Thờ ơ đến xem thường
Những năm gần đây, tình hình TNLĐ trên địa bàn TP.HCM ngày càng nghiêm trọng và gia tăng số vụ tử vong. Trong đó, tai nạn ở ngành xây dựng chiếm từ 60-70% tổng số vụ TNLĐ. Nguyên nhân là do các thiết bị tại công trình không an toàn, người LĐ không được bảo hộ. Tiêu chuẩn Việt Nam quy định làm việc trên cao “Phải đeo dây an toàn; sàn thao tác ở độ cao 1,5m so với nền, sàn phải có lan can bảo vệ… Đối với nhà cao tầng khi xây dựng giàn giáo cần có các biện pháp neo chống cho chắc chắn. Riêng tầng trên cùng nơi công nhân đứng thao tác phải có dây bảo hiểm”.
Tuy nhiên, ngày 13.7, dạo một vòng qua các công trình trên địa bàn TP, chúng tôi thấy rất ít nơi có che chắn và hầu như công nhân (CN) không đội nón bảo hiểm, không đeo dây an toàn khi làm việc trên cao. Công trình trên đường số 8, khu An Phú, An Khánh, Q.2, CN đứng trên giàn giáo để xây lầu 3 nhưng chỉ mặc áo thun, quần tây, đầu không đội nón bảo hiểm, không đeo dây an toàn và xung quanh công trình thì che chắn rất sơ sài. Công trình ở đường số 16 khu vực này tình trạng cũng chẳng hơn gì.
Người lao động cheo leo trên cao nhưng không hề có phương tiện bảo hộ lao động như dây an toàn, mũ bảo hiểm... - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Ông Việt than: “Nhiều quy định đặt ra nhưng không có chế tài ràng buộc, xử lý hoặc chế tài chưa đủ mạnh nên người sử dụng LĐ cố ý không chấp hành. Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra còn gặp khó khăn do đội ngũ cán bộ thanh tra mỏng, không tài nào lo xuể”.
Mỗi tuần có một công nhân xây dựng tử nạn Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, trong 5 năm (2006-2010), TP.HCM xảy ra 4.020 vụ TNLĐ, trong đó có 496 vụ TNLĐ có chết người. Tỷ lệ TNLĐ chết người ở lĩnh vực xây dựng luôn cao nhất so với các lĩnh vực khác và tăng đột biến. Số người chết do TNLĐ từ năm 2006-2010 là 505 người, trong đó lĩnh vực xây dựng có 242 người chết. Tính ra, trung bình mỗi tuần có một CN xây dựng tử nạn. |
Như vậy thì cơ quan chức năng không thể đổ lỗi cho “chế tài chưa đủ mạnh” mà phải chịu trách nhiệm một phần trong các vụ TNLĐ; thậm chí có vai trò chính trong việc có thể phòng ngừa để giảm các vụ tai nạn xảy ra.
Người lao động lãnh đủ
Chị N.T.H (38 tuổi) gần 10 năm làm việc trong một công ty gỗ cho biết, môi trường làm việc của công ty chị nóng như chảo lửa, tiếng ồn nhức óc và bụi gỗ mịt mù. Tuy nhiên, CN ở đây không được phát khẩu trang, không có dụng cụ chống tiếng ồn. Đã gần 10 năm nay, công ty chị chưa một lần khám sức khỏe cho CN và bản thân chị cũng không biết có quy định về khám sức khỏe định kỳ hay khám bệnh nghề nghiệp. Có một số CN sau một thời gian làm việc đã chủ động nghỉ vì bị ho kéo dài, sức khỏe giảm sút. Bản thân chị H. mấy năm gần đây bị ù tai nặng, nghe rất kém.
Còn chị T.T.T ở một công ty may mặc cũng cho hay, chị làm đã hơn 5 năm và hình như công ty có khám sức khỏe một lần. Hầu hết CN công ty chị không biết rằng, mỗi năm được khám sức khỏe định kỳ hay khám bệnh nghề nghiệp.
TP.HCM đang có khoảng gần 100 ngàn DN. Ngoài ra, còn có 3 KCX, 12 KCN với gần 1.000 DN hoạt động. Tổng số LĐ trên toàn TP đang làm việc hiện nay hơn 2,5 triệu người. Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm bảo vệ sức khỏe LĐ và môi trường TP.HCM thì hiện nay, số DN mà môi trường LĐ có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp chiếm 72,23%, Trong khi đó, việc tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người LĐ trên địa bàn TP chỉ chiếm 34,38%. Bác sĩ Huỳnh Tân Tiến, Giám đốc trung tâm trên cho biết, các DN “lập lờ” giữa việc khám sức khỏe định kỳ với khám bệnh nghề nghiệp. Những bệnh nghề nghiệp nguy hiểm mà người LĐ hay mắc phải như: bụi phổi silic, bụi phổi bông sẽ làm thoái hóa, gây ung thư phổi; nhiễm benzen và hóa chất sẽ gây ung thư máu, ung thư tủy xương; nhiễm độc chì ở mức độ nặng có thể gây tử vong…
Điều 7 Nghị định 06 ban hành năm 1995 quy định: “Phải khám sức khỏe cho người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề, ít nhất một lần trong năm, đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại thì ít nhất 6 tháng một lần”. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM: “Hiện việc khám bệnh nghề nghiệp cho người LĐ không được DN thực hiện hoặc thực hiện một cách qua loa, đại khái. Do đó, nhiều người LĐ không được hưởng chế độ bảo hộ LĐ, BHXH. Trong khi đó, mức xử lý cao nhất hiện nay với các DN vi phạm là phạt hành chính với mức phạt cao nhất chỉ 30 triệu đồng/vụ”.
Vì thế, người LĐ đang làm trong các môi trường có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp không hề biết quyền lợi của mình dẫn đến bị chủ DN “lợi dụng”. Mặt khác, cơ quan chức năng lại quá thờ ơ đến vô trách nhiệm khiến sức khỏe và tính mạng của người LĐ đang bị coi thường.
Bảo Thiên
Nguồn: Bỏ rơi tính mạng người lao độngTNO