(Dân Việt) - “Thằng Hiển” mới 2 tuổi rưỡi đã biết ôm súng của mẹ hát bài đánh Mỹ, sau nửa thế kỷ gặp lại, Hiển ngọng giờ là... tay nhậu “có số má” trong làng tiên tửu xứ Cầu Kè.
Chị Út Tịch là nhân vật nổi tiếng trong tác phẩm Người mẹ cầm súng của nhà văn Nguyễn Thi. Tác phẩm này nhà văn không hề hư cấu mà đưa nguyên xi những gì thực nhất vào chuyện.
Gần nửa thế kỷ sau khi tác phẩm ra đời, xã Tam Ngãi (huyện Cầu Kè - Trà Vinh) quê hương chị Út Tịch đã thay da đổi thịt, nhưng 2 người con trai của chị Út lại nghèo rớt mồng tơi...
Nhiều bạn đọc vẫn nhớ như in nhân vật “thằng Hiển ngọng” trong Người mẹ cầm súng với câu hát cửa miệng “Ang em ta như ạn con ùi; nó có dúng mình có dao găm; nó éo cò thì mình ảy ô đâm”. “Thằng Hiển” ngày nào giờ đã là người đàn ông trung niên 50 tuổi, đang sống tại nơi chôn nhau cắt rốn ngày nào.
Nhiều bạn đọc vẫn nhớ như in nhân vật “thằng Hiển ngọng” trong Người mẹ cầm súng với câu hát cửa miệng “Ang em ta như ạn con ùi; nó có dúng mình có dao găm; nó éo cò thì mình ảy ô đâm”. “Thằng Hiển” ngày nào giờ đã là người đàn ông trung niên 50 tuổi, đang sống tại nơi chôn nhau cắt rốn ngày nào.
Làm khách nhà “Hiển ngọng”
Từ TP.HCM, băng qua Long An, Tiền Giang, qua cầu Rạch Miễu của Bến Tre rồi qua phà Cổ Chiên để đi huyện Cầu Kè là con đường ngắn nhất để đến quê hương Tam Ngãi của chị Út Tịch. Cách đây hơn chục năm, từ TP.HCM muốn đi Tam Ngãi phải vượt quãng đường gần 250km, nay nhờ có cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, đường đi rút ngắn gần 100km. Nói thế để thấy sự thay da đổi thịt từng ngày trên vùng đất ĐBSCL này.
Trên đường xuôi về vùng đất nổi tiếng trong tác phẩm Người mẹ cầm súng mà hồi còn học ở bậc phổ thông cơ sở, tôi gần như thuộc nằm lòng, nhiều lần tôi chợt bật cười một mình khi nhớ tới nhân vật “thằng Hiển” mới 2 tuổi rưỡi đã biết ôm súng của mẹ hát bài đánh Mỹ. Trong đầu tôi cứ miên man suy nghĩ, “thằng Hiển” ngày xưa không biết bây giờ ra sao?
Chuyện nhậu của anh Hiển thì khỏi phải nói, vì theo lời người dân ở thị trấn Cầu Kè, anh là tay nhậu “có số má” trong làng tiên tửu xứ Cầu Kè.
Đến huyện Cầu Kè, hỏi nhà anh Hiển - con chị Út Tịch, ai cũng chỉ rành rọt: “Nhà Lâm Thanh Hiển đối diện cổng nghĩa trang liệt sĩ huyện Cầu Kè. Nhà chính của anh Hiển nhỏ xíu, mái lá xen với tôn xập xệ. Kế bên là dãy nhà cấp 4 gồm 5 phòng nằm khuất trong vườn nhãn, ở cổng gắn cái biển hiệu to đùng ghi nhà trọ Thanh Hiển”.
Tôi định bụng ghé nhà anh Hiển vào buổi chiều để có thể ngồi “lai rai” với anh. Thế nhưng dự định đó đã không thành khi tôi đăng ký thuê phòng tại đây và gặp cô “tiếp tân” là đứa bé tên Quyên Quyên chỉ mới 10 tuổi.
Tôi hỏi: “Ba Hiển đâu?”, cô bé đáp: “Ba con nhậu say ngủ rồi”.
Chuyện nhậu của anh Hiển thì khỏi phải nói, vì theo lời người dân ở thị trấn Cầu Kè, anh là tay nhậu “có số má” trong làng tiên tửu xứ Cầu Kè.
Sau khi nhận phòng, tôi đi thử một vòng qua quan sát dãy nhà trọ “siêu bình dân” (giá 60 ngàn đồng/ngày) của anh Hiển. Các phòng đều khá nhỏ, không có cửa sổ, cửa chính không có khóa, chỉ có chốt bên trong. Đi hết dãy phòng, tôi phát hiện mình là lữ khách duy nhất của nhà trọ Thanh Hiển…
Hiển của đời thường
Có lẽ do vẫn còn mệt vì độ nhậu ngày hôm trước nên mãi đến 7 giờ sáng ngày hôm sau tôi mới được “diện kiến” nhân vật từng gây ấn tượng cho mình hồi còn tuổi học trò. Ngồi trước mặt tôi là “thằng Hiển ngọng” bằng da, bằng thịt giờ đã là một người đàn ông trung niên tuổi 50.
Hai bố con Lâm Thanh Hiển. |
Màu da ngăm đen sạm nắng, hai tay có nhiều sẹo nên trông rất ấn tượng, lại thêm khuôn mặt hơi lạnh lầm lì, khác hẳn với “thằng Hiển ngọng líu” ngày xưa từng khiến người đọc cười rũ rượi.
Thế nhưng, khác hẳn với bề ngoài trông có vẻ xù xì, anh Hiển khá cởi mở và thân thiện với người bạn xa lạ là tôi. Chỉ qua vài câu xã giao, anh đã ngoái cổ vào nhà kêu vợ: “Bắt con gà nấu cháo em ơi, nhà có khách, nói chuyện suông coi bộ hổng được”.
Thấy tôi xua tay từ chối, vợ anh Hiển cười xòa: “Nghèo thì nghèo, có khách thì gà mái đang ấp trứng cũng phải thịt chớ!”. Nói xong, đã nghe tiếng con gà kêu cái quác vì bị chộp ngay lưng…
Theo lời anh Hiển, mẹ anh sinh tổng cộng 8 người con, nhưng chỉ có anh và người em tên Lâm Thanh Hùng là con trai, còn lại toàn gái. Nhắc lại chuyện cũ, anh Hiển gần như thuộc làu làu, nhất là đoạn nói về cha mẹ cưới nhau trong tác phẩm Người mẹ cầm súng.
Mãi đến khi Út tham gia đánh đồn, được anh Tịch hướng dẫn cách ném lựu đạn, Út mới ưng anh Tịch vì lý do đơn giản: “Cái tướng chọi lựu đạn coi ngon vậy thì đánh giặc giỏi”. Vậy là năm 1951, họ thành vợ thành chồng. Năm 1961, Lâm Thanh Hiển ra đời. Trước Hiển, chị Út đã sinh 5 người con (1 đã mất từ nhỏ) nên Hiển được coi là thứ “cậu Bảy” trong gia đình (ở miền Nam, con đầu là thứ hai).
Sau khi sinh Hiển, chị Út Tịch sinh thêm đứa con trai tên Lâm Thanh Hùng (năm 1962) và Lâm Thị Xuân Hồng (đã có gia đình ở tại Cầu Kè). Khi cô út Xuân Hồng sinh ra được 14 ngày thì chị Út Tịch hy sinh tại Gò Quao - Kiên Giang do bom B.52 Mỹ ném ngày 27.11.1968.
Trong trận đánh này, Xuân Hồng bị bom hất xa hàng chục mét nhưng may mắn không bị thương, chỉ bị vài vết trầy xước nhẹ trên da. “Nghĩ mà thương ông già tui quá, con út (Xuân Hồng – PV) mới 14 ngày tuổi, y như con mèo hen mà ổng cho uống nước cơm, rồi đi bú nhờ mà vẫn lớn như thổi” - Bảy Hiển bồi hồi nhớ lại.
--------------
Hữu Danh
Nguồn-Dân Việt-Bài 2: Ăn nhờ ở đậu... trên quê hương
-(Dân Việt) - 36 năm sau giải phóng, Lâm Thanh Hiển và em trai Lâm Thanh Hùng vẫn sống tại quê nhà. Thế nhưng cả hai đều được coi là ở “lậu” bởi có nhà nhưng không có đất.
Dù đất mà hai người con chị Út Tịch ở ổn định, không ai tranh chấp đã hàng chục năm qua nhưng vẫn không được cấp sổ đỏ…
Đôi mắt u buồn, anh Hiển hồi tưởng: “Hồi đó má tui như mèo tha con đi gởi khắp nơi. Mấy chị em tui cứ sống lăn lóc như củ khoai lang thả dưới đất. Tôi không nhớ nổi mình có bao nhiêu bà nội, bà ngoại mà mình từng chịu ơn vì đã cưu mang chị em tui”.
Anh Hiển và các con thắp hương cho chị Út Tịch. |
Tuổi thơ dữ dội
Cùng hoàn cảnh như Hiển, Hùng cũng được gửi và phải bú nhờ hàng chục bà mẹ khác nhau cho tới lúc biết ăn giặm, ăn độn. “Tui thì được đưa đi hết nhà này tới nhà khác, nửa đêm thức dậy có người đưa xuống xuồng đi nơi khác. Một lần đang ở nhà má Năm tận Kiên Giang, ba tui ghé thăm, bồng ôm một cái, ba khóc rồi đi. Tui hỏi má Năm tại sao anh bộ đội khóc? Tui không biết đó là ba mình” - anh Hùng chùng giọng, kể.
Chỉ tay ra dòng sông Cầu Kè đang chảy lững lờ, anh Hiển bồi hồi nhớ lại: “Ba hay bốn tuổi gì đó tui đã biết đeo cứng má “như băng đạn trên thắt lưng”, má vắng nhà là tui nhớ chịu không nổi. Lần đó, hai má con ngủ chung đến nửa đêm, má lén dậy hun tui một cái rồi nhẹ nhàng lấy đai thắt lưng, cắp súng nhảy xuống vỏ lãi.
Tôi tỉnh dậy, chạy băng băng theo bờ kinh đón đầu. Đến cây cầu khỉ, tui nắm hai tay vào thanh cầu, thả người thòng xuống kinh. Khi vỏ lãi vừa lướt tới, tui buông tay rớt cái bịch xuống sàn vỏ lãi.
Hai má con ôm nhau khóc suốt, rồi má dỗ dành, năn nỉ con ngủ để má đi đánh giặc, mấy hôm lại về. Ai ngờ đó cũng là lần cuối cùng, mẹ ra đi vĩnh viễn không bao giờ về nữa…” - kể đến đây, đôi mắt của Hiển đỏ hoe.
Sau khi mẹ hy sinh, anh em Hiển được gửi nhờ khắp nơi, không ai gặp mặt ai. Năm 1970, Hiển và Kim Anh được Quân khu 9 bí mật đưa ra Hà Nội. Do hai chị em đều được tổ chức đưa đi riêng rẽ nên mãi đến khi tập trung tại Trường Học sinh miền Nam số 8 ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), hai người mới gặp nhau.
Ngày 14.5.1974, Huyện đội phó Cầu Kè - anh Lâm Văn Tịch hy sinh tại quê nhà. Hiển và Kim Anh đang học ở Liên Xô không hay tin cha mất. Các người con khác ở quê nhà, gởi tứ tán các cơ sở nuôi nên cũng không biết tin cha hy sinh…
Ở “lậu” trên quê hương
Tháng 9.1975, Kim Anh và Hiển từ Liên Xô trở về. Mấy chị em gom nhau lại vì có người chưa nhớ, chưa biết mặt nhau bao giờ. Cuộc đời của nữ Anh hùng Út Tịch đi đánh giặc triền miên, đàn con tứ tán, tìm hơi ấm trong vòng tay những đồng chí, đồng đội.
Năm 1977, Hiển và Hùng tiếp tục học Trường Thiếu sinh quân Quân khu 9. Rời trường, Hiển về quân khu, rồi chuyển về làm Thuế vụ tỉnh Cửu Long (cũ). Ở cơ quan này không bao lâu, Hiển chuyển tiếp về Phòng Chính trị Tỉnh đội Trà Vinh, sau đó về làm Phó Công an thị trấn Cầu Kè. Năm 2000, sau một tai nạn suýt chết, Hiển nằm viện hơn hai tháng rồi nghỉ việc.
Tháng 9.1975, Kim Anh và Hiển từ Liên Xô trở về. Mấy chị em gom nhau lại vì có người chưa nhớ, chưa biết mặt nhau bao giờ. Cuộc đời của nữ Anh hùng Út Tịch đi đánh giặc triền miên, đàn con tứ tán, tìm hơi ấm trong vòng tay những đồng chí, đồng đội.
Dẫn chúng tôi đi thăm mảnh vườn rộng khoảng 2.000m2 đất ngay trước Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cầu Kè (thị trấn Cầu Kè), anh Hiển kể: “Má và ba tui đều yên nghỉ nơi đây, ngày nào tui cũng có thể nhang khói. Miếng đất này, tui xin ở từ thời còn công tác ở Tỉnh đội, cất nhà ở khoảng năm 1988. Nhưng nhiều năm nay, tui vác đơn đi khắp nơi xin được cấp giấy đỏ nhưng cho đến nay không một ai trả lời, thành ra tôi coi như đang ở “lậu” trên mảnh đất này”.
Thì ra căn nhà mà anh Hiển đang ở chỉ là nhà tạm vì đất không có chủ quyền. Thương anh túng thiếu, những người thân trong gia đình giúp vốn để anh mở 5 phòng trọ bình dân. Dãy phòng trọ này cũng là cất lậu vì đất không có giấy!
Còn anh Lâm Thanh Hùng khoảng năm 1987 cũng về lại quê mẹ ở Tam Ngãi cất nhà sinh sống. Năm 1988, ngân sách địa phương hỗ trợ cất nhà làm nơi thờ cúng chị Út Tịch, anh Hùng là con trai út nên được các chị và anh trai “ưu tiên” cho ở căn nhà này. Cho đến nay, anh Hùng đã ở ổn định tại đây suốt 23 năm nhưng vẫn không được cấp sổ đỏ.
“Tui là người ăn nhờ ở đậu trên chính ngôi nhà của mình, vì làm đơn xin hợp thức hóa giấy tờ đất nhiều lần mà không được” - anh Hùng chua chát.
Trao đổi với Dân Việt, ông Huỳnh Văn Giàu - Chủ tịch UBND xã Tam Ngãi cho biết, đất mà anh Hùng đang ở đủ điều kiện cấp giấy, địa phương đã kiến nghị hợp thức hóa và đang chờ cấp trên xem xét. Trường hợp đất ở của anh Hiển, ông Lưu Văn Nhanh - Chánh Văn phòng UBND huyện Cầu Kè cho biết vẫn chưa thể trả lời chính xác là đất này có hợp thức hóa được hay không.
“Vừa qua, chúng tôi đã cho thành lập đoàn kiểm tra, khảo sát từng trường hợp xem ai đủ điều kiện thì hợp thức hóa. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức về việc này” - ông Nhanh nói.
(Còn nữa)
Hữu Danh
Con chị Út Tịch bây giờ ra sao? -(Dân Việt) - Hai anh em Hiển và Hùng đang là những nông dân “không đất” trên chính mảnh đất ngày xưa mà cha, mẹ của hai anh đã hy sinh xương máu để bảo vệ.
Con chị Út Tịch bây giờ ra sao? -(Dân Việt) - Hai anh em Hiển và Hùng đang là những nông dân “không đất” trên chính mảnh đất ngày xưa mà cha, mẹ của hai anh đã hy sinh xương máu để bảo vệ.
Cha mẹ đều là liệt sĩ, từ nhỏ Bảy Hiển đã được đưa ra Hà Nội học, sau đó đi học ở Liên Xô, Tiệp Khắc, Đông Đức. Thế nhưng “hạt giống đỏ” Lâm Văn Hiển và nhiều người thân của anh đã không thể phát huy được năng lực cá nhân và truyền thống gia đình...
Hiện nay, anh Hiển và các chị em của anh không có ai theo nghiệp chính trị hay con đường binh nghiệp như cha mẹ đã chọn. Cô con gái lớn nhất là Lâm Thị Bé (Bé Ba) - một trong các nhân vật chính trong Người mẹ cầm súng, là người thành đạt nhất trong gia đình. Từng công tác tại Quân y viện 121, giờ chị là bà chủ khách sạn có tiếng ở TP.Vĩnh Long. Ngoài ra, chị Bé Ba còn có sà lan chở cát đường sông.
Anh Hiển bên mớ đơn đi xin cấp giấy đỏ. |
Cô em kế Lâm Thị Mỹ Thanh sống ở TP.Trà Vinh, kinh doanh buôn bán. Cô Lâm Thị Kim Anh sinh sống ở Hòa Ân - Cầu Kè - quê nội. Trước đây, Kim Anh từng công tác ở Hội Phụ nữ huyện Cầu Kè. Cô em út Lâm Thị Xuân Hồng hiện vẫn sống tại xã Tam Ngãi, trong một căn nhà nhỏ nhìn ra bờ sông.
Hai người chật vật với cuộc mưu sinh là hai anh em trai Hiển - Hùng. Nhà trọ mà anh Hiển đang kinh doanh chỉ có khách vào dịp lễ hội, còn quán giải khát thì mấy năm nay không kinh doanh gì được do đường đang thi công, bụi mù trời nên chẳng khách nào dám ghé.
Theo anh Hiển, ngoài thu nhập ba cọc ba đồng từ dãy nhà trọ, anh còn đi thu mua cây kiểng rồi bán lại để kiếm thêm thu nhập. “Miếng đất mà gia đình tui đang ở không có tờ giấy lận lưng nên muốn làm ăn việc gì cũng khó. Ngay cả dãy nhà trọ mà chị Bé Ba cho tiền xây cất, tui cũng không biết sẽ bị phá dỡ vào lúc nào vì xây dựng không phép và trên đất mà địa phương nói là của họ” - anh Hiển cười buồn.
Vợ chồng anh Hùng có hơn sào đất trồng bưởi, cam, nuôi cá nhưng không đủ sống. Anh Hùng phải chạy thêm xe ôm, còn vợ thì đưa đò để kiếm thêm thu nhập. Nếu như ngày xưa, Bé Ba thay mẹ ẵm bồng các em, rồi còn đi giao liên thì ngày nay, cũng chính Bé Ba là người “đỡ đầu” cho các em và cháu là con của Hiển, Hùng, Kim Anh làm việc tại Vĩnh Long.
Do cuộc sống khó khăn nên con của anh Hiển và Hùng đều không được học hành đến nơi đến chốn. Hiện nay, 3 đứa con lớn của anh Hiển đều đã nghỉ học, đứa làm cho chị Bé Ba, đứa ở nhà làm nông. Còn con anh Hùng, nghỉ học từ năm lớp 8, đang học nghề ở tận Cần Thơ.
Hạt giống không thành cây
Trong tác phẩm Người mẹ cầm súng, nhiều bạn đọc rất muốn một cái kết có hậu cho các con của chị Út Tịch - nhất là đối với nhân vật đặc biệt dễ thương “Hiển ngọng”. Hiển được ra miền Bắc đi học từ năm lên 10 tuổi (1970).
“Hồi đó còn thiếu thốn, nhiều học sinh rất ngán việc ăn độn bo bo, khoai lang trong khẩu phần ở trường. Thế nhưng đối với đứa trẻ hiếm khi có được bữa no như tui thì đó là những bữa ăn ngon nhất. Học xong sơ cấp rồi trung cấp chính trị, chị em tui lại được đưa đi nước ngoài học tiếp cho đến ngày giải phóng thì về” - anh Hiển kể.
Theo lời anh Hiển, hồi còn ở Cầu Kè anh không được học hành gì nên mãi 10 tuổi, ra Bắc mới được học lớp 1. Chiến tranh ác liệt, di chuyển liên miên, có khi 1 tháng học chỉ được 2 buổi, có khi 1 năm phải học 3 - 4 lớp nên kiến thức của Hiển cứ vụn vặt, chắp vá. Anh rời miền Bắc đi “du học” khi có trình độ lớp 6.
Từ Liên Xô trở về, anh tiếp tục học ở Cần Thơ đến hết lớp 8, rồi về Tiền Giang học tới lớp 10… Làm việc không ổn định ở cơ quan nào nên anh Hiển cũng không được cất nhắc, đề bạt.
“Bạn bè học cùng với tui ngày xưa ở Trường Học sinh miền Nam giờ hầu hết đều là cán bộ chủ chốt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Năm nào cũng họp mặt, tui là người nghèo nhất nhì trong nhóm. Gặp lại bạn cũ, đứa giàu giúp cho đứa nghèo, ăn với nhau bữa cơm, nhậu với nhau một bữa ôn lại chuyện cũ rồi lại chia tay…” - anh Hiển kể.
Theo lời Hiển, có lẽ anh không có số thăng tiến nên công việc cứ lận đà lận đận cho tới ngày anh nghỉ việc. Năm 2000, khi đang là Phó Công an thị trấn Cầu Kè, Hiển bị tai nạn giao thông suýt chết. Lần đó, anh và nhóm bạn tổng cộng 9 người sau khi cưa hết lít rượu đế chưa đủ đô nên kéo nhau đi uống bia. Trên đường đi gặp trời dông, anh phóng khá nhanh lấn sang phần đường bên kia và tông phải một người đi ngược chiều.
“Tui thì lấn tuyến, còn anh kia thì xỉn mà xe không có đèn nên cuối cùng không ai đền ai, thân ai nấy lo, xe ai nấy sửa” - anh Hiển nói.
Chị Út Tịch tên thật là Nguyễn Thị Út - sinh ngày 19.4.1931, tại xã Tam Ngãi, quận Cầu Kè, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh). Năm 1950, chị lập gia đình với anh du kích Lâm Văn Tịch - người Khmer. Chị Út Tịch trở thành Anh hùng Lực lượng Vũ trang giải phóng miền Nam. Chị tham gia 23 trận đánh lớn nhỏ, góp phần quan trọng cùng đơn vị diệt và làm tan rã trên 200 tên giặc, thu 70 súng...
Sau hơn 2 tháng xuất viện trở về nhà, chán quá không biết làm gì, anh Hiển chuyển sang... nhậu để giết thời gian. Rượu cứ kéo chìm anh xuống, có ngày anh nốc vô bao tử cỡ... lít rưỡi nên sức khỏe yếu dần. “Tui nhậu tới mức các anh lãnh đạo địa phương sợ tui chết, phải xuống nhà... vận động cho tui bớt nhậu” - anh Hiển cười nhớ lại.
Hiện nay, hai anh em Hiển và Hùng đang là những nông dân “không đất” trên chính mảnh đất ngày xưa mà cha, mẹ của hai anh đã hy sinh xương máu để bảo vệ. Đã có dự án xây dựng Khu tưởng niệm chiến tích oai hùng của nữ Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Thị Út và Đảng bộ nhân dân xã Tam Ngãi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Tam Ngãi, huyện Cầu Kè. Dự án với tổng vốn hàng chục tỷ đồng này dự kiến xây dựng trên diện tích 1,4 ha, ngay nền ngôi nhà cũ của chị. Thế nhưng đến nay, dự án vẫn đang nằm trên giấy.
Hữu Danh