Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Hạ Cánh Nặng Nề (Phần V)

-Hạ Cánh Nặng Nề (Phần V)
Thương Dăng chuyển ngữ - Ngày 20110728

Vì Sao Kinh Tế Trung Quốc Đang Hạ Cánh Nặng Nề 

 Ụp nồi cơm toàn cầu...

Why China’s Heading for a Hard Landing, Part 5
By A. Gary Shilling - Jun 30, 2011



Đây là bài sau cùng trong một loạt năm bài của ông A. Gary Shilling mà Thương Dăng đã phiên dịch lại với một số hiệu đính của ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Nhờ việc tìm hiểu để phiên dịch mà mình cũng hiểu thêm được nhiều chi tiết chuyên môn, và nhất là cơ sở lý luận của tác giả A. Gary Shilling. Xin trân trọng cảm tạ quý vị đã theo dõi.  TD


Cú hạ cánh nặng nề của Trung Quốc mà tôi tiên lượng có thể sẽ làm xì quả bong bóng thương phẩm toàn cầu - hiện có dấu hiệu cho thấy nó đã căng hết cỡ [1].

Giá nông sản đã tăng vọt, do nhu cầu lương thực bùng phát, cùng thời tiết xấu hồi năm ngoái ở Nga, đợt lụt lội gần đây ở Úc Đại Lợi, và tình trạng khô hạn và nóng bức do hiện tượng La Nina ở Á Căn Đình (Argentina).

Thị trường thương phẩm kim loại công nghiệp như đồng đã bùng phát dữ dội. Các loại quý kim khác, như bạc, cũng vậy.

Nhưng lý do chính của việc giá thương phẩm nhảy vọt chính nằm ở các nhà đầu tư và giới đầu cơ khác.

Các quỹ đầu tư đơn nguyên (ETF) [2] hiện đã siết chặt phần lớn nguồn thực cung về vàng và các loại kim loại quý khác. Tính đến tháng Mười 2010, loại hợp đồng có kỳ hạn [3] trong tay giới đầu cơ đã tăng 12%, với sự tăng vọt các thương vụ đầu cơ giá lên [4] trên thị trường dầu thô, đồng và bạc. Chính là sự giao động giá cả này buộc các (quỹ) đầu tư vào thị trường tương lai phải tăng số tiền ký quỹ có tính bắt buộc với một số loại thương phẩm.

Giới đầu cơ trước nay vẫn tin tưởng rằng, về căn bản, Trung Quốc chắc sẽ tiếp tục mua gần như mọi loại thương phẩm với số lượng lớn. Ví dụ như, từng có tin đồn rằng Trung Quốc đã lại thu mua dầu để làm quỹ dự trữ xăng dầu khẩn cấp [5] trong 6 tháng đầu năm nay.

Tôi đã nghiên cứu nhiều nền kinh tế bong bóng suốt bao nhiêu năm qua, và tập trung vào việc dự đoán kết cuộc của họ. Thị trường thương phẩm cho thấy đủ dấu hiệu của tình trạng bong bóng này.



Đất hiếm [6] xuất cảng

Năm rồi Trung Quốc còn khiến thị trường thương phẩm lên thêm cơn sốt, sau khi họ cắt giảm trữ lượng xuất cảng kim loại dạng đất hiếm, vốn được dùng trong các thiết bị quốc phòng, điện thoại cầm tay, vô tuyến truyền hình và các loại pin dùng kỹ nghệ cao. Trung Quốc hiện cung cấp 95% các thành phần kim loại quý này, trong đó họ tiêu thụ đến 60%, phần còn lại để xuất cảng. Sản lượng đất hiếm xuất cảng của xứ này đã giảm 9% hồi năm 2010, nhưng vẫn còn cao hơn định mức của chính phủ nước này đặt ra đến 1/3.

Trong hai quý đầu năm này, nhà chức trách Trung Quốc đã cắt giảm định mức xuất cảng xuống 35% so với cùng kỳ năm trước. Các nhà sản xuất thiết bị kỹ nghệ cao của Nhật Bản đang tìm nguồn cung thay thế. Dĩ nhiên, Trung Quốc vẫn khăng khăng rằng việc siết chặt lại định mức xuất cảng này không liên quan gì đến quan hệ mua bán hiện tại cũng như mấy vụ “cãi vả” mang tính chính trị với Nhật Bản [7]. Giới lãnh đạo Trung Quốc còn khẳng định, việc tiết giảm là cần thiết, nhằm duy trì độ tăng trưởng cho nền công nghiệp chế biến đất hiếm [8] cũng như giải quyết sự thiệt hại môi trường do việc khai thác mỏ gây ra.

Giới đầu cơ đã bắt đầu gom hàng dự trữ trước chứng cứ cho thấy sự hạ cánh nặng nề của kinh tế Trung Quốc, và giá cả thương phẩm (nguyên liệu) công nghiệp, bao gồm cả đồng, đang chao đảo. Cũng y như trước đây, những lời cảnh báo về sự thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu công nghiệp thiết yếu hiện trở nên cực kỳ mâu thuẫn trước vô số thương phẩm đang được tích trữ.


Nguồn cung tùy thời tiết


Giới chế biến nông sản thường chịu sự ảnh hưởng của nhu cầu lương thực toàn cầu và nguồn nguyên liệu thay đổi theo thời tiết. Tôi sẽ nhường việc dự báo thời tiết cho người khác. Chỉ xin lưu ý rằng, điều kiện thời tiết lý tưởng cho việc trồng trọt bao giờ cũng đi theo giai đoạn thời tiết xấu mà chúng ta đã chứng kiến gần đây, và các vụ mùa bội thu và nông sản dôi dư thường làm tan biến nỗi lo thiếu hụt trong một vài niên vụ.

Ngoài ra, Trung Quốc đang nhập cảng (và có thể đã dự trữ) đậu nành cùng các nông sản khác vốn có rủi ro bị thiệt hại nếu kinh tế trì trệ. Sự suy yếu (về giá) thương phẩm công nghiệp có thể dễ dàng lan sang khu vực nông nghiệp. Xin chú ý đến tương quan mật thiết giữa tất cả các nhóm thương phẩm trong vài năm gần đây. Những dòng vốn vay đầu tư ngắn hạn có tính đầu cơ cao [9] hiện đang chảy ào ào trên toàn thế giới đều có xu hướng cùng lúc quay về cùng một bên trong một cùng dạng thương vụ.

Một khi giới đầu cơ bị thất thế trên thị trường nào đó, họ sẽ nhanh chóng nhảy ra khỏi thị trường, thường là loại thị trường về căn bản không liên quan đến nơi họ bị lỗ, nhằm bảo toàn nguồn vốn tư bản của họ.


Giới xuất cảng Thương phẩm


Vụ nổ bóng thương phẩm này sẽ là điềm xấu cho các xứ chuyên sản xuất thuộc nhóm quốc gia tân hưng như Ba Tây (Brazil). Tính đến nay, xứ này đã thoát được cơn đại họa tài chính và kinh tế toàn cầu gần đây [10] nhưng vẫn hiện là nước xuất cảng chính yếu loại quặng sắt và các thương phẩm khác vào Trung Quốc. Nhóm quốc gia cựu trào về xuất cảng thương phẩm – như Gia Nã Đại (Canada), Tân Tây Lan (New Zealand) và Úc Đại Lợi - cùng với đồng tiền của họ, cũng có thể bị thiệt hại.

Lâu nay tôi vẫn tin rằng cú hạ cánh nặng nề ở thị trường Trung Hoa sẽ theo sau đợt rớt giá đồng và các thương phẩm công nghiệp khác. Giá đồng đã lên đến đỉnh hồi tháng Hai vừa qua, rồi đến vụ Barrick Gold Corp. (ABX) thỏa thuận tính mua lại Equinox Minerals Ltd., một doanh nghiệp sản xuất đồng, vào ngày 25 tháng Tư vừa qua nhằm giành quyền kiểm soát các mỏ khoán sản bên ngoài lĩnh vực chuyên môn của hãng này [11], lại là một dấu hiệu tiêu biểu cho phân kỳ đỉnh [12].

Một tín hiệu điển hình khác của phân kỳ đỉnh giá có tính đầu cơ này là sự bất thần xuất hiện các kho tích trữ đồng ở những nơi mà trước đó chẳng ai nghĩ đến. Khi giá cả bắt đầu hạ, số thương phẩm tích trữ này bất thần được đổ ra bán tống bán tháo qua tay các nhà đầu tư chuyên dùng đòn bẩy tỷ giá [13]. Đồng (thương phẩm) ở Trung Hoa hiện đã quá thừa đến nỗi mọi kho thông quan [14] đều đã đầy. Hồi tháng Giêng và tháng Hai, số lượng đồng dôi dư đã được bán ra nước ngoài dưới dạng hàng xuất cảng của Trung Quốc đã cao gấp tám lần số lượng bán ra của cả năm trước đó.


Đồng Rớt Giá


Các (hãng cho thuê) kho thông quan trên Sàn Giao Dịch Kim Loại Luân Đôn (London Metal Exchange) đã chứng kiến lượng đồng tồn kho tăng vọt lên 17% trong quý đầu của năm. Ngoài ra, để luồng lách qua các biện pháp thắt chặt tín dụng ngân hàng ở Trung Hoa, doanh nghiệp đi vay hiện đang phải trông cậy nhiều hơn vào lượng tín dụng thư được cấp nhằm tìm vốn đổ vào việc mua bán đồng để ăn chênh lệch theo tỷ giá, còn không nữa thì dùng tiền vay mượn được mua đồng về trữ rồi lấy số đồng tồn kho đó ra làm tài sản thế chấp [15]. Nếu giá đồng tiếp tục rớt nữa, các doanh nghiệp đi vay này sẽ phải bán đồng của họ ra thị trường để cắt lỗ, dẫn đến tình trạng giá loại thương phẩm này tiếp tục bị sụt.

Trong khi đó, giá đường đã lên tới đỉnh điểm hồi tháng Hai, sau đó bông vải hồi tháng Ba. Tôi đã nêu rõ điểm này trong bài diễn văn đọc ở buổi hội nghị với các nhà đầu tư diễn ra hồi tháng Tư, và nhiều người dự thính nghi ngờ các chứng cứ của tôi. Tôi đã xem những người chưa lưu tâm đến phân kỳ đỉnh này như hình tượng Wile E. Coyote trong loạt phim hoạt họa “Road Runner” [16], hay chạy thẳng ra ngoài vách núi rồi giật mình thấy đang bất động giữa không trung một lúc trước khi rơi xuống lòng thung lũng.

Sự thể này được khẳng định thêm vào ngày 2 tháng Năm vừa qua, khi giá bạc, trước đó còn tăng rất cao, đã bắt đầu rớt xuống, và gần như tất cả các loại thương phẩm khác nối đuôi nhau rớt giá: dầu thô, bông vải, đồng, ngũ cốc, và thậm chí cả vàng.


Bước đều bước


Như tôi đã lưu ý trước đây, lượng tiền vốn (cho mượn để) đầu tư ngắn hạn đang trôi nổi khắp toàn cầu hiện đã quá nhiều, đến nỗi bất kể người ta xử lý ra sao - bằng các chiến lược đầu tư  theo phương pháp  căn bản, kỹ thuật hay động lượng [17] - thì chúng đều có xu hướng cùng lúc đổ vào cùng một bên trong cùng một dạng thương vụ. Vì vậy, nếu một trong vị thế mua (của hợp đồng kỳ hạn) bị đảo chiều, tác động sẽ nhanh chóng lan rộng vì giới đầu cơ bỏ hẳn vị thế mua của họ nhằm giảm rủi ro và bảo toàn nguồn vốn tư bản của họ. Xin hãy nhớ là giá cả vô số các loại thương phẩm vẫn tiếp tục đều bước (mà tiến lên).

Trong giới đầu cơ chuyên đẩy giá thương phẩm lên, nhiều người xem hiện tượng sụt giá chỉ là một điều chỉnh nhất thời [18], và vẫn duy trì hợp đồng trường vị [19] với các mặt hàng đồng, dầu thô, bắp và thậm chí bạc. Nhưng nhiều thị trường đã đi trước một bước, và giờ đây rõ ràng là sự suy sụp giá thương phẩm đã báo trước cú hạ cánh nặng nề của Trung Quốc, kéo theo nhiều tác động rộng khắp toàn cầu.



================================================


Chú thích



[1] Nguyên văn: “topping out”, một thuật ngữ thường dùng để chỉ tình trạng giá cả thị trường hoặc loại chứng khoán ở vào kỳ cuối của giai đoạn tăng giá, bước vào giai đoạn đứng yên hoặc thậm chí đi xuống.

[2] Nguyên văn: “exchange-traded fund”, một loại hình quỹ đầu tư trong đó tổng số tiền do các nhà đầu tư góp vốn sẽ được trải đều ra mua một loạt các cổ phiếu đại diện cho một thị trường (ví dụ như S&P 500 (IVW), Nasdaq 100 (QTEC), v.v..) hay một loại hàng hóa nào đó (ví dụ như Health Care (XLV), Gold Shares (GLD), v.v..)

[3] Nguyên văn: “futures contract”, tức là một loại hợp đồng có kỳ hạn trong tương lai của nhà đầu tư là người giữ vị trí trung gian  giữa nhà sản xuất/cung cấp với doanh nghiệp tiêu thụ, trong đó có thỏa thuận trước việc mua hay bán với cái giá sẽ áp dụng vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Trừ yếu tố giá cả, còn lại toàn bộ nội dung hợp đồng tương lai đều được tiêu chuẩn hóa về số lượng hàng hóa (contract size), ngày giao hàng, địa điểm giao hàng mà không có sự đàm phán giữa hai bên tham gia vào hợp đồng về các điều khoản này. Xin xem lại các bài “Kinh tế Trung Quốc: Đồng Nhập Thành Đồng Nát” ở trang mạng http://www.dainamax.org/2011/05/kinh-te-trung-quoc-ong-nhap-thanh-ong.html và bài “Xăng Dầu và Bầu Cử” ở trang mạng http://www.dainamax.org/2011/04/xang-dau-va-bau-cu.html của tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa.

[4] Nguyên văn: “bullish bets”, ý nói là đầu cơ theo lối đánh cược là giá sẽ lên, ngược với “bearish engulfing”. Một thị trường bull hay bullish là thị trường sung mãn với giá sẽ tăng, thị trường bear hay bearish là thị trường ủ dột với dự đoán là giá sẽ sụt. Hình tượng tiêu biểu của hai loại thị trường này là con trâu hung hãn (bull), hay con gấu (bear) âu sầu.

[5] Cái này có lẽ Trung Quốc bắt chước Hoa Kỳ gia tăng quỹ dự trữ xăng dầu hạng chiến lược (strategic), song song với hạng thương mãi (commercial), để sử dụng trong nước phòng xa nguồn cung cấp bị gián đoạn. Hồi đầu năm nay, chính phủ xứ này đã công bố mức dự trữ dầu hỏa khẩn cấp đạt 178 triệu thùng, và dự trữ thương mãi là 168 triệu thùng. Hai chỉ số này thực ra vẫn còn cách khá xa so với mức 727 triệu thùng và một tỷ thùng của Hoa Kỳ. Và với nhu cầu tiêu thụ gần 9,31 triệu thùng dầu hiện nay của Trung Quốc (tính đến tháng 6 năm 2011), thì nguồn dự trữ khẩn cấp hiện nay chỉ đủ cho xứ này cầm cự tối đa cỡ 3 tuần lễ nếu bị mất nguồn cung. Hiện chính phủ Trung Quốc đang có kế hoạch nâng cao mức dự trữ xăng dầu này lên trong quãng 2010 – 2012, nhưng tăng đến mức nào thì họ vẫn chưa công bố.

[6] Nguyên văn: “Rare-earth”, thực ra dùng để chỉ nhóm 17 kim loại thiết yếu được dùng làm nguyên liệu chính trong nhiều ngành công nghiệp. Chúng hiện hữu trong hầu như tất cả các loại máy móc thiết bị hiện đại chúng ta đang sử dụng. Xin xem thêm chi tiết ở bài “Đất hiếm” của tác giả Hà Phạm ở trang mạng http://nguoivietboston.com/?p=29646 và bài “Đi Tìm Đất Hiếm” của tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa ở trang mạng http://www.dainamax.org/2010/12/i-tim-at-hiem.html.

[7] Vụ gần nhất xảy ra ngày 7 tháng Chín năm 2010, khi con tàu lưới cá mang tên Mân Tấn Ngư (Minjinyu) số hiệu 5179, do thuyền trưởng Chiêm Kỳ Hùng (Zhan Qixiong) cầm lái, đâm vào hai tàu tuần duyên của Nhật Bản ở khu vực gần quần đảo Senkaku (phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Đài) thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản. Viên thuyền trưởng này đã bị nhà đương cục Nhật Bản bắt giữ, cùng chiếc tàu và 14 thủy thủ đoàn người Trung Hoa. Sáu ngày sau, các thủy thủ đoàn cùng con tàu được phía Nhật Bản phóng thích. Thuyền trưởng tiếp tục bị giam lại Nhật Bản để tiếp tục điều tra. Trong vòng mấy tuần ngay sau khi vụ bắt giữ này xảy ra, chính quyền Trung Quốc đã phản ứng dữ dội, triệu hồi đại sứ Nhật Bản đến Bắc Kinh năm lần, ngừng tất cả các hoạt động ngoại giao ở cấp bộ trưởng. Ngày 22 tháng Chín, Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố sẽ có "biện pháp mạnh hơn nữa" trước hành vi bắt giữ người này của phía Nhật Bản. Ba ngày sau, ngày 25 tháng Chín, viên thuyền trưởng được thả và cho về nước. Bắc Kinh và Tokyo tiếp tục “đấu khẩu” với nhau thêm vài lần, trước khi mọi chuyện chìm xuống nhân có một đoạn video quay vụ việc này bị lộ ra trên Internet vào đầu tháng 11, cho thấy hành vi của tàu cá Trung Quốc là cố ý lao vào tàu tuần duyên Nhật Bản. Đảo Senkaku này là trở thành vùng tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản từ những năm đầu thập niên 70, sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi Okinawa cùng khu quần đảo Ryukyu, bao gồm đảo Senkaku.

[8] Cuối năm 2010, có nguồn tin cho rằng chính phủ Trung Quốc đang tái cấu trúc lại nền công nghiệp khai thác đất hiếm của xứ này, tinh gọn từ 129 nhà sản xuất hợp pháp (và không biết bao nhiêu hãng bất hợp pháp khác) xuống còn 3-4 tập đoàn đại diện, nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn đối với nguồn khoáng sản chiến lược này. Ba trong số đó đã chính thức ra mặt, đó là Tập đoàn Sắt Thép Bảo Sơn (Baosteel Group, nhà sản xuất và cung cấp thép kỹ nghệ cao lớn nhất và tối tân nhất Trung Hoa hiện nay), Tập đoàn Công nghiệp Đồng Giang Tây (Jiangxi Copper Industry Corp., tập đoàn lớn nhất Trung Hoa chuyên sản xuất và cung cấp đồng cùng các kim loại hiếm) & China MinMetal (một tập đoàn thương mại, không thuộc nhóm tập đoàn khai khoán).

[9] Nguyên văn: “hot, highly leveraged money”. Tư bản nóng, đi vay để đầu cơ kiếm lời cao nhưng với rủi ro lớn.

[10] Việc Ba Tây trỗi dậy và trở thành nền kinh tế tân hưng lớn của Nam Mỹ phần lớn nhờ vào hoạt động mua bán với Trung Quốc. Trong gần một thập niên qua, xứ này đã lạnh nhạt với thị trường cũng như mô hình kinh tế trồi sụp bất thường của Hoa Kỳ, và bắt đầu tỏ ý muốn có sức mạnh tăng trưởng như Trung Quốc. Kết quả là họ đang dần từ nước công nghiệp hóa sang xứ chuyên sản xuất nguyên liệu thô đặng xuất cảng sang thị trường Trung Quốc. Có người gọi hiện tượng đáng ngại này là "giải trừ công nghiệp hóa" (de-industrialization).

[11] Tập đoàn Barrick Gold Corp. (ABX) của Canada, hiện đang là hãng khai thác và sản xuất vàng lớn nhất thế giới, đã ra tuyên bố muốn mua lại Equinox Minerals với giá tầm 7,3 tỷ đồng Canada (7,7 tỷ Mỹ kim), tức giá chào mua ở mức 8,15 đồng Canada / cổ phần. Giá này cao hơn giá chào mua ban đầu của Minmetals, do công ty quốc doanh China Minmetals Non-Ferrous Metals Co Ltd. nắm quyền kiểm soát, đến 16%. Báo giới đồng loạt đưa tin Minmetals đã gần như bỏ cuộc trước vụ đấu thầu mua lại này của Barrick Gold, mà mục tiêu của họ là mỏ Lumwana nằm ở khu vành đai mỏ đồng trữ lượng dồi dào này của Zambia cùng hầu hết dự án khai thác đồng Jabal Sayid ở Saudi Arabia của Equinox Minerals.

[12] Có lẽ ở đây tác giả muốn nói đến các chu kỳ thăng trầm kinh tế (business cycles), và sau phân kỳ đỉnh này sẽ đến giai đoạn sự tăng trưởng kinh tế bị co cụm (contraction), dẫn đến tình trạng suy trầm (recession), và bắt đầu đi xuống phân kỳ đáy (trough) trong chu kỳ này.

[13] Nguyên văn: “highly leveraged owners”, có lẽ ám chỉ các doanh nghiệp trong giới đầu cơ, chuyên dùng nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng quốc doanh Trung Quốc để tận thu thương phẩm, tạo ra tình trạng khan hiếm giả khiến chúng lên giá, sau đó bán ra nhằm kiếm lợi nhờ sự chênh lệch tỷ giá.

[14] Nguyên văn: “bonded warehouse”, hay “bảo thuế thương khố”, chỉ một loại kho trữ hàng (chủ hàng trả phí lưu kho) trong chế độ thông quan (tạm miễn thuế quan) cho đến khi chủ hàng chở hàng giao cho bên tiêu thụ (lúc này chủ hàng mới phải đóng thuế quan).

[15] Thường là tiền vay có thế chấp dạng này sẽ được các doanh nghiệp địa phương Trung Quốc tiếp tục lấy để đổ vào thị trường bất động sản. Xin xem lại bài “Kinh tế Trung Quốc: Đồng Nhập Thành Đồng Nát” của tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa ở trang mạng http://www.dainamax.org/2011/05/kinh-te-trung-quoc-ong-nhap-thanh-ong.html

[16] Tên của loạt phim hoạt họa nổi tiếng tại Hoa Kỳ, trong đó Road Runner là con gà lôi miền Viễn Tây, nhân vật chính và có khả năng chạy rất nhanh. Đối thủ là Wile E. Coyote, một loại lang sói miền sa mạc, luôn săn đuổi Road Runner mà hiếm khi nào bắt được, lại thường xuyên bị thương tích. Tác giả nói đến hình ảnh nổi tiếng trong phim đã được nhiều người sử dụng: con lang thục mạng rượt đuổi quá trớn ra khỏi bờ vực, vài giây sau mới rơi xuống đáy vực. Cái trớn của Trung Quốc cũng như vậy!

[17] Nguyên văn: “fundamental, momentum or technical strategies”, là ba phương pháp hay chiến lược đầu tư. Hoặc là căn cứ trên dữ kiện căn bản về lời lỗ để tiên đoán giá cả (fundamental), hoặc căn cứ trên hình dạng của đồ biểu lên hay xuống, có trớn - động lượng - hay không (momentum), hoặc căn cứ trên phân tích về tâm lý thị trường qua những chuyển dịch của đổ biểu (technical).

[18] Nguyên văn: “short-lived midcourse price correction” – giá sụt nhất thời và không bên nên sẽ lại tăng.

[19] Nguyên văn: “long positions”, một thuật ngữ chuyên môn. Trong việc đầu tư vào các loại chứng phiếu (securities, là cổ phiếu hay trái phiếu), nhà đầu tư mua vào khi tin rằng giá sẽ lên và bán ra khi nghĩ là giá sẽ xuống. Trong thị trường giao dịch các loại kỳ phiếu futures hay hứa phiếu options, nhà đầu tư cũng có thể mua hay bán hợp đồng theo hai dự đoán, nếu sai là lỗ. Nếu dự đoán là giá sẽ lên thì lấy vị thế "long" và có lời nếu quả là giá tăng. Nếu dự đoán là giá sẽ xuống, người ta lấy vị thế "short" – là bán khống - và như giá sụt thì sẽ có lời. "Taking a long position" là một tính toán lạc quan khi nghĩ rằng việc thương phẩm đang sụt giá chỉ là điều chỉnh nhất thời, rồi sẽ tăng. Từ "correction" là điều chỉnh thường chỉ sử dụng khi thị trường đang tăng giá mà lại có dấu hiệu bị khựng và có thể giảm...

Tổng số lượt xem trang