-(Dân Việt) - Ông Nguyễn Trần Bạt - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Investconsult Group trao đổi về hiện tượng người Trung Quốc “núp bóng” người dân địa phương tại Việt Nam để đầu tư sản xuất nông nghiệp, tận thu nông sản.
Vừa qua, Dân Việt đã phản ánh hiện tượng thương nhân Trung Quốc ồ ạt thu gom nông sản và mấy ngày qua lại xuất hiện tình trạng người Trung Quốc núp bóng dân địa phương thuê lại đất để làm nông nghiệp ở tỉnh Vĩnh Long.
Hiện tượng phổ biến!
Về hiện tượng thu mua nông sản của thương lái Trung Quốc, ông đã cho rằng có những dấu hiệu không bình thường. Vậy với diễn biến mới là họ “núp bóng” nông dân VN để thuê đất sản xuất nông nghiệp, ông có cho rằng đó cũng là hiện tượng không bình thường?
- Tôi thấy cần phải nói rõ hơn những vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Các bạn biết rằng Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp Quốc đã cảnh báo nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu trong tương lai.
Ông Nguyễn Trần Bạt |
Ai cũng biết rằng Trung Quốc là một nước dân số đông, nhu cầu phát triển các nguồn nông sản trở thành nhu cầu sống còn đối với sự tồn tại của đất nước họ. Vì thế, họ không chỉ thuê đất để trồng hoa màu, trồng lương thực ở Việt Nam, mà là khắp thế giới, ở Nam Mỹ, ở châu Phi...
Hiện tượng thuê đất để trồng hoa màu, trồng cây lương thực là một hiện tượng phổ biến của người Trung Quốc mà chúng ta ít để ý. Dư luận trong nước chỉ để ý chủ yếu đến khía cạnh lãnh thổ mà dường như quên mất khía cạnh lương thực. Có lẽ đấy cũng là một nhược điểm trong nhận thức của chúng ta đối với việc bảo vệ chủ quyền, bảo vệ quyền lợi, hay bảo vệ không gian sống của người Việt.
Ông có thể nói rõ hơn về khía cạnh giải quyết vấn đề lương thực trong hoàn cảnh này?
- Đấy là một sự tranh giành không gian sống, cụ thể ở đây là đời sống lương thực, cho nên phải nâng cao cảnh giác và phải lựa chọn một thái độ thích hợp. Nhân loại đã giải quyết vấn đề lương thực toàn cầu thông qua việc tự do hoá thương mại và lương thực. Có lẽ nhân loại cũng sẽ có một biện pháp khái quát cho vấn đề thuê đất trồng lương thực toàn cầu.
Xã hội chúng ta luôn luôn hiểu thuê đất để trồng lương thực như một xu hướng lấn chiếm, như một xu hướng xâm phạm lãnh thổ, tức là chúng ta để ý đến khía cạnh chủ quyền hơn khía cạnh không gian sống. Cho nên về chuyện này cách nhìn nhận và ứng xử cần phải được thể hiện một cách tinh tế.
Vậy theo ông, chúng ta cần phải nhìn nhận yếu tố tích cực và tiêu cực đối với vấn đề này như thế nào?
- Tích cực hay tiêu cực là tuỳ thuộc vào quan niệm của chúng ta. Thứ nhất, không gian sống hiện có của người Việt là không rộng, vì thế người Việt phải giữ gìn, phải bảo quản các không gian sống, trong đó không gian nông nghiệp là một không gian quan trọng. Hiện nay, chúng ta đang lãng phí không gian nông nghiệp để dành cho những không gian thu lợi nhanh hơn, ví dụ biến đất nông nghiệp thành sân golf chẳng hạn.
Hiện tượng cho thuê đất mà không tự canh tác thể hiện sự lười biếng, nó vừa làm hỏng lực lượng nông dân, vừa hạn chế không gian nông nghiệp. Chúng ta vừa tự thu hẹp mình, vừa nhường các không gian sống cho người khác. Đó là cả một vấn đề.
Từ chỗ thuê đất và thuê người trồng, đến chỗ thuê đất để tự trồng là thay đổi một cách khôn khéo và từ từ cấu trúc dân cư. Thậm chí trong khu vực nông thôn hiện tượng này mà lan ra ở quy mô rộng thì nó còn làm thay đổi cấu trúc văn hoá. Thay đổi cấu trúc văn hoá là thay đổi nguồn gốc của lòng yêu nước. Tác hại ấy còn dài, còn lâu, nhưng với tư cách là nhà quản lý, nhà khoa học, chúng ta phải để ý đến chuyện này một cách thấu đáo.
Lo ngại về “thửa ruộng gần”
Từ chuyện mua gom nông sản đến "đặt hàng" nuôi trồng nông sản, và giờ là thuê đất thì chúng ta nên coi tính chất, mục đích của họ đã thay đổi ra sao, thưa ông?
- Đó là một hệ thống các hành vi. Như tôi đã phân tích, hệ thống các hành vi ấy có phải là âm mưu chính trị hay không hay nó chỉ là bản năng kinh doanh thông thường. Với một đà như thế này thì từ sản phẩm cho đến ruộng đất, từ đất canh tác công nghiệp là rừng cho đến đất canh tác cây lương thực đều có vấn đề cả. Vậy thì một người vô tâm cũng dễ dàng nhận thấy là có một chiến lược.
Chiến lược ấy có chất lượng như thế nào, có ý đồ sâu sắc như thế nào, có tham vọng lâu dài như thế nào thì buộc chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc. Rồi sẽ còn bất động sản nữa. Tức là cả đất kinh doanh, cả đất công nghiệp, cả đất trồng rừng lẫn đất nông nghiệp đều có vấn đề.
Hiện nay, chúng ta đang lãng phí không gian nông nghiệp để dành cho những không gian thu lợi nhanh hơn, ví dụ biến đất nông nghiệp thành sân golf chẳng hạn. Hiện tượng cho thuê đất mà không tự canh tác thể hiện sự lười biếng, nó vừa làm hỏng lực lượng nông dân, vừa hạn chế không gian nông nghiệp. Chúng ta vừa tự thu hẹp mình, vừa nhường các không gian sống cho người khác. Đó là cả một vấn đề.
Ông Nguyễn Trần Bạt
Nhiều chuyên gia đã và đang lo ngại về hiện tượng biến châu Phi thành "thửa ruộng riêng" của Trung Quốc, bây giờ đối với chúng ta có nên lo ngại nguy cơ đó hay không?
- Châu Phi là một thửa ruộng rất xa, xa với kinh nghiệm canh tác của người Trung Quốc và xa đối với việc vận chuyển cả người lẫn nguyên liệu của Trung Quốc. Việt Nam là một hàng xóm gần, là một thửa đất liền kề, cho nên nguy cơ (nếu có) với Việt Nam xuất hiện dễ hơn rất nhiều so với châu Phi.
Còn có những cảnh báo gì đáng lo ngại từ hiện tượng này không, thưa ông?
- Điều lo ngại quan trọng ở đây, tôi cho rằng, đó là sự trà trộn trong những cư dân lương thiện thông thường có thể có các yếu tố chính trị. Xưa nay, Đảng ta làm cách mạng lấy nông thôn làm cội nguồn, làm căn cứ địa hoạt động... Thế thì nông thôn có phải là cội nguồn của các lực lượng chính trị khác không? Cái đó có cần để ý không? Chắc chắn là cần để ý.
Với diện canh tác rộng lớn thì phải có cư dân, có cư dân thì có thôn xóm, có thôn xóm là có nơi ẩn náu, hoạt động của mọi lực lượng có thể. Đến lúc nào đấy, nó còn làm thay đổi cả cơ cấu lương thực, làm méo mó định nghĩa về chiến lược lương thực. Bởi vì cây trồng bao giờ cũng xâm nhập lẫn nhau, làm biến dạng giống má và biến dạng kinh nghiệm canh tác của cộng đồng dân cư. Đấy là tác động lớn mà từ bây giờ nếu không có đủ tầm nhìn để thấy điều đấy thì nguy cơ vô cùng lớn.
Hôm nay người ta trồng khoai, nhưng ngày mai người ta trồng cây gì thì không biết mà rất có thể nó lại bán được với giá cao và dân ta sẽ bắt chước phá lúa để trồng (đất nước chúng ta đã từng chịu sự kiện đau thương về phá lúa trồng đay làm 2 triệu người chết đói năm 1945).
Quản lý cây trồng là việc rất quan trọng, bởi cây trồng và phân bón tác động trực tiếp đến chất lượng của đất đai. Và chất lượng của đất đai thì tương tác lẫn nhau, và do đó nó làm méo mó chất lượng thổ nhưỡng. Khi làm méo mó chất lượng thổ nhưỡng tức là nó làm méo mó nền tảng của nông nghiệp Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Hương Thủy (thực hiện-