Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Trung Quốc trúng nhiều gói thầu EPC, vì sao và làm gì?

Nhân công người Trung Quốc đi theo các dự án ODA và gói thầu EPC vào châu Phi (minh họa IE)
 -Trung Quốc trúng nhiều gói thầu EPC, vì sao và làm gì? 

Câu chuyện về nhà thầu Việt luôn phải làm nhà thầu phụ, đặc biệt là các gói thầu EPC (tổng thầu thiết kế, cung ứng thiết bị, xây lắp) đã làm trăn trở không ít DN.
Không những vậy, điều này sẽ để lại nhiều hệ lụy cho kinh tế đất nước. Câu hỏi đặt ra liệu nhà thầu VN có vươn lên làm chủ thầu chính trong các gói thầu EPC hay không? Bài viết này đề cập một số vấn đề để cùng tìm ra giải pháp.

Hiệu quả thực sự
Qua nghiên cứu các gói thầu EPC trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi có Luật Đấu thầu, nổi lên một số vấn đề chính sau:
Thứ nhất, tỉ lệ các gói thầu EPC nhà thầu nước ngoài, trong đó, nhà thầu Trung Quốc trúng thầu rất lớn. Hầu hết các dự án nhiệt điện than, hoá chất, khai khoáng (chế biến Bau xít - nhôm, Alumin Nhân Cơ - Đăk Nông), luyện kim, xi măng, triển khai từ năm 2005 đến nay đều do các nhà thầu nước ngoài trúng thầu làm tổng thầu EPC.


Từ năm 2003 đến nay, có 13 dự án nguồn điện (nhiệt điện than) do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC, chiếm gần 30% công suất toàn ngành điện. Ngành hoá chất có 6 dự án (đạm Urê, DAP) thì có tới 5 dự án do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC, chiếm 83%. Hiện có 2 dự án chế biến khoáng sản (Tổ hợp Bau xít - nhôm Lâm Đồng và dự án Alumin Nhân Cơ - Đăk Nông) thì cả 2 dự án đều do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC, chiếm 100%. Trong tổng số các dự án xi măng có 62 dây chuyền thì có 49 dây chuyền của Trung Quốc chiếm 79%; về công suất chiếm 49,6%.
Thứ hai, phần lớn các dự án do nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu EPC thường bị kéo dài thời gian xây dựng, chậm tiến độ bàn giao so với hợp đồng từ 3 tháng đến 2 hoặc 3 năm.
Chậm nhất như Dự án xây dựng nhà máy sản xuất phân bón DAP Đình Vũ Hải Phòng, của Tập đoàn Hoá chất VN khởi công từ ngày 27/7/2003, cho đến nay sau 7 năm xây dựng nhưng chưa thể bàn giao. Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình sau 20 tháng triển khai đến nay cũng chậm 6 tháng; các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện do ngành than quản lý và chủ đầu tư như Nhiệt điện Cao Ngạn bị chậm 28 tháng, Nhiệt điện Sơn Động chậm 24 tháng, Nhiệt điện Nông Sơn chậm 20 tháng, Nhiệt điện Cẩm Phả 1 chậm 10 tháng, Nhiệt điện Cẩm Phả 2 chậm 3 tháng. Các dự án do ngành điện quản lý và chủ đầu tư như Nhiệt điện Hải Phòng 1, 2 và Nhiệt điện Quảng Ninh 1, 2 đều chậm từ 18 - 24 tháng nhưng đến nay vẫn chưa thể bàn giao.
Thứ ba, chất lượng thiết bị trong gói thầu EPC không đồng đều, một số chất lượng thấp, ảnh hưởng đến chất lượng toàn bộ công trình và tiến độ triển khai. Phần lớn các thiết bị phụ trợ chất lượng thấp, phải thay thế.
Thứ tư, trong quá trình triển khai dự án, nhiều trường hợp nhà thầu đề nghị thay đổi các thiết bị so với cam kết ban đầu, gây ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị công trình. Thực tế ở một số nhà máy, trong quá trình thực hiện công tác mua sắm thiết bị, nhà thầu nước ngoài, chủ yếu là nhà thầu Trung Quốc thường đề xuất một số thay đổi tiêu chuẩn vật liệu và thay đổi hoặc bổ sung nhà cung ứng thiết bị, vật liệu.
Thứ năm, khi triển khai hình thức tổng thầu, phần thi công công trình là phần phải sử dụng nhiều lao động, bao gồm cả lao động kỹ thuật cao, lao động có tay nghề và lao động phổ thông. Tuy nhiên, nhiều nhà thầu EPC Trung Quốc không sử dụng lao động VN, kể cả lao động phổ thông.
Thời gian tổ chức đấu thầu thường bị kéo dài, gây lãng phí thời gian, tốn kém tiền bạc của chủ đầu tư và làm chậm tiến độ thực hiện, nhất là các công trình, dự án đòi hỏi hoàn thành nhanh để phát huy hiệu quả cho nền kinh tế.
Từ khi thực hiện Luật Đấu thầu thì phần lớn các dự án thường phải đấu thầu từ 2 lần trở lên mới chọn được nhà thầu, cá biệt có dự án kéo dài thời gian đấu thầu gần 3 năm. Các dự án về nguồn điện phải kéo dài thời gian xây dựng, chậm phát điện, trong khi, EVN vẫn phải mua điện của Trung Quốc với giá cao. Điều đó làm thiệt hại về kinh tế không chỉ cho ngành điện mà cho cả các ngành sản xuất khác do không đủ gây ra.
Đặc biệt là làm mất cơ hội cho phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước và gia tăng tình trạng nhập siêu ở nước ta.
Việc các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu kéo theo hệ quả là họ sử dụng các thiết bị phụ trợ do chính Trung Quốc sản xuất. Tỉ lệ thiết bị chính và phụ trợ được sản xuất tại Trung Quốc ngày càng gia tăng đang là thách thức và nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai dẫn đến việc ta phải phụ thuộc Trung Quốc.
Tình trạng này xảy ra không chỉ ở các thiết bị liên quan đến các dự án, công trình nhiệt điện, ngành xi măng mà còn cả thiết bị các ngành chủ lực khác như: cơ khí, luyện kim, hoá chất, khai khoáng... Điều đó cũng có nghĩa ta phải tăng nhập khẩu không chỉ thiết bị chính mà cả các thiết bị phụ trợ đi kèm, gây khó khăn cho việc nâng cao tỉ lệ nội địa hoá các sản phẩm và làm gia tăng giá trị nhập siêu ở nước ta hiện nay. Hậu quả các DN trong nước sẽ ít cơ hội để phát triển, nhất là ngành công nghiệp phụ trợ, xây dựng, dịch vụ và lao động phổ thông.
Lý giải nguyên nhân
Trước hết, quy định pháp lý còn bất cập. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các nhà thầu nước ngoài trúng thầu. Luật Đấu thầu chưa được hoàn chỉnh và đồng bộ, đặc biệt một số điều, khoản của Luật Đấu thầu chú trọng về tiêu chí chọn thầu giá thấp. Trong quy định hiện nay, các nhà thầu nếu tiêu chí kỹ thuật đạt 70 - 80% thì ai trả giá thấp nhất được chọn thầu. Vấn đề khái niệm “trên cùng mặt bằng về kỹ thuật, tài chính, thương mại” chưa được làm rõ, dẫn đến việc một nhà thầu có điểm kỹ thuật 100% hơn nhà thầu có điểm kỹ thuật 70% (vượt ngưỡng) sẽ không được chọn nếu trả giá cao hơn.
Chưa có quy định ưu tiên lựa chọn thiết bị công nghệ hiện đại, công nghệ có có tiêu chuẩn cao (EU, Mỹ). Cụ thể ở khoản 5 Điều 12 quy định một số hành vi bị cấm trong đấu thầu: không được “...nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hoá cụ thể trong hồ sơ mời thầu đối với đấu thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp hoặc gói thầu EPC…”. Tuy nhiên, vấn đề cấm không ghi xuất xứ của quốc gia nhưng phải có quy định về công nghệ tiêu chuẩn cao ( EU, Mỹ) và đã từng được các quốc gia ở khu vực này sử dụng.
Điều này dẫn đến việc khi xây dựng các bài thầu, chủ đầu tư không thể yêu cầu trình độ công nghệ theo tiêu chuẩn khu vực và thế giới cụ thể. Với quy định hiện hành, nhà thầu có giá thấu thấp sẽ trúng thầu thì phần lớn các nhà thầu EPC của Trung Quốc đã thành công trong việc đưa ra giá dự thầu thấp. VN lại chưa có hệ số quy đổi thiết bị theo các nguồn gốc, xuất xứ khác nhau, do đó, khó đánh giá chất lượng và giá các thiết bị thay thế.
Vấn đề quy định năng lực nhà thầu được đặt ra là một tiêu chí đánh giá để chọn nhà thầu. Song hầu hết các chủ đầu tư chưa có thang điểm cụ thể, có các thông tin chính xác để xác định điểm về năng lực nhà thầu. Cũng lưu ý đây là con dao hai lưỡi: nếu đặt vấn đề này quá chặt thì các nhà thầu VN không thể tham gia dự thầu và không thể trúng thầu.
Bên cạnh đó, năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế. Năng lực chủ đầu tư thể hiện đầu tiên ở việc xem xét lựa chọn đấu thầu EPC hay tách các phần công việc để có các gói thầu phù hợp với điều kiện ở VN đang là vấn đề. Nhiều chủ đầu tư không đánh giá được các gói thầu thiết kế, xây lắp nhà thầu trong nước có thể thực hiện để lựa chọn cách thức đấu thầu EPC hay đấu thầu từng phần thiết kế, mua sắm thiết bị và xây lắp.
Nhiều trường hợp, chủ đầu tư dù biết nhà thầu trong nước có khả năng thực hiện gói thầu xây lắp nhưng vì nhiều lý do vẫn cho đấu thầu theo EPC. Hơn nữa, nhiều chủ đầu tư của VN còn thiếu thông tin về năng lực nhà thầu, chưa coi trọng, xem xét kỹ lưỡng năng lực và kinh nghiệm triển khai, quản lý của nhà thầu. Đặc biệt chưa có kiểm tra, giám sát chất lượng công trình, hàng hoá, dịch vụ cung ứng.
Sau khi trúng thầu, việc thương thảo và ký hợp đồng chưa chặt chẽ, chưa quyết liệt thực hiện các biện pháp chế tài xử lý vi phạm của nhà thầu, khi nhà thầu vi phạm. Đồng thời, chưa có chế tài đủ mạnh xử lý nghiêm các chủ đầu tư không thực hiện tốt chức năng của mình, làm thiệt hại đến lợi ích quốc gia.
Đặc biệt, các điều kiện để giúp các nhà thầu trong nước trúng thầu còn ít. So với các nhà thầu của Trung Quốc thì nhà thầu VN thiếu sự trợ giúp đắc lực của Chính phủ để bảo đảm cho việc thắng thầu trong nước. Đặc biệt là thiếu năng lực tài chính, cơ chế chính sách hỗ trợ vay vốn với chi phí thấp, thiếu bảo lãnh của các ngân hàng trong nước, nhất là ràng buộc giữa nhà thầu và nhà cung cấp vốn; cơ chế vay vốn và bảo lãnh tín dụng phức tạp mất nhiều thời gian, giải ngân chậm; thủ tục hành chính rườm rà...
Vấn đề ngoại tệ và tỉ giá cũng đang là cản trở của các nhà thầu trong nước. Trong khi các nhà thầu nước ngoài được phép chào thầu, thanh toán bằng ngoại tệ thì nhà thầu VN phải thực hiện bằng đồng VN.
8 giải pháp chính
Từ tình hình trên, chấn chỉnh công thác đấu thầu các dự án theo hình thức tổng thầu thiết kế, cung ứng thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình để hạn chế thiệt hại cho nền kinh tế, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất trong nước là cần thiết, nên chăng tập trung vào một số giải pháp sau:
1 - Cơ quan quản lý nhà nước cần đánh giá ngay tổng thể, toàn diện tình hình triển khai các dự án theo hình thức tổng thầu thiết kế, cung ứng thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình, nhất là các dự án do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC... Từ đó, tìm ra các nguyên nhân để chấn chỉnh và khắc phục.
2 - Xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các các quy định pháp luật liên quan đến đấu thầu, phân cấp quản lý đầu tư. Xem xét điều chỉnh, bổ sung Luật Đấu thầu và các hướng dẫn kèm theo. Trong đó, phải có quy định tiêu chuẩn trúng thầu theo các yếu tố đồng bộ: giá dự thầu thấp; trình độ công nghệ cao; kinh nghiệm và trình độ quản lý, năng lực thi công của nhà thầu; tiến độ triển khai; nâng mức phạt vi phạm hợp đồng.
3 - Vấn đề lớn là phải quan tâm đến chi phí trên 1 đơn vị lợi ích mang lại. Cụ thể có quy định đánh giá trên cơ sở so sánh giữa giá trả thầu trên 1 điểm kỹ thuật của từng nhà thầu; chi phí trên điểm năng lực... để chọn được nhà thầu vừa có kỹ thuật tốt nhất, năng lực triển khai tốt và giá thầu hợp lý.
4 - Chấn chỉnh lại công tác đấu thầu theo hình thức tổng thầu thiết kế, cung ứng thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình - EPC. Hạn chế việc đầu tư theo tổng thầu EPC; tăng mức chỉ định thầu theo quy định của Luật bổ sung, sửa đổi một số điều liên quan đến đầu tư xây dựng. Trong những trường hợp có thể tổ chức theo các hình thức tách các gói thầu thầu thiết kế - E; tổng thầu thi công xây dựng công trình - C; tổng thầu thiết kế và thi công xây dựng công trình – EC, các dự án mà nhà thầu VN đảm nhận được 70% thì không cần tổ chức đấu thầu quốc tế; hạn chế các dự án, công trình đấu thầu tổng thầu EPC để khuyến khích và tạo cơ hội cho DN VN tham gia.
5 - Có cơ chế bảo lãnh, hỗ trợ các nhà thầu trong nước về tài chính để bảo đảm năng lực tài chính. Khuyến khích liên danh, liên kết tham gia đầu thầu các dự án lớn. Xem xét vấn đề sử dụng đồng tiền VN trong đấu thầu và thanh toán các gói thầu.
6 - Sớm ban hành chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển công nghiệp phụ trợ để giảm bớt nhập siêu, đồng thời, chủ động thay thế máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu không để phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, góp phần tăng trưởng kinh tế.
7 - Khẩn trương xây dựng hàng rào kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ, để hạn chế các công nghệ lạc hậu, công nghệ rác, công nghệ tiêu hao năng lượng...; xây dựng các tiêu chuẩn công nghệ đi đôi với các biện pháp tăng cường công tác dự báo, công tác thông tin công nghệ; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng công nghệ của các dự án, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án liên quan đến quy hoạch phát triển các ngành quan trọng.
8- Tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành chức năng trong việc quản lý nhà nước đối với các dự án đấu thầu. Có chế tài xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm luật đấu thầu; xử lý các trường hợp làm phương hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực đấu thầu. Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp đối với chủ đầu tư, cán bộ trực tiếp làm công tác đấu thầu. Tăng cường kiểm tra, giám sát, quy trách nhiệm và xử lý nghiêm những người vi phạm quy định về đấu thầu.
Trên đây là một số vấn đề rút ra qua nghiên cứu tình hình tổ chức và triển kha các dự án ở một số ngành quan trọng theo hình thức EPC. Hi vọng rằng sẽ góp phần vào các suy nghĩ và giải pháp để nhà thầu VN có thể thắng thầu ở trong nước.
TS Nguyễn Hữu Từ - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
(theo Diễn đàn doanh nghiệp)
“Hạ viện Mỹ vừa bỏ phiếu thông qua dự luật cấm Bộ Quốc phòng Mỹ trao các hợp đồng cho các công ty do Trung Quốc là chủ sở hữu hay hợp tác đấu thầu. Hạ nghị sĩ Rose DeLauro, một trong những người bảo trợ điều khoản sửa đổi trong dự luật về quốc phòng này, nhấn mạnh rằng động thái này sẽ giúp đảm bảo an ninh quốc gia của Mỹ”. Đây là một trong số những biện pháp phản ứng ngoại giao cứng rắn nhưng không cần dùng vũ lực quân sự của Mỹ đối với Trung Quốc.
Báo Tuổi Trẻ (30/05/2011)

TIN LIÊN QUAN

Tổng số lượt xem trang