Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Trả Nợ Đậy - Với Màu Sắc Trung Hoa

-Trả Nợ Đậy - Với Màu Sắc Trung Hoa
Nguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt 20110606
Trong mục "Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Thanh Lý Môn Hộ và Thanh Toán Nợ Nần  

    Ai sẽ nhặt và ai sẽ đạp vỏ chuối?
Sinh năm 1021 và mất năm 1086, Vương An Thạch là một trong "Đường Tống Bát đại gia", tám tác giả thi ca nổi tiếng nhất Trung Quốc trong hơn 600 năm, từ nhà Đại Đường đến Bắc Tống. Ông còn chủ trương cải cách Trung Quốc với những tư tưởng đi ngược trào lưu thịnh hành. Nhưng việc "biến pháp" của ông không cứu được sự suy sụp của nhà Tống, bản thân ông gặp một thất bại khác: cuộc chiến với Đại Việt năm 1075.
Năm đó, khi thấy Đại Việt bị Chiêm Thành tấn công và đánh phá nên lâm thế yếu, Tể tướng Vương An Thạch cho quân huy động các sắc tộc thiểu số vào quấy nhiễu và cấm các châu huyện không được... đầu tư buôn bán gì với Đại Việt! Mục tiêu là tìm một chiến thắng đối ngoại lấy trớn cho việc thi hành tân pháp bên trong. Triều Lý bèn sai Lý Thường Kiệt cùng Tông Đản đem quân đánh vào Khâm Châu, Liêm Châu và khuất phục Ung Châu của nhà Tống, rồi mới rút. Vương An Thạch mất chức, tân pháp chấm dứt....

Khi theo dõi những gì đang xảy ra ngoài Đông hải, ta nhớ Vương An Thạch và tiếc là nước Việt ngày nay không như Đại Việt ngày xưa. Người như Lý Thường Kiệt có khi ngồi chơi sơi nước... ở trong tù!

Chi bằng nói sang chuyện hợp tan của Trung Quốc dưới giác độ... kinh tế hiện đại!


***


Tại một xứ có văn hoá lâu đời, lại có lãnh đạo đầy quyền lực như Trung Quốc khiến thiên hạ đều khâm phục hoặc hãi sợ, ta hãy nhìn vào chuyện phân quyền và một lẽ hợp tan rất nhỏ nhoi.

Trên nguyên tắc, chính quyền trung ương tập trung nhận về hầu hết các nguồn thu thuế khóa và ban phương tiện điều hành xuống các cấp chính quyền địa phương. Các địa phương không được chi quá ngân sách hay phát hành công khố phiếu địa phương, ngoại lệ là một vài dự án thí điểm. Với hệ thống đó thì coi như trung ương gồm thâu tứ phương về một mối và nghinh ngang với thiên hạ nhờ ba ngàn tỷ đô la dự trữ trong tay!

Còn hữu hiệu hơn chế độ quận huyện xa xưa của Tần Thủy Hoàng....

Một số học giả Mỹ gọi đó là "Beijing Consensus" (Đồng thuận Bắc Kinh), khi nhà nước nắm quyền điều động kinh tế và chi phối thị trường, chứ không tèm lem như quy luật tự do kinh tế và dân chủ chính trị của Hoa Kỳ, được gọi là "Washington Consensus".

Rõ là học giả hàn lâm!

Lãnh đạo Bắc Kinh ý thức được sự tan loãng chậm rãi của quyền lực: Mao Trạch Đông toàn quyền hơn Đặng Tiểu Bình, Đặng có quyền hơn Giang Trạch Dân, mà Giang còn mạnh hơn Hồ Cẩm Đào ngày nay. Tập Cận Bình sau này sẽ còn phải thỏa hiệp nhiều với các thế lực mới nổi lên về sau...

Cụ thể là khi thị trường bị Tổng suy trầm 2008-2009 và kích thích kinh tế là ưu tiên toàn quốc thì cái gọi là "đồng thuận Bắc Kinh" chỉ là hư quyền và ảo giác. Vì vậy họ mới sợ!

*** 

Số là thường bị thâm hụt ngân sách vì ở trên chi xuống không đủ, các chính quyền địa phương phải vay tiền. Nhưng theo luật lệ dời đổi liên miên từ trung ương, họ bị cấm gây bội chi, không được phát hành trái phiếu và bị hạn chế đi vay ngân hàng. Vì vậy, họ lập ra loại "Công ty Đầu tư Địa phương" để vay tiền các ngân hàng quốc doanh ở địa phương với điều kiện tín dụng ưu đãi vì có sự ủng hộ của đảng bộ địa phương, nhằm thực hiện dự án địa phương, thường thì với đất đai do chính quyền địa phương cấp cho các công ty làm tài sản thế chấp.

Trung ương có thấy trò luồn lách đó mà làm ngơ vì tin là nhờ vậy tiền sớm được giải ngân cho các dự án ở địa phương kịp tạo ra việc làm và tránh động loạn khi kinh tế bị nguy cơ suy trầm.

Nhưng sự vận hành của thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa lại tự... diễn biến hòa bình!

Về chính trị thì các dự án "đầu tư" đều phải đạo vì tạo ra việc làm cho địa phương như lệnh trên ban xuống. Nhưng 70% dự án là do các cấp dưới tỉnh thi hành (cấp quận, huyện, xã ấp) với giá trị kinh tế rất thấp. Mà lại đạt giá trị "kinh doanh" rất cao cho đảng viên cơ sở. Vì yếu tố "kinh doanh" đó - xứ khác gọi là "hối mại quyền thế" - đa số dự án lại là xây dựng và đầu tư vào bất động sản nên thổi lên bong bóng đầu cơ. Lý do dễ hiểu là vì từ 20 đến 45% nguồn thu của các tỉnh là thuế trên đất đai. Mà quyết định về phân phối và chuyển nhượng đất đai là cơ hội bổng lộc cho đảng viên địa phương - xá gì nỗi hận của dân chúng.

Cho nên, vì chính trị, kinh tế và kinh doanh, các địa phương vay tiền làm bậy một cách có hệ thống trên một quy mô... Trung Quốc. Kết quả là cả vạn Công ty Đầu tư ra đời, để thi đua đi vay.

Từ 1.000 tỷ đồng Nguyên vào năm 2008 - khoảng 130 tỷ Mỹ kim - nội một năm gánh nợ của địa phương tăng gấp sáu: gần 900 tỷ đô la vào năm 2009. Ngày nay, theo Ngân hàng Trung ương thì nợ lên tới từ 1.100 đến 1.600 tỷ đô la, tương đương với từ 21 đến 33% Tổng sản lượng Nội địa GDP, dù số chính thức thì chỉ là 18% GDP. 

Thực tế có thể là gần 2.000 tỷ.

Ngần ấy con số, số nào đúng thì khó ai biết, kể cả "giới hữu trách" là Quốc vụ viện, Ủy ban Cải cách và Phát triển (Ủy ban Kế hoạch Nhà nước thời xưa), Bộ Tài chánh hay Ngân hàng Trung ương, v.v....

Chỉ biết là nhờ nhiều thủ thuật kế toán - như bút ghi ngoại ngạch, không kể vào kết toán tài sản - con số thật lại cao gấp bội. Và chỉ biết rằng nay vẫn còn tăng: trong Quý I năm nay, 40% ngạch số tín dụng mới cấp phát thực tế đã trút vào loại công ty đầu tư địa phương này!

Khi lạm phát ló mòi và trung ương phải đạp thắng tín dụng để hạ nhiệt kinh tế, các địa phương vẫn đi vay và trút vào các dự án ảo, có thể vỡ như bong bóng và gây họa cho hệ thống ngân hàng đang ôm một núi nợ thối, khó đòi và sẽ mất. Mất cỡ nào thì ai biết! Năm ngoái, trung ương chột dạ bèn ngó vào hố nợ đó và ra lệnh cấm vay thêm mà chẳng ai nghe. Tháng Ba vừa qua, một số chi tiết lại gây rùng mình. Đầu tháng Sáu, trong khi Đông hải bị uy hiếp, thiên hạ hết hồn vì hố nợ quá sâu - và thông đáy:

Giữa năm ngoái, Ngân hàng Trung ương tính là trong tổng số nợ của các Công ty Đầu tư - cỡ 1.230 tỷ đô la - có 1/4 là nợ thối (hơn 300 tỷ), có 50% là cho các dự án bị lỗ nên cần địa phương trám lỗ bằng ngân sách. Qua Tháng Năm vừa rồi, Bộ Tài chánh xác nhận là tính đến 2009, dư nợ của các địa phương chiếm gần 230% tổng số ngân sách, mà vẫn còn tăng! Con số mới nhất, tiết lộ vào đầu Tháng Sáu: nợ lên tới ít ra 1.600 tỷ đô la và sẽ mất ít ra 20%! Mất vào đâu? Ai mất và ai bù? Ai sẽ trả nợ đậy cho ai?

Hiện nay, công trái của Trung Quốc - nợ của Chính quyền - ở khoảng 42-55% Tổng sản lượng. So với gần 90% của Mỹ thì còn vinh quang lắm! Nhưng khoản nợ này chỉ xuất hiện từ 20 năm nay và trong hai năm qua lại tăng đột ngột với xuất xứ là sự mờ ảo của các địa phương!

***
Trung ương đang chuẩn bị bàn giao cơ ngơi cho lớp lãnh đạo sẽ lên cầm quyền sau Đại hội 18 vào mùa Thu năm tới, cho nên việc thanh toán hố nợ lại còn nóng hơn tình hình Đông hải.

Mà thanh toán thế nào cho vẹn bề nếu không thanh lý môn hộ? Thuần về kinh tế, trung ương có thể du di một số nợ từ địa phương vào trương mục các ngân hàng, để nhà nước bù lỗ một phần, các ngân hàng chịu lỗ một phần. Rồi từ nay, các chính quyền hàng tỉnh và thành phố có thể phát hành trái phiếu để vay tiền trên thị trường, trong khi trung ương rà soát, chấn chỉnh và giải thể một phần của cả vạn Công ty Đầu tư Địa phương.

Theo lời đồn thì trung ương sẽ tiến hành việc này theo thủ tục khẩn cấp, nội trong ba tháng tới! Nhưng làm sao kịp trên một lãnh thổ bát ngát và một tổ chức nhiêu khê như vậy? Nội bộ vẫn còn tranh luận nên mới tiết lộ thông tin để tác động.

Mươi năm trước, Bắc Kinh đã "chấn chỉnh" các ngân hàng quốc doanh lớn nhất bị lỗ lã, với hóa đơn là 600 tỷ đô la. Lần này là chấn chỉnh hệ thống chi thu địa phương, hoá đơn là bao nhiêu thì chưa rõ. Đó là kinh tế. Chứ về chính trị thì ngân sách trung ương sẽ lủng một mảng, khi lãnh đạo đảng vừa hạ quyết tâm chi tiền chuyển hướng kinh tế nhằm nâng cao lợi tức và sức mua của bá tánh để tránh nội loạn và tránh sự lệ thuộc quá đáng vào xuất cảng...

Kẹt lớn vì ai sẽ thực hiện cải tổ, trước hay sau Đại hội? Tranh luận xảy ra mà mỗi trung tâm quyền lực lại có một số thống kê và giải pháp riêng, bao giờ mới đạt nổi đồng thuận?

Phải chi cứ cho tranh luận om xòm và bầu cử công khai như Mỹ đế!

***
Mà còn biết bao vấn đề khác. Từ lạm phát đến suy trầm khiến 14 triệu người đến tuổi lao động hàng năm có khi không tìm ra việc. Từ doanh nghiệp nhà nước bị phá sản đến lớp dân bị cướp đất bèn đi biểu tình - và còn liệng bom! Từ chuyện Nội Mông có loạn đến bất ổn Tân Cương, Tây Tạng. Từ đập Tam Hiệp đến môi sinh, tai ách nào sẽ vĩ đại hơn? Từ Cách mạng Hoa nhài đến giới trí thức đòi giải thích lại vụ thảm sát Thiên an môn 1989. Từ tăng lương công nhân đến việc doanh nghiệp quốc tế tìm nơi đầu tư có lợi hơn vì lương bổng rẻ hơn.

Lại còn phản ứng của quân đội cùng phe thủ cựu đang đòi bảo vệ chủ nghĩa Đại Hán chống bọn tư bản cấu kết với các thế lực xấu, các đảng viên biến chất và vọng ngoại....

Lãnh đạo mà sợ là dễ mắc "Hội chứng Vương An Thạch": tìm thành quả đối ngoại để giải trừ chống đối bên trong. Hoá ra biển Đông dậy sóng vì Thiên triều sợ loạn!

Tổng số lượt xem trang