Ông Thiều Hải Nhân trước lô đất nhà mình rất muốn hủy hợp đồng với công ty Tân Phương. |
Cố tình làm trái hợp đồng nhằm trục lợi
Hợp đồng ký kết giữa các hộ dân có đất sản xuất với Công ty Tân Phương (có trụ sở tại huyện thôn Thống Nhất - Krông Na - Buôn Đôn) đã ghi rõ: “Người dân chỉ liên kết về đất, công ty đầu tư 100% về giống cây trồng, công chăm sóc, thu hoạch.
Sau khi thu hoạch, người dân sẽ được hưởng 20 % giá trị sản phẩm (đối với cây cao su là sau 7 năm, cây keo lai là từ 5- 7 năm khi thu hoạch đồng loạt).
Trong khoảng thời gian 3- 4 năm đầu, khi cây trồng chính (cây liên kết) chưa khép tán, thu hoạch, người dân có quyền được trồng cây hoa màu ngắn ngày xen canh trên đất liên kết của mình.
Hợp đồng liên kết của người dân với Công ty Tân Phương
Tuy nhiên, nếu như hai bên thực hiện đúng theo những gì trong hợp đồng đã ký kết thì chắc chắn sẽ không có chuyện gì xảy ra.
Song, do ai cũng cho mình làm đúng, đặc biệt là phía chủ đầu tư đã tùy tiện đi ngược với nội dung hợp đồng, nên trong khoảng hai năm gần đây, giữa người dân (kể cả người ký liên kết đất và không ký liên kết) và phía Công ty Tân Phương đã xảy ra nhiều tranh chấp.
Có rất nhiều nguyên nhân tác động, song nguyên nhân cơ bản là do khi giá nông sản lên cao (nhất là cây mì và bắp, loại cây rất phù hợp để trồng trên đất ở khu vực này) và sự di cư của người dân ở nơi khác đến mua đất định cư đã đẩy giá đất nơi đây lên cao.
Nhận thấy trước mắt là việc liên kết chưa đem lại hiệu quả nên một số hộ dân đã có ý định hủy hợp đồng, những người không có đất liên kết thì cố ý lấn chiếm của Công ty Tân Phương.
Phía Công ty Tân Phương cũng chẳng vừa, trong lúc đang thực hiện hợp đồng với người dân địa phương, công ty này đã thực hiện những việc làm sai trái như lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân và nhập nhằng giữa ranh giới đất khai hoang và đất Nhà nước cấp theo diện 132, 134 cho người dân có liên kết với công ty để ra sức lấn chiếm những thửa đất gần kề.
Không dừng lại ở đó Công ty Tân Phương còn tự ý trao đổi, sang nhượng lại đất liên kết cho người khác (chủ yếu là người dân từ nơi khác đến), mà không được sự đồng ý của người dân cũng như chính quyền địa phương sở tại.
Chị Võ Thị Bé bức xúc kể lại sự việc bị người của công ty Tân Phương đánh trọng thương.
Không kém cạnh, Công ty Tân Phương cũng đã “đáp trả” bằng việc khi những diện tích mì và hoa màu các loại của người dân trồng xuống, công ty này đã ngang nhiên đưa máy cày vào cày xới đất của dân.
Cụ thể là sự việc xảy ra vào ngày 2/6, Công ty Tân Phương đã cho máy vào cày xới hơn 3 ha mì xanh mơn mởn của chị Võ Thị Bé, trú tại thôn Thống Nhất. Khi chị Bé ra ngăn cản thì bất ngờ có một nhóm thanh niên đến đánh chị trọng thương, phải khâu 5 mũi ở mí mắt bên phải.
Theo như phản ánh của người dân, những thanh niên đánh chị Bé tất cả là người của Công ty Tân Phương.
Chính quyền chậm vào cuộc hay bất lực?
Trước những sự việc trên, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần can thiệp, hòa giải song không đi đến kết quả gì.
Ông Đào Kim Anh, Chủ tịch UBND xã Krông Na cho biết, từ đầu năm đến nay đã có khoảng trên 10 vụ việc tranh giành đất đai ở nơi đây.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương chỉ có quyền can thiệp để hòa giải và xử phạt hành chính nếu dưới 5 triệu đồng. Bởi việc ký kết này là của người dân và Công ty Tân phương, địa phương không có quyền can thiệp về mặt pháp lý.
Cũng theo ông Anh, lý do mà sự việc này đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm là do từ những ngày đầu, khoảng năm 2009, khi người dân ở nơi khác đến định cư và có sự trao đổi mua bán và tranh giành đất (phần lớn là không thông qua chính quyền xã, mà chỉ có giấy viết tay).
Ông Nguyễn Thế Thành, Phó phòng TN-MT Buôn Đôn: "Công ty Tân Phương đã có những việc làm sai phạm"
Còn ông Nguyễn Thế Thành, Phó phòng TN&MT huyện Buôn Đôn thì cho hay, huyện đã nhiều lần thành lập đoàn liên ngành xuống tận nơi để kiểm tra sự việc trên. Tuy nhiên người dân cũng có những sai sót nhất định là chặt phá tài sản của công ty, còn phía Công ty Tân Phương lại càng sai trái, khi ký kết hợp đồng với người dân mà chẳng thực hiện đúng với những quy định trong hợp đồng, khiến người dân rất bức xúc".
Ông Thành còn cho biết thêm: “Việc Công ty Tân Phương đã tự ý chuyển nhượng đất cho người khác với diện tích 6 hecta năm 2010 (1hecta trị giá 30 triệu đồng là một động thái nguy hiểm, nếu như không phát hiện sớm, kịp thời diện tích không chỉ là 6 hecta mà có thể nhiều thêm nữa”.
Đề cập tới vấn đề sẽ giải quyết vụ việc như thế nào, ông Thành rất thẳng thắn trả lời: “Sắp tới, nếu sự việc không được giải quyết ổn thỏa thì buộc chúng tôi phải can thiệp bằng các biện pháp mạnh, nếu bước đường cùng, sẽ bắt buộc đôi bên phải cắt hợp đồng liên kết, không thể để tình trạng này kéo dài thêm, gây ảnh hưởng tới vấn đề, an ninh trật tự và ổn định sản xuất”.
Tamnhin.net sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.
Nguyễn Hải Dương