(TBKTSG) - Những ngày cuối tháng 6-2011 nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bán tháo cá tra một phần do nguồn cung dội chợ, phần khác do lãi suất ngân hàng quá cao, 20-25%/năm, nuôi cá không có lời. Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các địa phương kiến nghị ngân hàng cho nông dân giãn nợ.
Ở một lĩnh vực khác, Bộ Xây dựng cho biết đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng xem xét và định nghĩa một cách cụ thể khái niệm bất động sản để có giải pháp tiếp tục cho vay trong lĩnh vực này. Những ngành nghề như xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất vật liệu xây dựng… có phải thuộc lĩnh vực bất động sản và bị hạn chế tài trợ vốn không? Nếu không, hướng xử lý thế nào? Đó chỉ là hai trong số nhiều thí dụ về tác động của chính sách tiền tệ lên nền kinh tế. Còn bản thân thị trường tiền tệ sáu tháng đầu năm thì tỷ giá ổn, thị trường vàng lặng sóng, chỉ còn lãi suất cao, nhưng đang bắt đầu giảm. Phải chăng chính sách tiền tệ đã bước đầu thành công cho dù người dân, doanh nghiệp phải trả giá đắt?
Hành chính thay thế thị trường
Ngay trước khi Nghị quyết 11 được thực thi, một động thái mạnh được tiến hành: điều chỉnh tỷ giá tăng 9,3% đi kèm với các đợt thanh, kiểm tra xử lý các trường hợp đầu cơ, găm giữ, kinh doanh ngoại tệ trái phép. Đây không phải là biện pháp mới, cái mới là ở chỗ mức điều chỉnh lớn của tỷ giá và kéo dài biện pháp xử lý kinh doanh ngoại tệ tự do. Sau Nghị quyết 11, tỷ giá được hỗ trợ bởi một loạt các bước điều hành lãi suất từ lãi suất cơ bản đến tái chiết khấu, tái cấp vốn, thị trường mở và sau đó là trần lãi suất huy động ngoại tệ, tiền đồng. Tất cả đều nhằm tới đích phục hồi giá trị của đồng Việt Nam, từ đây làm nền cho tỷ giá ổn định. Rất nhanh chóng, giới đầu cơ đã chuyển đổi sang tiền đồng hưởng lãi suất cao. Người dân lúc đầu còn e dè, nhưng khi nhận ra chênh lệch quá lớn của lãi suất tiền đồng - đô la Mỹ, đã dịch chuyển tiết kiệm ngoại tệ sang nội tệ. Sau đó, văn bản cấm huy động và cho vay vàng ra đời. Đây là một bước ngoặt làm giảm nhu cầu vàng trong nước và đẩy giá vàng nội địa vào tình trạng luôn thấp hơn giá quốc tế. Cầu đô la để nhập vàng lậu gần như không còn. Ngược lại xuất khẩu vàng nữ trang tăng mạnh. Kết quả là kim ngạch xuất khẩu vàng nửa đầu năm, theo Tổng cục Thống kê, ước đạt 1 tỉ đô la Mỹ, kéo nhập siêu tháng 6 xuống thấp và kiềm chế nhập siêu ở mức 6,65 tỉ đô la Mỹ.
Vào tháng 4-2011, khi lạm phát bất ngờ tăng mạnh, lãi suất tiền đồng tiếp tục được đẩy lên thông qua việc NHNN siết cung tiền đồng đến mức tối đa có thể. Hạn mức tăng trưởng tín dụng 20% và tỷ lệ cho vay phi sản xuất bằng 22% tổng dư nợ đến cuối tháng 6 có hiệu lực trước đó, bắt đầu được mổ xẻ một cách chi tiết. Sự rốt ráo của cơ quan quản lý đã khiến các ngân hàng co về phòng thủ, tận dụng mọi cơ hội tăng vốn huy động, bất chấp lãi suất tiết kiệm cao để đảm bảo thanh khoản, khả năng chi trả và an toàn. Phải thừa nhận các biện pháp hành chính, mang tính tình thế đã phát huy tác dụng và sự ổn định tiền tệ bước đầu được khôi phục phần nào.
Nhìn nhận xuôi - ngược về tái cấp vốn
Cuối tháng 5, NHNN đã bất ngờ tái cấp vốn với số tiền lớn cho những ngân hàng có vấn đề thanh khoản. Vào lúc ấy lạm phát tháng 6 được dự báo vẫn còn cao, nên việc đưa vốn ra, nhìn dưới một góc độ nào đó, có vẻ mang tính “đánh cược” hơn là nhìn nhận thấu suốt vấn đề. Vì thế nó thực sự gây bất ngờ. Khía cạnh bất ngờ thứ hai là ở chỗ việc tái cấp vốn cho thấy NHNN không “bỏ rơi” các ngân hàng nhỏ. Thay vì để thị trường tự “giải quyết” theo quy luật mạnh thì tồn tại, yếu bị loại bỏ, tái cấp vốn đã “bơm sữa” cho các tổ chức tín dụng nhỏ. Quá trình xử lý các ngân hàng nhỏ bằng con đường sáp nhập, mua bán công khai, chính thức, rõ ràng vẫn đang bế tắc và việc tái cấp vốn là sự chứng thực xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) ngân hàng chỉ là những phác họa trên giấy. Liệu có một sức ép nào đó trong việc tái cấp vốn cho ngân hàng nhỏ? Ngay sau đó NHNN, khi gặp mặt báo chí, thông báo sẽ tiếp tục đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ trong quí 3. Điều này liệu có liên quan gì tới sức cầu cổ phiếu ngân hàng một cách bền bỉ trên cả thị trường OTC và niêm yết của giới đầu tư hiện nay? Một sự quan sát dài hơi dễ dàng nhận ra từ nhiều tháng qua cổ phiếu ACB, EIB, STB, HBB đã không rớt thêm được nữa. Ngân hàng Nam Việt (NVB-Hnx) thậm chí còn thông báo mua 3 triệu cổ phiếu quỹ dù thanh khoản thuộc loại yếu nhất trên sàn. Lực đỡ từ đâu? Có phải chỉ đơn thuần là do giá cổ phiếu ngân hàng đã quá rẻ so với giá trị thực?
Linh hoạt tiền tệ và nỗi đau doanh nghiệp
Tái cấp vốn mở đường cho việc thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt. Khi tốc độ tăng của lạm phát đang giảm, NHNN đã không muốn sử dụng cụm từ “nới lỏng” cũng như trước đây không muốn xài hai từ “thắt chặt”. “Chính sách tiền tệ là thận trọng và linh hoạt”, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.Trả lời câu hỏi của TBKTSG vì sao NHNN chưa giảm lãi suất thị trường mở, tái chiết khấu, tái cấp vốn khi mà lãi suất trái phiếu, vốn là lãi suất chuẩn của thị trường, và lãi suất tiền đồng liên ngân hàng đã “hạ nhiệt”, Thống đốc Giàu nói rằng giảm các loại lãi suất trên là phát tín hiệu về nới lỏng tiền tệ, mà NHNN thì vẫn đang giữ quan điểm phải kiềm chế lạm phát trước đã.
Thực tế, việc giữ nguyên các loại lãi suất đó khiến cho nhận thức về sự biến chuyển của thị trường tiền tệ thêm phức tạp, tạo điều kiện cho các ngân hàng giữ nguyên lãi suất cho vay ở mức cao trong khi lãi suất đầu vào đã tụt. Nó cũng làm cho doanh nghiệp lúng túng, và xu hướng doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh chờ lãi suất giảm được củng cố.
Không phải ngân hàng, mà chính là doanh nghiệp, là nền kinh tế đang phải trả giá cho chính sách tiền tệ, tài khóa chưa đồng bộ, chưa nhất quán trong ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu chính sách tỷ giá, vàng, lãi suất những năm trước theo kịp biến động thị trường và NHNN kiểm soát tốt thị trường vàng, ngoại tệ, tăng trưởng tín dụng, thì sự “thắt lưng buộc bụng” vừa qua đã không xảy ra. Do đó sự thành công ở một mức độ nào đó của chính sách tiền tệ hiện nay xét cho cùng là sự “sửa sai” chính sách tiền tệ những năm trước. Quan trọng là sự “sửa sai” đó còn kéo dài bao lâu, và khi nó kết thúc, một chương mới trong điều hành tiền tệ sẽ như thế nào!