Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Kinh tế Trung Quốc: “Cưỡi trên lưng cọp”

- Kinh tế Trung Quốc: “Cưỡi trên lưng cọp”
(Tamnhin.net) - Tình trạng ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung cấp dầu lửa bên ngoài khiến kinh tế Trung Quốc đang “cưỡi trên lưng cọp”. Do tốc độ tăng trưởng cao liên tục nhiều năm qua khiến năng lượng theo đó tiêu hao ngày càng lớn trong khi nguồn cung nội địa ngày càng khánh kiệt, bài toán thoát khỏi tình thế “cưỡi trên lưng cọp” hiện nay quả là thực sự nan giải với Trung Quốc.

Báo điện tử “Kinh tế Trung Quốc” ngày 27/6 cho biết sự phụ thuộc vào nguồn dầu lửa nước ngoài của Trung Quốc hiên trên 60%, trong đó khoảng 80%  nhập khẩu từ Trung Đông và Bắc Phi. Tình hình chính trị bất ổn ở hai khu vực này làm cho nguy cơ cung ứng dầu lửa ngày càng nghiêm trọng.

Tờ báo cho biết dân số Trung Quốc chiếm 21% dân số thế giới, nhưng trữ lượng than đã được xác định chỉ chiếm 11%, trữ lượng dầu mỏ chỉ chiếm 2,4%, khí đốt thiên nhiên chỉ chiếm 1,2%. Nguồn năng lượng tính bình quân đầu người của Trung Quốc chưa tới 50% bình quân của thế giới; bình quân dầu mỏ của Trung Quốc chỉ bằng 1/10 của bình quân thế giới.

Với sản lượng khai thác trong nước hàng năm từ 180 -200 triệu tấn dầu thô hiện nay, chỉ sau 14 năm nữa nguồn cung cấp dầu của Trung Quốc sẽ bị cạn kiệt nếu như không phát hiện thêm giếng dầu mới. Hiện Trung Quốc chủ yếu dựa vào nhập khẩu từ nước ngoài. Năm 2004, Trung Quốc nhập khẩu 122,7 triệu tấn dầu thô, năm 2008 tăng lên tới 136,6 triệu tấn, năm 2009 là 203,8 triệu tấn, năm 2010 tới 239 triệu tấn và 5 tháng đầu năm 2011 tới 106,5 triệu tấn. Tổ chức Năng lượng Thế giới IEA dự báo đến năm 2030, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc tăng thêm 75% và phải nhập khẩu trên 400 triệu tấn.

Đứng trước nguy cơ này, từ năm 2003, lãnh đạo Trung Quốc đã định ra “Chiến lược ngoại giao năng lượng” song song hai chiến lược khác là “Chiến lược ngoại giao nước lớn” và “Chiến lược ngoại giao láng giềng thân thiện”. Hợp tác dầu khí luôn là đề tài quan trọng của các chương trình hoạt động ngoại giao từ lãnh đạo cấp cao nhất tới các công ty. Báo chí Mỹ nhận xét ở đâu có nguồn năng lượng và nguyên liệu, là ở đó có sự hiện diện của lãnh đạo Trung Quốc.

Tình hình chính trị bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi vừa qua cùng với giá dầu lửa thế giới tăng cao đã giáng đòn mạnh mẽ vào phát triển kinh tế Trung Quốc. Các nhà kinh tế Trung Quốc dự tính chỉ cần giá một thùng dầu thô trên thị trường thế giới tăng 1 USD thì Trung Quốc hàng năm phải chi thêm tới 600 triệu USD. Giá dầu ở mức 120 USD/thùng làm CPI của Trung Quốc tăng thêm 1%. Giá dầu tăng cao là nhân tố quan trọng đẩy CPI tới trên 5% thời gian qua và làm quản lý kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn.

Hoạt động ngoại giao của Trung Quốc thời gian qua chủ yếu tập trung đẩy mạnh hợp tác năng lượng, nhất là dầu lửa. Trung Quốc đã ký kết nhiều văn bản hợp tác với các nước như Nga, Myanmar, Kazakhstan, Saudi Arabia, Libya, Brazil, Venezuela, Australia...

Tờ “Kinh tế Trung Quốc” cho biết Trung Quốc cam kết đầu tư tới trên 12 tỷ USD tới năm 2020 chủ yếu cho xây lắp bảo dưỡng đường ống dẫn dầu từ Siberia của Nga về Đại Khánh. Đổi lại trong thời gian 20 năm, Nga cung cấp 15 triệu tấn dầu thô, tiếp đó nâng lên 30 triệu tấn.

Tháng 6/2011, Trung Quốc đầu tư trên 2 tỉ USD cùng Myanmar lắp đường ống dẫn dầu về Trung Quốc. Dự kiến sau khi hoàn thành, Myanmar sẽ cung cấp cho Trung Quốc 22 triệu tấn dầu thô/năm.

Năm 2005, Tp đoàn dầu khí Trung Quốc (PetroChina) mua lại cổ phần của Công ty dầu khí Kazakhstan với giá 4,18 tỉ USD, hàng năm Kazakhstan sẽ cung cấp cho Trung Quốc 65 tỷ mét khối khí đốt.

Trung Quốc đã ký hợp đồng dầu lửa với Iraq, dự kiến 2 năm tới Iraq cung cấp cho Trung Quốc 2 triệu thùng dầu /năm.

Trung Quốc cũng ký hợp đồng với Venezuela trị giá 5 tỉ USD để khai thác ba giếng dầu từ năm 2006 tới năm 2012.

Tờ “Kinh tế Trung Quốc” dẫn phát biểu ngày 26/6 của Phó Tổng giám đốc PetroChina Liêu Vĩnh Viễn nói: “Nhập khẩu dầu lửa hiện nay dựa vào 4 nguồn chính, gồm các nước Trung Á, Nga, Myanmar và nguồn dầu lửa trên biển. Nhưng vẫn nhiều nguy cơ đe dọa tới an ninh dầu lửa”. Ông cho biết hợp tác năng lượng Trung-Nga nhiều năm qua không thuận buồm xuôi gió. Hai nước Nga và Nhật Bản luôn gây sức ép với Trung Quốc. Trong khi Nga không mấy mặn mà với chương trình hợp tác với Trung Quốc, thì lại rất sốt sắng hợp tác với Nhật. Sau động đất, Nga đã lập tức nâng cung cấp gấp hai lần dầu lửa cho Nhật, từ 9,1 triệu tấn năm 2010 lên 18 triệu tấn năm 2011, đồng thời chậm tiến trình cung cấp cho Trung Quốc.

Trung Quốc muốn đầu tư vào Canada 5,4 tỉ USD khai thác dầu khí, nhưng sau hơn một năm đàm phán, phía Canada đã từ chối. Năm 2005, Công ty dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) sẵn sàng chi 18,5 tỉ USD để mua lại cổ phần Công ty dầu lửa  Unocal của Mỹ, giao dịch đang triển khai thuận lợi thì bị Quốc hội Mỹ ngăn chặn.

Tờ “Kinh tế Trung Quốc” còn cho biết an ninh dầu lửa còn bị đe dọa bởi con đường vận chuyển đơn nhất: hiện hơn 90% dầu lửa nhập khẩu vận chuyển qua eo biển Malaccca. Một khi có chiến tranh hoặc biến động chính trị trong quan hệ Trung-Mỹ, việc chuyên chở có thể  bị ách tắc, đẩy Trung Quốc vào thế bị động. Tình hình chính trị ở các khu vực cung cấp dầu lửa cũng không ổn định, nhất là Trung Đông, Bắc Phi và Trung Á, Mỹ Latinh.

Bởi vậy Trung Quốc đã tăng cường lập các kho dự trữ chiến lược, dự kiến tới năm 2012 dự trữ chiến lược tới 37,53 triệu tấn.

Tờ báo đánh giá “an ninh dầu lửa” rõ ràng là nguy cơ luôn rình rập kinh tế Trung Quốc, giống như việc “cưỡi trên lưng cọp”./.

Kiều Tỉnh -Trung Quốc và “cái bẫy thu nhập trung bình”(Tamnhin.net) - - Theo giới phân tích, Trung Quốc không thể mãi mãi duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số và có nguy cơ sa vào “cái bẫy thu nhập trung bình”.
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tỏ ra khá thẳng thắn, khi ông mô tả tình hình kinh tế Trung Quốc năm 2007 là “không vững chắc, mất cân đối, thiếu điều phối và không bền vững”.

Thoạt nhìn, sự thừa nhận này xem ra có vẻ hơi trái ngược. Trong vòng 10-15 năm tới, Trung Quốc dự kiến sẽ đạt được những dấu mốc quan trọng. Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiên đoán Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới vào năm 2016, xét theo tương quan sức mua. Mạng Economist Intelligence Unit (EIU) dự đoán Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc kinh tế số 1 thế giới vào năm 2020 và theo Daiwa Securities, thu nhập bình quân đầu người của Thượng Hải có thể đã đạt mức bình quân thu nhập theo đầu người của Mỹ ngay trong năm 2009. Trung Quốc hiện có dự trữ ngoại tệ trên 3.000 tỷ USD và thâm hụt ngân sách khiêm tốn nhất (2,5% GDP) trong năm 2010.

Thế nhưng, kinh tế Trung Quốc chắc sẽ phát triển chậm lại trong mấy năm tới, sau gần ba thập kỹ có tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 10%. Xuất khẩu sẽ bị đình đốn do nhu cầu của các thị trường phương Tây giảm sút và các khoản đầu tư vào bất động sản xem ra đang ngày càng ít sinh lời. Xu thế giảm sút này có thể ít nghiêm trọng hơn, nếu chính phủ Trung Quốc thành công trong việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước thành động cơ tăng trưởng.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo vốn không phải là người chạy theo chủ trương tăng trưởng bằng mọi giá. Trong kế hoạch 5 năm 2006-2010, chính phủ Trung Quốc chủ trương chuyển đổi nền kinh tế khỏi tình trạng vốn phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư. Kế hoạch này dự kiến tốc độ tăng trưởng trung bình 7,5% cho cả giai đoạn 5 năm, thấp hơn mục tiêu 8,5% của kế hoạch 5 năm trước đó. Thế nhưng, kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn 2006-2010 lại tăng trưởng với tốc độ xấp xỉ 11%, so với 9,5% của nửa đầu thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. Tiêu thụ của các hộ gia đình giảm mạnh so với GDP và chương trình kích thích kinh tế 4.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 620 tỷ USD) cho phép các ngân hàng thỏa sức cho vay đang dẫn đến nguy cơ xảy ra một làn sóng nợ xấu mới.

Bất chấp những lời kêu gọi của Thủ tướng Ôn Gia Bảo về phân bổ công bằng hơn thành quả phát triển kinh tế, cái hố ngăn cách giàu nghèo, giữa thành thị và nông thôn ngày càng sâu rộng. Kể từ khi ông Ôn Gia Bảo nhậm chức thủ tướng năm 2003, tỷ lệ nghèo đói tuyệt đối có giảm mạnh, nhưng tỷ lệ nghèo tương đối (có thu nhập bằng 50% hoặc ít hơn so với thu nhập bình quân cả nước) lại tăng từ 12,2% dân số lên 14,6% trong giai đoạn 2002-2007. Vào giai đoạn cuối của kế hoạch 5 năm 2006-2010, mục tiêu xây dựng “xã hội XHCN hài hòa” xem ra ngày càng trở nên xa vời, khi các cuộc biểu tình phản đối tình trạng bất công ở địa phương đã lên tới con số hàng chục nghìn vụ mỗi năm.

Kế hoạch 5 năm 2011-2015 được thông qua hồi tháng 3/2011 nhấn mạnh rằng “môi trường bên ngoài” cho sự phát triển của Trung Quốc đã “trở nên phức tạp hơn”. Nói cách khác, các thị trường bên ngoài là không mấy hứa hẹn. Kế hoạch này kêu gọi một sự “điều chỉnh chiến lược” trong mô hình tăng trưởng ở Trung Quốc, nhấn mạnh hơn đến nhu cầu nội địa, đặc biệt là chi tiêu tiêu dùng. Kế hoạch này cũng đề ra những khoản đầu tư lớn với hy vọng thúc đẩy tiêu dùng của các hộ gia đình về dài hạn và hứa hẹn xây dựng 36 triệu căn hộ  giá rẻ, nhiều hơn tổng số các căn hộ ở Vương quốc Anh. Chính phủ Trung Quốc cũng đã cam kết sẽ tăng cường chi tiêu cho y tế, giáo dục và các chương trình phúc lợi xã hội khác. Điều này rốt cuộc có thể dẫn đến việc khuyến khích dân chúng tiết kiệm ít hơn và tiêu dùng nhiều hơn.

Chính phủ Trung Quốc cũng muốn tăng gấp 5 lần tổng chiều dài của mạng lưới đường sắt cao tốc, vốn đã dài nhất thế giới (8.300 km), vào năm 2015 và tăng số lượng sân bay hiện có thêm 33%. Các quan chức Trung Quốc hy vọng các khoản đầu tư khổng lồ này sẽ thúc đẩy các đô thị phát triển và kèm theo đó là mức độ tiêu dùng.

Thế nhưng, một số nhà kinh tế lại cho rằng các mục tiêu trên là quá tham vọng. Nhà phân tích Michael Pettis của Đại học Bắc Kinh cho rằng các khoản đầu tư công đang ngày càng kém hiệu quả và Trung Quốc đang trên đường tiến tới một cuộc khủng hoảng nợ công. Theo ông, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm mạnh, sau khi các khoản cho vay biến thành nợ xấu, thậm chí có thể xuống mức dưới 5%. Nhà phân tích Victor Shih của  Northwestern University cũng chỉ ra vấn đề nợ đang lấp ló ở phía chân trời và đang ngày càng phình to do thái độ vô trách nhiệm của các chính quyền địa phương trong việc sử dụng chương trình kích thích kinh tế. Không được phép vay trực tiếp, nhiều quan chức địa phương đã dựng lên nhiều công ty để vay mượn cho bản thân và sử dụng đất đai để thế chấp. Hồi tháng 1/2011, nhà nghiên cứu Yu Peiwei của Cơ quan nghiê cứu chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết: “Hiện có nguy cơ tiềm ẩn về bong bóng bất động sản và (Trung Quốc) đang đối mặt với rủi ro tài chính nhất định”. Nếu bong bóng này bị vỡ, giá nhà đất sẽ bị tụt giá thảm hại và khiến cho nhiều ngân hàng bị lâm nguy.

Trong bài viết mới đây, Giáo sư Nouriel Roubini của New York University cho rằng   khủng hoảng nợ công ở Trung Quốc có thể xảy ra trong giai đoạn từ 2013 đến 2015. Ông lưu ý rằng sở dĩ Trung Quốc tránh được suy thoái sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu là do đầu tư vào bất động sản như cơ sở hạ tầng giao thông và các nhà máy tăng từ 42% GDP của năm 2008 lên 50% GDP trong năm 2010. Ông nhận định không một quốc gia nào đầu tư tới 50% GDP vào bất động sản mà không phải đối mặt với “tình trạng dư thừa công suất và vấn đề cho vay không hiệu quả”.

Không chỉ có các nhà phân tích nước ngoài quan ngại, mà ngay cả nghiên cứu viên cao cấp Ge Zhaoqiang của Ngân hàng Thương mại Trung Quốc cũng lên tiếng cảnh báo hồi tháng 5/2011 rằng kinh tế Trung Quốc đã trở nên “méo mó nghiêm trọng” bởi sự lệ thuộc vào mức độ đầu tư cao kéo dài. Theo ông hiện có nguy cơ xuống dốc kinh tế “chưa từng có trong vòng 30 năm qua”, với những hậu quả tai hại  đối với ổn định xã hội và chính trị ở Trung Quốc.

Nhiều nhà phân tích lo ngại rằng Trung Quốc có thể sa vào vết xe đổ của Nhật Bản: phát triển bùng nổ về xuất khẩu và đầu tư  đi kèm với một thị trường bất động sản “sủi bong bóng” dẫn đến tình trạng đình trệ kéo dài nhiều thập kỷ. Các quan chức và giới chuyên gia vẫn tranh luận không ngừng về việc liệu Trung Quốc có dần dần sa vào cái bẫy “thu nhập trung bình” hay không. Người ta lo ngại rằng Trung Quốc rất có thể cũng sẽ bị rơi và tình trạng trì trệ và hỗn loạn như các nền kinh tế Mỹ Latinh hồi những năm 1980 và 1990.

Minh Bích (theo The Economist)

Tổng số lượt xem trang