SGTT.VN - "Phấn đấu sớm đạt được bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở biển Đông có tính ràng buộc và cam kết cao hơn", điều này được ông Phạm Quang Vinh, trợ lý bộ trưởng Ngoại giao, trưởng đoàn quan chức cấp cao Việt Nam tại ASEAN đã cho biết như vậy sau khi bế mạc hội thảo quốc tế tăng cường kết nối ASEAN - Trung Quốc và hội thảo quốc tế tăng cường hợp tác ASEAN - Trung Quốc trong đối phó với thách thức an ninh phi truyền thống.
Đây hoạt động do bộ Ngoại giao tổ chức (ngày 5 -6.7 tại Nha Trang, Khánh Hòa), nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 20 năm quan hệ ASEAN - Trung Quốc. Hội thảo với sự tham dự của các đại biểu là quan chức, học giả của các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc.
Dưới đây là phỏng vấn của PV SGTT với ông Phạm Quang Vinh sau hội thảo:
Thưa ông, vấn đề biển Đông đã được các đại biểu đề cập như thế nào?
Trước đây, đã có tuyên bố và kế hoạch hành động thực hiện tuyên bố ASEAN – Trung Quốc về đối tác chiến lược vì hòa bình, thịnh vượng. Trong đó, đặc biệt trong tuyên bố ASEAN – Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái có nhấn mạnh một trong những khía cạnh là cùng nhau xây dựng hòa bình, ổn định, anh ninh an toàn hàng hải trên biển Đông. Đặc biệt hai bên ASEAN - Trung Quốc, phải cùng nhau hợp tác thúc đẩy xây dựng lòng tin, thúc đẩy thực hiện có hiệu quả và đầy đủ tuyên bố về nguyên tắc ứng xử của các bên trên biển Đông – DOC.
Ngày hôm nay (6.7) và hôm qua (5.7), trong trao đổi chung, các đại biểu nhấn mạnh đến việc tiếp tục thực hiện các kế hoạch và cam kết đã đặt ra ở các cuộc gặp cấp cao giữa ASEAN - Trung Quốc. Đó là thực hiện có hiệu quả và đầy đủ tuyên bố về DOC, cũng như là xây dựng lòng tin, không làm phức tạp tình hình khu vực.
Vậy, giữa các nước ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất được những quan điểm về vấn đề gì?
Tại hội nghị cấp cao ASEAN 18, (táng 5.2011), ASEAN nhất trí rằng, cùng với việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, tôn trọng nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Công ước luật biển, ASEAN và Trung Quốc phấn đấu sớm đạt được Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở biển Đông – COC. (ảnh mang tính minh họa) Ảnh: Jakarta Post |
Tháng 10.2010, lãnh đạo ASEAN –Trung Quốc đã thông qua chương trình và kế hoạch hoạt động nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác đó. Để duy trì hòa bình ổn định, tăng cường hợp tác vì thịnh vượng chung, cần hỗ trợ hơn nữa nỗ lực của ASEAN trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN, và tăng cường sự ủng hộ đối với vai trò trung tâm của khối trong các tiến trình khu vực.
Vấn đề hợp tác ASEAN - Trung Quốc, có những thách thức về vấn đề an ninh phi truyền thống nào trên biển Đông?
Điều lớn nhất mà ASEAN, Trung Quốc và tất cả các nước liên quan, đều rất mong muốn khu vưc biển Đông là khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác, bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải. Đây là mục tiêu chung, trong khu vực có rất nhiều khuôn khổ hợp tác cũng như cơ chế, nhằm mục tiêu trên, cần phát huy hơn nữa. Trong đó, đặc biệt là Hiệp ước Thân thiện và hợp tác Đông Nam Á - TAC, hay là Tuyên bố các bên về ứng xử trên biển Đông - DOC, diễn đàn an ninh ARF, tất cả những cái đó cần phát huy và nổ lực hơn nữa, đặc biệt là thực hiện hiệu quả và đầy đủ DOC, tôn trọng và tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, cũng như Công ước luật biển.
Đó là điều rất quan trọng đối với việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực này.
Vai trò của ASEAN như thế nào, để các bên thực hiện các cam kết của mình?
Trong suốt quá trình vừa qua, bản thân ASEAN trao đổi với nhau, bản thân khối cũng đề xuất phải tăng cường hơn nữa đối thoại, đặc biệt là Trung Quốc trong việc thúc đẩy thực hiện mọt cách đầy đủ và hiệu quả DOC. Cái thứ hai, DOC chính là văn bản được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc, cần phải tăng cường hơn nữa thúc đẩy hợp tác, đối thoại giữa hai bên, để đạt được mục đích chung là thực hiện đầy đủ tuyên bố này.
Tại hội nghị cấp cao ASEAN 18, (táng 5.2011), ASEAN nhất trí rằng, cùng với việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, tôn trọng nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Công ước luật biển, ASEAN và Trung Quốc phấn đấu sớm đạt được Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở biển Đông – COC, nó mang tính ràng buộc và cam kết cao hơn so với DOC.
Đối với khu vực này, hòa bình, an nình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải là vấn đề rất quan trọng, thiết thân. Có những nước đã nói rằng là thiết yếu với họ, bởi vì 80% lượng hàng hóa và nguyên vật liệu xuất nhập khẩu của họ là qua tuyến đường này. Đây là cái lợi ích chung, chứ không phải của riêng từng nước gọi là trực tiếp liên quan đến việc đòi hỏi về chủ quyền lãnh thổ. Cho nên trong ASEAN, phát huy một cách có hiệu quả các công cụ, khuôn khổ hợp tác hiện có như CAC, như DOC, như ARF. Cái thứ ba nữa là tăng cường đối thoại xây dựng lòng tin và bảo đảm rằng không làm gì phức tạp thêm tình hình.
Thái Bình (thực hiện)