Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Bằng Công - Nhân bài "Trí thức và một vài đặc điểm của trí thức" của GS Thuyết: Vài ý “phản động” về trí thức


Bằng Công(Minh Thái chấp bút) Tác giả gửi đến Dân Luận
Cái rọ “Tiểu tư sản”Theo quan điểm Mác - Lênin được vận dụng ở nước ta, lao động trí óc (từ cô thư ký đến các cụ Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu Đang, Ngô Tất Tố…) được xếp tuốt vào giai cấp tiểu tư sản, chung với cháu học sinh, chị hàng xén, bác cắt tóc và chú vá xe. Không có cái giai cấp nào hẩu lốn, hỗn tạp như cái giai cấp tiểu tư sản ở Việt Nam. Đủ thấy lao động trí óc nói chung - và trí thức nói riêng - một thời đáng thương hại biết bao.

Cha tôi nói lại, 15 tuổi đã khai lý lịch là tiểu tư sản, đã học chính trị (1960) nghe đảng khẳng định: Nước ta, đã xoá bỏ bóc lột (diệt địa chủ, tước đoạt tư sản) để xây dựng chế độ XHCN. Giai cấp tiểu tư sản là lực lượng cản trở lớn nhất. Đây là giai cấp bấp bênh về lập trường, ngả nghiêng về quan điểm; do vậy mà khó cải tạo nhất để được chuyển hoá thành Công, Nông. Nhận định chính thống này – như ngọn mác hay mũi lê - chĩa thẳng vào trí thức, chớ không phải nhằm ám chỉ bác cắt tóc hay chị hàng xén… đâu nhé. Vì trí thức thích tự do, hay lý sự, thích căn vặn… cái mầm chống đối cứ như nằm sẵn trong tim, trong tuỷ.
Trước sự đối xử như vậy, trong trí thức nảy sinh hai thái độ, hai cảm xúc: từ tủi thân, tự ti, ức chế…, đến bất bình, chê bai ngầm hoặc phản kháng đầy lễ độ, nhất là sau vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, ai cũng tự thấy cần rèn luyện cho cột sống mềm mại hơn.
Liệu GS Nguyễn Minh Thuyết (tác giả bài Trí thức và một vài đặc điểm của trí thức) khi đó đã đủ lớn để tự khai mình thuộc thành phần tiểu tư sản và trực tiếp cảm nhận thân phận như cha anh chưa?

Liệu có phải cuộc “đổi đời”?

Hơn 40 năm sau, cha tôi về hưu (trước đó 25 năm đã trầy trật để được kết nạp vào đảng) thì… bỗng nhiên, đảng tuyên bố: Từ nay, trí thức được xếp vào “hệ thống chính trị” của chế độ XHCN, đứng ngay sau Công, Nông.
Ơn này, liệu có ngang với ơn cứu mạng? Có giống như người từ đáy ao được vớt lên bờ? Trí thức đổi đời rồi chăng?
Điều này, tôi xin nhường cho quý vị nào có bằng cao đẳng trở lên phát biểu. Nhưng nếu cần chú thích, xin nhớ rằng lúc này lớp trí thức cũ – do tư bản đào tạo (mà Dương Trung Quốc gọi là thế hệ vàng) - đã chết hầu hết, lớp kế tiếp đã hưu hầu hết; còn lại, đều do chế độ ta đào tạo - với thời gian rất lớn dành cho môn Chính Trị (hy vọng họ trung thành hơn ư?). Trung thành đâu chưa biết, nhưng nhếch nhác thì rõ. Họ được đứng cạnh công nông cũng phải.
Nhìn tổng quát – ví dụ cử nhân mới tốt nghiệp, nếu may mắn có việc làm, với lương trung bình 2 triệu, làm sao khỏi nhếch nhác?. Nhìn toàn cảnh, ai dám bảo Công, Nông Việt Nam hiện nay (2011) không nhếch nhác hơn so với các tầng lớp khác?. Thừa nhếch nhác ngoài đời, nhưng trong Nghị quyết thì lại khác.
Những năm gần đây, ông Nông Đức Mạnh làm tổng bí thư. Ông này học trường trung cấp, ngành Lâm Nghiệp, làm đội trưởng khai thác gỗ (từ “tiểu tư sản”, ông tiến hoá thành “công nhân” – giai cấp lãnh đạo). Sau đó ông được sang Nga học để có bằng đại học, lẽ ra trong lí lịch ông phải khai đã “thoái hoá” trở lại, thành tiểu tư sản, nhưng khi ứng cử trung ương, ông vẫn cứ khai xuất thân “công nhân”. Chủ nghĩa lý lịch kinh thật đấy. Nay, được thay bằng chủ nghĩa bằng cấp. Cái bằng tiến sĩ thời nay không hẳn để trở thành nhà nghiên cứu – như truyền thống - mà là để… bỏ hẳn nghiên cứu, làm lãnh đạo.
Thời ông Mạnh, đảng Cộng sản có 5 nghị quyết thuộc loại quan trọng nhất:
- Nghị quyết chống tham nhũng (nay, vẫn “càng chống, càng tăng”); và
- Bốn Nghị quyết về Thanh – Công – Nông – Trí.
Đến nay, thanh niên cứ xa dời lý tưởng, công nhân cứ bãi công, nông dân cứ chống đối cướp đất. Còn trí thức? Hẳn là phấn khởi khi được xếp thành đội ngũ, đứng ngay sau công nông về vị thế trong xã hội?.

Phản kháng yếu ớt

Tôi muốn nói thêm về sự chuẩn bị cho cái nghị quyết Xây Dựng đội ngũ trí thức XHCN này. Vì bài của Giáo sư Thuyết ra đời trong bối cảnh đó
Nghị quyết này cũng có Bản Dự Thảo để mọi người góp ý. Gọi là “mọi người”, chớ thực tế chỉ có trí thức là đủ năng lực làm việc đó (kể cả với 4 NQ đầu tiên). Gọi là “góp ý” cũng được, thực chất gọi là dăm ba phản biện xa xôi và nhẹ nhàng, cũng được.
Chế độ ta tâng bốc Công Nông tới trời, khỏi nói. Nay đến lúc ca ngợi trí thức. Mới đọc Dự Thảo, thấy hởi lòng hởi dạ. Nhưng nếu đọc kỹ, nắm tinh thần toàn văn, sẽ thấy… té ra trí thức chỉ là công cụ để đảng sử dụng “xây dựng CNXH”. Và đảng ta đang hết lời ca ngợi cái công cụ tuyệt vời mà mình có trong tay. Ví dụ, ca ngợi lòng trung thành. Trí thức (đúng nghĩa) đang bị trộn với lao động trí óc nói chung - khiến số lượng tăng vọt lên tới nhiều triệu - đủ đông đảo để xếp thành “đội ngũ”. Đã là “đội ngũ” thì phải mặc đồng phục mới đẹp. Phải đồng phục về tư tưởng thì mới răm rắp theo lệnh hô. Còn gì đẹp bằng một đội ngũ duyệt binh trong lễ chào mừng?.
Xin đọc lại toàn văn nghị quyết để thấy (ít nhất) 2 điều:
- Về hình thức, đảng ta rất lão luyện dùng câu chữ.
- Về nội dung, nghị quyết tiếp thu quá ít những gì đã được góp ý (so nghị quyết với dự thảo).
Mọi góp ý chỉ là sự phản kháng lễ độ, yếu ớt.

Hai nội dung đáng chú ý

Rất nhiều góp ý, đủ mọi khía cạnh, mọi hướng. Xin nói về hai hướng đáng chú ý.
- Yêu cầu định nghĩa “trí thức”. Đây là cách phản đối khéo léo và kín đáo chuyện đảng ta cố ý mở rộng “đội ngũ” - giống như ngày xưa, đảng xếp Nguyễn Mạnh Tường, Tôn Thất Tùng hay Nguyễn Tuân… vào cái rọ tiểu tư sản, ngồi chung với chị hàng xén và bác cắt tóc…
Bài của GS Thuyết thuộc hướng này. Ông có nêu một ý: Trí thức (tuy đông đúc như vậy) nhưng cần chú trọng tới khối “hạt nhân” của nó.
- Yêu cầu coi đoàn thể của trí thức là một đoàn thể chính trị (không phải là một Hội nghề nghiệp, hay một đoàn thể xã hội) vì trí thức đã chính thức được kề vai sát cánh với công nông. Lạ chưa? Thoạt xem, có vẻ như “trí thức” mắc bệnh hình thức, háo danh? Không đâu. Chúng ta đứng ngoài, quan sát hời hợt, làm sao hiểu được thâm ý người trong cuộc, nhưng đảng lại hiểu quá rõ thật sự trí thức muốn gì.
Thoạt nhìn, cứ tưởng trí thức xin được xếp ngang với các đoàn thể chính trị khác (Công đoàn, Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh…) chỉ để cho oai – so với Hội người già, Hội cựu giáo chức, Hội nhà báo, Hội y học cổ truyền… Nhìn thiết thực hơn, nếu là đoàn thể chính trị thì kinh phí được cấp (từ ngân sách) sẽ dư dả hơn hẳn. Còn thâm ý nhất là để lỡ ra trí thức có góp ý thẳng quá cũng không bị coi là… phản động (như góp ý của Trần Dần. Trần Đức Thảo… ngày xưa).
Đấu tranh hợp pháp, ở thế yếu, với một đảng lõi đời về chính trị, quả không dễ dàng.
Xin hãy đọc lại các bài của trí thức thời đó để có thể hình dung cụ thể hơn sự bức xúc của những trí thức chân chính. Một điểm chung, là các bài góp ý đã bất chấp cái “định hướng” mà đảng muốn trí thức phải tuân theo khi góp ý.
Định hướng góp ý cho dự tháo NQ về trí thức (vắn tắt): - Trí thức: người có trình độ từ cao đẳng trở lên (được hay tự đào tạo);
- Yêu nước, thể hiện bằng toàn tâm, toàn ý xây dựng CNXH ở VN;
- Là một đội ngũ, có đoàn thể riêng đứng trong Mặt Trận, được đảng tin tưởng;
- Lực lượng trực tiếp thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước… v.v.
Gần đây, rục rịch sửa hiến pháp; đảng đã kịp định hướng thảo luận; ví dụ:
Sửa hiến pháp theo hướng thực hiện hiệu quả hơn Cương Lĩnh (bổ sung và sửa đổi) tiến lên XHCN do đại hội XI vừa thông qua…

Bài của Giáo Sư Nguyễn Minh Thuyết

Cả nội dung (hai phần) và cách trình bày phù hợp vị thế tác giả (đảng viên, đương chức, cương vị cao trong quốc hội) – nghĩa là không thể thẳng thừng nói ngược những gì mà đảng đã “định hướng” cho mọi người góp ý. Ngoài ra, để được đăng lên Tia Sáng (báo của trí thức) thì cách nói và nội dung đều phải cẩn trọng (tờ báo này đã từng bị khiển trách, kể cả đình bản khá lâu). Vẫn nói, nhưng chớ làm nổi bật những gì khó lọt tai đảng v.v… Chính do vậy, tuy GS Thuyết khéo léo nói được nhiều điều, nhưng bài của ông cứ kể lể lan man, loãng, không phải là bài “hay” nhất, “mạnh” nhất, hoặc “trúng” nhất… trong số bài thuộc đề tài này. Đã vậy, nó xuất hiện khá muộn.
Phần đầu, ông giải đáp câu hỏi: Thế nào là trí thức. Ông buộc phải nói vòng vo, nhiều ý tưởng không mới, thậm chí đặt trường hợp đặc biệt ngang với cái phổ quát. Đơn cử, trí thức phải có một nghề (như mọi người) để mưu sinh – đó là cái phổ quát, thì ông lại nói điều này là “không nhất thiết” và ông đem trường hợp riêng của nhà thơ Tú Xương (được vợ nuôi) ra làm bằng chứng.
Cho đến khi ông “tóm lại” mà người đọc vẫn thấy chưa ổn.
Nói tóm lại, trí thức là:
1) những người lao động trí óc, 2) có hiểu biết sâu rộng về một hoặc một số lĩnh vực (khoa học - công nghệ, văn hóa - nghệ thuật, quản lý kinh tế - xã hội),
3) thường xuyên vận dụng những hiểu biết đó để phát hiện và giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn nảy sinh trong lĩnh vực hoạt động của mình,
4) vì lợi ích chung của cộng đồng và nhu cầu nhận thức của bản thân.
Quả vậy, khi đã “tóm lại” như trên, ông vẫn phải viết tiếp khá dài, trong đó ông nhấn mạnh rằng “có một hạt nhân” trong cái tầng lớp lao động trí óc lộn xộn đó.
Trong phần 2, Một số đặc điểm của trí thức, thì nhiều đặc điểm được ông nêu lên lại không… đặc trưng; mà là chung cho tất cả những ai sống chết với nghề của mình (buôn bán, công nhân, quân nhân), đâu phải của riêng trí thức. Ví dụ: ham đọc, ham sáng tạo, hoài bão vươn lên (trong nghề)… của người trí thức thì cũng giống như một nhà thể thao ham tập luyện, có hoài bão chiếm ngôi vô địch… Vậy thôi. Đó là đặc trưng nghề nghiệp.
Còn các đặc trưng khác, ông nêu lên (hay lật lại vấn đề, trọng danh hơn lợi, niềm tin vào chân lý, muốn nói lên sự thật, khảng khái…) đều đúng, không nhiều thì ít. Và chính những đặc điểm đó khiến trí thức ham… phản biện - thì ông không nêu.

Vài lời nói ngang

Thói quen của trí thức là phản biện, xuất phát từ đặc điểm nghề nghiệp. Nhà bác học lẫy lừng Hawking, tưởng rằng tàn tật đếm mức ấy thì không còn quan tâm gì tới chuyên xã hội nữa. Nhưng không. Bằng cách riêng, ông vẫn toe được thái độ đầy trách nhiệm.
Chuyện này ở các nước dân chủ chẳng có gì lạ. Đó là chuyện thường ngày, như ăn, uống, đi lại… Trí thức phê phán có lý lẽ, có biện bạch, những bất cập trong xã hội, để xã hội tốt đẹp lên, thì đâu có gì lạ? Họ phản biện như họ thở. Thế đấy! Người ta thở mà có mấy khi nhận ra mình đang thở đâu. Cùng phản biện một vấn đề, nhưng các trí thức vẫn có quan điểm ngược nhau, cãi nhau chí choé, đâu có gì lạ? Tranh luận sẽ ra sự thật. Trí thức có thiên bẩm là rất nhanh nhận ra sự thật, do vậy trong tranh luận nếu thấy mình sai, sẽ sớm nhận ra ngay. Chưa thấy mình sai, hoặc tin rằng mình đúng thì… gươm kề cổ, súng kề tai cũng không sợ.
Nhưng ở Việt Nam thì khác, nhiều người chưa quen cái từ “phản biện”, kể cả những hiểu sai. Nếu đảng cầm quyền biết chấn chỉnh lại những hiểu sai đó, nó sẽ còn cầm quyền lâu. Nếu nó lại gán thêm ý xấu cho phản biện: Nó đang tự chống nó.
Tất nhiên, có cả trường hợp giả vờ hoan nghênh phản biện. Kiếm tra không khó: Câu hỏi là bao giờ sẽ ban hành Luật Phản Biện.
Xã hội nếu được ví như một cơ thể, sự tiến hoá chủ yếu đánh giá bằng sự phát triển của hệ thần kinh, thì lao động trí óc chính là hệ thần kinh, trong đó trí thức chính là bộ não của cả hệ thần kinh. Trí thức là bộ phận nhận thức của cơ thể, hướng dẫn tay chân và cơ bắp thực hiện. Đó là bản chất sự liên minh Trí – Công – Nông trong thường nhật cũng như trong cách mạng.
Não có nhiều thiên chức: nhận thông tin, xử lý thông tin, truyền đạt thông tin… trong đó có cả chức năng cảnh báo nguy cơ và điều chinh hành vi (sửa chữa). Đó là phản biện.
Trong một xã hội hiện đại, người dân rất biết tên tuổi những trí thức đáng kính - do cống hiến lớn và do cuộc sống cá nhân trong sạch. Nếu đa số những trí thức này không hài lòng với chế độ: Chế độ này có nguy cơ suy tàn.
Một chế độ tiến bộ bỗng ngán phản biện (ví dụ, cho phản biện nhưng cấm công khai các ý kiến phản biện), đó là dấu hiệu thoái hoá. Vua cha tha thiết được nghe lời nói thẳng, vua con lại kỳ thị người can ngăn: Triều đại này chết đến đít rồi.
Đã có người đưa ra hình tượng: người nông dân dùng xẻng xúc đất, năng suất thấp nên được trả công thấp; anh công nhân dùng máy xúc năng suất gấp 50 lần, nhưng xã hội chỉ trả lương cho anh ta gấp 5 lần anh nông dân kia. Ai cống hiến nhiều, nhưng hưởng ít sẽ được xã hội trọng vọng hơn. Câu hỏi tiếp: Ai thiết kế và chế tạo cái máy xúc? Lẽ ra trí thức phải hưởng đãi ngộ vật chất gấp 50 lần công nhân, nhưng thực tế chỉ gấp 5 lần. Sáng tạo văn học, nghệ thuật sẽ ngày càng được đánh giá cao, vì cuộc sống tính thần ngày càng là nhu cầu. Mới hiểu: Tại sao xã hội nào cũng trọng vọng trí thức? Chủ nghĩa Mác nói thế nào về Công – Nông – Trí? Liệu có ngược với sự thật hiển hiện từ thượng cố tới nay không?
Tất cả những nói ngang ở trên, đều lấy từ các bài của trí thức góp ý với đảng khi chuẩn bị Nghị Quyết.
Bằng Công (Minh Thái chấp bút)-Nguồn: DL: Bằng Công - Nhân bài "Trí thức và một vài đặc điểm của trí thức" của GS Thuyết: Vài ý “phản động” về trí thức

-------
Trí thức và một vài đặc điểm của trí thức

Nguyễn Minh Thuyết

Hội thảo “Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài
với sự nghiệp xây dựng quê hương”

1. Thế nào là trí thức ?
1.1. Nói đến trí thức, người ta thường nghĩ ngay tới những người có bằng cấp cao. Dĩ nhiên, bằng cấp cao là một dấu hiệu có lẽ dễ sử dụng và có thể được sử dụng trong nhiều trường hợp. Nhưng đó không phải là dấu hiệu bản chất của người trí thức.


Trên thực tế, có những người bằng cấp không cao nhưng do tư chất thông minh, lại chịu học hỏi nên có vốn tri thức khá sâu sắc và có nhiều sáng tạo được ghi nhận trong những lĩnh vực chuyên môn nhất định. Lịch sử từng ghi công nhiều tên tuổi lớn chưa học hết bậc đại học đã có những đóng góp xuất sắc cho khoa học - công nghệ, văn hóa - nghệ thuật hay cho lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội, như các nhà sáng chế và quản lý doanh nghiệp nổi tiếng thế giới Thomas Edison, Bill Gates ở Hoa Kỳ, nhà viết kịch vĩ đại Shakespeare ở Anh Quốc. Ở Việt Nam, nhà văn Nguyên Hồng khi hoàn thành những sáng tạo nghệ thuật để đời như "Những ngày thơ ấu", "Bỉ vỏ", chỉ mới học xong tiểu học; và trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp hiện nay, đang xuất hiện ngày càng nhiều "kỹ sư chân đất" - những nông dân "chân lấm tay bùn" chịu học và dám nghĩ, dám làm, chế tạo từ máy cày, máy cấy, máy thu hoạch mía cho đến máy bay v.v..., đáp ứng nhu cầu của công cuộc lao động sản xuất và ước muốn chinh phục đỉnh cao của khoa học - công nghệ. Họ là những trí thức thật sự.

Ngược lại, trong cuộc sống cũng có không ít người sở hữu bằng cấp cao nhưng vì nhiều lý do khác nhau, đã chuyển sang lao động chân tay hoặc buôn bán nhỏ, thậm chí, không làm gì hoặc làm những nghề không lương thiện. Số người có bằng cấp cao mà không hoạt động trong lĩnh vực lao động trí óc này khó có thể xếp vào tầng lớp trí thức. 

Thêm một lý do để vận dụng có mức độ dấu hiệu "bằng cấp cao" là đặc tính "cao" phụ thuộc khá nhiều vào quan niệm của cộng đồng dân cư cụ thể. Thời thuộc Pháp, bằng cao đẳng đã là rất cao, bởi vậy mới có tiêu chuẩn kén chồng của các tiểu thư con nhà giàu: "Phi cao đẳng bất thành phu phụ" (nghĩa là: "không có bằng cao đẳng, không thành vợ thành chồng", "không có bằng cao đẳng thì không lấy"). Thời nay, đối với dân cư thành thị, cao đẳng chưa chắc đã là cao. Nhưng đối với vùng sâu vùng xa, người có bằng cao đẳng chắc chắn được cộng đồng trọng vọng.

Như vậy, có thể hiểu trí thức không nhất thiết là người có bằng cấp cao và ngược lại, người có bằng cấp cao cũng chưa hẳn đã là trí thức. Điều quan trọng đối với người trí thức là có hiểu biết sâu rộng và có khả năng sáng tạo trong một hoặc một số lĩnh vực chuyên môn nhất định.              

1.2. Thay cho dấu hiệu bằng cấp, nhiều người quan niệm: "Trí thức là những người lao động trí óc." Nhưng định nghĩa này chưa làm rõ thế nào là "lao động trí óc".  Nếu chỉ nhìn vào hiện tượng thì một nghệ sĩ dương cầm, một nhà điêu khắc hay một bác sĩ phẫu thuật sử dụng cơ bắp không kém gì người lao động chân tay; sáng tạo của một họa sĩ thoạt nhìn cũng không khác hoạt động của người chép tranh hay người vẽ truyền thần; công việc của một nhà giáo ở trung học hay đại học cũng thuộc phạm trù "giáo dục" như công việc của cô bảo mẫu. Điểm phân biệt giữa những người này là ở tầm mức của công việc và trình độ chuyên môn trong thực hiện công việc ấy. Ví dụ, khác với y tá hay hộ lý, bác sĩ phẫu thuật thực hiện một công việc phức tạp và hệ trọng, quan hệ đến sức khỏe và tính mạng con người; và để có thể thực hiện công việc đó, người bác sĩ phải được đào tạo chu đáo về lý luận và thực tiễn; ca phẫu thuật càng phức tạp, trình độ càng phải cao. Tương tự, người thợ đục đá đục theo khuôn mẫu đã có sẵn, cho ra lò hàng loạt sản phẩm giống hệt nhau; còn đối với nhà điêu khắc thì mỗi tác phẩm là một sáng tạo duy nhất, thể hiện tư tưởng và phong cách nghệ thuật nhất định. Tóm lại, người trí thức thực hiện những công việc có tầm quan trọng, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao hơn, sự huy động nỗ lực trí óc nhiều hơn.     

1.3. Một trong những cách hiểu khác về trí thức là dựa vào hoạt động chính đem lại thu nhập cho họ. Theo cách hiểu này, trí thức là những người lấy lao động trí óc làm một nghề, hay nói cách khác là sống bằng lao động trí óc. Cách hiểu này không sai nhưng cũng không bao quát được hết thực tế. Bởi vì trong lịch sử không hiếm những trường hợp như cụ Tú Xương, tài năng văn chương nức tiếng, được hậu thế tôn vinh là một trong những thi nhân lỗi lạc của nước nhà, nhưng sinh thời, cụ chỉ lấy văn chương làm nơi bộc bạch nỗi niềm, còn kiếm sống phải nhờ cả vào một tay cụ bà "Quanh năm buôn bán ở mom sông / Nuôi đủ năm con với một chồng."

Không riêng gì văn chương mà trong nhiều lĩnh vực hoạt động khác, chúng ta cũng có thể dẫn ra những ví dụ tương tự. Họa sĩ Van Gogh miệt mài sáng tạo nghệ thuật suốt cuộc đời nhưng khi còn sống, ông lâm vào cảnh cùng quẫn vì không mấy ai chịu mua những bức tranh của họa sĩ thiên tài. Nhà sáng chế K. Tsiolkovxkij thời Sa Hoàng bị coi là gàn dở và cũng sống trong cảnh bần hàn; sáng chế bị xếp xó. Chỉ sau khi có chính quyền xô viết, ông mới được trọng dụng. Nhưng phải đến 22 năm sau khi ông mất, tên lửa đẩy thiết kế theo mô hình của ông mới đưa được vệ tinh lên vũ trụ và ông mới được tôn vinh là ông tổ của ngành hàng không vũ trụ.

Như vậy, không phải trí thức bao giờ cũng có thể sống bằng trí tuệ của mình. Điều quan trọng là họ thường xuyên lao động trí óc, thường xuyên sáng tạo những sản phẩm trí tuệ, như là sứ mạng, là lẽ sống của mình.

1.4. Nói tóm lại, trí thức là những người lao động trí óc, có hiểu biết sâu rộng về một hoặc một số lĩnh vực khoa học - công nghệ, văn hóa - nghệ thuật, quản lý kinh tế - xã hội, thường xuyên vận dụng những hiểu biết đó để phát hiện và giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn nảy sinh trong lĩnh vực hoạt động của mình vì lợi ích chung của cộng đồng và nhu cầu nhận thức của bản thân.

Theo cách hiểu trên thì tầng lớp trí thức là một tập hợp mở và đa dạng, không giống bất kỳ một tập hợp nào khác trong xã hội như nông dân, công nhân, thợ thủ công, quân nhân, thương nhân hay người buôn bán nhỏ. Trí thức có thể là bất kỳ ai trong các tập hợp trên, miễn là có hiểu biết sâu rộng và tham gia lao động trí óc. Tuy nhiên, bộ phận hạt nhân của tầng lớp trí thức là các nhà nghiên cứu; các giảng viên đại học; các bác sĩ, dược sĩ cao cấp; các nhà văn, nhà thơ, nhà điêu khắc, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo; các nhà quản lý và công chức, viên chức trong bộ máy tham mưu cho nhà quản lý.  

2. Một số đặc điểm của trí thức


Trí thức là một tập hợp mở và đa dạng nên đặc điểm của tầng lớp này cũng rất phong phú. Tuy nhiên, giữa các nhà trí thức, nhất là bộ phận hạt nhân của tầng lớp này, cũng có những đặc điểm phẩm chất chung; phẩm chất nào cũng có mặt mạnh và mặt yếu của nó. Phải chăng có thể nói đến những đặc điểm phẩm chất sau ?

2.1. Trí thức nói chung rất ham học, ham đọc. Nhờ ham học, ham đọc  mà người trí thức luôn luôn tiếp cận được cái mới, do đó trình độ lý luận không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, sự ham học, ham đọc, ham lý luận quá mức có thể dẫn đến tình trạng sách vở, kinh viện, xa rời thực tiễn. Đó là nhược điểm mà người trí thức cần đề phòng.

2.2. Trí thức là người luôn sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm; ít khi chịu rập khuôn theo công thức sẵn có. Chính nhờ đặc điểm này mà trí thức đóng vai trò nhân tố quan trọng thúc đẩy khoa học - công nghệ, văn hóa - nghệ thuật, kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, xã hội cũng dễ nhìn nhận những sáng tạo quá đà, nhất là trong phong cách sống, là lập dị.

2.3. Trí thức là người luôn có thói quen lật lại vấn đề. Vì vậy, trí thức thường hay có ý kiến phản biện. Trong xã hội cũng như trong mỗi đơn vị, những ý kiến phản biện mang tính xây dựng đều có giá trị, ít nhất cũng giúp người được phản biện cân nhắc hoặc bổ sung, hoàn thiện chủ kiến của mình. Nhưng ý kiến phản biện, nhất là những ý kiến quá thẳng thắn, dễ gây phản ứng tiêu cực. Vì vậy, người phản biện cũng cần chọn cách nói, thời điểm nói thích hợp để tính thuyết phục của ý kiến mình được cao hơn.

Thói quen lật lại vấn đề khiến người trí thức nhiều khi lật đi lật lại cả ý kiến của mình. Tự phản biện mình là một thói quen tốt, thể hiện thái độ thực sự cầu thị. Tuy nhiên, nếu trước bất cứ việc gì cũng cân đi nhắc lại mà không dám hành động thì sẽ thành do dự, nhu nhược, thiếu quyết đoán.

2.4. Mặc dù hay lật lại vấn đề nhưng khi đã tin điều gì một cách có căn cứ thì trí thức thường rất trung thành với niềm tin của mình. Nhà thiên văn học Ba Lan Nicolas Copernik sẵn sàng
đối mặt với toà án giáo hội, chứ không phản bội niềm tin của mình là trái đất quay xung quanh mặt trời. Gần một trăm năm sau, lại đến lượt nhà thiên văn Italia Galileo Galilée dũng cảm bảo vệ thuyết quả đất quay trước tòa án giáo hội, bất chấp án lưu đày và rút phép thông công. Nhưng lịch sử cũng ghi lại thảm kịch của biết bao trí thức xưa chết vì đặt sai niềm tin, sự trung thành của mình vào những bạo chúa, độc tài hay những lý tưởng bị phản bội. Người phương Đông gọi đó là thái độ ngu trung, một biểu hiện cực đoan của trung thành.
|
2.5. Trí thức thường có hoài bão vươn lên những đỉnh cao, những vị trí nổi bật trong xã hội. Cách chúng ta 150 năm, Nguyễn Công Trứ từng viết:

"Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông."

Người trí thức nói chung trọng danh hơn trọng lợi. Thậm chí không ít người trọng danh hơn cả mạng sống của mình. Nhưng quá trọng danh có thể dẫn đến hiếu danh. Chuyện chạy đua bằng cấp, danh hiệu, giải thưởng v.v... mà xã hội phê phán hiện nay cũng là những biểu hiện của thói hiếu danh. 

2.6. Trí thức thường khảng khái, tự trọng. Người xưa đã khái quát phẩm hạnh này thành nguyên tắc sống: "phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất" (nghĩa là: giàu sang không làm hư hỏng, nghèo khó không khiến đổi lòng, quyền uy không khuất phục nổi). Trong lịch sử đã có biết bao tấm gương liêm khiết, chính trực, khảng khái của người trí thức. Xã hội trọng vọng trí thức không chỉ vì trí tuệ của họ mà còn vì phẩm chất cao quý này. Tuy vậy, trong cuộc sống, cũng cần phân biệt lòng tự trọng với thói sĩ diện. Tự tô vẽ hư danh cho mình, tạo cho mình vỏ bọc bằng những thứ không phải của mình và khư khư bảo vệ nó, đó là sĩ diện, một biểu hiện xa lạ với lòng tự trọng .

2.7. Trí thức thường cư xử lịch thiệp. Bộc trực khi tỏ bày chính kiến về những vấn đề lớn, nhưng trong đời sống hằng ngày, người trí thức thường khiêm tốn, nhún nhường, tránh những va chạm nhỏ, tránh làm mếch lòng người khác. Đây là một phẩm chất đáng quý trong ứng xử, nhưng nếu quá nhún nhường, quá tế nhị cũng dễ bị người xung quanh cho là không thực bụng.  

Tổng số lượt xem trang