Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Chuyện lạ giữa Thủ đô: Phóng viên bị thu phí tác nghiệp

Chuyện lạ giữa Thủ đô: Phóng viên bị thu phí tác nghiệp 

(VTC News) – Không những không tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp, lãnh đạo trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) còn “làm khó” bằng việc thu…phí tác nghiệp. Điều chưa từng có trong tiền lệ.
Chương trình "Tại sao không?" của Kênh truyền hình VTC2 - Đài truyền hình kỹ thuật số VTC là 1 chương trình truyền hình thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về chân dung những người trẻ với những ý tưởng và các đóng góp cho lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông. 

Chuyện lạ giữa Thủ đô: Phóng viên bị thu phí tác nghiệp
Công văn của VTC có chữ ký, dấu đỏ, bút tích của Hiệu trưởng trường Chu Văn An đề nghị thu 5 triệu đồng tiền phí. 

Theo kế hoạch sản xuất, tháng 4/2012, "Tại sao không?" sẽ phát sóng 1 chương trình về chân dung nhóm làm phim gồm 4 học sinh của trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. Đây là những em học sinh đang thực hiện bộ phim ngắn nói lên tình yêu với chính ngôi trường của mình. 

Bộ phim có tựa đề: "All about CVA". Kịch bản chương trình hoàn toàn mang tính tuyên truyền gương người tốt việc tốt và có ý nghĩa tích cực không chỉ với cá nhân các học sinh mà còn là với hình ảnh của trường THPT Chu Văn An, Hà Nội và rộng hơn là Sở GD&ĐT Hà Nội. 

Để thực hiện chương trình này, ekip sản xuất của "Tại sao không?" đã liên hệ với phía nhà trường đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện cho 4 em học sinh tham gia ghi hình. Theo yêu cầu của nhà trường, ngày 23/03/2012, Đài truyền hình kỹ thuật số đã gửi công văn tới trường để chính thức có đề nghị về việc này.  

Tuy nhiên, Ông Chử Xuân Dũng - hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An đã ký, đóng dấu trực tiếp vào thẳng công văn của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC với nội dung: "Tài vụ thu lệ phí theo quy định (5 triệu đồng)".

Chuyện lạ giữa Thủ đô: Phóng viên bị thu phí tác nghiệp
Biên lai thu tiền của trường THPT Chu Văn An. 

Mặc dù, PV đã giải thích về việc tác nghiệp của mình là một hoạt động báo chí bình thường chứ không hề phục vụ mục đích kinh doanh nhưng ông Chử Xuân Dũng vẫn quyết định thu tiền hoạt động tác nghiệp của phóng viên. Lí do thu được giải thích là theo quy định của Hội đồng nhà trường.

Để đảm bảo chương trình được phát sóng theo đúng kế hoạch phục vụ mục tiêu tuyên truyền, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC đã phải duyệt chi 2 triệu đồng để trường THPT Chu Văn An đồng ý cho các em học sinh của trường tham gia ghi hình. Đáng chú ý, biên lai thu phí do Tài vụ của Trường THPT Chu Văn An cấp là biên lai của Sở GD&ĐT Hà Nội

Trả lời phỏng vấn phóng viên VTC, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, Sở không biết việc này và không có quy định nào về việc này.

Trong khi đó, Luật sư Phạm Thanh Bình - Công ty Luật Hồng Hà khẳng định điều này không đúng pháp luật và nói cách khác Trường THPT Chu Văn An không có thẩm quyền này. Cụ thể hơn, theo quy định của pháp lệnh phí và lệ phí do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành năm 2001, chỉ những loại phí và lệ phí do Ủy ban thường vụ quốc hội ban hành trong danh mục kèm theo mới được phép triển khai và thu trên toàn quốc. 

Nghị định 57, năm 2002 hướng dẫn về thu phí và lệ phí, thẩm quyền ban hành các loại thu phí và lệ phí gồm có chính phủ, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố và Bộ Tài chính. Ngoài các cơ quan vừa nêu, không đơn vị nào được đẻ ra các loại phí. Theo quy định điều 58, Luật giáo dục không có điều nào quy định Hội đồng nhà trường được đặt ra các loại phí và lệ phí. Điều 101 Bộ giáo dục cũng không quy định nguồn phí và lệ phí thu từ các nguồn thu khác của nhà trường.

Trao đổi với phóng viên VTC, ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam cho rằng, đây là lần đầu tiên ông gặp trường hợp thu phí tác nghiệp phóng viên. Theo Luật báo chí, không có quy định nào cho phép cơ sở phóng viên đến đưa tin đòi phí của phóng viên. Không một tổ chức cá nhân nào được cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Việc thu phí là không đúng. Hội nhà báo Việt Nam sẽ có ý kiến với cơ quan chức năng về việc này làm sao đảm bảo cho phóng viên được tiếp cận nguồn tin và được cung cấp các thông tin chính thống.

VTC News sẽ tiếp tục thông tin tới quý độc giả về vụ việc này.


-Không thể xuyên tạc và phủ nhận quyền tự do báo chí ở Việt Nam
QĐND - Một quốc gia độc lập, tất cả công dân đều có quyền tự do trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Quyền tự do này đã được bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật và được thực thi trong thực tiễn. Vậy mà vẫn có người không hiểu hoặc cố tình không hiểu cho rằng, ở đó không có tự do báo chí. Một quốc gia có tốc độ phát triển internet vào loại nhanh nhất thế giới, thế  mà cũng có người xuyên tạc rằng “internet đã bị hạn chế ở đây”. Quốc gia nói trên chính là đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Hiến pháp, luật cơ bản và có hiệu lực pháp lý cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí , có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Để bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của mọi công dân được thực thi trong cuộc sống theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội đã ban hành Luật Báo chí, Luật Xuất bản và Chính phủ cũng đã ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho báo chí Việt Nam phát triển.
Điều 2 của Luật Báo chí ghi rõ: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của  mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng”. Điều 4 của Luật Báo chí cũng khẳng định, mọi công dân Việt Nam đều có quyền “Tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và các tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin”.
Như vậy, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam đã được bảo đảm bằng hệ thống pháp luật chặt chẽ, rõ ràng và minh bạch. Điều này, nhiều nước trên thế giới chưa có được. 
Trong mấy năm gần đây, báo chí Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc về loại hình và số lượng cơ quan báo chí,  bao gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Đến nay, cả nước có khoảng  750 cơ quan báo chí với hàng nghìn ấn phẩm (bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài). Đó là chưa kể tới hàng nghìn trang thông tin điện tử, hàng vạn blog của cá nhân… Các cơ quan báo chí ở Việt Nam đều được pháp luật bảo hộ, đều có đầy đủ các thông tin cần thiết bảo đảm cho mọi công dân đều có thể gửi tin, bài, ảnh, tác phẩm báo chí cho tòa soạn.  Khác với một số tờ báo của nước ngoài, báo chí Việt Nam một mặt thông tin đầy đủ, chính xác mọi mặt hoạt động của xã hội, một mặt là diễn đàn của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Báo chí Việt Nam là nơi để công dân Việt Nam và cả bạn bè quốc tế bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Báo chí Việt Nam còn là kênh phản biện quan trọng về những chủ trương chính sách kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước. Thực tế, thời gian qua nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, qua sự phản biện của báo chí đã giúp cho các cơ quan của Nhà nước thay đổi chính sách, thận trọng trước khi quyết định như: Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, dự án thay nước Hồ Tây, dự án xây dựng khách sạn ở Công viên Thống Nhất (Hà Nội), xây dựng đường trục Thăng Long…
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà báo, Việt Nam có Hội Nhà báo Việt Nam và các tổ chức Hội Nhà báo các địa phương với hàng vạn hội viên. Hội Nhà báo Việt Nam là thành viên của Hội Nhà báo quốc tế (OIJ) và Liên đoàn Báo chí ASEAN (CAJ) trong nhiều năm qua, tham gia tích cực và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của báo chí khu vực và thế giới. 
Những người cho rằng “ở Việt Nam, internet bị hạn chế, bị ngăn cấm” có lẽ họ chưa đến Việt Nam hoặc chưa biết rằng, Việt Nam đã trở thành quốc gia hàng đầu trong khu vực về phát triển internet, với hệ thống hạ tầng ngày càng hiện đại, phát triển đến mọi vùng đất nước, với hơn 28 triệu thuê bao (chiếm 31,5% dân số). Nghị định số 55/2001/NĐ-CP, ngày 23-8-2001 của Chính phủ Việt Nam đã  quy định: “Không ai được ngăn cản quyền sử dụng hợp pháp các dịch vụ internet…”. Thực tế tại Việt Nam đã khẳng định Nhà nước Việt Nam  không ngăn cấm internet. Chúng ta chỉ ngăn cấm những tổ chức và cá nhân nào lợi dụng internet để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế; gây rối loạn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và các vi phạm pháp luật khác của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Lại có ý kiến quy chụp rằng “Phải có báo tư nhân mới là biểu hiện cụ thể của tự do báo chí”. Xin thưa lại với những tác giả của những ý kiến này rằng: Điều căn bản cốt yếu nhất của tự do báo chí là báo chí có thực sự là diễn đàn phản ánh chân thực, đầy đủ được tiếng nói của mọi người dân, trên mọi phương diện của đời sống hay không. Những tờ báo hiện nay của các cơ quan Đảng, nhà nước, đoàn thể chính trị, xã hội, tổ chức nghề nghiệp… ở Việt Nam đã phản ánh đầy đủ những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của tất cả các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, việc ra báo tư nhân là không cần thiết. Mặt khác, không phải cứ có báo tư nhân mới có tự do báo chí.
Báo chí Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, cùng nhân dân Việt Nam  trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quyền tự do báo chí của người dân Việt Nam, của các nhà báo Việt Nam được pháp luật và Nhà nước bảo hộ. Đó là thực tế hiển nhiên không thể xuyên tạc và phủ nhận.
Đỗ Phú Thọ

Tổng số lượt xem trang