Cầu Cần Thơ, một trong những dự án sử dụng hiệu quả vốn ODA |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức giải ngân tăng nhanh so với dự kiến chủ yếu là do các dự án ODA do JICA tài trợ đạt mức giải ngân cao trong những tháng đầu năm, trước khi năm tài khóa của Nhật Bản kết thúc vào ngày 31/3/2011.
Giải ngân vốn ODA 4 tháng đầu năm 2011 đạt khoảng 1 tỷ USD, bằng 36% kế hoạch năm, trong đó riêng JICA đạt 494,7 triệu USD.
Vốn ODA ký kết cũng tăng rất cao trong 5 tháng đầu năm nay. Tổng số vốn ODA ký kết thông qua các hiệp định từ mức hơn 1 tỷ USD trong các công bố chính thức cách đây một tháng, nay vọt lên trên 1,66 tỷ USD. So với năm ngoái, con số này cũng tăng khoảng 20%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính khả năng 6 tháng đầu năm nay, vốn ODA giải ngân sẽ đạt khoảng 1,35 tỷ USD, bằng 56,25% kế hoạch cả năm.
Do ODA là nguồn vốn ưu đãi và chủ yếu được dành cho phát triển hạ tầng quan trọng của đất nước nên việc giải ngân nhanh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Trong tình hình nhập siêu tăng cao gần đây, ODA cũng là một nguồn quan trọng tài trợ cho thâm hụt mậu dịch quốc tế, cân bằng lại cán cân thanh toán tổng thể.
Năm nay, trong bối cảnh Việt Nam phải cắt giảm đầu tư công để kiềm chế lạm phát, vấn đề này càng trở nên quan trọng hơn, bởi có thêm vốn ODA, Việt Nam sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thực tế cho thấy, vốn ODA cam kết trong những năm gần đây luôn đạt mức kỷ lục (khoảng 8 tỷ USD mỗi năm) nhưng chỉ cam kết thôi, mà chưa ký được hiệp định, cũng như chưa đưa vào giải ngân, thì ý nghĩa của những cam kết này vẫn chỉ là sự thể hiện niềm tin của các nhà tài trợ dành cho Việt Nam. Trong khi đó, điều quan trọng là đồng vốn này mang lại gì cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong hai năm 2009-2010, giải ngân vốn ODA đều ở mức rất cao (3-4 tỷ USD/năm). điều này thể hiện nỗ lực lớn của Việt Nam cũng như của các nhà tài trợ. Tuy nhiên, nếu loại trừ các khoản giải ngân nhanh, thì thực tế, tốc độ giải ngân vốn ODA chưa được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) luôn day dứt vì trong tổng số 6 tỷ USD vốn ODA mà ADB cam kết dành cho Việt Nam, mới chỉ có 1 tỷ USD được giải ngân. Hơn thế, nỗi lo còn ở chỗ, nhiều dự án triển khai chậm trễ. Có những dự án theo thiết kế ban đầu sẽ được triển khai trong khoảng 5 năm, có những dự án phải mất đến 10 năm mới hoàn thành. Trong khi đó, hai năm gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) luôn phải cùng các cơ quan chức năng của Việt Nam thảo luận để làm sao đẩy nhanh tiến độ 10 dự án đã quá chậm tiến độ…
Có thể kể không ít những ví dụ như vậy để thấy rằng, cần phải quyết tâm đẩy nhanh giải ngân hơn nữa nguồn vốn này. Những khó khăn đã luôn được nhắc tới, đó là chuyện hài hòa hóa thủ tục, chuyện năng lực nhà thầu, giải phóng mặt bằng… Và năm nay, sẽ khó khăn hơn, bởi có thể có cả chuyện vốn đối ứng.
Tổ công tác ODA của Chính phủ và các nhà tài trợ, đặc biệt là nhóm 6 ngân hàng lớn, những năm gần đây đã nỗ lực vượt bậc, cùng hợp tác, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn ODA. Những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận. Nhưng năm nay, nỗ lực càng phải lớn hơn, mạnh hơn, bởi không chỉ giải ngân nhanh, mà còn là phải nâng cao hiệu quả viện trợ. Làm sao để đồng vốn đó thực sự mang lại hiệu quả cho kinh tế - xã hội Việt Nam! Làm sao để ngày càng nhiều người dân Việt Nam được hưởng lợi từ đồng vốn quý giá Cho đến nay, hàng loạt các dự án quốc gia quy mô lớn trong các lĩnh vực giao thông, vận tải, điện, thủy lợi... đều được xây dựng bằng vốn ODA.
Trong số Hiệp định ODA đã được ký kết ở nước ta hiện nay, vốn ODA vay là chủ yếu, chiếm khoảng 90%. Tuy phần lớn các hiệp định vay có lãi suất ưu đãi, thời hạn vay và ân hạn dài song điều đã vay thì dĩ nhiên phải trả.
Nếu có cơ chế quản lý tốt, 1% GDP viện trợ sẽ làm giảm 1% tỷ lệ nghèo song nếu quản lý tồi, chỉ giảm được 0,25% tỷ lệ nghèo. Việc sử dụng vốn ODA một cách ồ ạt, chạy theo số lượng chứ chưa chú trọng chất lượng sẽ làm tăng gánh nặng nợ quốc gia.
Trên thực tế, việc sử dụng ODA ở nước ta còn rất lãng phí. Cơ chế chính sách quản lý vốn ODA chưa đồng bộ, còn nhiều bất hợp lý, giảm hiệu quả sử dụng vốn. Thủ tục phê duyệt dự án quá rườm rà, bộ máy cồng kềnh, qua nhiều cấp, nhiều khâu, gây lãng phí và mất thời gian. Cơ chế chính sách mới đề cập đến khâu huy động và sử dụng nguồn vốn mà chưa đề cập tới khâu kiểm tra, giám sát... Nhiều dự án do không tính toán đầu đủ các chi phí, quy mô nên khi thực hiện phải điều chỉnh lại nhiều lần. Theo thống kê của Bộ Tài chính, số chương trình, dự án phải điều chỉnh lại hồ sơ chiếm trên 20% tổng số dự án được báo cáo.
Một vấn đề nổi cộm nữa của các dự án sử dụng vốn vay ODA là vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chậm bàn giao mặt bằng, gây lãng phí thời gian thực hiện và đưa công trình vào hoạt động. Trong thực tế, chúng ta đã phải trả giá cho sự chậm trễ này. Ví dụ: Việc giải phóng mặt bằng thi công xây dựng một dự án chậm, chủ dự án đã phải chi bổ sung hàng trăm tỷ đồng cho các nhà thầu Nhật Bản. Nguyên nhân dẫn đến chậm trễ là do chính sách đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư của Việt Nam chưa phù hợp với các yêu cầu đặt ra của các nhà tài trợ (giá cả đền bù, phạm vi đề bù...); Chính sách trong nước chậm thay đổi so với tình hình thực tế; Nhận thức của người dân về chính sách đầu tư của nhà nước hạn chế; sự quan liêu, cửa quyền và sách nhiễu của một số cán bộ kém phẩm chất ở tất cả các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương, chương trình đã được phê duyệt để triển khai thi công mà chưa hoàn thành các thủ tục giải phóng mặt bằng.
Sơn Hà