Một đại diện của Bộ Tài chính mới đây cho biết, trong năm 2011, Bộ dự kiến sẽ thanh tra, kiểm tra 2.600 doanh nghiệp báo lỗ trong tổng 8.600 doanh nghiệp FDI, khi mà hàng loạt doanh nghiệp này đã khai báo lỗ trong nhiều năm qua.
Đến đầu tháng 7 này, Cục Thuế Tp.HCM cũng đã công bố, có hơn 1.300 doanh nghiệp FDI khai có lãi sau khi Cục thực hiện đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá trong năm 2010. Và theo Cục Thuế Tp.HCM, thực trạng chuyển giá đã không chỉ diễn ra tại các doanh nghiệp FDI mà còn lan sang các doanh nghiệp trong nước.
Câu chuyện “lách luật, chuyển giá” vốn đã và đang làm các cơ quan quản lý nhà nước phải đau đầu trong việc thanh kiểm tra, nhưng theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, vấn đề gửi giá hiện nay còn phức tạp hơn nhiều.
Trao đổi với VnEconomy về thực trạng gửi giá, bà Cúc nói:
"Thực ra, với chuyển giá thì có nhiều phương pháp để làm nhưng gửi giá thì phức tạp hơn nhiều. Vì người ta hợp thức hóa chứng từ, cơ quan chức năng phải tìm đến nơi nhận mua bán mới phát hiện ra được.
Tôi lấy ví dụ, một công ty mua một loại hàng hóa 2 triệu USD, mọi khâu từ chuyển tiền, hoạch toán sổ sách, nhận hàng vẫn đủ. Bên mua hàng thì trả 2 triệu USD nhưng cái giá thật của hàng hóa đó thì có thể rất rẻ. Và bên bán lại chuyển một phần lại, khoảng 10% cho bên ký hợp đồng.
Như vậy, chuyển giá là vẫn đảm bảo chuyển lợi nhuận sang các quốc gia khác còn ở đây gửi giá là một hình thức tham nhũng".
Cụ thể, cách thực hiện gửi giá ở đây là như thế nào, thưa bà?
Tôi lấy thêm ví dụ, như vấn đề đền bù đất đai hoặc xây dựng cơ bản bây giờ, việc chuyển giá và gửi giá đang là rất nhiều ở Việt Nam. Thay vì mua hoặc thỏa thuận sửa chữa cái này là ngần ấy tiền nhưng mà tiền có thể nâng thêm một chút, chi phí ngân sách nhà nước và doanh nghiệp thì vẫn như vậy nhưng chi phí rút ra trong phần đó lại là người ký kết hợp đồng đó được hưởng hoặc nhóm người hưởng.
Nhìn những công trình xây dựng thất thoát vẫn hoàn thành nhưng chất lượng thì giảm. Chất lượng giảm thì chính là những cái thất thoát nguyên vật liệu sắt thép. Thất thoát đó là trong tiền cấp ra và trong cả tiền thuế.
Ví dụ đối với sản phẩm sắt thép với quy định là 20 tấn, nhưng lại chỉ có 10 tấn, hoặc thay vào đó là những cái khác hoặc chủng loại khác nhưng chứng từ giả hoàn thuế vẫn đủ 20 tấn. Ở đây, người ta dùng các chứng từ khống để khấu trừ thuế đầu vào. Như vậy là thất thoát thuế, thất thoát của tiền cấp phát để mua 20 tấn thép đó. Và thất thoát này là không thể quản lý được.
Hoặc có những tài khoản chuyển tiền, sau khi chuyển tiền tất cả, tức lượng tiền đã được chuyển vào tài khoản (lượng tiền đến - PV) thì từ tài khoản đó lại có tình trạng chuyển tiền ngược lại tài khoản của một vài cá nhân khác. Đó là dấu hiệu gửi tiền trong mua bán.
Điều này cho thấy, đó không chỉ là chuyển giá không đúng với giá thị trường mà còn là gửi giá. Vì thế, cần phải phối hợp giữa các cơ quan thuế, kiểm toán, cơ quan thanh tra để kiểm tra hoặc thậm chí có những trường hợp phải phối hợp thuế các nước để đối chiếu thì mới làm được.
Nhưng hiện tượng doanh nghiệp gửi giá hiện nay, theo bà có nhiều không?
Nhiều chứ. Khó có thể có con số thống kê cụ thể và cũng khó có thể xác định được con số cụ thể thất thoát ngân sách nhà nước là bao nhiêu.
Cũng có người cho rằng là 10% - 20% hay 30%.
Còn thực tế, ngay như số lượng doanh nghiệp được kiểm toán thuế không nhiều, kể cả thanh tra thuế thì cũng chỉ dược khoảng 10%. Rất thấp.
Hiện số lượng cán bộ thuế tất cả là 42.000 cán bộ, số lượng kiểm toán thì cũng ít, còn số lượng doanh nghiệp là trên 500.000. Nhưng có điều là trong phạm vi năm năm, nếu doanh nghiệp lập báo cáo rồi mà mình kiểm tra kiểm soát phát hiện ra sai phạm thì truy thu tiền phạt trong vòng 5 năm đó, còn người ta không lập báo cáo thì có thể truy thu vĩnh viễn. Nhưng rõ ràng, chờ đợi để lập lại thì rất khó.
Vậy theo nhìn nhận của bà, số doanh nghiệp gửi giá thường hay rơi vào thành phần doanh nghiệp nào?
Nếu bản thân doanh nghiệp là của bạn thì việc gì bạn phải gửi giá!
Vậy vấn đề đặt ra với các cơ quan chức này là như thế nào, thưa bà?
Như các giải pháp tôi vừa nói ở trên, thì thanh tra, kiểm toán không chỉ là làm số thu tăng lên mà còn phải tìm, chỉ ra những sai phạm để giúp họ sửa chữa, chấn chỉnh, như thế mới giảm thiểu được rủi ro. Còn nếu mình cứ để cho người ta tự do làm, không có kiểm tra kiểm soát thì sẽ không hạn chế được và thất thoát sẽ tăng.
Lee
09:51 (GMT+7) - Thứ Tư, 13/7/2011
42.000 cán bộ thuế. Năng lực yếu kém hay do pháp luật không đủ nghiêm mình, làm tăng tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp nên không thể quản lý được?
Tôi thấy cán bộ thuế không thiếu nhiều nhưng các vị vẫn kêu ca mà là do 2 nguyên nhân chính:
- Trình độ, năng lực của cán bộ thuế còn thấp, không đảm bảo được khả năng làm việc.
- Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan còn có quá nhiều lỗ hổng nên doanh nghiệp mới khai thác được để làm chuyện đó. Đặc biệt là ý thức "thượng tôn pháp luật" của người Việt lại quá thấp, tham nhũng thì triền miên dẫn đến doanh nghiệp phải lách luật.
Thử hỏi, trong xây dựng cơ bản hiện nay, tỷ lệ tham nhũng là bao nhiêu? Bên thi công phải cắt cho chủ đầu tư là bao nhiêu? 5, 10, 15, 20% hay còn cao hơn nữa?
Tình trạng xây dựng cơ bản hiện nay đã thể hiện điều đó!
Nguồn-”VnEconomy