Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Lợi dụng Nhật 'trọng thương', Trung Quốc 'tiếm quyền'... Đông tiến

-


Không chỉ cắt cáp của Việt Nam, chuẩn bị khoan dầu gần Philippines... Trung Quốc còn lên kế hoạch tập trận ở Tây Thái Bình Dương, khiến Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản bị đặt vào tình trạng “báo động”, Mỹ phải tăng cường tàu khu trục tới khu vực...

Mỹ từ lâu lập ra “chuỗi đảo thứ nhất để bao vây” Trung Quốc và nó hoạt động khá tốt, buộc hải quân Trung Quốc chỉ “loanh quanh gần bờ”. Do đó, việc hàng loạt tàu Trung Quốc tràn qua Nhật Bản, chọc thủng “chuỗi đảo thứ nhất” hôm 7/6 để tiến vào Thái Bình Dương thực sự là “trận động đất trên biển”, khiến Nhật Bản cũng phải lo sợ...

Chưa dừng lại, chỉ hai ngày sau, quân đội Trung Quốc thông báo sẽ tập trận trong vùng biển quốc tế ở Tây Thái Bình Dương từ giữa tới cuối tháng này. Họ khẳng định cuộc diễn tập không vi phạm luật quốc tế và cũng không nhằm vào đối tượng đặc biệt hay bất kỳ quốc gia nào.
Giáo sư Yang Bojiang của ĐH Quan hệ quốc tế ở Bắc Kinh nhận định, bộ Quốc phòng Trung Quốc hành động minh bạch và các hoạt động của họ diễn ra trong vùng biển quốc tế nên Nhật không phải lo lắng về các hành động quân sự của hải quân Trung Quốc. Ông Bojiang nhấn mạnh: “Nhật quá lo lắng về các cuộc diễn tập bình thường của hải quân Trung Quốc”.
Ông lý giải: “Nhật đang gặp khó khăn lớn về tài chính, nhất là sau trận động đất, sóng thần 11/3. Do đó, một bộ phận người Nhật, những người muốn tăng ngân sách quốc phòng, đã cường điệu các hoạt động quân sự của Trung Quốc”.
Trung Quốc khẳng định cuộc tập trận không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. Ảnh minh họa.
Có thực mới vực được đạo

Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố mang tính trấn an từ phía Đại Lục, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản được đặt trong tình trạng báo động, theo dõi sát sao mọi hoạt động của hải quân Trung Quốc. 

Song có lẽ trong trường hợp Trung Quốc có hành động "bất ngờ" trong cuộc tập trận sắp tới, Nhật Bản cũng không có nhiều sự lựa chọn đối phó khi mà trong tình hình hiện tại, Tokyo đang ở "thế dưới' trong quan hệ với Bắc Kinh; nhất là về lĩnh vực kinh tế.

Không thể điểm hết mọi vấn đề trong quan hệ kinh tế song phương Nhật - Trung nhưng theo nhật báo Yomiuri, lượng du khách Trung Quốc tới mua sắm ở các siêu thị trên khắp Nhật Bản ngày càng tăng; tới mức nhiều trung tâm mua sắm cao cấp ở trung tâm Thủ đô Tokyo phải tuyển cả nhân viên nói tiếng Trung vào làm việc. Điều này đồng nghĩa với việc nếu du khách đến từ láng giềng Trung Quốc giảm do căng thẳng chính trị, ngoại giao... doanh số các siêu thị này sẽ giảm mạnh.

Nói cách khác, với việc du khách Trung Quốc ở Nhật thường chi khoảng 1.700 USD/lần du lịch, cao hơn cả du khách Mỹ; riêng trong quý II/2010, tổng số tiền du khách Trung Quốc tiêu là 622 triệu USD...thì Nhật sẽ mất hàng "tấn" ngoại tệ... nếu quan hệ căng thẳng...
Du khách Trung Quốc tới Nhật rất đông. Ảnh minh họa.
Ở quy mô lớn hơn, Trung Quốc đang là đối tác thương mại quan trọng nhất của Nhật. Từ năm 2009, kim ngạch thương mại với Trung Quốc chiếm tới 20,5% tổng kim ngạch thương mại của Nhật Bản. Kim ngạch song phương nửa đầu năm 2010 đạt 147 tỷ USD, Trung Quốc tiêu thụ tới 20% hàng hóa xuất khẩu của Nhật. Trước nữa, Trung Quốc lần đầu vượt Mỹ để thành đối tác thương mại của Nhật năm 2007.
Tóm lại, Nhật Bản sẽ là người thua cuộc bởi kinh tế Nhật đang phụ thuộc vào Trung Quốc chứ không phải ngược lại. Lợi thế về công nghệ của Nhật sẽ chẳng là gì so với thị trường khổng lồ của Trung Quốc, nơi có thị trường khổng lồ hơn 1,3 tỷ dân và cũng là nguồn cung lớn về tài nguyên, vật liệu...
Còn nếu so sánh sức mạnh của cả nền kinh tế, Bắc Kinh vừa vượt qua chính Tokyo để chiếm vị trí là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ với GDP vượt quá 5.000 tỷ USD.
Khoảng cách này chắc chắn sẽ còn bị kéo dãn trong thời gian tới bởi Nhật vừa bị “đòn đau” là thảm họa động đất, sóng thần hôm 11/3; với thiệt hại ước tính vược mức 300 tỷ USD. Đáng buồn hơn, theo tính toán của nhiều chuyên gia, Tokyo cần ít nhất 5 năm để lấy lại được sức mạnh như hiện tại; đồng nghĩa Trung Quốc thời cơ dài 5 năm để vươn lên, chí ít là ở khu vực Đông Bắc Á...
Thiên tai "tra tấn" Nhật.
Cuối cùng, không thể bỏ qua yếu tố quân đội Trung Quốc lớn "nhanh như thổi". Sau hơn 20 năm liên tục tăng ngân sách quốc phòng ở mức hai con số, quân đội nước này hiện được đánh giá nằm trong "top 5" của thế giới. So với Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có 180.000 người, ngân sách khoảng 50 tỷ USD một năm...thì quân đội Trung Quốc là "gã khổng lồ": ngân sách gần 100 tỷ USD mỗi năm (theo nhiều chuyên gia thì đây là "số ảo", thực tế còn cao hơn nhiều), có 2,3 triệu binh lính, sĩ quan... hơn 2.000 máy bay, 26 tàu khu trục, 47 tàu hộ tống, 63 tàu ngầm... và chuẩn bị có tàu sân bay.
Trong bối cảnh tương quan sức mạnh chênh lệch và có triển vọng nới rộng theo hướng có lợi, Trung Quốc đang tranh thủ để răn đe Nhật và cả nhiều nước ASEAN....Cuộc tập trận sắp tới của Trung Quốc sẽ chỉ là một trong nhiều bước đi nhằm hiện thực hóa tham vọng mở rộng ảnh hưởng ra toàn bộ Tây Thái Bình Dương.
Quân đội Trung Quốc phát triển rất nhanh. Ảnh minh họa.
Không thể ngồi yên
Trong bối cảnh Trung Quốc đã, đang và gần như chắc chắn sẽ tiếp tục "xâm phạm và uy hiếp" quần đảo Senkaku và vùng biển xung quanh Nhật Bản; theo nhiều chuyên gia Nhật, Tokyo vẫn cần có thái độ quyết đoán dựa trên luật pháp quốc tế trước những hành động khó chấp nhận nổi của Trung Quốc dù cho họ “cửa dưới”.
Ngược lại, nếu Tokyo “nhân nhượng” vấn đề biển đảo thì Bắc Kinh sẽ càng lấn tới và điều đó sẽ là sai lầm lớn nhất của Nhật trong những năm đầu thế kỷ 21.
--------
Kỳ II:   Động đất - cơ hội trời cho Trung Quốc
Tranh thủ Nhật Bản tập trung tinh lực để xử lý hậu quả động đất, sóng thần, Bắc Kinh lấp những khoảng trống quyền lực mà Tokyo để lại.
Động đất, sóng thần tạo ra muôn vàn khó khăn cho Nhật Bản, buộc Tokyo phải tập trung tinh lực để “trị quốc” mà sao nhãng việc “bình thiên hạ”. Tận dụng thời cơ, Trung Quốc tranh thủ lấp những khoảng trống quyền lực mà Nhật để lại và thậm chí còn hướng tới những mục tiêu xa hơn.
Tận dụng thành quả phát triển kinh tế “nhanh khủng khiếp” trong hơn 30 năm mở cửa, Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, cố gắng biến biển Đông thành “ao nhà”, mở rộng sức mạnh hải quân đến tận Tây Thái Bình Dương...
Họ có nhiều tuyên bố, hành động để thực hiện những chiến lược trên nhưng trước đây, tốc độ triển khai bình thường, âm ỉ và mềm dẻo...chứ không mạnh, cứng rắn và "phô trương" như hiện tại.
Trung Quốc nỗ lực phát triển hải quân. Ảnh minh họa.
Phân tích nguyên nhân dẫn tới những hành động đó của Trung Quốc, trước hết phải nói tới các đối thủ của Bắc Kinh đang gặp nhiều khó khăn; điển hình là việc kinh tế Mỹ chưa ổn định, Washington chưa "rút chân ra khỏi bãi lầy" Iraq, Afghanistan và một phần nào đó ở Trung Đông, Bắc Phi...
Nói cách khác, do “bận tay bận chân” ở hàng loạt "điểm nóng" bên trong lẫn bên ngoài nước Mỹ nên Nhà Trắng không thể dành nhiều thời gian, sự quan tâm “chăm sóc” cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Không có Mỹ, nhiều đồng minh của Washington tại châu Á trở nên yếu thế trước “con rồng châu Á” hoặc bị những đồng Nhân dân tệ “quyến rũ”.

Sự "thờ ơ" của Mỹ nghiêm trọng tới mức Thượng nghị sỹ Dân chủ  Mỹ Jim Webb hôm qua phải kêu gọi Quốc hội nước này lên án các hành động của Trung Quốc liên quan đến vấn đề biển Đông. Ông cho rằng, Washington quá nhu nhược trong tình hình căng thẳng gia tăng ở biển biển Đông. (xem thêm)
Mỹ đang bị "níu chân" ở Iraq, Afghanistan. Ảnh minh họa.
Yếu tố thứ 2 cần đề cập là nhìn chung, biên giới Trung Quốc ổn định, vững chắc hơn thời gian trước. Nhìn lên phía Đông Bắc, việc Chủ tịch Kim Jong-Il ngày càng khỏe mạnh giúp Triều Tiên tiếp tục ổn định, vùng biên giới phía Đông Bắc của Trung Quốc nhờ đó cũng vững chắc hơn.

Ở phương Bắc, quan hệ Trung Quốc với Nga ngày càng nồng ấm, bất chấp nhiều nghi ngại rằng Bắc Kinh sẽ “mượn đất” lâu dài ở vùng Viễn Đông và Siberia...
Về phía Tây Bắc và Tây, quan hệ Trung Quốc với các quốc gia láng giềng ngày càng bền chặt nhờ những khoản đầu tư khổng lồ của Bắc Kinh vào khu vực. Hơn nữa, với việc cùng Nga phát triển Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) ngày càng lớn mạnh, Trung Quốc đủ sức “phủ sóng” toàn khu vực Trung Á...
Trung Quốc và Kazakhstan chiều qua ký Tuyên bố chung về phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Khi nhìn sang một số láng giềng khác như Myanmar, Lào hay Campuchia, tình hình cũng tương tự. Ở phía Đông, quan hệ nối hai bờ eo biển Đài Loan cũng ngày càng nồng ấm từ khi ông Mã Anh Cửu làm lãnh đạo khu vực này.

Do đó, có thể nói, nhìn tổng thể thì nhiều vùng biên của Trung Quốc vững chắc hơn thời gian trước; trong khi những “điểm nóng cố hữu” như Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông...chưa có dấu hiệu bất ổn, có thể bùng phát trong thời gian trước mắt.
Nhìn chung, biên giới Trung Quốc ổn định hơn trước. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, từng đó thuận lợi mới là điều kiện cần chứ chưa phải đủ để Trung Quốc có những tuyên bố, hành động “mạnh mẽ” như thời gian qua.
Phải tới khi Nhật Bản bị động đất, sóng thần tấn công, sinh lực bị tiêu hao đáng kể thì Trung Quốc mới bộc lộ rõ ý định Đông tiến.
Nói về việc này, có ý kiến cho rằng Trung Quốc thực sự rất “may mắn”. Năm 2001, khi kinh tế Mỹ ở "đỉnh cao chót vót" sau thập kỷ phát triển thần tốc dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Bill Clinton, Mỹ muốn quay sang “nói chuyện” với Trung Quốc.
Tuy nhiên, chưa kịp “động tay động chân” thì Mỹ bị khủng bố 11/9, buộc Washington phải dồn sức chống khủng bố, “bình ổn” khu vực Trung Đông. Kết quả là Mỹ bị “mắc kẹt” từ đó tới nay và Trung Quốc tranh thủ thời cơ để phát triển, mở rộng ảnh hưởng, thậm chí là tới cả nhiều nước Mỹ Latin, nơi được coi là “sân sau” của Mỹ.

Tới khi Tổng thống Barack Obama muốn “trở lại châu Á”, liên kết với Seoul và Tokyo lập “lưới sắt” kiềm chế, bao vây Bắc Kinh thì Tokyo lại bị động đất, sóng thần và đang bị đe dọa bởi bóng ma hạt nhân.

Sau thảm họa kép, tinh thần và sức lực của Chính phủ Nhật Bản chắc chắn phải tập trung vào việc khắc phục thiên tai, bình ổn nội địa và tái thiết đất nước. Nói cách khác, họ sẽ phải thu hẹp các hoạt động bên ngoài, cũng như ngừng, thậm chí là co lại trong hoạt động đối ngoại.
Xét về mặt chiến lược, sức ép lên Trung Quốc giảm rất nhiều và hoàn toàn có thể tránh được kế hoạch bao vây của Mỹ và đồng minh.
Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng, Trung Quốc sẽ tranh thủ Nhật Bản “trọng thương” để mở rộng ảnh hưởng, tăng cường sức ép trong các vấn đề liên quan quần đảo Điếu Ngư cũng như biển Hoa Đông.
Nhật Bản mất hàng trăm tỷ USD vì động đất, sóng thần.
Về kinh tế, tình hình cũng thuận lợi cho Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực chế tạo, tài chính. Cụ thể, do lo ngại phóng xạ hạt nhân, động đất, sóng thần...nhiều doanh nghiệp hoạt động ở Nhật sẽ chuyển sang làm việc ở nơi khác và điểm đến hứa hẹn là Trung Quốc. Kết quả dễ thấy nhất có thể là Thượng Hải "đóng thế" Tokyo làm trung tâm tài chính của cả khu vực.
Theo tính toán của nhiều chuyên gia, nước này cần ít nhất 5 năm mới hồi phục "thể lực" như hiện tại. Chắc chắn là trong khoảng thời gian Nhật “ở nhà dưỡng sức”, Trung Quốc sẽ tranh thủ vươn lên, quyết phá thế bao vây, mở rộng vùng ảnh hưởng.
Trong bối cảnh đó, có lẽ Nhật phải tăng cường liên minh liên kết với thêm càng nhiều đối tác càng tốt để “trói” buộc “con rồng châu Á”,  giữ nguyên tình trạng ổn định cho cả khu vực.

Kỳ I:    Trung Quốc ‘dương oai’ với Nhật, ‘răn đe’ Đông Nam Á (Kỳ 1)
Kỳ III: ‘Trên đường quay lại’ châu Á, Mỹ phải làm gì?
Trần Lâm
 



-------


>>  Trung Quốc sắp tập trận, Mỹ cử tàu chiến tới Tây Thái Bình Dương
Trần Lâm (theo RUVR, RFI, BBC, Youmiuri, Kyodo)

Tổng số lượt xem trang