-Vụ Vinashin: Hơn 20 cá nhân phải chịu trách nhiệm
Hẳn mọi người còn nhớ, không chỉ dư luận ngoài xã hội mà ngay tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khoá XII diễn ra vào cuối năm 2010, nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu gay gắt thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận về những sai phạm nghiêm trọng kéo dài xảy ra tại Tập đoàn Vinashin. Đáng chú ý là ý kiến của đại biểu Quốc hội khoá XII Nguyễn Minh Thuyết cho rằng “Tập đoàn Vinashin sụp đổ đã trút lên vai đồng bào món nợ khổng lồ không dưới 100.000 tỷ đồng, món nợ mà một tỉnh thu nhập cỡ 1000 tỷ đồng/năm phải làm quần quật, không mua sắm, ăn uống, may mặc gì suốt một thế kỷ mới trả nổi”. Tuy nhiên, theo Kết luận số 882, ngày 20/4/2011 của Thanh tra Chính phủ nêu rõ: “Trên cơ sở ghi nhận kết quả đối chiếu nợ nội bộ của Tập đoàn Vinashin ( sau khi Thanh tra Chính phủ đã kết thúc thanh tra), từ đó loại trừ 9.961 tỷ đồng, thì số nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2009 là 86.745,43 tỷ đồng. Trên 86 ngàn tỷ đồng phải trả này của Tập đoan Vinashin được cân đối tương ứng bởi các nguồn vốn, tài sản cố định trong sản xuất kinh doanh, vật tư, tài chính hình thành trong các dự án đầu tư. Trong quá trình tiến hành tái cơ cấu, Chính phủ đã và đang chỉ đạo việc kiểm kê, đánh giá thực chất trị giá hiện thời tài sản của Tập đoàn Vinashin, xác định rõ khó khăn và tiềm năng để có giải pháp thích hợp nhằm phục vụ tốt nhất cho việc tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn Vinashi theo kết luận của Bộ Chính trị”.
Như vậy, xác định sai phạm và số nợ phải trả đối với Vinashin đã tương đối rõ nhưng để xử lý trách nhiệm cá nhân theo quy định của pháp luật không phải đơn giản. Kể từ ngày 4/8/2010 đến nay đã gần một năm, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố, tiến hành bắt tạm giam, khám xét đối với ông Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 Bộ luật Hình sự. Tiếp theo đó là một loạt cán bộ thuộc hạ của ông Phạm Thanh Bình tại Vinashin cũng bị khởi tố, bắt tạm giam theo điều 165 Bộ luật Hình sự. Nay có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng theo Văn bản số 3456/VPCP-KNTN, ngày 27/5/2011, đương nhiên Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục khẩn trương vào cuộc. Điều mà người dân và dư luận vẫn rất quan tâm, trong cả “núi”nợ với số lỗ hơn 5.000 tỷ đồng mà Thanh tra Chính phủ vừa xác định sau 5 năm hoạt động, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinashin và thuộc hạ có tham ô, tham nhũng, chiếm đoạt tài sản Nhà nước bỏ túi từng cá nhân là bao nhiêu hay chỉ là do năng lực, trình độ yếu kém, cố ý làm trái quy định dẫn đến thua lỗ, gây hậu quả nghiêm trọng?. Phải phân biệt rõ điều này thì mới xử lý đúng người, đúng tội, đúng mức độ vi phạm.
Một câu hỏi đến nay vẫn chưa có câu trả lời là: “Ngoài lãnh đạo Vinashin, còn những ai phải chịu trách nhiệm về những sai phạm này?”. Trong Kết luận số 882 của Thanh tra Chính phủ Có đề cập: “Để xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài trong nhiều năm tại Vinashin, có trách nhiệm của một số cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải chưa kiên quyết có những giải pháp kịp thời và hiệu quả để yêu cầu HĐQT Tập đoàn Vinashin xây dựng, trình Thủ tướng ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động; bổ nhiệm hoặc thuê Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn; nhiều năm chưa phát hiện kịp thời những yếu kém và cố ý làm trái trong hoạt động của Tập đoàn để chủ động đề nghị các cơ quan chức năng và báo cáo Thủ tướng ngăn chặn, xử lý. Bộ Tài chính có trách nhiệm phê duyệt Quy chế tài chính của Tập đoàn Vinashin nhưng chưa kiên quyết có những giải pháp kịp thời và hiệu quả yêu cầu HĐQT Tập đoàn Vinashin xây dựng quy chế tài chính, để trong nhiều năm không ban hành được quy chế tài chính theo QĐ số 104/2006/QĐ-TTg ngày 15/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ này cũng chưa có giải pháp kiên quyết, hiệu quả trong kiểm soát việc sử dụng có hiệu quả trái phiếu quốc tế do Chính phủ cho Tập đoàn Vinashin vay lại. Bộ Nội vụ chưa kiên quyết có những giải pháp kịp thời để HĐQT Tập đoàn Vinashin thực hiện đúng quy định về bổ nhiệm hoặc thuê TGĐ điều hành theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, để tình trạng Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm TGĐ điều hành kéo dài nhiều năm tại Tập đoàn Vinashin”. Kết luận Thanh tra Chính phủ kể ra cũng đã rõ nhưng vẫn là trách nhiệm chung chung của cả “Ba bộ” chủ yếu để rút kinh nghiệm theo kiểu “mất bò chưa lo làm chuồng”, chưa quy trách nhiệm cá nhân nên vẫn chưa thể xử lý được.
Qủa thật là quá khó đặt ra cho Cơ quan An ninh điều tra. Tuy khó, phức tạp nhưng không thể không điều tra, kết luận gắn với trách nhiệm từng cá nhân có liên quan ở trong và ngoài Tập đoàn Vinashin. Đương nhiên không thể ngày một, ngày hai là điều tra xong nhưng cũng không thể để vụ Vinashin kéo dài năm này sang năm khác. Đã từng có nhiều “lời ong”, “tiếng ve” xung quanh vụ việc tiêu cực xảy ra ở Tập đoàn Vinashin. Nếu để kéo dài sẽ… Dư luận và người dân đang mong đợi sớm đưa vụ án Vinashin ra xét xử đúng người, đúng tội, đúng mức độ vi phạm để một lần nữa chứng tỏ Đảng, Nhà nước ta kiên quyết xử lý những vụ việc liên quan tiêu cực, tham nhũng, giữ nghiêm kỷ cương phép nước./.
Vũ Xuân Bân-'Vinashin con' đuối nước, 'xô' nhiều tàu 'khác họ' chìm? (ĐV 12-6-11)