Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Li Cunxin (李存信): người vũ công cuối cùng của Mao Trạch Đông

-Li Cunxin (李存信): người vũ công cuối cùng của Mao Trạch Đông

large-MaoLastDancer_t479
Một cảnh trong phim Mao’s Last Dancer

LTS: Li Cunxin sinh ngày 29 tháng 1 năm 1960 ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Anh học ballet ở Bắc Kinh rồi sau đó gia nhập đoàn vũ công ballet của thành phố Houston, Hoa Kỳ.  Anh giải nghệ năm 38 tuổi và hiện là một thương gia chuyên về thị trường chứng khoán ở Melbourne, Úc.  Li Cunxin là tác giả quyển hồi ký Người Vũ Công Cuối Cùng của Mao (Mao’s Last Dancer), đã được đạo diễn Bruce  Beresford quay thành phim và trình chiếu ở Mỹ vào tháng 8 năm 2010.


Nghệ Thuật là gì?
Có lẽ khó có định nghĩa nào nói lên được ý nghĩa trọn vẹn của hai chữ Nghệ Thuật. Nghệ thuật cũng giống như đời sống, chúng ta sống – cứ sống. Nhưng định nghĩa Đời Sống là gì, thì chịu, khó mà nói cho hết cái vô cùng của nó. Nghệ Thuật cũng vậy. Người nghệ sĩ cho dù tài hoa lỗi lạc, cống hiến hết đời cho nghệ thuật cũng chưa chắc đã định nghĩa được.
Vậy Nghệ Thuật là gì?
Muốn hiểu Nghệ Thuật là gì trước hết có lẽ nên thử đi tìm cái gì không phải là nghệ thuật. Có thể dễ dàng thấy những thực thể trần trụi thường ngày quanh ta nơi nào cũng có, như hình ảnh một quầy táo xanh, những nhánh hoa tươi không phải là nghệ thuật. Nhưng mấy quả táo héo trong tranh của Cézane1, vài cành hoa khô của Renoir lại là nghệ thuật. Vì sao? Ngoài đời, có lẽ táo héo, hoa khô chỉ là rác rưởi. Nhưng trong tranh, bàn tay của người họa sĩ đã khắc họa cái đẹp của sự tàn tạ. Màu thâm trên cuống táo, cái dáng ủ rũ, thẩn thờ tơi tả của cành hoa. Người họa sĩ đã bắt được thời khắc của cái chết phải đứng lại, nó trở thành bất tử trong nghệ thuật. Một ví dụ khác, ai cũng biết, người ta không thể đi đứng dễ dàng trên băng tuyết, nhưng khi nhìn những vũ công nhảy múa, lướt mình nhẹ nhàng trên sân băng, người ta gọi đó là nghệ thuật.
Vậy nghệ thuật có phải là cách biểu tượng hình ảnh, hành động, tư tưởng,… một cách đẹp đẽ hơn, làm cho nó có một ý nghĩa thăng hoa hơn?
Nhưng thế nào thì gọi là đẹp? Quan niệm thẩm mỹ của mỗi người mỗi khác. Nó tùy thuộc vào nhân sinh quan của từng người. Đôi khi cái đẹp bị áp đặt, bị ngộ nhận nên nghệ thuật cũng thường bị phân loại theo những tiêu chí khác nhau. Nghệ thuật vị nghệ thuật? Nghệ thuật vị nhân sinh? Hay nghệ thuật vị chính trị? Hoặc một tôn giáo, một chủ thuyết nào đó?
Nhưng chắc chắn một điều, nghệ thuật sẽ không còn là nghệ thuật nếu không có tự do. Không có một con chim nào bay lên được khi đôi chân bị cột. Con cá bơi trong hồ – Ồ, không, đó chỉ là cái quẫy đuôi ở chỗ túng cùng.
Đấy cũng chính là nội dung câu chuyện của Li Cunxin trong cuốn phim Người Vũ Công Cuối Cùng Của Mao Trạch Đông. Li Cunxin là một người nghệ sĩ điển hình giữa vô số những ngôi sao tài năng sống hẩm hiu rồi tàn lụi trong những chế độ độc tài Đảng trị.
Phim dựa trên tự truyện của Li Cunxin.

Đoạn giới thiệu (trailer) của phim Mao’s Last Dancer–ra mắt lần đầu tiên ở Đại hội Điện ảnh Toronto năm 2009

Li là một chú bé, con thứ sáu của một gia đình nông dân ở Sơn Đông. Làng của Li đất đai cằn cỗi, chung quanh núi dựng lưng chừng. Mùa Đông tuyết phủ, mùa Hè cạn khô. Những bữa rau cháo ngô khoai qua ngày, Li sống hồn nhiên với những đứa trẻ trong làng và nghe những mẩu chuyện đời xưa cha kể. Nếu như cuộc đời phẳng lặng thì có lẽ sau này Li cũng sẽ trở thành một trong số những người nông dân nghèo khổ, lam lũ trong làng.
Năm 11 tuổi, vì thể chất tốt, Li được tuyển chọn để trở thành vũ sinh ballet trong Viện Nghệ Thuật Bắc Kinh. Bị bắt ly khai gia đình, những đứa trẻ phải sống trong hoàn cảnh học tập khắc nghiệt.
Ballet là một môn khó nhất trong các bộ môn của ngành nghệ thuật sân khấu. Nó đòi hỏi người vũ công phải tập luyện từ nhỏ, phải có sức khoẻ, sự dẻo dai, phải kiên nhẫn, chịu đựng, phải có một trình độ thẩm âm và biết diễn tả cảm xúc.
Li không ưa ballet. Đối với một chú bé nhà quê như Li, ballet là một thứ xa xỉ. Li chỉ ước mong được trở về quê, đỡ tay đỡ chân cho cái gia đình thiếu đói triền miên của mình. Nhưng ballet đã chọn Li. Số phận bắt buộc không có sự lựa chọn khác. Những hồi ức nghèo khổ của gia đình, sự hy sinh vô bờ của cha mẹ, những câu chuyện cổ xưa và tấm lòng tận tụy của thày Chan đã thôi thúc Li luyện tập không ngưng nghỉ. Vượt qua những đau đớn về thể xác, về tinh thần và kiên trì luyện tập trong suốt thời niên thiếu, Li nghiễm nhiên đã trở thành một vũ sinh nổi bật nhất.
Trong một lần trình diễn vở Cách Mạng Giải Phóng Trung Quốc cho ban lãnh đạo Trung Ương xem. Những vũ công trong vai những nông dân đứng lên làm cách mạng khá thành công. Nhưng Giang Thanh (vợ Mao Trạch Đông) đột nhiên nổi giận vì trên sân khấu những vai cách mạng không ai mang súng. Mặt mày sa sầm, bà tra gạn, “Súng đâu? Tại sao lực lượng cách mạng không ai có súng?” Giang Thanh phán, “Không có súng tức ám chỉ cách mạng giải phóng không có sức mạnh ư?” Bà chỉ đạo, “Phải làm sao kết hợp vũ ballet với những tính cách đặc trưng dân tộc để tạo nên một phong cách ballet Trung Quốc.”
Thầy giáo Chan là người phản đối ý kiến này. Ballet là một bộ môn đặc trưng của phương Tây. Phong thái Đông, Tây khác biệt. Làm thế nào để kết hợp phong cách Đông Tây để nó trở thành một bộ môn ballet riêng của Trung Quốc? Cuối cùng, trong buổi họp Đảng, ông bị quy kết chống đối tư tưởng lãnh đạo của Đảng và bị bắt đi lao cải.
Trước khi bị bắt, thầy Chan đã kể cho Li nghe câu chuyện về một danh thủ bắn cung thời xưa để thay lời dặn dò. Truyện kể, anh chàng này mới đầu sức yếu đến mức không thể nhấc nổi cây cung. Quyết tâm tập bắn, mỗi ngày anh chàng tập khuân gỗ lên núi. Sau một năm tập luyện, cây cung ngày xưa trở nên nhẹ như một cọng lông Hồng.
Điều may mắn hơn là Li được thầy tặng một cuốn tài liệu về những vũ công ballet điêu luyện của phương Tây. Điểm nực cười là các vũ sinh ballet ngày ấy lại bị cấm xem những màn trình diễn ballet của nổi tiếng thế giới. Họ bị bịt mắt để thấy chỉ có ballet Trung Quốc là đỉnh cao nghệ thuật.
Đoạn phim trình diễn của Baryshnikov đã mở mắt Li. Cậu quyết định như danh thủ bắn cung đời xưa. Ban đêm, Li tự tập luyện một mình. Tự bó chân bằng những vật liệu càng ngày càng nặng, Li tập nhảy lên những nấc thang. Từng nấc một. Rồi hai, ba nấc một,… Trong những màn trình diễn sau này, những bước chân của Li là những bước tung bay trên sân khấu.
Năm 1976 Mao chết. Hoa Quốc Phong lên nắm quyền. Giang Thanh bị truy tố vì đã truy diệt hàng triệu nhân tài trí thức trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Ít lâu sau, Đặng Tiểu Bình lên thay, chính sách Trung Quốc bắt đầu thay đổi.
Sự đổi mới của Trung Quốc đã mở cửa đón thế giới phương Tây. Năm 1986, sự giao lưu văn hóa là một cái bắt tay mở đầu cho những phương diện khác. Trung tâm Houston Ballet đến thăm Viện Nghệ Thuật Bắc Kinh. Người Trung Quốc lần đầu tiên mới biết thế nào là ballet. Sự giao lưu nghệ thuật bắt đầu bằng sự học hỏi. Và Li Cunxin tuy không có những lợi thế về chính trị nhưng vì tài năng anh đã được đề cử ra nước ngoài trong thời gian ngắn hạn.
Chỉ khi xa quê hương người ta mới hiểu rõ hơn về đất nước mình. Với Li, điều kinh khủng là anh nhận ra cả dân tộc bị bịt mắt. Cả tỷ người Trung Hoa đang bị lừa dối. Đứng trên đất Mỹ anh có cảm tưởng đất trời đảo lộn. Hơn hai mươi năm, những thứ anh học, anh nghe đều trái ngược những điều anh thấy. Đảng là một hệ thống lừa đảo tinh vi nhất, nhưng lại đi lừa những điều ấu trĩ nhất. Từ nhỏ, bao thế hệ như Li vẫn tin, người Trung Quốc đã là người no ấm nhất, dân Trung Quốc là giống dân hạnh phúc nhất, Trung Quốc là thiên đàng của nhân loại, Mao chủ tịch chính là người lãnh đạo tài ba nhất,… Nhưng mà, giờ đây đứng giữa lòng “tư bản xấu xa”, bất chợt Li cảm thấy mình như người mù bước ra từ bóng tối. Thế giới thật sự đây sao? Ánh mặt trời ở đây pha lẫn màu hồng của hạnh phúc. Đường phố rạng rỡ, những gương mặt tươi cười. Hai bên đường, nhà cửa khang trang, sạch sẽ. Anh chợt nhớ những căn nhà nhỏ ọp ẹp trong làng, cái góc bếp tồi tàn của mẹ, mấy củ khoai lót dạ mùa đông,… Tim anh tan nát. Quá khứ là những bóng đen đang tan biến dưới ánh mặt trời. Nhưng cha mẹ anh, anh em anh, cô giáo nhỏ của anh, thầy Chan,… cả dân tộc còn bị nhấn chìm trong bóng đêm. Tự nhiên, nước mắt Li rơi. Dòng nước mắt đau xót cho cả một dân tộc đang còn lầm lũi.
Nước Mỹ là đất của cơ hội. Điều may mắn của Li đã đến. Trong một đêm trình diễn quan trọng, nam vũ công chính của đoàn bị chấn thương, Li được đạo diễn Ben Stevenson chọn vào vai chính. Từ đây danh tiếng Li bắt đầu vang dội. Sau vở Don Quixote, Li chinh phục khán giả khắp nơi qua những vở kinh điển Tây Phương như Swan Lake, The Nutcracker
Thành công của Li làm mọi người thay đổi quan niệm về ballet. Ballet không chỉ dành riêng cho một chủng tộc nào, một sắc dân nào. Còn Li, cũng đã nhận ra rằng con đường nghệ thuật nào cũng cần có tự do. Có tự do, Li nhảy múa trên sân khấu như những cánh chim bay lượn giữa bầu trời. Chỉ có tự do, nghệ thuật mới đạt được đỉnh cao của nó.
Nhưng thời hạn ở Mỹ đã hết. Chính quyền Trung Quốc bắt buộc Li trở về. Li phải đối diện với sự lựa chọn. Làm một người nghệ sĩ tự do hay phải mất tất cả gia đình và quê hương. Một người đột nhiên bị bứng ra khỏi nguồn cội, bị cắt lìa quá khứ, bị mất biệt dấu tích những người thân, Li bỗng như trở thành một người mù quờ quạng giữa bóng đen. Đó là cái giá đắt nhất mà Li phải trả.
Nhưng đã trót là người nghệ sĩ, nghệ thuật chính là linh hồn của họ. Con người có thể mất thể xác nhưng không thể mất linh hồn. Chỉ khi có linh hồn, thân xác mới có thể sống, con người mới được gọi là Người.
Đó chính là sự chọn lựa của người nghệ sĩ chân chính.
May,13th 2011
Ghi chú: Bạn đọc có thể tìm xem DVD Phim Mao’s The Last Dancer trên hệ thống phát hành của Blockbuster hay Netflix, hoặc mua phim ở website amazon.

Tổng số lượt xem trang