Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

Nghịch lý nhập khẩu than: “Biếu không” nước ngoài mỏ than tốt nhất

-“Biếu không” nước ngoài mỏ than tốt nhất
(TN -21/05/2012 ) Một mỏ than lộ thiên với chất lượng than tốt nhất ở Việt Nam đang là “lãnh địa riêng” của một công ty Indonesia. Mỗi năm, công ty này hưởng 90% lợi nhuận trong khi phía Việt Nam chỉ được hưởng 10%.
Nghịch lý
Ngày 19.4.1991, Công ty than Uông Bí (TUB), đơn vị thành viên của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Pt.Vietmindo Energitama, 100% vốn Indonesia (VMD). Theo đó, VMD sẽ đầu tư toàn bộ máy móc, công nghệ để khai thác trong 30 năm mỏ than Uông Thượng, Đồng Vông. Lợi nhuận được chia theo tỷ lệ 90% cho VMD và 10% còn lại là của TUB. Đây là mỏ than lộ thiên có diện tích trên 1.000 ha, nằm trên địa bàn P.Vàng Danh, TP.Uông Bí và cũng là nơi có vỉa than tốt hạng nhất ở Quảng Ninh.
“Biếu không” nước ngoài mỏ than tốt nhất
Các bãi chứa than của Vietmindo - Ảnh: Thái Uyên
VMD chỉ việc khai thác trên mặt đất là đã dễ dàng thu được than cám 4, cám 5, là những loại than có chất lượng tốt nhất hiện nay. Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) thành viên Vinacomin như Công ty than Mạo Khê, than Núi Béo, thậm chí cả TUB phải đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào công nghệ khai thác hầm lò và dùng sức người đào sâu vào lòng đất cả trăm mét mới lấy lên được than.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hợp đồng hợp tác và luận chứng kinh tế kỹ thuật quy định VMD chỉ được phép khai thác than nhằm mục đích duy nhất là xuất khẩu. Quy định của hợp đồng hợp tác khống chế mỗi năm VMD chỉ được phép khai thác 500.000 tấn than thương phẩm, tương đương khoảng 750.000 tấn than nguyên khai. Trên thực tế, nhiều năm qua VMD luôn khai thác vượt con số nói trên. Đơn cử năm 2010, VMD đã khai thác khoảng 750.000 tấn than thương phẩm, năm 2011 là trên 800.000 tấn.
Có thể Việt nam đang phải nhập khẩu than của chính mình
Theo Vinacomin, ước tính vào năm 2014, 2015 Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 1-6 triệu tấn than. Lượng than nhập khẩu sẽ tăng lên hằng năm. Dự kiến đến năm 2025, lượng than nhập khẩu lên tới 40 triệu tấn. Than nhập khẩu chủ yếu sẽ được cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Giữa năm 2011, lần đầu tiên Việt Nam đã nhập khẩu thí điểm 9.500 tấn than từ chính Indonesia với giá 100,6 USD/tấn than (tính cả cước vận tải). Lãnh đạo Vinacomin khẳng định việc nhập khẩu là để thăm dò thị trường, làm quen với phương thức nhập khẩu, vận chuyển. Rất có thể, Việt Nam đang phải nhập khẩu than của chính mình. Vinacomin chọn Indonesia để “thí điểm” bởi đây là một trong những nguồn cung phù hợp nhất với Việt Nam hiện nay, cả về quãng đường vận chuyển, loại than lẫn giá thành. (Thái Uyên)
 
Cũng theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, toàn bộ các công đoạn sản xuất, khai thác và kinh doanh than được VMD thực hiện theo dây chuyền khép kín. Khai trường cũng như nơi sàng tuyển than của VMD luôn đặt trong tình trạng “nội bất xuất ngoại bất nhập”. VMD còn có cả một cảng riêng để xuất khẩu than mà muốn xuất hiện tại đây để kiểm tra hay thực hiện công tác về chuyên môn, các cơ quan chức năng Việt Nam cũng như đối tác TUB phải được sự cho phép của VMD (?!).
Còn chịu thiệt dài dài
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Văn Tứ, Phó tổng giám đốc TUB, thừa nhận tình trạng trên là có thật, nhưng “nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lịch sử để lại” và “bản thân chúng tôi là những người đi sau, thừa kế”. Theo ông Tứ, bản hợp đồng liên doanh trên danh nghĩa là do TUB ký kết với VMD nhưng thực tế TUB không được quyết định mà do Bộ Công nghiệp thời đó trực tiếp phê duyệt.
“Có thể nói, VMD là DN nước ngoài đầu tiên và cũng là duy nhất hợp tác kinh doanh với ngành than cho đến nay. Trong quá trình hợp tác chúng tôi thấy rằng việc ký kết hợp đồng thời điểm đó chưa tính toán hết những vấn đề phát sinh hay nói đúng hơn là có nhiều kẽ hở khiến mình phải chịu thiệt thòi”, ông Tứ nói.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hợp đồng ký kết giữa hai bên không hề có một điều khoản nào tạm dừng hoạt động của VMD kể cả trong trường hợp DN này vi phạm hợp đồng. Mặt khác, toàn bộ hoạt động khai thác, sản xuất kinh doanh đều ghi rõ VMD là người điều hành. TUB không được phép kiểm tra, thậm chí việc rót than xuống cảng đưa lên tàu nước ngoài cũng do VMD trực tiếp thực hiện và TUB không được phép can thiệp.
Đối với việc kiểm soát số lượng than do VMD sản xuất hằng năm, ông Phạm Văn Tứ cũng cho rằng chỉ được biết qua khâu hậu kiểm, bởi than từ mỏ lấy lên, sàng tuyển cho đến khâu vận chuyển ra cảng bán đều do VMD thực hiện, TUB không được phép kiểm tra trực tiếp. Mặc dù pháp luật Việt Nam bắt buộc việc khai thác khoáng sản hiện nay phải có giấy phép quy định về sản lượng theo hằng năm nhưng tại các mỏ của VMD, giấy phép khai khoáng không có hiệu lực, bởi hợp đồng liên doanh được ký trước thời điểm quy định về giấy phép khai thác khoáng sản.
Đánh giá về vai trò đối tác của TUB, ông Tứ cay đắng: “Chúng tôi chỉ biết đi vào đi ra và nghiên cứu khoa học mà thôi. Trước tình trạng này, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị VMD đàm phán lại hợp đồng với các điều khoản công bằng hơn cho đối tác nhưng đến nay họ chưa đồng ý. Điều này cũng đồng nghĩa với những thiệt thòi của chúng ta sẽ tiếp tục kéo dài cho đến khi hết hạn hợp đồng (tức năm 2021 - PV)”.
Trong khi đó, theo nhiều thông tin PV Thanh Niên có được, trong quá trình khai thác, VMD đã nhiều lần có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng cho phép nâng sản lượng khai thác; đồng thời xin gia hạn kéo dài hợp đồng hợp tác kinh doanh. Ông Phạm Văn Tứ cho biết thêm: “Than ở Uông Bí ngày càng cạn kiệt, chúng tôi cũng muốn giữ một phần tài nguyên để cho công ty mình khai thác nhưng bây giờ họ đang tiếp tục lập các dự án mới khai thác 1-2 triệu tấn. Việc này TUB không thể can thiệp được mà phải do các cơ quan khác cao hơn”.
Thất thoát, lãng phí rất lớn
Nhìn từ bên ngoài, khai trường mênh mông của VMD là một khu vực biệt lập được bảo vệ bởi hệ thống barie có gắn các thiết bị giám sát điện tử cực kỳ hiện đại. Thế nhưng, đi sâu vào bên trong là cảnh tượng hàng trăm người dân thường trực mót than rất lộn xộn, nguy hiểm. Tại khu vực chứa bãi thải của VMD rộng tương đương một sân bóng đá nằm trên một triền núi, mỗi khi một chiếc xe tải vừa nghiêng thùng đổ đất đá, xít (bã thải sau khi sàng tuyển than) xuống thì từng đoàn người xông vào tranh cướp mót than. Mỗi người cầm theo một bao tải dứa và cào sắt nhẫn nại nhặt từng cục than cho vào bao. Chị Lê, một người mót than cho biết: “Nếu chăm chỉ thì mỗi ngày cũng được vài ba tạ than, bán được cỡ dăm trăm ngàn đồng, hơn hẳn làm nông ở nhà”.
“Biếu không” nước ngoài mỏ than tốt nhất - ảnh 2
Than tạp bị bóc tách rất lãng phí, người dân vào “mót” thoải mái - Ảnh: T.U
Thượng tá Nguyễn Quang Thành, Trưởng công an TX.Uông Bí, cho biết khai trường của VMD là khu vực cực kỳ phức tạp về tình hình an ninh trật tự. Tại đây luôn có khoảng 500 - 600 người dân túc trực mót than, không ít đối tượng lợi dụng vào việc này để ăn cắp than. Căn cứ theo các điều khoản hợp đồng ký với Công ty than Uông Bí, VMD đã thuê một số DN bên ngoài vào tham gia bóc tách lớp đất đá bên trên để họ lấy than phía bên dưới. Tuy nhiên, phía VMD lại không quản lý được mà để cho một số đơn vị này tự tung tự tác, múc cả đất đá lẫn than lên để ăn cắp, hoặc bật đèn xanh cho người dân vào lấy than còn họ thu tiền “tô”. Thượng tá Thành còn cho biết: “Theo hợp đồng, mỗi năm VMD chỉ được khai thác một số lượng than nhất định, do đó họ sẵn sàng bóc tách lớp than tạp để khai thác vỉa than đẹp nhất. Điều này gây lãng phí cực lớn về tài nguyên quốc gia, gây bất ổn về an ninh trật tự, an toàn lao động”.
Đáng lưu ý, vào tháng 5.2010, khi kiểm tra tại khu vực các DN khai thác, cơ quan công an đã phát hiện, thu giữ 19 khẩu súng các loại, 6 áo giáp chống đạn, 109 viên đạn cùng nhiều dao kiếm. Đầu năm 2011, lực lượng chức năng qua kiểm tra tiếp tục phát hiện, thu giữ được 7 khẩu súng, 30 viên đạn, cùng nhiều dao kiếm các loại.
Thái Sơn - Káp Long
Nhập than sau khi xuất ồ ạt
-Nghịch lý nhập khẩu than (TVN 16/06/2011)

Điều vô lý ở chỗ chúng ta đang vừa phải nhập chính loại than mà chúng ta đã và đang "tích cực" xuất khẩu - TS Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia ngành than phân tích về sự kiện Việt Nam nhập khẩu than.
Công tác điều hành, quản lý ngành than đang "chập mạch"?
Vừa qua các báo đã thông tin về việc VN đã nhập khẩu tầu than đầu tiên. Là chuyên gia lâu năm trong ngành than, ông có bình luận gì về sự kiện này?


Báo chí coi đây là "sự kiện" thì đúng. Các báo nói "đầu tiên" VN phải nhập khẩu than thì chưa chính xác. Thực ra, VN đã nhập than mỡ từ lâu rồi. Đến nay vẫn phải nhập, vì VN không có đủ than mỡ để làm than cho chạy tầu hoả trước kia (vì ngành đường sắt sử dụng đầu tầu hơi nước) và cấp cho các nhà máy luyện thép hiện nay.
"Sự kiện" là ở chỗ chúng ta đang vừa phải nhập chính loại than mà chúng ta đã và đang "tích cực" xuất khẩu. "Sự kiện" này nói lên nhiều điều. Trong công tác điều hành quản lý ngành than của VN ở đâu đó đang bị "chập mạch" (hiện nay Indonexia đang khai thác than ở Uông Bí, Quảng Ninh, trong khi chúng ta lại sang tận Indonesia mua than của họ). Hơn 9500 tấn than vừa nhập là loại than nhiệt năng thấp, tức là chúng ta vừa phải chở không từ Indonesia về vài nghìn tấn đá vô dụng. Với giá nhập bao nhiêu thì tôi không rõ, nhưng có thể coi đây là một "thử nghiệm" hoàn toàn thất bại của Vinacomin: chỉ nhập được một ít than xấu.
Không chỉ xuất khẩu thứ than mà Việt Nam đang phải nhập, mỗi năm còn có hàng triệu tấn vàng đen đang 'chảy máu" qua biên giới qua con đường xuất lậu.
Còn nếu có tự coi là "thành công" thì với khối lượng than chỉ có hơn 9500 tấn cũng chẳng nói lên điều gì so với nhu cầu phải nhập khẩu rất lớn sau này vì vận chuyển viễn dương và bốc lên bờ 9500 tấn than khác xa với vận chuyển và bốc lên bờ 1 triệu tấn, chứ chưa nói đến nhu cầu nhập khẩu thực sẽ lên tới hàng chục triệu tấn một năm. Loại tầu chuyên chở có tải trọng 1 vạn tấn khác xa với tầu 10 vạn tấn. Đầu tư cảng bốc than lên bờ ở phía Nam đắt hơn nhiều lần so với cảng rót than xuống biển ở Quảng Ninh hiện nay với cùng công suất.
TKV trước đây và Vinacomin hiện nay vẫn coi câu chuyện "có xuất, có nhập" là bình thường và giải thích rằng VN nên xuất anthracite chất lượng cao ở Quảng Ninh vì dùng trong nước không có hiệu quả
Chủ trương như vậy là sai lầm và tuyên truyền như vậy là không đúng. Hiện nay Vinacomin xuất khẩu chủ yếu là loại than có thể dùng cho phát điện (loại than mà VN sẽ phải nhập khẩu để cân đối cho nhu cầu phát triển của nền kinh tế) và than thuộc loại chất lượng thấp chiếm tỷ trọng lớn trong số than xuất khẩu hiện nay. Còn nói dùng than tốt (anthracite) để phát điện lãng phí (không hiệu quả) là thiếu thuyết phục. Than có chất lượng càng cao dùng cho các nhà máy điện càng tốt. Lâu nay VN đã và đang hoàn toàn có thể dùng anthracite để phát điện bằng công nghệ lò hơi than phun (ở Uông Bí, Ninh Bình) và công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn (ở Cẩm Phả).
Bài toán bế tắc
Vậy tại sao Vinacomin vẫn đang phải tiếp tục xuất khẩu than trong khi biết trước sẽ phải nhập chính loại than đó?
Vì hiện nay chúng ta mới chỉ "thị trường hoá" ngành than theo kiểu nửa vời, hay nói cách khác, thị trường của sản phẩm than ở VN đang rất méo mó. Nhà nước đã giao cho ngành than phải tự chủ đầu vào (hơn 15 năm nay TKV hầu như không được bao cấp về vốn đầu tư xây dựng mỏ mới, vốn thăm dò khai thác cũng phải cân đối vào giá thành), còn đầu ra vẫn "điều tiết" có định hướng. Kết quả là, so với xuất khẩu than (theo giá thị trường) hiện nay lợi nhuận của Vinacomin đang bị chuyển hướng sang cho ngành điện, ngành xi măng và các ngành khác dùng than trong nước hàng năm tới gần 4000 tỷ đồng/năm. Trong khi nhu cầu đầu tư hàng năm của ngành than hiện nay khoảng 1 tỷ đô la (khoảng hơn 20.000 tỷ). Trong tình hình như vậy, Vinacomin phải xuất khẩu than để bù lỗ cho các ngành kinh tế khác và tạo ra một phần vốn cho phát triển.
Vậy theo ông lời giải cho bài toàn cân đối cung-cầu theo hướng nhập khẩu than để phát triển nền kinh tế quốc dân sẽ như thế nào?
TS Nguyễn Thành Sơn
Nếu theo hướng nhập khẩu than thì bài toán hoàn toàn không có lời giải. Có thừa tiền, Vinacomin (kể cả các ngành khác) cũng không thể nhập khẩu được nhiều hơn 30-50 triệu tấn/năm. Khi nhu cầu nhập khẩu than của VN tăng lên đến 100 tr.tấn/năm (sau năm 2025-2030) thì nhu cầu nhập khẩu than của Trung Quốc sẽ là 1.600 tr.t/năm. Trong khi thị trường nhập khẩu than của VN cũng là thị trường đang nhập khẩu của TQ (chưa kể Nhật Bản). So với VN, các nước nhập khẩu than như TQ, Nhật Bản có nhiều thế mạnh hơn: có chiến lược đầu tư lâu dài, có hiệu suất sử dụng than cao hơn, có cảng lớn hơn, có thể mua than với giá cao hơn. Còn đối với VN, để nhập khẩu được trên 10 triệu tấn than/năm chúng ta phải có tầu trọng tải nhỏ nhất trên 5 vạn tấn và cảng nước sâu trên 10m. Để nhận than tại các cảng xuất khẩu của Úc chúng ta phải có tầu tải trọng cỡ 10 vạn tấn. Chi phí chuyển tải hàng chục triệu tấn than than từ các tầu lớn chỉ đỗ được ở vùng nước sâu vào đến các nhà máy điện trong đất liền không thể so sánh với việc tiếp nhận chỉ có 9500 tấn.
Thế còn tiềm năng phát triển của bể than Quảng Ninh?
Về mặt kỹ thuật, tiềm năng phát triển bể than Quảng Ninh hầu như không còn. Không gian để phát triển không có. Trữ lượng than chỉ còn rất ít (khoảng 2 tỷ tấn). Các mỏ than lộ thiên đều đã vượt công suất thiết kế và đã đạt sản lượng tối đa. Các mỏ than hầm lò thì không còn "đất". Nếu bỗng dưng hôm nay trên trời có rơi xuống bị tiền 1 tỷ đô la thì Vinacomin cũng không biết đầu tư vào đâu cho cho đúng luật để có được vài triệu tấn than ở Quảng Ninh.

 
- Nhập khẩu than!(NLĐ)
Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng, Việt Nam- đất nước nổi tiếng bởi xuất khẩu “vàng đen” - cũng đã phải nhập khẩu than
Cách đây 2 ngày, 9.500 tấn than từ Indonesia đã cập cảng Cát Lái, do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)  nhập khẩu phục vụ các nhà máy nhiệt điện mới ở miền Trung và miền Nam. Trong khi cách đây chưa lâu, đại diện  Vinacomin còn “trấn an” rằng năm 2012 Việt Nam mới phải nhập khẩu than.

Vinacomin dự kiến số lượng than nhập khẩu từ nay đến năm 2012 vào khoảng 10 triệu tấn/năm. Đến năm 2020, tập đoàn này sẽ nhập về khoảng 100 triệu tấn/năm. Các chủng loại than mà các ngành công nghiệp ở Việt Nam đang có nhu cầu, nhất là ngành thép và xi măng cũng sẽ được nhập về để phục vụ nhu cầu trong nước.
Tuy nhiên, một chuyên gia cho hay nhập khẩu than cũng không dễ, nhất là theo các hợp đồng dài hạn với số lượng lớn, bởi xu thế các nước hiện nay đều quản lý chặt nguồn tài nguyên này. Đi trước một bước, một số nước  như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… đã đầu tư mua mỏ ở các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương từ hàng chục năm nay.
“Người láng giềng” Trung Quốc còn cao tay hơn khi mua không hạn chế số lượng than xuất khẩu của ta nhiều năm liền, để rồi… lấp đất lại làm “của để dành”! Vậy mà than của Việt Nam vẫn được đào lên để xuất khẩu, dù nhu cầu trong nước vẫn thiếu. Năm tháng đầu năm, Vinacomin đã xuất khẩu 6,64 triệu tấn than đá. Nghịch lý xuất-nhập than dường như vẫn chưa có điểm dừng!
Nghịch lý hơn, khi hầu như các nước trên thế giới, kể cả các nước nghèo, đều thận trọng trong việc đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá thì Việt Nam vẫn chậm chân trong việc nghiên cứu sử dụng năng lượng sạch.
Ngay cả Ngân hàng Thế giới (WB) vốn rất hăng hái trong việc đầu tư vào các dự án điện sử dụng than đá ở các nước nghèo, hiện cũng đang lên kế hoạch hạn chế đầu tư vào lĩnh vực này. Các nhóm bảo vệ môi trường thì xem các dự án sử dụng năng lượng hóa thạch là dự án “bẩn”.
Thực tế trên cho thấy chuyện Việt Nam phải nhập khẩu than  không chỉ là chuyện… nhập khẩu!
Minh Hà
-Nhập khẩu than: Vì sao nên nông nỗi này?

(Tamnhin.net) - Chuyến tàu chở hơn 9.570 tấn than nhập khẩu đầu tiên từ Indonesia đã cập cảng Cát Lái (Tp.HCM) và lượng than trên được Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản than Đông Bắc tiếp nhận nhập khẩu, sau đó phân phối cho các nhà máy nhiệt điện mới ở miền Trung và miền Nam.

Theo TKV, dự kiến số lượng than nhập khẩu từ nay đến năm 2012 khoảng 10 triệu tấn/năm và sẽ tăng dần từng năm. Đến năm 2020, dự kiến Tập đoàn sẽ nhập về khoảng 100 triệu tấn/năm, trong đó phần lớn là than bituminous có nhiệt năng từ 5.000 - 6.000 kcal/kg (cơ sở không khí khô) để cấp cho các nhà máy nhiệt điện.

Ngoài ra, các chủng loại than mà các ngành công nghiệp ở Việt Nam đang có nhu cầu, nhất là ngành thép và xi măng cũng sẽ được nhập về để phục vụ nhu cầu trong nước.

Theo TKV, trong tháng 5, sản lượng than khai thác ước đạt 3,98 triệu tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng ước đạt 19,2 triệu tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Trong tháng 5-2011, Việt Nam xuất khẩu 2 triệu tấn than đá, thu về 192 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm đã xuất khẩu 6,64 triệu tấn than đá, trị giá 638 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất khẩu giảm khoảng 25%.

Hiện than do TKV khai thác ở Quảng Ninh chủ yếu là than có chất lượng tốt, được dùng nhiều trong ngành công nghiệp luyện kim và hóa chất và có giá trị xuất khẩu cao. Do đó, Chính phủ đã cho phép TKV thí điểm thực hiện việc nhập khẩu than có giá thành rẻ hơn để phục vụ các nhà máy nhiệt điện trong nước.

Như vậy từ địa vị  một nước xuất khẩu,Việt Nam chính thức  trở thành nước nhập khẩu than.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Cty Năng lượng Sông Hồng - TKV, cho rằng, đây chính là hệ quả của việc xuất khẩu than (được coi như một thành tích trong thời gian qua) chỉ mang lại lợi ích tài chính cục bộ trước mắt cho ngành than, nhưng đã và đang dẫn đến sự thiệt hại lâu dài cho cả đất nước.

Ngoài việc thất thoát tài nguyên, nền kinh tế còn chịu thiệt hại không chỉ bằng tiền, mà cả bằng thời gian. Nếu trong vòng 13 năm qua, thay vì tích cực xuất khẩu than, TKV đẩy mạnh đầu tư theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và chỉ tập chung tiềm lực đầu tư cho ngành than (thay vì đầu tư vào các lĩnh vực đa ngành khác đang tỏ ra không có hiệu quả), thì nguy cơ phải nhập khẩu than của Việt Nam có thể được đẩy lùi hàng chục năm.

Ngành than đang có nguy cơ không thực hiện được nhiệm vụ chính trị quan trọng đã được Chính phủ giao là đảm bảo các cân đối lớn về than cho nền kinh tế. Tình trạng sớm mất cân đối về than của nền kinh tế có thể nói trước hết là do ngành than đã không tự giác thực hiện nghiêm chỉnh nội dung Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2003 (với qui mô khai thác đủ đáp ứng các nhu cầu trong nước và hạn chế xuất khẩu than ở mức tối thiểu nhất).

Nhu cầu than trong nước thực tế đã và đang diễn ra đúng như dự kiến trong Quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2003. Nhưng sản lượng khai thác than của TKV từ lâu đã vượt xa mức quy hoạch.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn phân tích, thay vì phải đầu tư chiều sâu (nâng cao hiệu quả, giảm giá thành, tăng năng suất lao động trong khâu khai thác than), ngành than lại tích cực đầu tư theo chiều rộng, tăng khối lượng, dẫn đến tình trạng thừa than, tạo ra một yêu cầu giả tạo là phải “đẩy mạnh xuất khẩu than”. Về mặt khách quan, do giá cung cấp than cho các hộ tiêu dùng nội địa được nhà nước điều tiết và bình ổn ở mức thấp, việc xuất khẩu than (kể cả chính ngạch và tiểu ngạch) đều tạo ra nguồn lợi rất lớn, có sức hấp dẫn đặc biệt (đặc biệt là trong các khâu khai thác than trái phép và buôn lậu than). Nguồn lợi của việc xuất khẩu than quá lớn dẫn đến việc tổ chức và quản lý của ngành bị méo mó, thậm chí trái với quy luật thị trường. Trước đây, trong Bộ Năng lượng chỉ duy nhất một đơn vị làm đầu mối xuất khẩu than là Coalimex. Ngay sau khi thành lập Tổng Cty Than, đầu mối xuất khẩu than đã bị phân tán theo kiểu chia phần. Số đơn vị được trực tiếp xuất khẩu than đã tăng lên không thể đếm bằng đầu ngón tay. Nhiều đơn vị thành viên không có than cũng được cấp hạn ngạch xuất khẩu.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, phong trào đẩy mạnh xuất khẩu than như vậy đã dẫn tới tình trạng bị lợi dụng: có hợp đồng xuất khẩu than được ký với giá thấp hơn cả giá thành khai thác, tiền thưởng rót than nhanh thì chia cho một nhóm nhỏ các cá nhân, còn tiền phạt rót than chậm thì đưa vào lỗ chung của toàn ngành, v.v. Giá bán than xuất khẩu do doanh nghiệp tự quyết định không có sự quản lý chặt chẽ. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới WB (tại cuộc hội thảo tại Hà Nội về Phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam), giá than xuất khẩu của Việt Nam nếu quy đổi ra cùng một đơn vị nhiệt năng, vào cùng một thị trường chỉ bằng 2/3 so với giá của Australia. Nếu “lấy hiệu quả kinh tế-xã hội làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư” như Nghị quyết về phát triển ngành công nghiệp khai khoáng của Bộ Chính trị đã nêu, có thể nói các quyết định đầu tư của TKV có liên quan đến tăng sản lượng khai thác than và tăng khối lượng than xuất khẩu trong thời gian hơn chục năm qua là không có căn cứ.

Sơn Hà
- Nghịch lý nhập siêu từ Trung Quốc (PLTP).-Nhập siêu tăng chóng mặt (15/06)




-VN nhập khẩu số than đá đầu tiên dùng cho các nhà máy phát điện (VOA)-  Việt Nam vừa nhập khẩu số than đá đầu tiên để dùng cho các nhà máy phát điện.


Bloomberg và Tân Hoa xã trích thuật tin tức báo chí Việt Nam nói rằng khoảng 9.500 tấn than mà Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam, tức Vinacomin, mua của Indonesia đã đến cảng Cái Lái ở tỉnh Đồng Nai hôm thứ Hai.

Các giới chức Vinacomin cho hay số than này sẽ được dùng cho các nhà máy nhiệt điện mới ở miền Trung và miền Nam.


Tập đoàn này cho biết thêm rằng họ dự kiến số lượng than nhập khẩu từ nay đến năm 2012 là vào khoảng 10 triệu tấn mỗi năm, và đến năm 2020 số than nhập khẩu dự tính lên tới 100 triệu tấn mỗi năm.

Nguồn: Bloomberg, Xinhua



- Nhập khẩu 9.500 tấn than đầu tiên từ Indonesia (TTXVN).
Chiều 13/6, chuyến tàu chở hơn 9.575 tấn than nhập khẩu đầu tiên từ Indonesia đã cập cảng Cát Lái, tỉnh Đồng Nai, do Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản than Đông Bắc thuộc Tổng Công ty Đông Bắc, đảm nhận.

Đây là một trong những đơn vị được Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam giao nhiệm vụ làm đầu mối nhập khẩu than cho các nhà máy nhiệt điện mới ở miền Trung và miền Nam.

Theo Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam - đơn vị đầu mối được Chính phủ giao nhiệm vụ chính về nhập khẩu than, dự kiến số lượng than nhập khẩu năm 2012 khoảng 10 triệu tấn/năm, số lượng sẽ tăng dần từng năm và đến năm 2020 là khoảng 100 triệu tấn/năm; trong đó phần lớn là than bituminous có nhiệt năng từ 5.000-6.000 kcal/kg (cơ sở không khí khô) để cấp cho các nhà máy nhiệt điện.

Ngoài ra, đơn vị nhập khẩu cũng đặc biệt quan tâm đến việc nhập khẩu các chủng loại than mà các ngành công nghiệp ở Việt Nam đang có nhu cầu, nhất là ngành thép và ximăng.

Nhập khẩu than được bàn đến nhiều năm gần đây, đến thời điểm này đã trở thành chuyện cấp bách. Hiện các nước phát triển nhập rất nhiều than, nhưng đồng thời họ vẫn xuất đi những loại than giá trị cao để nhập về những loại than nhiệt năng rẻ hơn.

Do vậy, khi triển khai xây dựng các nhà máy nhiệt điện cần có những giải pháp hạn chế dùng than antraxit (loại than tốt này tập trung ở tỉnh Quảng Ninh) rất lãng phí, do than này chủ yếu dùng cho công nghiệp luyện kim và hóa chất./.


Mai Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tổng số lượt xem trang