Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng TQ tại Shangri-la

-Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng TQ tại Shangri-la
05/06/2011 20:12:17
- Ngày 5/6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn An ninh châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 10 (Shangri-la 10) tại Singapore.
 
Bài phát biểu đã đề cập tới quan điểm của Trung Quốc về hợp tác an ninh quốc tế cũng như giải thích sự gia tăng sức mạnh quân sự của quốc gia tỷ dân này.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc phát biểu tại Shangri-la 10 ngày 5/6
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc phát biểu tại Shangri-la 10 ngày 5/6
 
 
Sau đây là toàn văn bài phát biểu mang tên "Một tương lai tốt hơn thông qua hợp tác an ninh" của ông Lương Quang Liệt:

Tôi rất vui khi được có mặt tại đây – đất nước Singapore xinh đẹp. Trước hết, tôi xin gửi tới quý vị lời chúc mừng nhân dịp Đối thoại Shangri-la lần thứ 10. Hôm nay, với sự hiện diện của các quan chức quốc phòng, các học giả ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới, tôi muốn trình bày quan điểm của Trung Quốc về hợp tác an ninh quốc tế.

Thưa quý vị!

Chúng ta đã trải qua thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI. Trong mười năm qua, xu hướng đa cực và toàn cầu hóa kinh tế đã tăng tốc mạnh mẽ hơn. Xu thế hòa bình, phát triển và hợp tác trở nên rõ nét hơn. Những khát vọng chung của loài người là hòa bình, không chiến tranh; đối thoại, không đối đầu; sự hiểu biết lẫn nhau, không bất hòa.

Hiện nay, tình hình an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung ổn định trong bối cảnh châu Á đang dẫn đầu sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Cùng với toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập khu vực, các nước ở châu Á đã tích cực tham gia vào hợp tác quốc tế và cạnh tranh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định khu vực, làm sâu sắc hơn quá trình hội nhập kinh tế trong khu vực. Và như vậy, nhận thức cộng đồng về việc chia sẻ lợi ích và số phận ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh khác nhau, cả truyền thống và phi truyền thống. Tâm lý chiến tranh lạnh và quan điểm chính trị quyền lực vẫn còn tồn tại. Các điểm nóng hiện nay vẫn chưa được giải quyết. Chủ nghĩa khủng bố, việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tội phạm xuyên quốc gia hiện vẫn chưa được loại bỏ. Các vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, y tế công cộng và các vấn đề toàn cầu khác đang nổi lên ngày một cấp bách hơn.
 
Từ đầu năm nay, các thảm họa thiên tai như động đất, sóng thần, lũ lụt và bão đã gây thiệt hại rất lớn về tính mạng và tài sản ở các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như Australia, New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản, Myanmar và Mỹ. Bất ổn chính trị hay các cuộc xung đột vũ trang vẫn diễn ra tại các nước Tây Á và Bắc Phi, tác động tới kinh tế và sự ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà chúng ta không thể bỏ qua. Những thách thức này cho thấy các vấn đề an ninh toàn cầu ngày càng toàn diện hơn, phức tạp hơn và liên hệ chặt chẽ với nhau hơn, đòi hỏi sự hợp tác và phản ứng chung mạnh mẽ hơn.

Đối mặt với những cơ hội và thách thức an ninh mới, các nước châu Á đã duy trì cả chủ nghĩa đa phương và chủ nghĩa khu vực trong quá trình hợp tác với các nước trong và ngoài châu Á để xây dựng cơ chế hợp tác an ninh khu vực. Các nước lớn trên thế giới đã coi trọng hơn vị thế và vai trò của các nước châu Á trên trường quốc tế, quan tâm hơn và đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào châu Á. Các cơ chế hợp tác và đối thoại an ninh đa phương khu vực như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Diễn đàn khu vực ASEAN và Đối thoại Shangri-la đã đóng vai trò tích cực trong xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác. Nói một cách rộng hơn, các cơ chế này hỗ trợ và bổ sung cho nhau trong việc thúc đẩy hợp tác an ninh.

Tháng Mười năm ngoái, tôi đã tham dự hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN  mở rộng ADMM+ lần đầu tiên tại Việt Nam theo sáng kiến của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN. Trong cuộc họp này, chúng tôi đã cùng nhau tìm cách xây dựng lòng tin cũng như duy trì an ninh và ổn định khu vực.
 
ADMM+ là cơ chế hợp tác chính thức với sự tham gia cấp cao và đại diện rộng rãi nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị nhấn mạnh sự hợp tác thiết thực trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống và xác định 5 lĩnh vực ưu tiên để khởi động sự hợp tác. ADMM+ cũng đã chính thức phê chuẩn việc thành lập các nhóm công tác cấp chuyên viên trong 5 lĩnh vực đã được xác định. Việc hợp tác thực sự đã sẵn sàng được tiến hành.

Tôi tin rằng, khi các nước trong khu vực cùng làm việc với nhau, hợp tác an ninh tại Châu Á - Thái Bình Dương sẽ có một tương lai tươi sáng.

Thưa quý vị!

Cơ hội không phải là để chúng ta bỏ lỡ, và thách thức không phải để chúng ta né tránh. Khi bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, chúng ta phải có trách nhiệm chung trong việc tạo lập môi trường thuận lợi cho hòa bình lâu dài và thịnh vượng chung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao hồi cuối tháng Tư, khi nói về truyền thống tốt đẹp cũng như sự phát triển trong quá khứ của châu Á, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh đến tinh thần châu Á, cụ thể là tinh thần bền bỉ trong việc tự hoàn thiện, tinh thần sáng tạo trong đổi mới, tinh thần cởi mở và học hỏi, và tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn. Chúng tôi tin rằng để duy trì hòa bình và an ninh ở châu Á, chúng ta cần phải thúc đẩy tinh thần châu Á trong khi phải đối mặt với cả quá khứ và hiện tại, có tầm nhìn xa và nhãn quan chiến lược mới. Chúng tôi ủng hộ các nguyên tắc sau đây trong hợp tác an ninh:

Đầu tiên, đối với nguyên tắc tôn trọng và bình đẳng, chúng ta phải thích ứng với lợi ích cốt lõi và các mối quan ngại chính của nhau. Thế giới rất đa dạng. Trong lịch sử nền văn minh nhân loại, dù các quốc gia theo đuổi những giá trị riêng cơ bản theo cách của họ, thì nguyên tắc chung nhất được áp dụng với mọi người và mọi quốc gia là nguyên tắc tôn trọng và bình đẳng. Nếu không có nguyên tắc này, thì nguyện vọng dù có đẹp đẽ cũng khó có thể trở thành hiện thực. Nếu không có nó, ngay cả mức tối thiểu của hòa bình và ổn định cũng khó có thể duy trì.
 
Các nước châu Á nhận thức được điều này với những đau khổ của mình trong thời hiện đại từ các cuộc xâm lược, thực dân hoá hoặc can thiệp. Họ trân trọng chủ quyền quốc gia và nhân phẩm mà không dễ gì có được. Các nước châu Á khác nhau về hệ thống xã hội, mức độ và mô hình phát triển, nhưng đều có những lợi ích cốt lõi hợp pháp và các mối lo ngại chính. Chỉ bằng cách thừa nhận rằng các quốc gia, lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, đều là thành viên bình đẳng của cộng đồng quốc tế; chỉ bằng cách bỏ lại các vấn đề trong nước của một nước nào đó để hợp tác với nhau về các vấn đề lợi ích chung thông qua thương lượng, chỉ bằng cách ủng hộ dân chủ trong quan hệ quốc tế và tôn trọng lợi ích cốt lõi cũng như các mối lo ngại chính của nhau, thì khu vực châu Á - Thái Bình Dương mới thực sự có được hòa bình, hài hòa và ổn định lâu dài.

Thứ hai, đối với nguyên tắc hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau, chúng ta phải hoàn toàn hiểu được những ý định chiến lược của nhau. Thế giới đang có sự phát triển đáng kể, chuyển đổi và tái định hướng, đặc biệt là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc các nước mới nổi đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong các vấn đề khu vực và quốc tế mang đến cơ hội nhiều hơn là thách thức đối với hòa bình và an ninh khu vực. Một kỷ nguyên mới đòi hỏi phải có cách tư duy mới. Tâm lý chiến tranh lạnh và khái niệm tổng bằng không đang đi ngược lại xu hướng hiện nay. Nếu bỏ qua sự thật khách quan và bóp méo ý định chiến lược của các nước khác căn cứ vào sự khác biệt về hệ thống xã hội và tư tưởng, chúng ta có nguy cơ tạo ra kẻ thù. Lòng tin bắt đầu bằng sự cam kết. Trên cơ sở tôn trọng và bình đẳng, các nước cần tăng cường đối thoại và tiếp xúc rộng rãi để đọc được ý định chiến lược của nhau một cách hợp lý và khách quan. Chỉ có như vậy chúng ta mới sẵn sàng về mặt tinh thần cho việc hợp tác an ninh.

Thứ ba, đối với nguyên tắc cùng chia sẻ thuận lợi và khó khăn, chúng ta không nên tham gia vào bất kỳ liên minh nào nhằm vào một bên thứ ba. Châu Á - Thái Bình Dương là ngôi nhà chung của tất cả mọi người trong khu vực. Mức độ hội nhập, sự phụ thuộc và ràng buộc lẫn nhau giữa các nước trong khu vực hứa hẹn mở ra một tương lai đầy triển vọng mà hòa bình, phát triển và hợp tác sẽ mang lại. Trong bối cảnh hiện nay, việc hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau nằm trong lợi ích của tất cả các nước. Khi mà những thách thức an ninh khu vực vẫn còn phức tạp và đa dạng, thì an ninh khu vực không thể đạt được thông qua một quốc gia đơn lẻ hay ý nghĩ mơ tưởng. An ninh chỉ có thể đạt được thông qua hợp tác. Sự hợp tác là cần thiết nhằm đạt được cách tiếp cận mới, nhằm chia sẻ lợi ích và tìm kiếm những lợi ích an ninh tương đồng. Việc hợp tác phải thực hiện từng bước, từ đơn giản đến phực tạp. Thông qua hợp tác, chúng ta có thể tăng cường các lợi ích chung cho tới khi lợi ích của tất cả các bên được hiện thực hóa với việc chia sẻ lợi ích. “Không có ai là một hòn đảo”. Hợp tác an ninh không phải chỉ để phục vụ lợi ích của một số nước, hay tồi tệ hơn là nhằm vào một nước khác. Chỉ khi tất cả cùng chia sẻ, an ninh mới thực sự trở nên đáng tin cậy.

Thứ tư, đối với các nguyên tắc công khai, toàn diện, đoàn kết và hợp tác, chúng tôi hoan nghênh sự đóng góp của tất cả các quốc gia đối với an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự đa dạng văn hóa chính là định nghĩa về nhân loại. Đối thoại, giao lưu và hội nhập giữa các nền văn hóa khác nhau đã tạo ra nền văn minh nhân loại ngày nay.
 
Châu Á Thái Bình Dương từ lâu đã là điểm gặp gỡ của các nền văn minh, và truyền thống tốt đẹp của toàn diện, cởi mở và đa dạng vẫn đang tồn tại và phát triển. Trên thực tế, đây chưa bao giờ là một khu khép kín. Trong thế kỷ XXI, cùng với toàn cầu hóa kinh tế, số phận của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã được gắn liền với thế giới. Duy trì an ninh khu vực cũng đồng nghĩa với nỗ lực duy trì an ninh của mỗi quốc gia và toàn thế giới. Các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải hợp tác với nhau, và quan trọng hơn là phải hợp tác với các nước ngoài khu vực.

Thưa quý vị!

Các nguyên tắc trên không chỉ là những điều mà Trung Quốc đề xuất và kêu gọi, mà những nguyên tắc này đã được Trung Quốc hiện thực hóa trong chính sách và trong hành động của mình.

Trung Quốc kiên định theo đuổi con đường phát triển hòa bình. Con đường phát triển hòa bình không phải là biện pháp thực dụng mà là sự lựa chọn chiến lược dựa trên một loạt các yếu tố: xu hướng phát triển chung của xã hội loài người, điều kiện riêng của Trung Quốc, các giá trị truyền thống của Trung Quốc và cam kết về một thế giới hài hòa. Trung Quốc là một quốc gia yêu chuộng hoà bình. Yêu mến hòa bình luôn luôn là truyền thống của chúng tôi. Bản chất con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc là mong muốn môi trường quốc tế hòa bình, trong đó Trung Quốc có thể phát triển và góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình thế giới với sự phát triển riêng của mình. Con đường này về cơ bản khác với con đường mở rộng thuộc địa mà một số nước đã sử dụng trong lịch sử. Đây là con đường gắn kết Trung Quốc với phần còn lại của thế giới thông qua lợi ích chung. Nó là con đường đảm bảo kết quả lâu dài và cuối cùng được chia sẻ bởi tất cả các quốc gia.

Trung Quốc kiên định tuân thủ chính sách quốc phòng phòng thủ. Để đánh giá liệu một quốc gia có phải là mối đe dọa cho hòa bình thế giới hay không, vấn đề mấu chốt không phải là nhìn vào sức mạnh kinh tế hoặc quân sự của nước đó mà phải nhìn vào chính sách mà nước đó theo đuổi. Cùng với thời gian, tình hình có thay đổi nên chính sách quốc phòng của Trung Quốc bổ sung thêm những yếu tố mới. Lực lượng quốc phòng Trung Quốc cũng phát triển những khả năng mới. Tuy nhiên, trong tất cả những thay đổi đó, có những điều không thay đổi và sẽ không bao giờ thay đổi là chính sách quốc phòng phòng thủ và kiềm chế cũng như cam kết phát triển hòa bình của Trung Quốc.
 
Trong những năm qua, Trung Quốc đã có sự phát triển nhanh chóng về kinh tế-xã hội và tương ứng là sự phát triển về quốc phòng và hiện đại hóa quân đội. Tuy nhiên, sự phát triển này nằm trong nhu cầu tự vệ chính đáng. Điều này đã được khẳng định trong sách trắng quốc phòng mới nhất của Trung Quốc rằng “Trung Quốc trung thành với chính sách phòng vệ và chỉ mang tính phòng vệ”, “ở hiện tại hay trong tương lai, dù phát triển ở mức độ nào, Trung Quốc cũng không bao giờ theo đuổi bá quyền và bành trướng quân sự”. Đây là cam kết của Chính phủ Trung Quốc đối với cộng đồng quốc tế cũng như đối với tất cả những người gốc Trung Quốc trên thế giới. Đó là sự lựa chọn chiến lược của chính phủ Trung Quốc dựa trên lợi ích cơ bản của đất nước và xu hướng của thời đại. Nó phản ánh tính liên tục và nhất quán của chính sách phòng thủ.

Trung Quốc kiên định thực hiện chính sách quan hệ láng giềng tốt và hữu nghị. Trung Quốc là nước lớn nhất ở châu Á và có nhiều nước láng giềng. Chính vì vậy, sự ổn định và phát triển của các nước trong khu vực ảnh hưởng trực tiếp tới Trung Quốc. Tục ngữ Trung Quốc có câu “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Hơn bất cứ ai khác, Trung Quốc luôn mong muốn hòa bình và ổn định ở các quốc gia láng giềng. Chúng tôi phản đối bất kỳ hành động nào có thể dẫn đến bất ổn khu vực hoặc làm tổn hại tới sự tin tưởng lẫn nhau giữa các nước láng giềng. Trung Quốc theo đuổi chính sách "đối tác và bạn bè tốt" với các nước láng giềng. Chúng tôi sẵn sàng nỗ lực cùng các nước châu Á khác trong việc tạo ra một môi trường khu vực hòa bình, ổn định, bình đẳng, hợp tác, tin cậy và cùng có lợi bằng cách tăng cường sự tin tưởng chính trị, tìm kiếm sự phát triển chung và tạo điều kiện giao lưu nhân dân. Trung Quốc cũng đã và đang hỗ trợ trong khả năng đối với các nước láng giềng kém phát triển một cách chân thành và không có điều kiện ràng buộc.

Thưa quý vị!

Quan hệ giữa Trung Quốc với thế giới đã trải qua những thay đổi lịch sử trở thành sợi dây liên kết chặt chẽ cả hai trong hòa bình và thịnh vượng chung. Đối mặt với những cơ hội và thách thức chung, Trung Quốc luôn gắn những lợi ích cơ bản của mình với lợi ích chung của thế giới, an ninh của mình với hòa bình thế giới.

Duy trì hòa bình thế giới và thúc đẩy phát triển chung là nhiệm vụ quan trọng của quân đội Trung Quốc trong kỷ nguyên mới. Trung Quốc tham gia hợp tác an ninh thế giới không phải bằng cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng hay lãnh thổ mà thay vào đó là vì một môi trường an ninh khu vực, vì lợi ích có thể chia sẻ với các quốc gia khác và thực thi trách nhiệm quốc tế và nghĩa vụ nhân đạo.

Trung Quốc cam kết hòa bình và ổn định thông qua hợp tác an ninh. Trung Quốc đã hoàn thành việc phân định biên giới với 12 đất nước láng giềng thông qua thương lượng hòa bình và tham vấn. Trung Quốc đánh giá cao các biện pháp xây dựng lòng tin tại khu vực biên giới và sự liên lạc giữa bộ đội biên phòng các nước. Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có hơn 60 cơ sở để tiến hành các cuộc họp đặt dọc theo biên giới của Trung Quốc và mỗi năm có hơn 1000 cuộc họp về biên giới được tổ chức với các nước láng giềng.

Trung Quốc là thành viên tích cực trong hợp tác an ninh trong khuôn khổ Tổ chức hợp tác Thượng Hải SCO. Việc tăng cường hợp tác chống khủng bố và hợp tác an ninh giữa các nước thành viên SCO đã ngăn chặn thành công các lực lượng khủng bố, cực đoan và ly khai tại Trung Á.

Trung Quốc tích cực thúc đẩy đàm phán sáu bên để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, hướng tới phi hạt nhân hoá, hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Hiện nay, Trung Quốc đang tích cực làm việc với tất cả các bên liên quan để sớm nối lại các cuộc đàm phán này.

Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Năm 2002, Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký Tuyên bố về Quy tắc ứng xử trên Biển Đông, trong đó thừa nhận việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình thông qua hiệp thương hữu nghị và các cuộc đàm phán của các quốc gia liên quan trực tiếp. Tuyên bố này cũng tái khẳng định rằng tự do hàng hải ở Biển Đông được tôn trọng theo những nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế. Hiện nay, tình hình ở Biển Đông vẫn ổn định. Trung Quốc đã chủ động tiến hành các cuộc đối thoại và tham vấn với các nước ASEAN nhằm thực hiện tuyên bố trên. Các kênh tiếp xúc và thương lượng giữa Trung Quốc và các nước liên quan cũng không bị cản trở.

Trung Quốc là nước đầu tiên trở thành đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng của các nước ASEAN; là nước ngoài ASEAN đầu tiên tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á; là quốc gia đầu tiên ký kết hiệp định tự do thương mại với ASEAN, tạo ra khu vực tự do thương mại giữa các nước đang phát triển lớn nhất hiện nay. Trung Quốc cũng là quốc gia có vũ khí hạt nhân đầu tiên sẵn sàng ký Nghị định thư Hiệp ước về khu vực không có vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á.

Trung Quốc cam kết tạo dựng sự tin tưởng lẫn nhau lớn hơn và lợi ích chung thông qua hợp tác an ninh. Trung Quốc theo đuổi 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình trong ngoại giao quân sự trong quá trình hợp tác nhằm trao đổi và hợp tác có hiệu quả vì môi trường an ninh với sự tin tưởng lẫn nhau và cùng có lợi. Trung Quốc đã ký hiệp ước thông báo phóng tên lửa với Nga, thiết lập đường dây điện thoại quốc phòng với Mỹ nhằm tăng cường đối thoại quốc phòng ở tất cả các cấp. Hiện nay, Trung Quốc tham gia đối thoại quốc phòng với 22 nước và trao đổi quân sự với 150 quốc gia trên thế giới. Mỗi năm, có tới 400 cuộc viếng thăm và giao lưu giữa quân đội Trung Quốc với quân đội các nước. Sự giao lưu này đã giúp các nước hiểu hơn về mục đích chiến lược cũng như sự phát triển quân sự của Trung Quốc. Điều này giúp tránh hiểu lầm và ngăn chặn khủng hoảng.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã tiến hành trên 40 cuộc tập trận chung trên bộ, trên biển và trên không với hơn 20 quốc gia trong các lĩnh vực lợi ích chung như chống khủng bố và cứu trợ thiên tai. Chúng tôi tin rằng lòng tin được xây dựng trong các cam kết còn các khả năng được tăng cường trong hợp tác. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có sự hỗ trợ cần thiết cho quân đội các nước. Trong những năm qua, chúng tôi đã huấn luyện hơn 50.000 binh sĩ cho hơn 130 quốc gia. Chúng tôi cũng viện trợ quân sự cho một vài nước đang phát triển mà không có điều kiện đi kèm. Căn cứ vào nhu cầu thực tế và tương lai của các nước tiếp nhận, phần lớn sự viện trợ quân sự của Trung Quốc là nhằm phát triển cơ sở hạ tầng như xây dựng các học viện quân sự và bệnh viện.

Trung Quốc rất chú trọng đến an ninh trong các lĩnh vực toàn cầu như an ninh vũ trụ, an ninh biển, và an ninh mạng. Trung Quốc đã tham gia một cách tích cực và mang tính xây dựng trong hợp tác quốc tế liên quan các vấn đề trên. Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã ủng hộ việc sử dụng vũ trụ vì mục đích hòa bình, phản đối vũ khí hóa và chạy đua vũ trang trong không gian.
 
Tháng 2/2008, cùng với Nga, Trung Quốc đã đệ trình lên Hội nghị Giải trừ quân bị LHQ dự thảo "Hiệp ước ngăn chặn việc triển khai vũ khí trong vũ trụ và ngăn chặn việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại các mục tiêu vũ trụ". Trung Quốc kêu gọi sớm tiến hành đàm phán về một hiệp ước vũ trụ mới. Trung Quốc đã ký kết và phê chuẩn Công ước của LHQ về Luật biển và đóng vai trò tích cực trong hợp tác an ninh hàng hải quốc tế. Chính phủ Trung Quốc coi trọng vấn đề an ninh mạng và kiên quyết chống lại các loại tội phạm mạng. Chúng tôi tin rằng hợp tác an ninh trong các lĩnh vực nói trên phải cân bằng giữa quyền và lợi ích, khả năng và nghĩa vụ của các bên. Không được áp dụng tiêu chuẩn kép. Càng không thể chính trị hóa vấn đề này và sử dụng để gây sức ép lên một quốc gia khác vì lợi ích riêng.

Trung Quốc cam kết thực thi nghĩa vụ quốc tế của mình thông qua hợp tác an ninh. Trung Quốc là nước cung cấp lực lượng lớn nhất cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ trong số các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, với hơn 20.000 binh sĩ được triển khai trong 20 chiến dịch gìn giữ hòa bình của LHQ. Đang tiếc, 9 binh sĩ Trung Quốc đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
 
Kể từ tháng 12/2008, Trung Quốc đã gửi 8 đội đặc nhiệm cùng 20 tàu chiến đến Vịnh Aden và vùng biển ngoài khơi Somalia để thực hiện các nhiệm vụ hộ tống. Trong số 4.000 tàu thuyền mà lực lượng này đã hộ tống, hơn 40% là tàu nước ngoài. Trung Quốc cũng từng là nước được nhận sự giúp đỡ sau trận động đất Tứ Xuyên năm 2008 khi sự khi hỗ trợ đến từ khắp nơi trên thế giới, và một lần nữa, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất. Bởi vì Trung Quốc đã trải qua, nên chúng tôi có thể cảm nhận được những đau khổ mà các nước khác phải trải qua khi hứng chịu thiên tai. Đó là lý do tại sao quân đội Trung Quốc đã tích cực tham gia vào các hoạt động cứu trợ thảm họa nhân đạo ở nước ngoài sau khi đã vất vả trải qua các chiến dịch cứu trợ trong nước.

Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng hỗ trợ chính phủ Trung Quốc trong việc cung cấp hàng cứu trợ cho các nước bị ảnh hưởng. Mới đây, PLA đã cử các đội chuyên gia tới Indonesia, Haiti, Pakistan và Nhật Bản trong các nỗ lực cứu trợ thiên tai. Trong năm 2010, tàu quân y "Con tàu hòa bình" đã đến thăm Djibouti, Kenya, Tanzania, Seychelles, và Bangladesh và tham gia điều trị y tế cho hàng ngàn người dân địa phương, cả quân sự và dân sự. Trung Quốc cũng tham gia các nỗ lực rà phá bom mìn nhân đạo của quốc tế bằng cách đào tạo kỹ thuật hoặc cung cấp trang thiết bị cho các nước như Afghanistan, Iraq, và Sudan. Đây không phải là những nỗ lực quá phi thường, nhưng biểu hiện cho sự chân thành và tình hữu nghị của chúng tôi. Họ đã mang theo hy vọng và góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn.

Thưa quý vị!

Trung Quốc luôn tôn trọng con đường phát triển hòa bình. Trung Quốc cam kết cùng phát triển và an ninh chung. Sự tham gia hợp tác an ninh quốc tế của quân đội Trung Quốc sẽ không làm suy yếu hệ thống quốc tế hiện hành, mà để trở thành một nước đóng vai trò và nước tham gia xây dựng hệ thống đó, đóng góp trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế để lợi ích an ninh thực sự được chia sẻ bởi tất cả chúng ta. Xu hướng của thế kỷ XXI đã cho thấy một quan điểm mới: Quân đội có thể trở thành sợi dây hợp tác, hòa bình và thịnh vượng.

Chúng ta hãy cùng hợp tác để hướng tới mục tiêu này.

Xin cảm ơn!
 
Bảo Minh (dịch)
 

Tổng số lượt xem trang