Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

TQ tuyên bố không sử dụng vũ lực trong vụ tranh chấp Biển Đông

-TQ tuyên bố không sử dụng vũ lực trong vụ tranh chấp Biển Đông (VOA)- Trung Quốc tuyên bố không sử dụng vũ lực trong những vụ tranh chấp với các nước láng giềng ở Biển Đông (biển Nam Trung Hoa), nhưng đưa ra một lời phản bác ngầm đối với các vị thượng nghị sĩ Mỹ cho rằng quân đội Hoa Kỳ nên bảo vệ tự do hàng hải của thủy lộ chiến lược này.

Theo tường thuật của thông tín viên đài VOA ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm thứ 3 nói rằng Trung Quốc sẽ không “sử dụng vũ lực hay đe dọa vũ lực” trong vụ tranh chấp lãnh thổ đang gia tăng cường độ với Việt Nam và Philippines.

Ông Hồng Lỗi nói rằng những vụ tranh chấp nên được giải quyết thông qua thương thuyết với “những nước có liên hệ trực tiếp”.

Tuyên bố này rõ ràng là để đáp lại một dự luật được đệ trình ở quốc hội Mỹ hôm thứ Hai bởi hai thượng nghị sĩ hàng đầu của ủy ban giám sát chính sách đối ngoại của Mỹ ở vùng Đông Á.

Dự luật của thượng nghị sĩ Jim Webb thuộc đảng Dân chủ và thượng nghị sĩ James Inhofe thuộc đảng Cộng hòa tố cáo Trung Quốc sử dụng sức mạnh trong những vụ tranh chấp biển đảo, và yêu cầu quân đội Hoa Kỳ Hoa Kỳ “khẳng định và bảo vệ quyền tự do hàng hải” ở Biển Đông.

Phát biểu hôm thứ Hai tại một cuộc hội thảo ở Washington, thượng nghị sĩ Webb cho biết ông nghĩ là Hoa Kỳ đã có lập trường quá nhu nhược đối với những vụ tranh chấp, vốn đã sôi sục trong nhiều tuần qua.

Hôm thứ Hai, Việt Nam đã tiến hành những cuộc thao dượt bắn đạn thật trong vùng biển phía đông mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền.

Năm ngoái, Hoa Kỳ đã làm Trung Quốc tức giận khi cùng với những nước khác tham dự một hội nghị thượng đỉnh an ninh khu vực yêu cầu áp dụng đường lối đa phương để giải quyết những vụ tranh chấp ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng tuyên bố việc duy trì tự do hàng hải trong vùng biển này là lợi ích quốc gia của Mỹ.

Tuy nhiên, Washington không tuyên bố gì nhiều về những vụ xích mích mới nhất giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines. Giới hữu trách Hoa Kỳ chỉ kêu gọi các bên liên hệ giải quyết những mối bất đồng một cách hòa bình. Hôm chủ nhật vừa qua Việt Nam tõ ý hoan nghênh những nỗ lực của cộng đồng quốc tế để duy trì hòa bình và an ninh ở Biển Đông.

Cuối tháng trước Việt Nam tố cáo các tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02, một chiếc tàu khảo sát địa chấn, trong vùng biển mà Hà Nội tuyên bố là thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của mình. Trong một vụ việc thứ nhì hồi tuần trước, một chiếc tàu đánh cá Trung Quốc cũng tìm cách cắt cáp thăm dò của một chiếc tàu khảo sát khác của Việt Nam là tàu Viking II.

Trung Quốc cho rằng vụ việc thứ nhì là một tai nạn, nhưng tuyên bố cả hai vụ việc đều xảy ra trong vùng biển thuộc quyền quản lý của họ.

Trong khi đó, Philippines tố cáo Trung Quốc bốc dỡ vật liệu xây dựng và dựng cột chủ quyền trên những hòn đảo nhỏ ở quần đảo Trường sa mà Manila cho là nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế của mình.

Philippines tố cáo rằng hành động đó của Trung Quốc vi phạm một thỏa thuận mà Bắc Kinh ký kết với các nước ASEAN năm 2002.

Trung Quốc bác bỏ tố cáo của Manila và nói rằng họ hành động một cách hợp pháp trong vùng biển thuộc quyền quản lý của họ.

-Trung Quốc làm sao để tránh cuộc xung đột tiếp theo?
The Diplomat
Minxin Pei *
Ngày 12-6-2011
Cuộc cãi vã mới đây nhất giữa Trung Quốc và Việt Nam có vẻ rất giống như đang leo thang một cách nguy hiểm. Trung Quốc cần đi đầu trong việc tìm ra một giải pháp.
Tranh cãi đang leo thang giữa Trung Quốc và Việt Nam về vùng biển tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] đã đến vào một thời điểm không thể bất lợi hơn cho Bắc Kinh. Cách đây chưa đầy một năm, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đặt Trung Quốc vào tầm chú ý khi tuyên bố rằng hòa bình và tự do hàng hải ở Biển Nam Trung Hoa là lợi ích quốc gia của Mỹ, và một cách không tế nhị lắm, bà ta đã kêu gọi Trung Quốc giải quyết các tranh chấp chủ quyền với những nước láng giềng thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật quốc tế.
Như chúng ta bây giờ đều hiểu, những nhận xét của bà Clinton ở Hà Nội hồi tháng 7 năm 2010 đánh dấu một bước ngoặt giữa hai việc quan trọng. Nó thay đổi một cách quyết định nhận thức về cân bằng quyền lực ở khu vực. Trước khi bà Clinton ra tuyên bố như thế, Trung Quốc được xem như đã giành được thế trên cơ trong khu vực, thông qua nhiều năm nhẫn nhục theo đuổi chính sách “thế công mê hoặc” (charm offensive). Sau cú sốc vì phát ngôn của bà Clinton – thứ mà toàn thể Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đều ngấm ngầm hoan nghênh – Trung Quốc dường như đã bị cô lập trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Thêm vào đó, phản ứng vụng về của Trung Quốc, gồm cả những đe dọa được che đậy không kỹ lắm đối với các nước láng giềng, chỉ làm nặng nề thêm một loạt sai lầm ngớ ngẩn về ngoại giao của Trung Quốc, đã khiến cho năm 2010 trở thành năm tồi tệ nhất trong lịch sử chính sách đối ngoại của Trung Quốc kể từ năm 1989.
Để giành lại thế chủ động về ngoại giao và sửa chữa những tổn hại tự mình gây cho mình, Trung Quốc gần đây đã bắt đầu một chiến lược thế công mê hoặc khác và tạo ra nhiều kết quả đáng khích lệ. Quan hệ với Mỹ ổn định dần kể từ khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đi thăm Washington vào tháng 1. Đối thoại quân sự Mỹ – Trung được nối lại. Ngay cả quan hệ với Nhật Bản cũng đã cải thiện đáng kể trong những tháng qua.
Do vậy đến thời điểm này, cuộc đối đầu tệ hại và có khả năng là nguy hiểm nhất, với Việt Nam, chỉ là phương án cuối cùng mà Trung Quốc muốn.
Nhưng đồng thời, Bắc Kinh cũng cần thể hiện ra rằng Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp về vấn đề tranh chấp chủ quyền. Thật không may là ở Việt Nam, hiện nay Trung Quốc đang phải đối đầu với một đối thủ cũng cứng rắn và không thỏa hiệp như thế.
Trong tất cả các yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông, tranh chấp Trung – Việt là tranh chấp có khả năng dẫn tới xung đột vũ trang nhất. Trước hết, cả hai nước đều từng tham gia giao tranh quân sự trên Biển Đông trước đây. Năm 1974, hải quân Trung Quốc giành được quyền kiểm soát hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa sau khi làm cho hải quân miền nam Việt Nam thất bại thảm hại. Năm 1988, Trung Quốc và Việt Nam đánh nhau một trận hải chiến ngắn ở quần đảo Trường Sa. Thứ hai là, những yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa nói chung bị coi là yếu theo luật quốc tế, bởi vì, nếu dựa vào Công ước LHQ về Luật Biển, Trung Quốc sẽ có khó khăn trong việc chứng minh rằng những vỉa san hô mà Trung Quốc đang chiếm hữu đáp ứng được tiêu chuẩn của những hòn đảo có thể có người ở và có đời sống kinh tế độc lập (mà khi đó thì sẽ có được vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, viết tắt EEZ). Nhưng đấy không phải câu chuyện có thể áp dụng với quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đã kiểm soát một cách có hiệu lực, mà Việt Nam thì cứ tiếp tục đòi chủ quyền. EEZ 200 hải lý của Hoàng Sa và EEZ 200 hải lý tính từ đường bờ biển của Việt Nam có vùng chồng lấn. Theo các báo cáo, vụ việc trong đó tàu tuần tra Trung Quốc phá hỏng cáp khảo sát địa chấn trị giá hàng triệu USD do tàu nghiên cứu của PetroVietnam vận hành đã diễn ra trong vùng tranh chấp (chồng lấn) này.
Trong quá khứ, phản ứng của người Trung Quốc đối với những hoạt động thăm dò khai thác được tiến hành bởi các nước có yêu sách chủ quyền khác ở Biển Nam Trung Hoa luôn được tiết chế. Trung Quốc luôn lên án họ đã xâm phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc, nhưng hành động của Trung Quốc luôn có sự kiềm chế hơn và khác hẳn. Trên thực tế, nhiều nước tham gia tranh chấp chủ quyền đang không ngừng các hoạt động thăm dò và khai thác dầu và khí tự nhiên gần với vùng biển duyên hải của họ ở quần đảo Trường Sa, nhưng cho đến nay Trung Quốc đã không đưa tàu hải quân đến ngăn cản họ. (Vụ việc xảy ra hôm 9-6-2011 trong đó tàu cá Trung Quốc phá cáp khảo sát của tàu nghiên cứu Việt Nam xảy ra tại một khu vực nằm trong quần đảo Trường Sa, cách xa bờ biển Việt Nam). Mặc dù vậy, phản ứng của Trung Quốc với những hành động tương tự ở quần đảo Hoàng Sa thì cứng rắn hơn nhiều. Vài năm trước, tàu tuần tra Trung Quốc đã cắt cáp khảo sát của một tàu nghiên cứu thuộc sở hữu của một công ty phương Tây, công ty này trước đó đã ký hợp đồng thăm dò dầu khí với Việt Nam.
Nếu mọi thứ khác đều bình bình như nhau, thì khả năng xảy ra hải chiến giữa Trung Quốc và Việt Nam trên vùng biển bao quanh quần đảo Hoàng Sa lại cao hơn thế rất nhiều.
Nhưng Việt Nam không biết giữ thăng bằng. Hải quân của họ có thể không có nhiều, nhưng họ đã liên tục thể hiện ra rằng họ không sợ Trung Quốc. Để cho Bắc Kinh thấy họ sẵn sàng chiến đấu, Hà Nội đã đặt hàng mua sáu tàu ngầm lớp Kilo của Nga (và sẽ vận hành trong vài năm tới). Trên phương diện ngoại giao, Việt Nam cũng chơi bài một cách thành thục. Mối quan hệ của họ với Mỹ cải thiện một cách sâu sắc, hai cựu thù ngày nào đã tiến hành tập trận chung lần đầu tiên trên Biển Nam Trung Hoa vào tháng 8 năm ngoái.
Liệu quan điểm mới của Washington trên Biển Đông và quan hệ được cải thiện giữa Mỹ và Việt Nam có làm cho Hà Nội táo gan hơn để đối đầu với Bắc Kinh hay không, đó vẫn còn là câu hỏi của bất cứ ai. Điều quan trọng đối với Bắc Kinh bây giờ là làm thế nào tránh được một xung đột nữa có thể xảy ra với Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Với việc Hà Nội tuyên bố tập trận bắn đạn thật ở khu vực này vào ngày 13-6, nguy cơ giao tranh bất ngờ là có thật.
Là một trong hai nhân vật chính, Trung Quốc cần nắm vững cơ sở đạo đức trước, bởi lẽ dư luận quốc tế có xu hướng ủng hộ bên yếu hơn trong bất cứ tranh chấp nào. Để bắt đầu, Trung Quốc nên tạm thời hoãn các hoạt động tuần tra trong vùng tranh chấp để tránh bất kỳ cuộc xung đột bất ngờ nào có thể xảy ra. Bắc Kinh cũng nên đưa ra những đề xuất cụ thể với Hà Nội về việc làm sao để tránh những vụ đối đầu tương tự trong tương lai. Ví dụ, xác lập một thời kỳ cả hai bên cùng tạm ngừng hoạt động khai thác trong vùng biển tranh chấp – điều này có thể làm dịu tình trạng bị kích động hiện nay.
Tiếp sau các biện pháp tạm thời này, cần phải có những bước đi chủ động về ngoại giao mạnh mẽ hơn để góp phần đưa tới một giải pháp đa phương cho vấn đề tranh chấp Biển Đông. Tranh cãi Trung – Việt có thể gây ra khủng hoảng đấy, nhưng nó cũng tạo một cơ hội độc nhất cho Trung Hoa và ASEAN đẩy mạnh đàm phán để đạt được bộ quy tắc ứng xử có hiệu lực mạnh hơn. Một số ý kiến ở Trung Quốc có thể coi việc ký kết một bộ quy tắc ứng xử như thế là sự hạn chế các lựa chọn của Trung Quốc, một cách không cần thiết. Nhưng đối với một quốc gia mà mọi dự định và khả năng quân sự gia tăng đều các nước láng giềng mất bình tĩnh, thì đây có thể là một trong số ít những động thái thực tiễn nhằm làm cho tuyên bố của nó về “phát triển hòa bình” trở nên đáng tin cậy.
Minxin Pei là giáo sư về chính quyền ở Đại học Claremont McKenna, trợ lý nghiên cứu viên tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie (Carnegie Endowment for International Peace).
Comment của độc giả John Chan, 14-6:
UNCLOS chỉ liên quan tới chủ quyền trên biển chứ không phải trên đất không người ở. Khi nào biên giới trên biển của hai nước, ví dụ Anh và Pháp, có vùng chồng lấn, thì trong phần lớn trường hợp, biên giới ấy sẽ được phân định bởi một điều ước, hoặc, nếu các bên đồng ý, được phân định bởi tòa án quốc tế. Nói chung, như thế là phá vỡ mọi sự mâu thuẫn. Vì thế, Malaysia không thể có yêu sách chủ quyền đối với Singapore. Thêm vào đó, tòa án quốc tế có thể xử lý các vụ việc trong giới hạn của UNCLOS và chỉ UNCLOS mà thôi, tranh chấp nào không có biên giới rõ ràng và được xác định thì nằm ngoài quyền tài phán của họ.
Tuy nhiên, nếu các vị có thể ra yêu sách rằng mấy hòn đá nhỏ kia là lãnh thổ có chủ quyền của các vị, thì rồi các vị nhận biên giới 12/200 hải lý tính từ mấy hòn đá đó. Đó là cơ sở cho các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và Đài Loan đối với phần lớn Biển Đông. Do Trung Quốc có bằng chứng lịch sử lâu dài và nhiều bằng chứng vững chắc khác để chứng minh cho chủ quyền của mình đối với tất cả các đảo nhỏ ở Biển Nam Trung Hoa, cho nên các nước khác ở Biển Đông phải sử dụng các phương thức không theo quy ước để đưa ra yêu sách, nhằm chống đỡ với thế bất lợi của họ là thiếu bằng chứng xác thực.
Cái thú vị ở đây là tất cả các vị blogger Việt Nam đều trích dẫn UNCLOS mà không thật sự hiểu UNCLOS. Tàu tuần tra Trung Quốc đi tuần cách bờ biển Việt Nam 140 hải lý là bởi vì đấy là vùng trung tuyến giữa các đảo của Trung Hoa và bờ biển của Việt Nam *.
Người dịch: Thủy Trúc
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
-
* Người dịch chú thích: Bạn đọc chú ý đến cách lập luận của tác giả Minxin Pei cũng như phản hồi của độc giả John Chan (Trung Quốc?) dưới đây nhằm biến vùng biển nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành “vùng chồng lấn”, “vùng tranh chấp”, và Trung Quốc đang tuyên truyền quan điểm này cho toàn thể người dân nước họ. Thú vị là trong phần phản hồi cũng có nhiều ý kiến tranh luận của độc giả Việt  Nam, đặc biệt là Nhà nghiên cứu Dương Danh Huy (nhưng có lẽ đều là “tự phát” của các trí thức người Việt ở nước ngoài, chứ không phải do chủ động của giới học giả trong nước được nhà nước tạo điều kiện).
“… EEZ 200 hải lý của Hoàng Sa và EEZ 200 hải lý tính từ đường bờ biển của Việt Nam có vùng chồng lấn. Theo các báo cáo, vụ việc trong đó tàu tuần tra Trung Quốc phá hỏng cáp khảo sát địa chấn trị giá hàng triệu USD do tàu nghiên cứu của PetroVietnam vận hành đã diễn ra trong vùng tranh chấp (chồng lấn) này…”.
“Tàu tuần tra Trung Quốc đi tuần cách bờ biển Việt Nam 140 hải lý là bởi vì đấy là vùng trung tuyến giữa các đảo của Trung Hoa và bờ biển của Việt Nam”.


-
-- Vietnam eyes foreign help (Diplomat 12-6-11) -- Có phỏng vấn người làm trang này! (THD)
 -Việt Nam bắt đầu quan tâm đến sự giúp đỡ của các nước khác
The Diplomate

Jason Miks
Ngày 12 tháng 6 năm  2011
Việt Nam đã nhận ra rõ hơn một chút cái mối nguy hiểm nằm trong vụ cãi nhau đang diễn ra khi nước này đang kêu gọi Mỹ và các nước khác can thiệp nhằm giúp tìm ra một cách giải quyết nào đó.
Đề nghị này xuất hiện sau khi một số hành động đối đầu thù địch xảy ra trong vài tuần qua ở Biển Hoa Nam [Biển Đông], một khu vực mà hai nước cũng như một vài nước Đông Nam Á khác đang tranh giành nhau kịch liệt. Brunei, Cam-pu-chia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Thái Lan cũng tuyên bố khẳng định chủ quyền đối với một phần của khu vực này, song những tuyên bố của Việt Nam về sự quấy nhiễu của tàu Trung Quốc mới khiến báo chí đưa tin tức rầm rộ.
Hôm Thứ Năm tuần trước, Việt Nam tuyên bố rằng tàu của Trung Quốc lại một lần nữa xâm phạm lãnh thổ của nước này và cáo buộc Trung Quốc cố tình định cắt đứt cáp của tàu do PetroVietnam thuê. Lần cãi cọ nhau này khác hẳn với lần thứ nhất – như tôi đã nhận xét, Việt Nam hồi năm ngoái đã tức giận vì Trung Quốc nhiều lần bắt giữ ngư dân đang đánh bắt cá ở gần Quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp mà Việt Nam tuyên bố là họ có chủ quyền.
Hãng tin Reuters đã có một viết rất rõ về thứ tự thời gian những sự kiện căng thẳng xảy ra gần đây và bây giờ Reuter nên bổ sung sự kiện mới mẻ ấy là Việt Nam đang kêu gọi sự can thiệp của cộng đồng quốc tế. Tờ Bloomberg hôm nay đã dẫn lời phát ngôn viên Nguyễn Phương Nga của bộ ngoại giao nói rằng:
“Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải là mối quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực …Mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông đều được hoan nghênh.”
Dĩ nhiên là Bắc Kinh sẽ ghét cay ghét đắng điều này, trước nay Bắc Kinh đều ra sức ngăn cản sự tham gia của các nước ở bên ngoài trong những tranh chấp lãnh thổ [giữa Trung Quốc với một nước khác]. Trung Quốc quả thực đã tức giận khi ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hồi tháng Bảy năm ngoái đã đề nghị rằng Mỹ có thể là một bên trung gian.
Việt Nam vừa khẳng định họ sẽ tiến hành tập trận hải quân vào ngày mai và trong lúc đó thì họ đã tỏ ra khoan dung đối với những cuộc biểu tình hiếm hoi của hàng trăm người đang phẫn nộ khi thấy Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam. Huy Dương [Dương Danh Huy] ở Việt Nam trong một bài viết trong tuần này đã nêu ý kiến rằng cách tốt nhất để Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác đối phó với điều họ đang nhận ra như là một nước Trung Quốc hống hách đó là họ phải hợp tác với nhau.
Liệu Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác có làm được như vậy hay không? Minxin Pei có một bài viết đáng lưu ý về vấn đề tranh chấp chủ quyền cho tới nay – và Trung Quốc nên làm gì để xoa dịu căng thẳng. Nhưng tôi cũng đã hỏi nhà quan sát Trần Hữu Dũng, một giáo sư kinh tế học tại Đại học Wrigh ở Dayton thuộc bang Ohio, về quan điểm của ông.
“Hầu hết những ai chú ý tới cán cân sức mạnh ở Đông Nam Á đều đồng ý rằng cách duy nhất cho Việt Nam hoặc bất cứ một quốc gia riêng biệt nào trong khu vực để đẩy lùi Trung Quốc là tập hợp lại thành một nhóm”, ông nói với tôi như vậy. “Nhưng điều đó sẽ có nghĩa là Việt Nam buộc phải thừa nhận rằng họ mặt khác sẽ phải công nhận lợi ích của các nước khác trong khu vực. Lợi ích của các nước khác có khi lại khác với lợi ích của Việt Nam. Cho tới nay thì Việt Nam chưa hề đưa ra một chính sách khu vực rõ ràng, dài hạn trong đó bao gồm những cân nhắc nói trên.”
Tôi cũng hỏi ông về quan điểm của ông về những căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Việt Nam và ông lạc quan ra sao về việc những vụ cãi nhau om xòm trong tương lai có thể được giải quyết một cách ôn hòa.
“ Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc có nguyên nhân sâu xa từ cách đây hàng ngàn năm và không có lý do nào để kỳ vọng rằng nó sẽ chấm dứt vĩnh viễn. Song điều này không có nghĩa là hai nước không thể chung sống hòa bình trong một thời gian dài,” ông nói. “Sự chung sống hòa bình này không chỉ tùy thuộc vào cách ứng xử của chính phủ Trung Quốc mà còn tùy thuộc vào họ nhận thức ra sao về sự nhu nhược của lãnh đạo Việt Nam. Sự cố gần đây nhất có thể được coi là một phép thử vai trò lãnh đạo nói trên.
Người dịch: Hiền Ba
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Tổng số lượt xem trang