Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

THẾ HỆ LÃNH ĐẠO MỚI CỦA TRUNG QUỐC SẼ CỨNG RẮN HƠN VỀ NGOẠI GIAO?

-THẾ HỆ LÃNH ĐẠO MỚI CỦA TRUNG QUỐC SẼ CỨNG RẮN HƠN VỀ NGOẠI GIAO?

Tài liệu tham khảo đặc biệt Thứ Hai, ngày 04/07/2011
TTXVN (Hồng Công 30/6)
Tạp chí Tham khảo Nước ngoài số ra tháng 7 của Hồng Công đăng bài của nhà nghiên cứu Hồ Lầp cho rằng trong bối cảnh sức mạnh quốc gia của Trung Quốc đang tăng lên, địa vị quốc tế được nâng cao, sách lược ngoại giao “giấu mình chờ thời” đã không còn đủ khả năng để ứng phó với các mối quan hệ quốc tế của Trung Quốc.
Dẫn lời của Giáo sư Vương Kiện Vĩ, Chủ nhiệm khoa Chính quyền và Hành chính thuộc Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Ma Cao, tác giả dự đoán lãnh đạo thế hệ thứ năm của Trung Quốc ngoài việc phải đề ra chiến lược phù hợp hơn với tình hình Trung Quốc, cũng phải xem xét tới việc làm thế nào đẻ phát huy sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế. Vì thế, nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc có thể sẽ có sự điều chỉnh nhất định về chính sách ngoại giao. Với những gì diễn ra vừa qua có thể các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ có những biểu hiện cứng rắn hơn. Dưới đây là nội dụng bài viết:
Vấn đề mới cho các nhà lãnh đạo: Điều chỉnh sách lược ngoại giao như thế nào
Sách lược “giấu mình chờ thời” được Đặng Tiểu Bình đề ra sau sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989 đã giữ chủ đạo phương châm ngoại giao của Trung Quốc trong thời đại Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, giúp Trung Quốc có được môi trường hoà bình để phát triển kinh tế. Nhưng, trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi và thực lực của Trung Quốc tăng lên, thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc chắc chắn sẽ phải xem xét lại sách lược “giấu mình chờ thời”.
Giáo sư Vương Kiện Vĩ chỉ rõ: Sách lược “giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình đã giúp Trung Quốc thành công trong việc gia nhập cộng đồng quốc tế do phương Tây làm chủ đạo, đồng thời dọn đường cho Trung Quốc trỗi đậy nhanh chóng. Sách lược ngoại giao thời Hồ Cẩm Đào tuy có thêm một số khái niệm mới như “thế giới hài hoà”, nhưng về tổng thể, mang tính kế thừa nhiều hơn là thay đổi và ít có tính tạo lập về mặt lý luận.
Tuy nhiên, trong một số vấn đề cụ thể, Hồ Cẩm Đào vẫn có những nét khác so với thời Giang Trạch Dân. Ví dụ: Hồ Cẩm Đào đã tương đối thành công trong chính sách đối với Đài Loan, thay đổi được cách làm cứng rắn, muốn thành công nhanh, thiên về cái lợi gần và định rõ thời gian biểu trước đây; trong quan hệ với Nhật Bản, nếu thời Giang Trạch Dân nhấn mạnh nhiều hơn tới vấn đề lịch sử, thời Hồ Cẩm Đào lại nhấn mạnh nhiều hơn tới sự vỗ về, hướng về phía trước và không đặt hy vọng vào việc giáo huấn Nhật Bản. Ngoài ra, trong việc ứng phó với vấn đề Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải), Trung Quốc cũng đã thực thi các biện pháp khác nhau. Tất cả cho thấy đã có một số thay đổi xảy ra (trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc).
Cho dù về đại thể Hồ Cẩm Đào vẫn tuân thủ phương châm “giấu mình chờ thời”, nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc lại là một sự thực rõ ràng và qua sự miêu tả của phương Tây, ba luận thuyết về sách lược ngoại giao của Trung Quốc đã xuất hiện, gồm “thuyết Trung Quốc cứng rắn”, “thuyết Trung Quốc ngạo mạn” và “thuyết Trung Quốc tất thắng”. Liên quan tới vấn đề này, trong buổi họp báo thuộc kỳ họp thường niên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc năm 2010, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã nhấn mạnh Trung Quốc kiên trì đi theo con đường phát triển hoà bình, sự phát triển của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng tới bất cứ quốc gia nào, cho dù trở thành nước phát triển, Trung Quốc cũng vẫn không xưng bá.
Theo Giáo sư Vương Kiện Vĩ, ba luận thuyết nêu trên ngoài việc phục vụ cho mục đích tuyên tryền của phương Tây, cũng phản ánh thực tế là trong bối cảnh sức mạnh quốc gia của Trung Quốc đang tăng lên, địa vị quốc tế được nâng cao, Trung Quốc cần phải có tư tưởng chiến lược mới và khung lý luận mới về ngoại giao. Cục diện và môi trường mà Trung Quốc phải đối mặt dưới thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào là quá khác nhau, nên việc Trung Quốc điều chỉnh sách lược ngoại giao thế nào là một vấn đề mới phải đối mặt. Ở Trung Quốc đã có nhiều cuộc thảo luận về việc Trung Quốc nên tiếp tục “giấu mình chờ thời” hay phải tích cực tiến tới, có thái độ cứng rắn, thay đổi luật chơi. Nhưng Hồ Cẩm Đào ngay lập tức đã ngăn lại, không cho phép có sự thay đổi quá lớn. Do đó, nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc sau Đại hội 18 sẽ phải đối mặt với vấn đề và thách thức này, vào thời gian thích hợp sẽ phải xem xét đưa ra hành động sao cho tương ứng với sức mạnh quốc gia của Trung Quốc.
“Giấu mình chờ thời” đã không còn hợp thời
Sự xuất hiện của ba luận thuyết trên đều có liên quan tới những động thái mạnh mẽ của Trung Quốc trong các vấn đề như Mỹ – Hàn diễn tập quân sự ở Hoàng Hải, biến đổi khí hậu, đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) cũng như việc Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng, thử nghiệm tiêu diệt vệ tinh bằng tên lửa… Có lẽ vì thế, Giáo sư Vương Kiện Vĩ đã thẳng thắn nói rằng lý luận và hành vi ngoại giao của Trung Quốc đang tách rời nhau, gây ra phản ứng mạnh mẽ từ thế giới bên ngoài. Sau khi phản ứng này dội tới Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ phải xem xét lại những gì đã xảy ra và có sự điều chỉnh. Do đó, ngoại giao Trung Quốc hiện đang trong trạng thái “chưa thay đổi, nhưng sắp thay đổi”. Một số thay đổi cụ thể của Hồ Cẩm Đào về cách làm ngoại giao cho thấy chiến lược dưới thời của Tập Cận Bình sẽ là “kiên trì giấu mình chờ thời, tích cực đóng góp”, trong đó hai chữ “tích cực” thể hiện sự chuyển biến theo thời cuộc.
Sở dĩ Trung Quốc nhiều năm kiên trì “giấu mình chờ thời” là do Trung Quốc sẽ theo đuổi trỗi dậy hoà bình. Nhưng thế giới bên ngoài có lúc cho rằng việc Trung Quốc “giấu mình chờ thời” thực ra chỉ là kế sách tạm thời, thậm chí còn nói đó là “mối nguy hiểm tiềm tàng”. Theo Giáo sư Vương Kiện Vĩ, “giấu mình chờ thời” đã không có nhiều tác dụng tích cực đối với việc Trung Quốc tuyên bố thực thi chính sách ngoại giao hoà bình. Giáo sư Vương Kiện Vĩ cho rằng thực lực của một quốc gia sẽ quyết định chính sách của nước ấy. Khi Trung Quốc còn yếu, việc thực thi sách lược “giấu mình chờ thời” là lỗi thời. Có thể nói sách lược “giấu mình chờ thời” cơ bản đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó.
Vì vậy, nếu như sức mạnh quốc gia của Trung Quốc tiếp tục được tăng cường, sau khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ kkhông thể né tránh việc đưa ra quan niệm ngoại giao mới. Vì cùng với sự trỗi dậy, phạm vi lợi ích mà Trung Quốc theo đuổi sẽ không ngừng mở rộng và sẽ bao phủ toàn cầu. Nếu Tập Cận Bình giống như Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào hoạt động trong khung (sách lược “giấu mình chờ thời”) của Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo này sẽ gặp nhiều khó khăn.
Nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc ngoài việc phải đề ra chiến lược phù hợp với tình hình Trung Quốc, cũng phải xem xét tới việc làm thế nào để phát huy sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế. Rốt cuộc, cùng với sự nâng lên về địa vị quốc tế của Trung Quốc, kỳ vọng của nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc đối với đất nước sẽ tăng theo, đồng thời những lời kêu gọi Trung Quốc gánh vác trách nhiệm quốc tế lớn hơn cũng sẽ không ngừng tăng lên.
Giáo sư Vương Kiện Vĩ cho biết so với 20 năm, 30 năm trước, sức mạnh quốc gia của Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn, nhưng ngoại giao của Trung Quốc lại dường như không trở nên chủ động hơn, ngược lại có ngày càng bị động và khó khăn. Do đó, việc Trung Quốc phải làm thế nào để chuyển hoá sức mạnh quốc gia ngày càng tăng thành sức ảnh hưởng về ngoại giao, quyền phát ngôn trong quan hệ với thế giới và năng lực hình thành luật chơi quốc tế, là vấn đề cần phải suy nghĩ.
Giáo sư Vương Kiện Vĩ dự đoán sau khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc có thể sẽ có sự điều chỉnh nhất định về chính sách ngoại giao. Điều chỉnh này sẽ như thế nào? Xem xét những gì diễn ra vừa qua, có thể nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ có những biểu hiện cứng rắn hơn, thái độ của nhà lãnh đạo mới đối với các vấn đề như phương Tây can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc sẽ rõ ràng hơn so với thế hệ lãnh đạo của Hồ Cẩm Đào.
***
Trang web của tờ Liên hợp Buổi sáng (Xinhgapo) ngày 28/6 đăng bài của nhà phân tích độc lập Trung Quốc Chu Tuệ Lai cho biết mấy năm trở lại đây, đặc biệt kể từ khi tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển với hạt nhân là vấn đề Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải) không ngừng nóng lên, người ta cũng không ngừng tranh cãi về ngoại giao “giấu mình chờ thời” của Trung Quốc. Trong cộng đồng quốc tế, ngày càng có nhiều người cho rằng trên thực tế Trung Quốc đã từ bỏ nguyên tắc ngoại giao này và bước vào thời đại ngoại giao hậu “giấu mình chờ thời”. Nhưng ở Trung Quốc, các cuộc tranh luận rằng có nên tiếp tục “giấu mình chờ thời” hay “phải có hành động” vẫn liên tục diễn ra. Thực tế này phản ánh việc Trung Quốc đang phải đối mặt với sự đấu tranh ngày một quyết liệt giữa một bên là trỗi dậy hoà bình và bên kia là bảo vệ lợi ích quốc gia. Việc xử lý mối quan hệ này thế nào trước tiên phải xem xét toàn diện ngoại giao “giấu mình chờ thời”.
Nội hàm hoàn chỉnh của ngoại giao “giấu mình chờ thời”
“Giấu mình chờ thời” được Đặng Tiểu Bình đưa ra vào những năm 1990 nhằm đối phó với tình hình quốc tế. Đứng trước tình hình bất ổn xuất hiện khi Đông Âu diễn ra sự thay đổi lớn, phe xã hội chủ nghĩa tan rã, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra phương châm “bình tĩnh quan sát, giữ vững trận địa, bình tĩnh ứng phó, giấu mình chờ thời”. Khi đưa ra tư tưởng này, Đặng Tiểu Bình còn nhấn mạnh “quyết không đi đầu”. Trên thực tế, hàm nghĩa chính sách cụ thể của “giấu mình chờ thời” chính là “quyết không đi đầu”, không ham hố địa vị lãnh tụ phe xã hội chủ nghĩa mà Liên Xô để lại.
Do Liên Xô tranh giành địa vị bá chủ với Mỹ và xây dựng phe xã hội chủ nghĩa đối lập với các nước phát triển Âu – Mỹ (sau đó rơi vào thảm cảnh), nên nội hàm cốt lõi của ngoại giao “giấu mình chờ thời” do Đặng Tiểu Bình đưa ra được thể hiện trên hai phương diện: Không thách thức bá quyền Mỹ và không thách thức hệ thống quốc tế. Lâu nay, cộng đồng quốc tế và trong nước Trung Quốc có nhiều người giải thích “giấu mình chờ thời” là chiến lược ngoại giao của Trung Quốc. Nếu xem xét từ khía cạnh không thách thức bá quyền Mỹ và không thách thức hệ thống quốc tế, “giấu mình chờ thời” kỳ thực có thể đạt tới tầm chiến lược. Nhưng, muốn lý giải một cách hoàn chỉnh ngoại giao “giấu mình chờ thời”, cần phải nắm chắc nội hàm quan trọng của hai phương diện sau:
Thứ nhất, “giấu mình chờ thời” là một sách lược Đặng Tiểu Bình sử dụng để vỗ về phái cực tả trong nước. Khi Đặng Tiểu Bình đề xướng ngoại giao “giấu mình chờ thời”, phái cực tả ở Trung Quốc đang cổ xuý mạnh mẽ cho thuyết cách mạng thế giới và luôn miệng nhắc tới vấn đề xuất khẩu cách mạng. Việc này đi ngược với cái gọi là đại chiến lược ngoại giao cách mạng và cải cách mở cửa. Khi Trung Quốc bắt đầu cải cách mởi cửa vào những năm cuối của thập niên 1970, đối tượng của mở cửa không phải là toàn bộ thế giới theo nghĩa rộng mà chỉ là thế giới của những nước phát triển lấy Mỹ làm hạt nhân. Nếu sau khi Liên Xô tan rã, Chiến tranh Lạnh kết thúc, Trung Quốc xuất đầu lộ diện làm cái gọi là lãnh tụ phe xã hội chủ nghĩa, chiến lược cải cách mở cửa sẽ bị gián đoạn. Do đó, ngoại giao “giấu mình chờ thời” mà Đặng Tiểu Bình đưa ra về thực chất là nhằm vỗ về phái cực tả, giảm thiểu sự quấy nhiễu của họ đối với cải cách mở cửa.
Thứ hai, “giấu mình chờ thời” từ trước tới nay không mâu thuẫn với việc bảo vệ lợi ích quốc gia, thậm chí xem xét ở góc độ ý nghĩa căn bản, người ta sẽ thấy mục đích của “giấu mình chờ thời” là nhằm bảo vệ và thực hiện tốt hơn lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, việc tiến hành cải cách mở cửa, gia nhập cộng đồng quốc tế và phát triển kinh tế chính là lợi ích quốc gia lớn nhất mà tiền đề của nó chính là việc thực hiện ngoại giao “giấu mình chờ thời”, không thách thức bá quyền Mỹ và không thách thức hệ thống quốc tế.
Như vậy, xem xét về mặt bản chất, ngoại giao “giấu mình chờ thời” không có nghĩa Trung Quốc phải giữ tư thế thấp trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, càng không có nghĩa là từ bỏ lợi ích quốc gia. Nếu cho rằng vì kiên trì ngoại giao “giấu mình chờ thời”, giảm bớt những nghi ngại của Mỹ và cộng đồng quốc tế mà không dám bảo vệ lợi ích tự thân, thì đó chính là cách lý giải phiến diện về “giấu mình chờ thời”. Đặng Tiểu Bình đã hơn một lần nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ chịu ăn quả đắng tổn hại lợi ích quốc gia của mình. Trong vấn đề bảo vệ lợi ích quốc gia, Đặng Tiểu Bình luôn cứng rắn. Điều đó được thể hiện qua cuộc chiến phản kích tự về năm 1979 với Việt Nam, trong đàm phán với Anh liên quan đến vấn đề trao trả Hồng Công.
Nhiều năm lại đây, ngoại giao “giấu mình chờ thời” của Trung Quốc đã quán triệt tương đối tốt chiến lược không làm kẻ thù của Mỹ, không thách thức hệ thống quốc tế, nhưng lại đối mặt với những khó khăn mang tính kỹ thuật trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia không ngừng mở rộng. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến ngoại giao Trung Quốc nhiều lần rơi vào bị động. Muốn thay đổi tình trạng này, Trung Quốc cần phải bắt tay thực hiện ba phương diện sau:
Một là, đề ra đại chiến lược trỗi dậy rõ ràng đúng đắn, loại bỏ nghi ngại từ cộng đồng quốc tế. Trong quá trình bảo vệ lợi ích tự thân, trở lực lớn nhất đối với Trung Quốc đến từ sự nghi ngại của Mỹ và cộng đồng quốc tế. Khi Mỹ coi việc Trung Quốc bảo vệ lợi ích là hành động thách thức địa vị bá quyền của Mỹ, khi cộng đồng quốc tế coi việc Trung Quốc bảo vệ lợi ích là hành động thách thức hệ thống quốc tế, khi sự nghi ngại của Mỹ và cộng đồng quốc tế kết hợp với nhau, cục diện bảo vệ lợi ích tự thân của Trung Quốc sẽ trở nên phức tạp hoá. Xem xét từ khía cạnh này, trong quá trình trỗi dậy, Trung Quốc phải xác lập một đại chiến lược phát triển đất nước đúng đắn và tương đối minh bạch. Đại chiến lược này phải lấy chủ nghĩa tự do làm chỉ đạo, hợp tác với cộng đồng quốc tế làm tiền đề, thực thi trách nhiệm quốc tế làm đòn bẩy, để giảm bớt nghi ngại của Mỹ và cộng đồng quốc tế đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Hai là, tranh thủ quyền phát ngôn. Ở đây tồn tại một vấn đề mang tính nghịch lý là tuy đề ra ngoại giao “giấu mình chờ thời” và thực thi nó, nhưng Trung Quốc lại không có quyền phát ngôn để nói rõ và giải thích về nguyên tắc ngoại giao này. Do không có quyền phát ngôn, Chính phủ và giới học giả Trung Quốc luôn bị động trong việc đối phó với những chất vấn từ dư luận, cộng đồng quốc tế, thường xuyên trong cảnh càng phân bua càng bị nghi ngờ. Ví dụ: thuyết “Trung Quốc trách nhiệm” mâu thuẫn với những kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với ngoại giao “giấu mình chờ thời” của Trung Quốc. Bởi đã muốn thực thi trách nhiệm thì phải có hành động dưới tiền đề bảo vệ và thực hiện lợi ích tự thân. Nhưng mỗi khi Trung Quốc nỗ lực thực thi trách nhiệm, cộng đồng quốc tế thường nảy sinh nghi ngờ về động cơ của Trung Quốc. Hiện nay cái mà Trung Quốc cần làm là thiết lập quyền phát ngôn của mình trên ba phương diện: định nghĩa rõ “giấu mình chờ thời”, định nghĩa rõ “trỗi dậy hoà bình” và định nghĩa rõ “trách nhiệm Trung Quốc”.
Ba là, bồi dưỡng sự tự tin nước lớn. Một thách thức quan trọng hiện nay mà Trung Quốc đang phải đối mặt là vấn đề nhận thức của cộng đồng quốc tế. Ví dụ: đối với các sự vụ xung quanh, cho dù Trung Quốc nói gì, làm gì và cách làm đó của Trung Quốc là hợp tình hợp lý, nhưng cộng đồng quốc tế đều có khuynh hướng nhìn nhận tiêu cực. Đối mặt với sự nghi ngờ của cộng đồng quốc tế, hành vi ngoại giao của Trung Quốc thường trở nên “sợ bóng sợ gió”, chần chừ do dự, kết quả là bỏ lỡ thời cơ mà vẫn không thể loại bỏ nghi ngờ của cộng đồng quốc tế. Muốn kiên quyết bảo vệ lợi ích tự thân, Trung Quốc phải loại bỏ sự gây nhiễu của các loại nghi ngờ. Thời gian sẽ giải quyết tất cả. Trong tiến trình trỗi dậy, nước lớn và cộng đồng quốc tế đều có một quá trình điều chỉnh thích hợp với nhau. Nước lớn phải thích ứng với sự lo lắng và sợ hãi ở một mức độ nhất định của cộng đồng quốc tế, cộng đồng quốc tế cuối cùng cũng phải thích ứng với những chấn động và tác động nhất định gây ra bởi sự trỗi dậy của nước lớn đó. Trên thực tế, nước lớn nếu không có sự tự tin, sự lo ngại của cộng đồng quốc tế sẽ ngày càng thêm trầm trọng.
Cùng với sự tăng cường của sức mạnh quốc gia và sự mở rộng về lợi ích quốc gia, việc Trung Quốc có thể xem xét một cách toàn diện và nắm vững toàn bộ nội hàm ngoại giao “giấu mình chờ thời” hay không có quan hệ trực tiếp tới sự ổn định của cộng đồng quốc tế và trực tiếp hơn là lợi ích của Trung Quốc. Xem xét từ kinh nghiệm lịch sử, cộng đồng quốc tế sẽ càng chú ý hơn tới kết quả trỗi dậy của Trung Quốc, chứ không dừng lại ở phương thức trỗi dậy. Đối với Trung Quốc, trỗi dậy là mục đích, ngoại giao “giấu mình chờ thời” là biện pháp. Trung Quốc tuyệt đối không được lý giải và thực hiện một cách cứng nhắc ngoại giao “giấu mình chờ thời”, để rơi vào cạm bẫy “trỗi” nhưng không “dậy”.
***
Vừa qua, trang web của tờ báo này cũng đăng bài của phó Giáo sư Trương Vân thuộc Đại học Niigata (Nhật Bản) cho biết ngày 8/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo Ngoại trưởng Libi Abdelati Obeidi đã đến Bắc Kinh gặp gỡ người đồng cấp phía Trung Quốc Dương Khiết Trì. Trước đó không lâu, phía Trung Quốc cũng lên tiếng chứng thực thông tin về việc quan chức ngoại giao nước này tới thành phố Benghazi ở miền Đông Libi hội đàm với lãnh đạo phong trào vũ trang chống chính phủ ở Libi. Đây có thể là lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao, Trung Quốc tiếp xúc đồng thời với cả chính phủ nước ngoài đương nhiệm lẫn thế lực chống lại chính phủ đó. Nó đánh dấu việc ngoại giao Trung Quốc trên thực tế đã nới lỏng nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác” vẫn kiên trì lâu nay.
Mâu thuẫn giữa toàn cầu hoá lợi ích và nguyên tắc ngoại giao “không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác” của Trung Quốc
Sau khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa được thành lập, “không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác” đã trở thành một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của ngoại giao Trung Quốc. Đầu những năm 1980, một lần nữa Trung Quốc đã định vị rõ ràng chính sách ngoại giao của nước này là độc lập tự chủ và hoà bình, trong đó “không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác” được đặc biệt nhấn mạnh. Việc nhất quán theo đuổi nguyên tắc này đã tạo ra những đóng góp khá lớn giúp Trung Quốc có được hình ảnh đạo nghĩa trên trường quốc tế. Từ khi thực hiện chính sách cải cách mở cửa, trọng tâm công tác của Trung Quốc chuyển sang lĩnh vực xây dựng kinh tế, nhờ nguyên tắc ngoại giao “không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác”, Trung Quốc có được lý do hợp lý và đạo nghĩa để giảm thiểu tới mức thấp nhất khả năng bị cuốn vào các sự vụ quốc tế. Ở một mức độ nào đó, các hoạt động kinh tế đối ngoại của Trung Quốc đã được triển khai một cách tương đối tự do trên nguyên tắc ngoại giao này.
Tuy nhiên, sau 30 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Lợi ích quốc tế của Trung Quốc đã phủ khắp toàn cầu. Nguyên tắc ngoại giao “không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác” vốn giúp Trung Quốc tránh bị cuốn vào những phiền toái rắc rối đã bắt đầu gây trở ngại cho nước này trong việc bảo vệ lợi ích của mình. Thực tiễn ngoại giao cho thấy mấy năm lại đây, Trung Quốc đã dần dần có sự đột phát về cách làm trước đây – kiên trì nguyên tắc ngoại giao “không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác” một cách giáo điều.
Tại châu Phi, Xuđăng là ví dụ điển hình. Trung Quốc đầu tư phát triển 40% giếng dầu ở Xuđăng và khoảng 60% lượng dầu thô xuất khẩu của Xuđăng là bán cho Trung Quốc. Nhưng các khu sản xuất dầu của Xuđăng chủ yếu phân bố ở miền Nam nước này. Trong khi đó, do các nguyên nhân về chủng tộc và tôn giáo, từ lâu miền Nam Xuđăng là nơi hoạt động của phong trào vũ trang đòi độc lập. Hai năm lại đây, phong trào vũ trang đòi độc lập ở miền Nam ngày một lớn mạnh. Năm 2010, Chính phủ Xuđăng đành phải đồng ý để người dân miền Nam nước này bỏ phiếu tự quyết định vận mệnh. Vào tháng 2 năm nay, cuộc bỏ phiếu này đã được tổ chức. Kết quả là 99% người dân miền Nam Xuđăng ủng hộ việc độc lập xây dựng quốc gia riêng. Chính phủ miền Bắc đã thừa nhận kết quả này.
Theo nguyên tắc ngoại giao “không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác”, lâu nay Trung Quốc giữ được mối quan hệ tốt đẹp với Chính phủ Xuđăng. Nhưng hiện thực Xuđăng sẽ bị phân chia thành hai quốc gia chủ quyền sẽ ảnh hưởng tới lợi ích thực tế của Trung Quốc tại nước này và những chuyển động thực tế trong hai năm qua của Trung Quốc tại Xuđăng có thể nói là thiết thực. Quan chức Trung Quốc đã nhiều lần tới thăm Nam Xuđăng. Lãnh đạo Mặt trận Giải phóng Nhân dân Xuđăng ở miền Nam cũng hai lần tới thăm Bắc Kinh. Theo thông tin đăng tải, Đặc sứ châu Phi của Trung Quốc Lưu Quý Kim từng lên tiếng kêu gọi Chính phủ Xuđăng để người dân miền Nam nước này tiến hành bỏ phiếu quyết định vận mệnh của mình đúng thời hạn.
Tại châu Á, Mianma có thể là ví dụ điển hình. Năm ngoái, sau khi quân Chính phủ Mianma xung đột vũ trang với dân tộc thiểu số ở vùng Đông Bắc nước này, khoảng 30.000 người tị nạn Mianma đã tràn sang Trung Quốc lánh nạn. Những hạng mục hợp tác lớn cho dù là về năng lượng hay thuỷ lợi giữa Trung Quốc và Mianma đều không được thực hiện ở thủ đô Mianma, mà phần lớn nằm ở khu vực dân tộc thiểu số. Nếu Trung Quốc không xây dựng được quan hệ tốt đẹp tương ứng với những khu vực dân tộc thiểu số này, lợi ích của Trung Quốc có thể bị tổn hại bất cứ lúc nào. Theo thông tin đăng tải, lãnh tụ dân tộc thiểu số địa phương Mianma đã bày tỏ hi vọng rằng Trung Quốc sẽ tích cực điều đình quan hệ giữa họ với Chính phủ Mianma. Cho dù về mặt chính thức, Trung Quốc không có dấu hiệu can dự vào việc điều đình quan hệ giữa phong trào độc lập dân tộc thiểu số Mianma với Chính phủ Mianma, nhưng giới truyền thông đã đưa tin về việc lãnh đạo phong trào độc lập dân tộc thiểu số từng tới thăm Trung Quốc vào năm 2010. Nếu thông tin này là có thực, nó càng làm sáng tỏ khuynh hướng thiết thực của ngoại giao Trung Quốc.
Sự sáng tạo trí tuệ của quan niệm ngoại giao khắc phục khó khăn
Trung Quốc đương nhiên có lý do và nghĩa vụ tiếp tục duy trì nguyên tắc ngoại giao “không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác” vì đây là chuẩn tắc cơ bản của Luật quốc tế, của Hiến chương Liên hợp quốc và của quan hệ quốc tế hiện đại. Những thách thức hiện nay không nằm ở chỗ nên hay không nên từ bỏ nguyên tắc này mà là duy trì nó như thế nào. Rất rõ ràng, kiểu duy trì nguyên tắc ngoại giao “không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác” một cách tuyệt đối như trước đây kông còn thích hợp với lợi ích quốc tế, cũng không thích hợp với địa vị quốc tế hiện nay của Trung Quốc. Những người thực hiện chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã có bước thay đổi dần dần theo kiểu “ném đá dò đường qua sông”. Nhưng Trung Quốc chưa có sự chuẩn bị tốt về mặt quan niệm ngoại giao. Trong lĩnh vực nhận thức và lý luận, ngoại giao Trung Quốc phải trả lời và đối mặt một cách bình tĩnh với một vấn đề nhạy cảm, đó là nhìn nhận như thế nào về vấn đề nội chiến cũng như vấn đề li khai của nước khác.
Đối với Trung Quốc, hai vấn đề này quá nhạy cảm. Các thế lực chủ trương độc lập Tân Cương, Tây Tạng vẫn luôn là căn nguyên quan trọng trong nhân tố gây bất ổn định ở Trung Quốc. Vấn đề Đài Loan thuộc lợi ích cốt lõi lại càng liên quan trực tiếp tới sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và thống nhất đất nước. Cũng vì liên quan tới các vấn đề này, Trung Quốc đã giữ thái độ tiêu cực khi phản ứng trước các cuộc nội chiến và li khai xảy ra ở các nước khác thời hậu Chiến tranh Lạnh. Ví dụ rõ ràng nhất là việc Trung Quốc không thừa nhận Côxôvô sau khi vùng lãnh thổ này tuyên bố độc lập vào năm 2007. Xuđăng sắp tới sẽ phân chia thành hai quốc gia chủ quyền. Trung Quốc sẽ bày tỏ thái độ ra sao, đây là vấn đề rất đáng quan tâm chú ý. Ngoài ra, cuộc nội chiến Libi vẫn tiếp tục, không loại trừ khả năng giằng co lâu dài, cho dù nhà lãnh đạo Gaddafi có ra đi hay không, Libi trong tương lai cũng có thể phải đối mặt với nguy cơ phân chia thành hai quốc gia.
Hiện thực quan hệ quốc tế cho thấy li khai đã trở thành một trong những lựa chọn hiện thực mà những nước bị thực dân phương Tây và cục diện Chiến tranh Lạnh hoạch định đường biên giới, sau đó rơi vào nội chiến do các nhân tố như tôn giáo, dân tộc, phải đối mặt. Hiện thực này bắt đầu được coi trọng. Là một nước lớn đang trỗi đậy và có lợi ích toàn cầu ngày một tăng, việc Trung Quốc sẽ tỏ thái độ như thế nào không chỉ liên quan đến lợi ích hiện thực của Trung Quốc, mà còn liên quan tới trách nhiệm đạo nghĩa của nước này.
Cách sử dụng nguyên tắc ngoại giao “không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác” để né tránh tỏ thái độ vì lo ngại sẽ đụng chạm tới vấn đề trong nước của Trung Quốc đã rơi vào tình trạng ngày càng khó khăn. Trên thực tế, tính chất hoạt động li khai ở Trung Quốc hoàn toàn không giống với hoạt động li khai ở nhiều nước. Lịch sử giao lưu tiếp xúc lẫn nhau giữa các dân tộc Trung Quốc rất dài, tư tưởng đại thống cũng có nền tảng dân chúng rất mạnh. Sức hấp dẫn tạo ra từ sự phát triển kinh tế của Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với sức kích động của các thế lực li khai. Cho nên, Trung Quốc không cần phải quá lo lắng. Nếu do lo lắng tác động tới vấn trong nước mà bỏ lời thời cơ bày tỏ thái độ về mặt ngoại giao, rất có khả năng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với rủi ro rơi vào tình trạng bị động về ngoại giao, lợi ích bị tổn hại và uy tín quốc tế bị giảm xuống sau khi xuất hiện thay đổi lớn.
Nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác” vẫn phải kiên trì, nhưng tuyệt đối không được giáo điều hoá, đây vừa là yêu cầu thực tế vừa là biểu hiện cụ thể về trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc. Nhưng làm sáng tỏ nó và kiên trì ở mức độ như thế nào lại cần tới sức sáng tạo trí tuệ về mặt quan niệm ngoại giao./.




-Không có đảng nào như Đảng Cộng Sản
Foreign Policy
-PHÓNG SỰ ẢNH Nhìn lại 90 năm Đảng Cộng Sản ở Trung Quốc
Người viết các chú thích ảnh: Ty McCormick
Ngày 1 tháng 7 năm 2011

1 – Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) đang chuẩn bị cho việc kỷ niệm lần thứ 90 ngày thành lập của họ vào tuần này. Trong một nỗ lực tuyên truyền nhằm gây ấn tượng, CCP đã bảo trợ các buổi hòa nhạc, các buổi biểu diễn và các cuộc triển lãm nghệ thuật cách mạng cũng như “đại hội thể thao đỏ” và “du lịch đỏ” – tất cả đều nhằm lôi kéo sự quan tâm tới một thứ như là tiểu sử các “vị thánh” Cách Mạng. Thậm chí để đánh dấu dịp này CCP còn mua hai bức thư viết tay của Karl Marx. Cách đây chín mươi năm, khi Mao và 12 đại biểu ban đêm bí mật gặp nhau để thành lập CCP thì chủ đích của họ là tạo dựng một xã hội vô sản không tưởng. Trong những năm sau đó Mao đã kích động một cuộc cách mạng quần chúng nông dân để chống lại lực lượng Quốc dân đảng và Nhật và cuối cùng đã thống nhất đất nước Trung Quốc dưới sự cai trị của cộng sản vào năm 1949. Nhưng di sản ý thức hệ của Mao là một di sản đầy gai góc, bởi lẽ trong khi tầm nhìn lý tưởng của ông ta đến giờ vẫn còn gợi lên một nỗi hoài cổ nhất định nào đó thì những chính sách trên thực tế của ông ta – cụ thể là Đại Nhảy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa – đã để lại hơn 20 triệu cái chết và gây tác hại không thể kể xiết cho cơ cấu xã hội của Trung Quốc.
Trong một thế giới của sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc thì người ta ngày càng khó nhận ra sự liên quan giữa chủ nghĩa cộng sản và vị thế ngày càng lớn mạnh của những nhà tư bản khổng lồ ở đất nước này. Hôm nay, đảng vẫn tiếp tục duy trì sự tồn tại chủ yếu như là một mạng lưới bảo trợ cho phép các đảng viên có cơ hội nhận được những công việc tốt trong chính phủ và khu vực nhà nước. Như tờ Bloomberg đã diễn tả, đảng hứa hẹn đảm bảo “an ninh, sức mạnh và một đường lối để đi đến sự thịnh vượng.” Mặc dù 1,24 triệu sinh viên đại học đã gia nhập đảng trong năm ngoái, song có lẽ người ta đã hiểu tại sao những lý tưởng cách mạng về ruộng đất đang có vẻ như là một cơ hội kinh doanh hơn là một triết học soi đường chỉ lối.
Dưới đây là một cái nhìn để thấy lãnh đạo CCP đã điều khiển như thế nào công cuộc đổi thay đáng kinh ngạc của Trung Quốc trong 90 năm qua.
2 – Mao đang nói chuyện trước một đám đông tại Đại học Kangdah Cave năm 1939, kêu gọi kháng chiến mạnh mẽ hơn nữa chống lại Quân đội Hoàng Gia Nhật. Bài nói chuyện này được thực hiện trong thời gian  cuộc Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ 2 (1937-1945), cuộc chiến tranh này chủ yếu là giữa Trung Hoa Dân Quốc và Đế chế Nhật Bản xâm lược.  Trước khi nổ ra cuộc chiến tranh này, Đảng Cộng sản Trung Quốc của Mao đã tiến hành một cuộc nội chiến chống Kuomingtang (KMT hoặc gọi theo tiếng Trung Quốc là Trung Hoa Quốc Dân Đảng) là đảng đã lật đổ nhà Thanh vào năm 1911 nhưng hai phe đã liên minh lại để thành lập một mặt trận thống nhất nhằm tống cổ người Nhật. Sau khi Nhật đầu hàng năm 1945 thì cuộc chiến giữa CCP và KMT lại nổ ra một lần nữa.
3 – Cộng quân đang tiến tới gần Thượng Hải hôm 21 tháng 5 năm 1949 trong cuộc Nội chiến Trung Quốc. Cuộc nội chiến này cuối cùng đã dẫn đến sự ly khai của Trung Hoa Dân Quốc (nay là Đài Loan) và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đã kéo dài – với sự gián đoạn vì cuộc chiến kháng Nhật từ năm 1927 – từ năm 1927 cho tới khi Mao tuyên bố thắng lợi trước lãnh tụ Tưởng Giới Thạch của Quốc Dân Đảng vào tháng 10 năm 1949. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) chính thức được thành lập vào ngày 1 tháng 10 nsăm 1949.
4 – Từ trái sang phải: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev, Mao, và Lưu Thiếu Kỳ [Liu Shaoqi], chủ tịch nước thứ hai của PRC, đang duyệt đội quân danh dự tại sân bay Bắc Kinh năm 1959 trong đợt kỷ niệm lần thứ 10 ngày thành lập PRC. Mối bất hòa Trung-Xô đang ngày càng khoét rộng ngay từ giai đoạn đó và trong lễ khai mạc Đại hội Đảng 22 tại Moscow năm 1961 Khrushchev đã gọi Trung Hoa Đỏ là “nhóm chống đảng” và những kiến thức “Sta-lin-nít” của họ đã chống lại Moscow.
5 – Mao và Lâm Bưu [Lin Biao], phó thủ tướng của PRC, đang diễu qua đám đông trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 1966. Lâm Bưu sau này đã bị mất tích trong một tai nạn máy bay bí ẩn sau âm mưu cho người ám sát Mao.
6 – Thanh niên đang lấy tư thế để chụp ảnh trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản của Trung Quốc [thường gọi tắt là Cách Mạng Văn Hóa] năm 1967. Được bắt đầu vào năm 1966 và kéo dài cho tới khi Mao mất năm 1976, cuộc Cách mạng Văn hóa là một ý định nhằm thanh trừng chủ nghĩa tư bản ra khỏi xã hội Trung Quốc và nhất là để loại bỏ những người thuộc “giai cấp tư sản” đã thâm nhập vào CCP. Hậu quả thật thảm khốc: Hoạt động kinh tế bị nghừng trệ và những đối thủ chính trị của Mao bị thủ tiêu.
7 – Một dàn đồng ca của Hồng Quân Trung Quốc đang ca ngợi Mao Chủ tịch trong một buổi lễ ăn mừng vụ thu hoạch lúa mì năm 1967.
8 – Một đám đông đang hăng hái giơ cuốn “Cuốn sách nhỏ màu đỏ” để cổ vũ Mao tại sân vận động Bắc Kinh năm 1967. Đầu đề chính thức là Những lời trích dẫn Mao Chủ tịch, cuốn sách là một tuyển chọn những bài nói chuyện và trước tác về nhiều chủ đề liên quan đến tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Cuốn sách được coi là một biểu tượng của Cách mạng Văn hóa và nằm trong số những cuốn sách được in với số lượng nhiều nhất của mọi thời đại.
9 – Năm 1969, nông dân Trung Quốc ở vùng Hoằng Cảnh [Hungching] đang đọc to Mao tuyển. Chữ viết dưới chân dung của Mao Chủ tịch viết: “Kỷ niệm khai mạc thành công Đại hội Đảng lần thứ chín! Hãy phấn khởi học tập và làm theo lời dạy của Mao để hưởng ứng một sự kiện trọng đại mới.”
10 – Một tốp Hồng Vệ binh đang vui vẻ lấy tư thế cùng các dụng cụ làm ruộng trong một bức ảnh được đăng bởi hãng tin chính thức của Trung Quốc hồi năm 1971. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Hồng Vệ Binh được giao nhiệm vụ bài trừ tập quán, văn hoá, thói quen và tư tưởng cũ, nhưng vào năm 1968 – sau một số cuộc đụng độ với Quân Giải phóng Nhân dân – Hồng Vệ Binh đã bị giải tán và bị đưa về các vùng nông thôn.
11 – Nông dân ở ngoại ô Bắc Kinh tới viếng Mao qua đời ngày 9 tháng 9 năm 1976 ở tuổi 82. Lễ truy điệu ông đã diễn ra trong tám ngày ở Bắc Kinh. Đám tang của ông được tổ chức tại Đại Lễ đường Nhân dân với sự tham dự của “cả thế giới,” theo tạp chí Time.  
12 – Một cuộc mít tinh lớn của quân đội và nhân dân để bày tỏ sự ủng hộ dành cho Hoa Quốc Phong [Hua Guofeng] được bầu làm tổng bí thư của CCP. Hoa Quốc Phong, người kế tục do Mao chọn, đã nhậm chức vào ngày 6 tháng 10 năm 1976, nhưng sau đó đã bị lu mờ trước Đặng Tiểu Bình táo bạo và có hiểu biết hơn, người rút cục đã biến đổi đất nước Trung Quốc thành một cường quốc kinh tế theo hướng thị trường. Mặc dù vậy, thời gian  Hoa Quốc Phong làm việc trên cương vị người cầm lái CCP đã có những cải cách kinh tế và giáo dục mang tính ôn hòa tạo ra một cầu nối quan trọng giữa những năm tháng cuối cùng của Cách mạng Văn hóa chống tư bản của Mao và bước ngoặt bước vào nền kinh tế toàn cầu của Đặng Tiểu Bình. 
13 – Triệu Tử Dương [Zhao Ziyang], một trong những kiến trúc sư chính của những cải cách thị trường tự do của Trung Quốc và là thủ tướng của Trung Quốc từ năm 1980 đến 1987. Bức ảnh được chụp vào năm đầu tiên ông làm thủ tướng.
14 – Triệu Tử Dương và lãnh tụ Cộng sản Tối cao Đặng Tiểu Bình đang hội ý tại Đại hội Đảng lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 năm 1987. Mặc dù Đặng Tiểu Bình chưa bao giờ giữ chức nguyên thủ quốc gia – ông đồng thời là chủ tịch Ủy ban Cố vấn Trung ương Đảng và chủ tịch Quân ủy Trung ương – song sự tận tụy của ông đối với vấn đề thương mại quốc tế và tiến bộ công nghệ đã giúp ông trở thành người anh hùng của thời kỳ nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu.
15 – Hàng trăm nhà hoạt động là sinh viên đang đối mặt với cảnh sát trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh hôm 22 tháng 4 năm 1989. Các cuộc biểu tình vì dân chủ đã nổ ra sau khi Hồ Diệu Bang [Hu Yaoban], một quan chức của CCP bị sa thải vì đã ủng hộ công cuộc tự do do hóa chính trị, và chỉ bị dập tắt sau khi các đơn vị Quân Giải phóng Nhân dân đã tàn sát dã man hàng trăm, có thể là hàng nghìn sinh viên biểu tình trong tháng 6 năm 1989.
16 – Triệu Tử Dương nói chuyện với những sinh viên biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn chưa đầy một tháng trước khi xảy ra cuộc đàn áp dã man. Trong bài nói chuyện mang tính hòa giải của ông, ông đã cầu khẩn sinh viên chấm dứt tuyệt thực và đối thoại với chính phủ, đây là một dịp hiếm hoi đảng đã thú nhận những thất bại.”Mọi điều các bạn nói và chỉ trích chúng tôi đều là xứng đáng. Mục đích của tôi ở đây không phải là xin các bạn tha thứ,” ông nói trước khi đề nghị sinh viên hãy chấp nhận một bước đi cải cách mang tính thực tế hơn. “Nếu các bạn ngừng tuyệt thực, chính phủ sẽ không đóng lại cánh cửa đối thoại, dứt khoát không! Những gì các bạn đã đề xuất thì chúng ta có thể tiếp tục thảo luận.” Bài nói chuyện này đã khiến Triệu Tử Dương sớm ra khỏi ban lãnh đạo đảng và bị quản thúc tại gia trong suốt quãng đời còn lại.
17 – Tổng bí thứ Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân, người kế nhiệm Triệu Tử Dương, đang phát biểu tại đại hội Đảng lần thứ 14 hôm 12 tháng 10 năm 1992. Trong thời gian ông giữ chức vụ tổng bí thư từ năm 1989 đến 2002, Giang Trạch Dâmn đã đóng một vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo đưa Trung Quốc từ bỏ nền kinh tế quốc doanh chủ đạo của thời kỳ Mao để hướng tới một nền kinh tế thị trường có kế hoạch. 
18 – Những con búp bê matryoshka truyền thống của Nga được vẽ chân dung những lãnh tụ Trung Quốc kể từ thời kỳ lật đổ nhà Thanh năm 1911. Từ trái qua phải: chủ tịch lâm thời của Trung Hoa Dân quốc Tôn Trung Sơn, lãnh tụ Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch, người sáng lập nước Trung Hoa cộng sản Mao Trạch Đông, lãnh tụ tối cao Đặng Tiểu Bình, và Chủ tịch Giang Trạch Dân.  
19 – Hồ Cẩm Đào, tổng bí thư hiện nay của CCP, đang phát biểu trước các nhà lãnh đạo các nước tại một bữa tiệc đánh dấu ngày cuối cùng của Thế vận hội Olympic Bắc Kinh hôm 24 tháng 8 năm 2008. Hồ Cẩm Đào thay Giang Trạch Dân làm tổng bí thư vào năm 2002.
20 – Cựu chiến binh 94 tuổi Liu Jiaqi ứa nước mắt khi đội lên đầu chiếc mũ lưỡi trai tại một dịp kỷ niệm “Ôn lại cuộc Vạn lý Trường Chinh,” hôm 22 tháng 7 năm 2006. Vạn lý Trường Chinh  là một cuộc rút lui kéo dài một năm qua 8000 dặm của Hồng Quân Cộng sản bắt đầu từ năm 1934. Chính trong cuộc rút lui này mà nhiều nhà sáng lập PRC, trong đó có Mao, đã lên nắm quyền hành.
21 – Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo phát biểu tại Đại hội nhân dân toàn quốc lần thứ 11 tại Đại lễ đường Nhân dân hôm 5 tháng 3 năm 2010. Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
22 – “Khách du lịch đỏ” đang khua những lá cờ cộng sản trong một cuộc diễu hành tại một di tích đóng quân lịch sử của Hồng Quân ở gần Quuỳnh Hải [Qionghai] hôm 16 tháng 4 năm 2011. Sự khôi phục trở lại mối quan tâm tới những lý tưởng cách mạng của Mao bắt đầu từ chiến dịch kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của CCP – chỉ có điều hơi trớ trêu một chút – ấy là việc đẻ ra một cái nhãn hiệu du lịch mới mẻ sinh lời như thế này đã lại càng củng cố khuynh hướng ưa thích tư bản của đất nước Trung Quốc. Chỉ cần hơn 23 đô la bạn có thể tới thăm hàng chục di tích cách mạng ở Diên An [Yanan], một thành phố nhỏ của tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc và  được xem tái hiện chiến thắng của cộng sản đối với KMT với đầy đủ pháo binh, xe tăng và máy bay bốc cháy rơi từ trên trời xuống. Toàn bộ dự án này đã thu về 1,17 tỉ đô la chỉ trong năm ngoái.  

23 – Các diễn viên múa đang biểu diễn tại buổi lễ kỷ niệm lần thứ 90 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 28 tháng 6 năm 2011.
Ty McCormick là một nhà nghiên cứu thuộc ban biên tập của Foreign Policy.
Người dịch: Hiền Ba
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Tổng số lượt xem trang