Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

Thảo luận giữa Mao Trạch Đông và Phạm Văn Đồng

-Lục lại tài liệu chiến tranh Việt Nam Phần 37
CWIHP (Cold War International History Project – Đề án Lịch sử Quốc tế về Chiến tranh Lạnh)
Ngọc Thu dịch
Thảo luận giữa Mao Trạch Đông và Phạm Văn Đồng
23-09-1970
Mô tả: Mao Trạch Đông ca ngợi những nỗ lực ngoại giao và quân sự khéo léo của Việt Nam.
Mao Trạch Đông: Với tôi, dường như không chắc một cuộc chiến tranh thế giới sẽ nổ ra. Các cường quốc không muốn chiến đấu trong một cuộc chiến như thế, họ e ngại lẫn nhau. Trong khi đó, nhiều nước ở châu Âu như: Anh, Pháp, Ý, và Tây Đức, không muốn đánh một cuộc chiến như thế.


Mao Trạch Đông: Tại sao người Mỹ không làm lớn chuyện về thực tế có hơn 100.000 lính Trung Quốc đang giúp các ông xây dựng đường sắt, đường bộ, sân bay, mặc dù họ biết điều đó?
Phạm Văn Đồng: Dĩ nhiên là họ sợ.
Mao Trạch Đông: Họ nên làm ầm lên về điều này. Ngoài ra, ước lượng của họ về số quân lính Trung Quốc ở Việt Nam ít hơn số quân thực tế.
Phạm Văn Đồng: Chúng tôi nghĩ rằng họ cảm thấy khó để đối phó với Trung Quốc.
Mao Trạch Đông: Nếu họ đã làm điều này, sau đó họ sẽ làm gì? Mỹ vẫn muốn đến Bắc Kinh để hội đàm. Đó là điều mà họ đề nghị. Họ nói rằng Warsaw không phù hợp và chúng tôi trả lời rằng nếu họ muốn đến Bắc kinh, [họ nên] đi. Sau đó họ không dám đi. Kissinger là một học giả thối tha. Tôi đã đọc báo cáo về cuộc họp giữa đồng chí Xuân Thủy và Kissinger (2). Phần cuối rất buồn cười. Kissinger là một giáo sư đại học, mà không biết gì về ngoại giao. Tôi nghĩ ông ta không bằng Xuân Thủy, mặc dù tôi chưa gặp Xuân Thuỷ.
Phạm Văn Đồng: Chúng tôi có hai đồng chí rất tốt cho đấu tranh ngoại giao. Đó là đồng chí Xuân Thủy và Nguyễn Thị Bình.
Mao Trạch Đông: Tôi thấy các ông có thể tiến hành đấu tranh ngoại giao và các ông làm tốt điều đó. Các cuộc đàm phán đã diễn ra trong hai năm. Lúc đầu, chúng tôi có chút lo lắng rằng các ông bị mắc bẫy. Chúng tôi không còn lo lắng nữa. 

Mao Trạch Đông: Bây giờ tôi muốn nói về các hoạt động của Đại sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam. Chu Kỳ Văn hóa ra là tay sai của Quốc Dân đảng. Tốt hơn là đưa hồ sơ của ông ta cho các ông đọc. Các ông sẽ biết những gì ông ta đã làm khi gia nhập Quốc Dân đảng, ông ta đã phản bội chúng tôi như thế nào, ông ta đã chạy trốn và bị bắt ra sao. Ông ta gây khó khăn trong thời gian phục vụ ở Việt Nam. Ông ta không phải là người tốt.
Có một số người đang tiến hành chính sách sô-vanh, [và họ là những người] không bao giờ thành thật trong việc giúp đỡ người khác. Họ gửi những nhà ngoại giao xấu ra nước ngoài.
Do đó, tốt hơn là các ông đến đây nói chuyện trực tiếp với chúng tôi. Sẽ dễ dàng hơn là làm việc với các "đại sứ quan liêu" của chúng tôi ở nước ngoài. Các ông không phải lo sợ họ sẽ báo cáo tiêu cực về các ông nếu họ không hài lòng. Các ông không phải chấp nhận hoàn toàn quan điểm của họ. Tôi nghe nói rằng một số người Trung Quốc sống tại Việt Nam đã làm sai. Họ nên bị xử lý theo luật pháp Việt Nam. Họ phải bị trừng trị bởi vì các ông có đủ bằng chứng chống lại họ. Tuy nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc đã bảo vệ họ và Đại sứ quán đã nghe họ. Có thể có tham nhũng ở Đại sứ quán.
Chu Ân Lai: Ngoài ra còn có những người làm công tác bí mật ở đó.

Mao Trạch Đông: Mỗi tỉnh của Trung Quốc hiện nay là một pháo đài, sẵn sàng cho trường hợp một cuộc tấn công của Mỹ. Nhưng ngay cả trường hợp đó xảy ra, chúng tôi vẫn tiếp tục giúp các ông bởi vì các ông cũng đang gặp khó khăn. Bất cứ người nào nói rằng chúng tôi không giúp các ông bởi vì chúng tôi cũng đang gặp khó khăn, là kẻ phản động.
Chúng tôi đã cho các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, và Quảng Châu chịu trách nhiệm giúp đỡ các ông, cũng như phần còn lại của khu vực Đông Nam Á. Toàn bộ sản xuất của các tỉnh này dành cho các ông. Các cán bộ ở các tỉnh này sẽ thăm Việt Nam để chuẩn bị cho một cuộc tấn công của Mỹ vào Trung Quốc. Bởi vì các ông đã ghìm chặt họ, nên họ chưa tấn công Trung Quốc. Tóm lại, những điều tôi muốn nói là: các ông đang chiến đấu rất tốt ngoài chiến trường. Chính sách của các ông cho đấu tranh ngoại giao là đúng đắn. Chúng tôi phải cung cấp cho các ông những gì các ông muốn. Tôi không có ý kiến gì ​​thêm.
Ghi chú: 1. Phía Trung Quốc có mặt Lâm Bưu, Chu Ân Lai, Khang Sinh, Hoàng Vĩnh Thắng, và Lý Tiên Niệm.
2. Các cuộc đàm phán bí mật giữa Xuân Thủy và Kissinger đã diễn ra cùng lúc với các cuộc đàm phán chính thức tại Paris kể từ ngày 4 tháng 8 năm 1969.

Tổng số lượt xem trang