Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

Mường Nhé: Xúi giục và cả tin

- Mường Nhé: Xúi giục và cả tin (TG&VN)
Các phóng viên quốc tế và Việt Nam phỏng vấn anh Lý A Tính tại nơi xảy ra vụ tụ tập ở bản Huổi Khon.

Chiều 26/5/2011, phóng viên các hãng AFP, Reuters, Kyodo News, NHK, Tân Hoa xã và Truyền hình Việt Nam (VTV4), Báo Thế giới & Việt Nam, Phân xã của Thông tấn xã VN tại Điện Biên, Báo Điện Biên, Truyền hình tỉnh Điện Biên có mặt tại trụ sở UBND tỉnh Điện Biên để dự buổi họp báo do Bà Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch Tỉnh chủ trì. Tuy nhiên, đây mới chỉ đáp ứng được nhu cầu “tai nghe" và mọi việc trở nên sinh động khi được “mắt thấy”.






Về Mường Nhé
Sáng sớm ngày 27/5, chúng tôi lên đường đến Bản Huổi Khon, Xã Nậm Kè, Huyện Mường Nhé. Đường từ TP Điện Biên Phủ lên Mường Nhé khá xa, trên 200 km, nhiều đoạn khó đi, và có đoạn còn đang được sửa chữa. Mệt nhoài sau chừng 6 tiếng lắc lư trên xe, chúng tôi đến Ủy ban nhân dân xã Nậm Kè vào giữa trưa. Tiếp đó là buổi ăn trưa làm việc chừng hơn 30 phút ngay tại đây với Chủ tịch Huyện Trần Anh Tuấn. Đến gần 13h chúng tôi ra xe. Từ đây lên Huổi Khon vẫn còn 10 km trong đó có khoảng 2 km đi bộ đường núi.
Buổi làm việc của chính quyền tỉnh Điện Biên với các các phóng viên quốc tế và Việt Nam.

Lại khúc khủy, gập ghềnh nhưng lúc này chỗ tôi ngồi bỗng "nhộn nhịp" vì có thêm người khách là Bí thư Đảng ủy xã Nậm Kè Lò Văn Sung. Đây đó trên đường, chúng tôi nhìn thấy những chiếc máy ủi, máy xúc đang hối hả làm việc. Cách Huổi Khon chừng gần 2km chúng tôi rời xe đi bộ vì đường dốc và xấu.

Áo đẫm mồ hôi, chúng tôi leo lên đến điểm có hai quả đồi trọc là nơi diễn ra các hoạt động tụ tập từ 30/4-6/5 vừa rồi. Chỉ vài tuần trước, nơi đây còn sặc mùi xú uế và các đồ thải do đám đông bỏ lại. Phóng tầm mắt nhìn ra xung quanh, tôi thấy thấp thoáng mấy người đang đi làm nương. Đây đó vài ba đám trâu, bò đang gặm cỏ và phía xa xa, nơi có mấy nóc nhà người dân tộc, những đứa trẻ con đang chạy chơi. Khung cảnh thật yên bình, không có vẻ "ghê gớm" như là hệ quả của một cuộc "bạo động và đàn áp" như một số trang mạng nước ngoài đưa tin.
Người đầu tiên các phóng viên bắt chuyện là Trưởng bản Sùng A Kỷ: " Tôi sinh năm 1964. Bản tôi có 97 hộ, xung quanh đây có 11 hộ. Mấy hôm tụ tập, bọn họ ngăn không cho chúng tôi đi lại, muốn đi lấy đồ ăn, mua thuốc cũng không được. Chúng bắt cả một hộ theo lên đồi. Cuộc sống chúng tôi bay giờ trở lại như cũ, bà con yên tâm sản xuất rồi". Tiếp đó là một người đàn ông H'mông tên là Lý A Tính: "Mấy hôm diễn ra sự việc ông có tham gia tụ tập không? - Không. Chúng tôi bị ngăn không cho đi lại, mãi hôm họ giải tán, tôi mới được đi lại tự do; - Ông thấy việc họ làm là sai hay đúng- Hoàn toàn sai pháp luật. Từ khi sinh ra, năm1954, đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi thấy việc này".
Các phóng viên phỏng vấn Trưởng bản Sùng A Kỷ.

Đoàn phóng viên rảo bước theo triền dốc tiến về nơi có mấy nóc nhà ngươi H'mông nằm bên kia một con suối. Nhân tiện, tôi hỏi người đi bên cạnh là phóng viên Tân Hoa Xã Lý Kình về suy nghĩ của anh. Anh nói: "Đến đây thì tôi thực sự tin những gì mà các bạn Việt Nam nói: không có bạo động mà cũng chẳng có đàn áp. Chúng tôi hiểu và thông cảm với cách xử lý của Chính quyền Việt Nam quanh sự việc Mường Nhé. Mong rằng Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định, chống lại mọi âm mưu phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc, tiếp tục thực hiện thành công chính sách xóa đói giảm nghèo".

Chúng tôi tiến về ngôi nhà đầu tiên. Một người đàn ông dân tộc H'mông trán hói, to, đậm, ngật ngưỡng xuất hiện, mồm nồng mùi rượu, bập bõm mấy câu tiếng Kinh: "Xin chào, xin bắt tay cái". Thấy ngồ ngộ, chúng tôi bước vào khuôn viên ngôi nhà. Một thanh niên bước ra với một thùng các tông mận trên tay, mời khách. Anh tên là Sùng A Cáng sinh năm 1993, người dân tộc H'mông, theo Tin Lành, là chủ ngôi nhà. Anh kể: "Bản chính Huổi Khon ở quả đồi bên kia, ngôi nhà này anh mới dựng tháng 10/2010. Ngay trước hôm diễn ra sự việc, anh sang khu đồi bên cạnh cưới vợ. Khi trở về, hai bố con bị ngăn không cho về nhà. Khi đám người bỏ đi, kiểm tra lại thì thấy nhà bị phá khóa, mất một số đồ dùng cá nhân".
Mải mê tác nghiệp quên cả thời gian. Bỗng vang lên tiếng cãi nhau. Người đàn ông H'mông gặp lúc đầu đang lớn tiếng đòi tiền những ai chụp ảnh. Lấy được hai mươi nghìn của một phóng viên, ông ta lại quay sang đòi tiền người khác. Ngán ngẩm với trò khôn lỏi của ông ta, và cũng đã gần 15h30, đoàn phóng viên rảo bước quay về ngọn đồi cũ, vào nhà của Giàng A Có, người H'mông, sinh năm 1960. Theo ông Có: "Trong mấy ngày đám đông tụ tập, sinh hoạt của ông và gia đình bị đảo lộn. Ngày họ giải tán, số tài sản hiếm hoi là 20 con gà và hai con lợn mán cũng không cánh mà bay". Uống vội xong chén nước, chúng tôi nhanh chóng xuống dốc để ra xe vì quá muộn. Các phóng viên ai cũng mệt mỏi, những dường như đều cảm nhận thấy ở mỗi người sự hài lòng ở những những góc độ khác nhau. Trò chuyện với phóng viên Ian Timberlake (AFP) vào phút nghỉ ngơi hiếm hoi khi cách tỉnh lỵ chừng 80 km, ông nói: "Ở nước nào thì các vùng dân tộc ít người cùng là những vùng chậm phát triển. Điều đó còn phụ thuộc vào chính khả năng của cả họ. Như người đàn ông vừa rồi chẳng hạn, mất quá nhiều thời gian vào ruợu và say. Có lẽ tôi sẽ có một số bình luận về vấn đề tôn giáo".
Lợi dụng tín ngưỡng để kích động
Mối quan tâm lớn nhất của các phóng viên nước ngoài chính là vấn đề có bạo động, có tự do tôn giáo, có việc trấn áp, bắt giữ, có ai bị giết và có sự can thiệp của quân đội hay không? Còn bao nhiêu người trốn trong rừng? Vấn đề ấy đã gần như được giải quyết thỏa đáng qua trả lời phỏng vấn của Phó Chủ tịch Điện Biên Giàng Thị Hoa và Chủ tịnh huyện Mường Nhé Trần Anh Tuấn và qua thực tiễn chuyến đi. Tuy nhiên, vẫn còn có những khác biệt trong các quan niệm giữa Việt Nam và các nước Phương Tây về tự do tôn giáo, bởi vậy đây đó chắc vẫn sẽ có những đánh giá khác nhau về tự do tôn giáo ở Mường Nhé. Cũng chính vì vậy, đây tiếp tục luôn là vấn đề nhạy cảm, dễ bị đánh đồng, gây những hiểu lầm về chính sách tôn giáo của Việt Nam.
Bản chất vấn đề ở Mường Nhé là việc một số kẻ lợi dụng sự cả tin, đời sống còn khó khăn của đồng bào H'mông, loan tin là ngày "21/5/2011 sẽ là ngày tận thế" và những ngày đầu tháng 5, tại Mường Nhé sẽ xuất hiện "một thế lực siêu nhiên"mang mọi người đến miền đất hứa, được ban sức khỏe, hạnh phúc và giàu sang. Bằng cách lừa gạt, dụ dỗ và cưỡng bức, bọn họ đã lôi kéo được hàng nghìn đồng bào H'mông từ các nơi về tụ tập tại bản Huổi Khon, gây mất trật tự an ninh, ảnh hưởng xấu đến đời sống và sản xuất của người dân. Sau gần một tuần (30/4-6/5), chẳng thấy đấng siêu nhiên nào cả, lại bị nắng, đói, đồng bào H'mông đã nghe theo lời vận động của cán bộ trở về nơi cư trú với hỗ trợ từ 200-300 nghìn/người và cả phương tiện đi lại. Bảy kẻ ngoan cố ngăn cản bà con và hành hung cán bộ hiện bị bắt. Thực tế là hiện đồng bào đã ổn định đời sống, bắt tay vào sản xuất và đã tích cực tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ngày 22/5 với tỷ lệ trên 99% tại Mường Nhé. Tuy nhiên, một số báo điện tử và blog cá nhân đã đưa tin không đúng sự thật, rằng là có "bạo động tại Mường Nhé", chính quyền đàn áp làm chết hàng chục người, bắt giữ hàng trăm người, nhiều người còn trốn trong rừng; cản trở phóng viên lên Mường Nhé đưa tin…
Ẩn chứa trong sự kiện Mường Nhé là ý đồ lôi kéo đám đông tụ tập gây rối, kích động để những lực lượng hậu thuẫn từ bên ngoài có cớ thổi phồng lên thành vấn đề bạo động tôn giáo, sắc tộc, tuyên truyền chống phá chính sách đại đoàn kết dân tộc của nhà nước ta. Thấp thoáng đây đó là cả âm mưu gắn giữa tôn giáo với ý đồ lập quốc gia riêng của một số kẻ huyễn tưởng và toan tính phá hoại cuộc bầu cử Quốc hội ngày 22/5. Hành động của họ xuất phát từ thứ tà đạo có tên là Vàng Chứ và dĩ nhiên không được giới chức Tin Lành thừa nhận. Bởi điều 69 của Giáo luật Tin Lành có chỉ rõ: "Giáo dân phải tôn trọng chính quyền sở tại vì họ là người thay mặt Chúa tại địa phương ấy" .
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng tự do tôn giáo và có chính sách ưu tiên để phát triển các vùng dân tộc thiểu số. Điều đó đã, đang được tiến hành ở Điện Biên và được cụ thể qua thực hiện các chương trình, dự án như dự án 135 giai đoạn II (đầu tư 72/112 xã và 27 bản đặc biệt khó khăn); dự án hỗ trợ phát triển dân tộc Si La; hỗ trợ trực tiếp cho người dân các mặt hàng thiết yếu như muối và dầu hỏa, làm nhà cho các hộ nghèo; triển khai Chương trình 167/CP…Không thể phủ nhận nơi đây còn khó khăn, và việc đầu tư phát triển đồng đều không phải là câu chuyện một sớm, một chiều nhưng quyết tâm của chính quyền quan tâm phát triển Mường Nhé nói riêng và cả Điện Biên nói chung có thể được cảm nhận không chỉ ở lời nói mà qua nhiều hành động thực tiễn. Hẹn gặp lại Mường Nhé, Điện Biên trong một dịp khác với những sức sống mới.
Thế Hùng

Tổng số lượt xem trang