(Về việc biển đảo Việt Nam rơi vào tay của Trung cộng xâm lược)
Minh Văn (VN)
……………………..
Bằng chứng Lịch sử và xương máu của tiền nhân
Vào giữa thế kỷ 16 (năm 1558), chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá và dần mở mang bờ cõi về phương Nam. Trải qua các đời chúa Nguyễn thì cương vực và lãnh thổ biên giới quốc gia đã được định hình và xác lập. Lãnh thổ đó bao gồm trên đất liền và biển đảo.
Các hoạt động khẳng định chủ quyền lãnh hải và khai thác kinh tế biển, trong đó có khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được các chúa Nguyễn chú trọng thực hiện từ những năm đầu thế kỷ 17 với sự hiện diện của hải đội Hoàng Sa và Bắc Hải. Hai đội tàu này có nhiệm vụ hàng năm ra đảo khai thác hải sản, tìm vớt cổ vật và hàng hoá của những chiếc tàu bị đắm.
Trong Phủ biên tạp lục, nhà bác học Lê Quý Đôn cho biết: Biên chế đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vinh (vùng Sa Kỳ, Cù Lao Ré – Quãng Ngãi) bổ sung. Mỗi năm họ luân phiên nhau ra biển, bắt đầu từ tháng giêng. Ra đảo tự bắt chim, cá làm thức ăn…đến tháng 8 đội Hoàng Sa trở về cửa Eo (cửa Thuận An) rồi lên thành Phú Xuân trình nộp các sản vật đã khai thác được.
Về sau các chúa Nguyễn còn thiết lập thêm đội Bắc Hải, cũng do viên cai đội Hoàng Sa chỉ huy. Đội này hoạt động ở phía Nam quần đảo Trường Sa, vùng đảo Côn Lôn, Hà Tiên. Cũng Phủ biên tạp lục viết: “Ở ngoài núi Cù Lao Ré (tức huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi này nay) có đảo đại Trường Sa (tức quần đảo Hoàng Sa) ngày trước, nơi đây thường sản xuất nhiều hải vật chở đi các nơi, nên nhà nước có thiết lập một đội Hoàng Sa để thu nhận hải vật.. Người ta phải đi 3 ngày mới tới được đảo Đại Trường Sa”.
Các công trình sử học: Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, bộ biên niên sử của triều Nguyễn là Đại Nam thực lục chính biên và tiền biên, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam nhất thống chí ..cũng đều có ghi chép về Hoàng Sa với nội dung rõ ràng và cụ thể về việc xác lập chủ quyền. Theo đó nhà Nguyễn đã cho tiến hành đo đạc hải trình và vẽ bản đồ, dựng bia đá cùng miếu thờ những người lính đã hy sinh trên đảo. Hoạt động xuất nhập khẩu thông qua đường biển cũng được chú trọng, vừa để phát triển kinh tế vừa vươn ra khẳng định chủ quyền, nhiều thương cảng lớn được xây dựng mà phát triển mạnh mẽ và rực rỡ nhất là thương cảng Hội An.
Việc hoạt động khai thác tài nguyên liên tục, có tổ chức chặt chẽ ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong gần 3 thế kỷ chứng tỏ triều đình nhà Nguyễn đã làm chủ hai quần đảo này mà không hề có sự đụng độ hay tranh chấp với bất kỳ quốc gia nào. Đến thời Pháp thuộc, chính quyền bảo hộ đã cho xây dựng đài khí tượng trên đảo Hoàng Sa và chính thức hoạt động từ năm 1938. Trong thế chiến thứ hai, ngày 09/3/1945 quân Nhật đã đảo chính và tước vũ khí quân đội Lê dương tại đây trong nổ lực thiết lập một vùng “Đại Đông Á” cho tham vọng Phát xít của họ.
Các sử liệu và những di tích còn lại về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho thấy tầm nhìn chiến lược cũng như ý chí kiên cường và khát vọng của cha ông ta trong công cuộc khám phá và thực thi chủ quyền lãnh hải ở biển Đông. Nơi đây đã in dấu những hoạt động và sự hy sinh xương máu của tiền nhân để có được chủ quyền lãnh thổ cho đất nước và những thế hệ mai sau. Ngày nay, chúng ta có đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý cho việc khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa yêu dấu của quê hương.
Những hành động xâm lược và gây hấn của Trung cộng
Nhằm thực hiện tham vọng bá quyền và bành trướng lãnh thổ, Trung cộng đã thực hiện việc xâm lấn dần biển đông, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Thái độ hèn yếu của nhà cầm quyền cộng sản đã tiếp tay cho sự bành trướng lãnh hải ngày càng gia tăng của Trung cộng.
Năm 1974, sau khi quân Mỹ đã rút về nước, Việt Nam Cộng Hoà đơn thương độc mã trong việc bảo vệ chính thể tự do và chủ quyền lãnh thổ. Thời điểm này chính quyền Bắc Cộng đã đồng ý thoả thuận cho hải quân Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa lúc ấy đang được sự bảo vệ của Hải quân Việt Nam Cộng Hoà. Dù lực lượng chênh lệch nhưng để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc, một trận hải chiến đã xảy ra. Mặc dù gần 50 chiến sĩ Việt Nam Cộng hoà đã hy sinh nhưng Hải quân Việt Nam cũng đã gây cho Trung cộng những tổn thất nặng nề bằng việc bắn cháy hai tàu chiến địch. Trung cộng điên cuồng tăng viện thêm 14 tàu chiến và cả không quân để có thể nhanh chóng chiếm đảo. Chỉ 3 tàu chiến mà phải đối đầu với cả hạm đội tàu chiến địch và bao gồm cả Không quân, Hải quân Việt Nam đã phải để cho Trung cộng giành quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa. Nhưng điều đó cũng nói lên tinh thần bất khuất của người Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc, cho dù có phải chịu sự mất mát, hy sinh. Đến năm 1988, hải quân Trung cộng tiếp tục gây hấn và chiếm trọn toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và hầu hết các đảo trên quần đảo Trường Sa. Chính quyền Việt Nam đã không dám chống cự và để mặc cho Trung quốc xâm chiếm lãnh thổ của mình. Người Trung Quốc đã chiếm đóng và thực hiện các hoạt động khai thác kinh tế biển tại các quần đảo trước kia là lãnh thổ của Việt Nam do tiền nhân để lại. Và năm 2007 họ tuyên bố thành lập đơn vị hành chính là Thành phố Tam Sa bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường sa, chính thức sáp nhập vào lãnh thổ Trung Quốc.
Cùng với việc chiếm hai quần đảo nói trên, hải quân Trung Quốc không ngừng tiến hành các hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Họ hoạt động và hiện diện ngay trên chính lãnh thổ Việt Nam, cấm ngư dân Việt đánh bắt cá tại các khu vực này. Hải quân Trung cộng đã tiến hành hàng loạt vụ bắn giết, bắt bớ và đòi tiền chuộc đối với ngư dân Việt nam khi họ đánh bắt thuỷ sản trên vùng biển thuộc chủ quyền đất nước mình. Số lượng các vụ bắt bớ ngang ngược và vi phạm luật quốc tế này đặc biệt gia tăng trong các năm 2010 và 2011 khi mà hải quân Trung Cộng đã phát triển lớn mạnh cùng với sự vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới.
Vào ngày 26/5/2011 khi chiếc tàu thăm dò dầu khí “Bình Minh 2” của Việt Nam đang tiến hành công việc trên vùng biển thuộc chủ quyền của mình thì bị 3 tàu chiến Trung Quốc xông thẳng vào và ngang nhiên thực hiện việc cắt cáp thăm dò của chiếc tàu này. Và chỉ nửa tháng sau họ lại lặp lại sự việc tương tự đối với chiếc tàu thăm dò dầu khí “Viking2” của Việt Nam. Như vậy Trung cộng đã coi lãnh hải của Việt Nam là thuộc chủ quyền của họ, công khai ngăn cấm các hoạt động khai thác kinh tế biển của Việt Nam tại những vùng biển này.
Nhà cầm quyền phản ứng như thế nào?
Trước việc chủ quyền lãnh hải bị xâm phạm, ngư dân của mình bị bắn giết và bắt bớ, chính quyền Hà Nội vẫn làm thinh và coi như không hề hay biết. Họ vẫn hết lời ca ngợi mối quan hệ thắm thiết và gắn bó Việt – Trung, họ đội lên đầu 16 chữ vàng và nội dung “Bốn tốt” mà Trung cộng đã ban phát cho. Dư luận quốc tế đã nhiều lần đưa các vụ việc gây hấn của Trung cộng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngư dân Việt Nam thì gánh chịu những mất mát hy sinh và không dám đánh bắt xa bờ vì không được sự bảo vệ của lực lượng hải quân mà họ đã đóng thuế để nuôi dưỡng. Mặc dù vậy, chính quyền vẫn im lặng mà không dám lên tiếng phản đối Trung Quốc chứ đừng nói đến có những hành động quân sự kịp thời và quyết liệt để bảo vệ chủ quyền. Mãi cho đến khi những hành động vi phạm và gây hấn của Trung cộng đã diễn ra thường xuyên và dư luận quốc tế liên tục đề cập thì chính quyền mới tiến hành những phản đối ngoại giao mang tính chiếu lệ hoặc chỉ để năn nỉ đàn anh Trung cộng. Khi không thể che dấu thái độ hèn hạ được mãi vì những hành vi xâm lấn công khai từ phía người đồng chí láng giềng thì chính quyền mới cho phát ngôn viên lên tiếng phản đối mạnh mẽ hơn. Nhưng đến nước này thì đã muộn, hơn 80% diện tích biển Đông đã thuộc về Trung cộng bao gồm phần lớn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lãnh thổ mà tiền nhân đã đổ biết bao xương máu và công sức để gây dựng bổng chốc mất về tay Trung cộng chỉ vì thái độ hèn hạ của nhà cầm quyền.
Đó là hành vi bán nước và làm nhục quốc thể
Nếu như nhà cầm quyền không có thái độ luồn cúi và sợ hãi đối với quan thầy Trung cộng thì chủ quyền biển đảo của đất nước đã không bị cướp mất. Nếu chính quyền không đặt lợi ích của đảng cộng sản lên trên lợi ích của đất nước và dân tộc thì lãnh thổ của tiền nhân để lại không bị mất về tay Trung cộng. Nếu nhà nước thực hiện sự phản đối quyết liệt hành vi xâm lấn của Trung cộng ngay từ đầu và kiện ra toà án quốc tế theo đúng trình tự quy định giải quyết tranh chấp quốc tế thì Trung cộng đã không xâm chiếm được lãnh thổ của Việt Nam. Vì thế chúng ta có thể khẳng định rằng: Đó là hành vi bán nước của tập đoàn lãnh đạo để đổi lấy sự đảm bảo quyền lực từ phía Trung cộng.
Việc đặt lợi ích của một nhóm lợi ích cầm quyền lên trên lợi ích của dân tộc là hành vi mà lịch sử không thể tha thứ, là vết nhơ muôn đời không thể gột rửa của tập đoàn lãnh đạo hiện nay. Biết đến bao giờ những thế hệ mai sau mới có thể đòi lại chủ quyền lãnh thổ mà cha ông để lại?
Một quốc gia có chủ quyền mà không có biện pháp mạnh mẽ bằng cả đường lối ngoại giao và hành động quân sự để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là một hành động làm nhục quốc thể. Chúng ta có thể lấy hành động bảo vệ lãnh hải của hai nước Indonesia và Philippines trước sự vi phạm của tàu Trung cộng để ví dụ: Khi tàu chiến của Trung cộng vi phạm chủ quyền lãnh hải của họ, hai quốc gia này lập tức cho tàu chiến của mình ngăn chặn, đồng thời máy bay chiến đấu tiếp ứng trong khi các chiến sĩ hải quân của họ trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trước hành động quyết liệt bảo vệ chủ quyền lãnh hải đó của hải quân hai nước, tàu chiến Trung cộng đã lủi thủi tháo lui mà không dám tiếp tục vi phạm chủ quyền. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam do cho ông để lại, từ thời nhà Nguyễn đã khẳng định chủ quyền và không có tranh chấp với nước khác. Ngày nay, tập đoàn lãnh đạo đã để toàn bộ quần đảo Hoàng Sa mất vào tay Trung cộng, quần đảo Trường sa thì rơi vào vòng xoáy tranh chấp của các quốc gia: Trung cộng (chiếm phần lớn các đảo), Đài Loan (chiếm đảo lớn nhất, họ đã xây sân bay trên đảo và các công trình quân sự khác), Philippines, Bruney. Thật là một chế độ bán nước và làm nhục quốc thể.
Lời kêu gọi và những cuộc biểu tình
Một khi không còn trông mong được ở chính quyền trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước, bảo vệ lòng tự tôn dân tộc thì chính nhân dân phải làm điều ấy. Họ làm điều ấy nhân danh lịch sử và dân tộc, vì lòng tự hào của dòng máu Việt anh hùng vẫn hằng chảy trong huyết quản của mỗi người. Sự hèn nhát của chính quyền đã gây lên làn sóng căm phẫn và phản đối từ những người dân yêu nước, trên các trang mạng Internet đã xuất hiện rất nhiều những lời kêu gọi người dân xuống đường biểu tình phản đối Trung cộng xâm lược và thái độ nhu nhược của nhà cầm quyền.
Trong các ngày chủ nhật 05/6 và 12/6/2011 các cuộc xuống đường tuần hành phản đối tại Đại sứ quán Trung cộng tại Hà Nội và Lãnh sự quán tại Sài Gòn đã diễn ra rầm rộ. Hàng ngàn người diễu hành và hô vang các khẩu hiệu chống Trung Quốc xâm lược. Có mặt trong đoàn biểu tình là những người ở đủ mọi thành phần và tầng lớp xã hội, điều làm họ xuống đường là lòng yêu nước được thức tỉnh và sự tự tôn dân tộc bị xúc phạm nặng nề. Đến ngày Chủ nhật 19/6/2011 thì các cuộc tuần hành phản đối lan rộng ra một số tỉnh và thành phố khác, tuy nhiên đã bị chính quyền ra tay ngăn chặn. Tuy bị sự ngăn cản và gây khó dễ từ phía chính quyền, song những người yêu nước và có lòng tự tôn dân tộc vẫn kêu gọi những cuộc biểu tình tiếp theo để phản đối sự xâm lược của Trung Quốc và đòi lại lãnh thổ quê hương đã bị xâm chiếm. Hai thái độ đối lập đó giữa những người yêu nước và nhà cầm quyền cho thấy sự tồn tại trong vô nghĩa của một nhà nước không phải của dân và không đại diện cho ai cả. Chính người dân Việt Nam lúc này đây phải đứng lên bảo vệ chủ quyền đất nước và xác lập tương lai cho dân tộc..
22/6/2011 – Minh Văn (Việt Nam)