung Quốc(VEF.VN)  - Chiến lược phát triển thương mại bền vững, giảm nhập siêu trong 10 năm tới của Việt Nam sẽ không thể bỏ qua một nhân tố quan trọng, đó là sự đổi ngôi của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc trỗi dậy sẽ tác động sất sâu sắc tới hai chiều thương mại của Việt Nam.
Đồng Nhân dân tệ tăng giá và mối lo lệ thuộc
Có lẽ, chỉ cần hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc thì vấn đề lệch cán cân thương mại tổng thể của Việt Nam có thể sẽ được giải quyết. Trao đổi tại hội thảo khoa học bàn về chiến lược phát triển thương mại bền vững giai đoạn 2011-2020 hôm 14/6, tiến sĩ Lê Đăng Doanh bày tỏ, chúng ta nên nhìn thẳng vào sự thật để phân tích cho đúng: xuất khẩu của ta không hề bền vững. Làm sao ổn định được kinh tế vĩ mô khi nhập siêu kéo dài, đặc biệt là nhập siêu đối với Trung Quốc hết sức nguy hiểm.

"Ta xuất đi Trung Quốc hoa quả, ta xuất than rồi nhập điện, xuất cao su rồi nhập săm lốp về. Với dệt may, nếu giờ Trung Quốc dừng cung ứng nguyên phụ liệu thì các nhà máy dệt may của Việt Nam sẽ lao đao. Ta nhập siêu thế này là sẽ dẫn tới phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhập siêu thế này mà bắt thanh toán bằng Nhân dân tệ thì ta càng phụ thuộc Trung Quốc cả về tài chính. Đó là một viễn cảnh kinh tế không hề đơn giản", tiến sĩ Lê Đăng Doanh trăn trở.
Theo vị chuyên gia này, cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc là điển hình cho cơ cấu bất bình đẳng của nước phát triển mạnh ở phương Bắc với một nước chậm phát triển hơn ở phương Nam.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đồng quan điểm cho rằng, sự chuyển dịch sức cạnh tranh của các nước trên thế giới mà nhân tố đáng lưu ý nhất là Trung Quốc rất cần được nghiên cứu sâu. Giờ đây, nhiều người đã đặt lên bàn vấn đề chuyện Nhân dân tệ những hay còn "nhẹ nhàng". Đáng lẽ, cần có sự phân tích sâu sắc hơn về sự chuyển động của thế giới như vậy sẽ tác động tới Việt Nam ra sao?
Trong vấn đề nhập siêu của Trung Quốc, cần phải tách hai khâu: nhập siêu do quan hệ thương mại thuần túy và do đầu tư.
Theo nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, muốn phát triển bền vững thì phải ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó, có việc thu hẹp chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu, là việc ngành thương mại phải làm sao mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, ở đây, câu chuyện thị trường Trung Quốc là một bài toán rất đau đầu.
"Trong vấn đề nhập siêu của Trung Quốc, cần phải tách hai khâu, một là nhập siêu do quan hệ thương mại thuần túy, hai là nhập siêu do đầu tư, với việc 90% các dự án điện, năng lượng do Trung Quốc trúng thầu. Khi tách bạch ra thì chúng ta sẽ có hướng xử lý cụ thể", ông Tuyển nói.
Tuy nhiên, ông Trương Đình Tuyển cũng cho rằng, vẫn có một cơ hội lớn cho Việt Nam. Xu thế xuất khẩu tăng mạnh vào Trung Quốc đang diễn ra, bởi nước này đang dịch chuyển cơ cấu kinh tế từ dựa vào giá rẻ sang cạnh tranh bằng chất lượng. Trong sự tái cấu trúc đó, có thể có mặt hàng Trung Quốc sẽ không sản xuất nữa thì họ buộc phải nhập khẩu. Vậy Việt Nam có thể tranh thủ được ở khâu nào? Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho Việt Nam.
Bức bách định vị xuất nhập khẩu của Việt Nam
Bên cạnh vấn đề Trung Quốc, chiến lược phát triển thương mại mang tính bền vững sẽ đụng đến toàn bộ những vấn đề nổi cộm, bức bách của nền kinh tế hiện nay, như đầu tư, phân cấp, chuyển dịch cơ cấu...
Nguyên bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển bày tỏ, phát triển bền vững hiểu đơn giản là sự phát triển của ngày hôm nay không cản trở sự phát triển của ngày mai. Chính sách thương mại phải thiết lập sự cạnh tranh trong thị trường Việt Nam, nhiều người bán, nhiều người mua thì sản xuất có lợi, người tiêu dùng có lợi. Động lực phát triển không dựa vào sự ưu ái đặc thù nào. Thông qua đó, thúc đẩy được tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững.
Còn nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan chỉ ra những nghịch lý mang tính truyền thống mà dường như, Việt Nam khó cải thiện. Ông nói, về xuất khẩu, xu hướng trên thế giới là phát triển những sản phẩm thân thiện môi trường, tiết kiệm năng  lượng trong khi, ta không có để xuất khẩu. Trái lại, về nhập khẩu, ta lại nhập những thứ tiêu hao năng lượng, không thân thiện môi trường.
Ngay như chuyện làm nhà máy điện hạt nhân, nhiều nước đang xem lại thì lại có nhiều đối tác đang tìm mọi cách để xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân sang Việt Nam. Đứng về tầm chiến lược, đây là vấn đề Việt Nam phải suy nghĩ.
Nguyên phó Thủ tướng lưu ý, lấy kinh nghiệm từ ngành thép, các doanh nghiệp FDI ồ ạt đầu tư nhà máy thép vào Việt Nam, chẳng qua chỉ là một cách chuyển công nghiệp ô nhiễm môi trường, tiêu hao năng lượng vào Việt Nam, một địa bàn mà điện hãy còn rẻ, chi phí môi trường không tốn kém. Thành ra, nhiều doanh nghiệp FDI vào đây, trình bày là do nhu cầu tận dụng lao động rẻ nhưng nay, chính là nhu cầu sẽ là tận dụng những điều kiện đó của Việt Nam.
Chúng ta đang đứng trước một thách thức rất lớn là thương mại bền vững ở khía cạnh môi trường, ông Vũ Khoan nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nói sâu về chiến lược xuất nhập khẩu, nguyên Phó Thủ tướng thẳng thắn cho rằng: "Tôi có cảm giác, ở Nghị quyết 11, chúng ta vẫn chưa định vị xuất nhập khẩu là gì? Là tính bền vững hay là tốc độ, hay tỷ trọng, xuất khẩu hiện chiếm tỷ trọng trong GDP rất cao 60-70% nhưng tới đây, sẽ nên chiếm tỷ trọng bao nhiêu? Bên cạnh đó, còn cả vấn đề định vị thị trường, đối tác từng mặt hàng.
Điểm nữa là hiện chính sách của ta là tập trung vào kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. Nhưng tôi không thấy bóng dáng của chuyển dịch cơ cấu ở đâu, của tái cấu trúc ở đâu mà đáng lẽ ra, vấn đề đó cần thể hiện ngay ở chính sách trước mắt.
Qua khủng hoảng vừa rồi, thế giới đang thay đổi rất sâu sắc, từ vị thế quyền lực quốc gia, chính sách thị trường, cơ cấu sản xuất, tài chính tiền tệ... Sự thay đổi bộ mặt nền kinh tế thế giới này chắc chắn sẽ tác động cả hai chiều xuất và nhập của Việt Nam", ông Vũ Khoan nhấn mạnh.
Mục tiêu giảm nhập siêu và tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2010 đã không những chưa đạt được mà còn trầm trọng hơn. Năm 2001, tỷ lệ nhập siêu chiếm 7,90% so với kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2010, tỷ lệ này đã là 17,47%. Đặc biệt, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, tỷ lệ nhập siêu tăng lên rõ rệt, nhất là các năm 2007 và 2008, tỷ lệ nhập siêu lên tới gần 30%.
Nhập siêu từ Trung Quốc tăng nhanh trong 10 năm qua, nếu năm 2001, Việt Nam chỉ nhập siêu 787 triệu USD từ nước này thì năm 2010 đã là 12,7 tỷ USD, chiếm trên 100% tổng nhập siêu của cả nước.
Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực đang xuất siêu sang Trung Quốc như Thái Lan xuất siêu 11,5 tỷ USD, Malaysia xuất siêu 12,5 tỷ USD, Philippines là 3,3 tỷ USD.
- Nghịch lý nhập siêu từ Trung Quốc (PLTP).-Nhập siêu tăng chóng mặt (15/06)- Nhập khẩu than!(NLĐ) -Nhập khẩu than: Vì sao nên nông nỗi này? (Tamnhin.net) - Chuyến tàu chở hơn 9.570 tấn than nhập khẩu đầu tiên từ Indonesia đã cập cảng Cát Lái (Tp.HCM) và lượng than trên được Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản than Đông Bắc tiếp nhận nhập khẩu, sau đó phân phối cho các nhà máy nhiệt điện mới ở miền Trung và miền Nam.

Tổng số lượt xem trang