Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Bảy, ngày 02/07/2011
(Đài Ôxtrâylia 27/6)
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, tỉ lệ lạm phát trong tháng 6 vừa qua đã lên đến 21% khiến Việt Nam trở thành một trong năm nước có tỉ lệ lạm phát cao nhất thế giới hiện nay.Sau thời kỳ siêu lạm phát vào những năm 1980, cách đây hơn hai năm (2008) người ta lại chứng kiến lạm phát tại Việt Nam tăng lên đến 28%. Chuyên gia kinh tế Adam McCarty, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của Công ty Tư vấn Mekong Econnomics, cho rằng lạm phát 2011 cũng sẽ tăng lên mức đỉnh điểm 25%.
Hiện nay, cả đất nước và người dân Việt Nam đang phải đương đầu với lạm phát không ngừng leo thang. Giá lương thực, thực phẩm trong những tháng qua đã tăng một cách chóng mặt.
Giáo sư Adam Fforde thuộc Trung tâm Kinh tế Chiến lược, Đại học Victoria (Ôxtrâylia), cho biết lạm phát bắt nguồn từ việc nới lỏng tín dụng khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007 và những can thiệp của chính phủ vào hoạt động của Ngân hàng nhà nước càng làm cho tình hình xấu đi. ông Fforde nói: “Tôi cho rằng những can thiệp chính trị như thế sẽ tiếp tục tồn tại, trừ phi Việt Nam có một người lãnh đạo có đủ tầm để hoạch định chiến lược cho cả nước hoặc có sự thay đổi trong hệ thống chính trị và bộ máy chính phủ có quyền lực thực sự”.
Bên cạnh đó, mức lãi suất của Việt Nam cũng rất cao. Trong một đánh giá mới đây nhất của mình, Ngân hàng Thế giới cho biết nền kinh tế Việt Nam đã mất đi sự tín nhiệm của người dân. Nguyên nhân là do những chính sách thiếu đồng bộ và nửa vời cũng như chính phủ chủ yếu chú trọng vào việc tăng trưởng kinh tế hơn là kiềm chế lạm phát. Mặc dù vậy, ông Adam McCarty cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP 6% như hiện nay là vẫn còn thấp. “Việt Nam đáng lý phải tăng trưởn với tốc độ 10%/năm như Ấn Độ hiện nay. Vì thế, tôi nghĩ Việt Nam vẫn còn những bất cập về cơ cấu cần được giải quyết để tăng năng suất lao động và thúc đẩy sự phát triển”.
Trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm, điện, nước và nhiên liệu vẫn không ngừng tăng, ngày càng có nhiều công nhân Việt Nam đình công đòi tăng lương. Sau những nỗ lực điều đình, lương của một số công nhân có tay nghề đã được tăng. Mặc dù vậy, do lạm phát tăng cao, sự tăng lương của họ là không đáng kể, thậm chí thu nhập sau khi trừ đi các khoản chi phí của họ còn bị giảm xuống so với trước đây. Bên cạnh đó, vẫn còn một số lớn những người lao động không được tăng lương. Ông McCarty cho biết: “Một phần trong số đó là người lao động trong ngành nông nghiệp và những người đang làm việc trong các xí nghiệp. Vì vậy, trong hơn một năm qua, họ đình công nhiều hơn để đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình mình”.
Thiếu giải pháp đồng bộ, hiệu quả
Ông McCarty cho biết Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để kiềm chế lạm phát, trong đó chính sách siết chặt tín dụng đã phát huy một phần tác dụng. Tuy nhiên, một số biện pháp khác lại gây thiệt hại cho nên kinh tế hơn là phát huy hiệu quả. Ông nói: “Điển hình là các nhà hoạch định chính sách đã đánh giá chưa đúng mức tình trạng bấp bênh của các doanh nghiệp do những thay đổi thường xuyên trong các điều luật quản lý doanh nghiệp nhỏ gây ra. Họ đã đề ra thêm nhiều văn bản pháp lý nhằm hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng để tiến tới cân bằng cán cân thương mại. Tuy nhiên, điều này lại gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu”.
Trước câu hỏi về tính hiệu quả của các khoản đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước, ông McCarty cho biết trong những năm qua, Việt Nam vẫn chưa giải quyết được bài toán này và đó chính là gốc rễ gây ra sự trì trệ kinh tế. Chính phủ cũng đã đưa ra hàng loạt các chính sách, biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát nhưng sau đó lại nới lỏng tín dụng và tiếp tục cho các doanh nghiệp nhà nước vay tiền và điều này gây ra sự thiếu đồng bộ trong chính sách.
Giáo sư Fforde thì cho rằng sự đình công của công nhân không phải là một mối đe doạ với chính quyền nhưng nó cũng cho thấy sự cần thiết phải có sự thay đổi về mặt chính trị. Tuy nhiên, ông tỏ ra khá bi quan về vấn đề này trong tương lai gần.
***
(Đài RFI 13/6)
Ngoài hiểm hoạ Trung Quốc lấn chiếm lãnh hải trên Biển Đông, Việt Nam còn đang phải đối đầu với một cuộc xâm lăng khác về mặt kinh tế, thể hiện qua con số nhập từ Trung Quốc ngày càng lớn và tình trạng hàng hoá Trung Quốc, trong đó có nhiều hàng độc hại, đang tràn ngập thị trường Việt Nam.Trung Quốc hiện nay đã trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, vượt qua cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhập siêu của Việt Nam và Trung Quốc đã tăng liên tục kể từ khi hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc có hiệu lực ngày 1/72005. Nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng rất nhanh trong những năm gần đây, từ mức 2,67 tỷ USD năm 2005 vọt lên tới 12,7 tỷ USD năm 2010, tức là tăng gấp gần 5 lần!
Theo các số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, trong 5 tháng đầu năm nay, mức thâm hụt mậu dịch, tức là nhập siêu, của Việt Nam đã lên tới khoảng 6,5 tỷ USD và trong đó phần lớn vẫn là nhập siêu từ Trung Quốc. Nói chung, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc hiện là lớn nhất.
Cho đến nay, Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu là nguyên liệu thô, khoáng sản, nông lâm thuỷ sản, trong khi Trung Quốc bán sang Việt Nam chủ yếu là phương tiện vận tải, máy móc thiết bị, phụ tùng, hàng chế biến theo nguyên liệu như vải, chất dẻo… để Việt Nam chế biến hàng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Trả lời phỏng vấn RFI, ông Nguyễn Trần Bạt, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư cho rằng nhập siêu từ Trung Quốc là vấn đề rất nan giải và đang gây rất nhiều khó khăn cho ngành sản xuất của Việt Nam.
Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) thuộc Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, “chính sách thương mại và công nghiệp của Việt Nam chưa phát huy được tác dụng trước làn sóng hàng Trung Quốc đa dạng và giá rẻ. Việt Nam cũng thiếu vắng những hàng rào kỹ thuật đối với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc. Không những thế, Trung Quốc lại biết tận dụng lợi thế của các thoả thuận thương mại khu vực”.
Ngược lại, theo VERP, “hàng hoá của Việt Nam có khả năng cạnh tranh kém cả về giá cả và chất lượng nên khó thâm nhập thị trường Trung Quốc. Nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu sáng Trung Quốc là khoáng sản và nông lâm thuỷ sản với số lượng nhỏ, giá cả bấp bênh”.
Để giải bài toán nhập siêu từ Trung Quốc, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, giám đốc VERP cho rằng, “cần có các giải pháp đồng bộ, không chỉ về chính sách thương mại mà cả về chính sách đầu tư, chính sách công nghiệp trong cơ chế chọn nhà thầu khoán”. Nhưng nói thì dễ, theo ông Nguyễn Đức Thành, “đây hoàn toàn không phải là điều đơn giản trước sự hiện hữu ngày càng lớn của kinh tế Trung Quốc trên toàn thế giới”.
Bên cạnh tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc, một vấn đề còn nghiêm trọng hơn cả đó là sự tràn ngập hàng hoá Trung Quốc trên khắp Việt Nam. Tờ Sài Gòn Giải Phóng Online vừa qua đã có bài báo động về tình trạng hàng giá rẻ kém chất lượng, vừa độc hại của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam, như đồ chơi trẻ em có nồng độ chì vượt mức cho phép, điện thoại iPhone made in China mới dùng có hai tuần sóng đã chập chờn, tiếng lúc được lúc mất, radio sau một tháng tiếng phát ra như người bị nghẹt mũi.
Nguy hiểm hơn cả là nhiều thực phẩm ở Việt nam hiện nay dùng các chất phẩm màu gây ung thư có nguồn gốc từ Trung Quốc, chưa kể sữa nhiễm melamine, trứng gà, gia vị lẩu, tương ớt có nguy cơ gây ngộ độc hoặc ung thư. Ngay cả chăn đệm, quần áo Trung Quốc cũng đe doạ sức khỏe con người vì có chất phoócmađêhít gây hại cho da. Rồi còn phải kể đến trà trân châu bằng polymer, trứng gà giả. Đồ trang sức “Made in China” cũng kinh khủng không kém. Mới đây lại có thông tin về ly cốc thuỷ tinh của Trung Quốc bị nhiễm độc chì nhưng vẫn được ồ ạt nhập vào bán ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Khôi hài hơn nữa là chuyện taxi đang chạy bị rơi hai bánh xảy ra ngày 7/6 vừa qua tại thành phố Huế. Thì ra đó là một chiếc xe do hãng Lifan của Trung Quốc sản xuất!
Trước sự độc hại của nhiều mặt hàng Trung Quốc, một số người tiêu dùng ở Việt Nam, nhất là những người có mức thu nhập từ trung bình trở lên, đã bắt đầu tẩy chay rau quả Trung Quốc, chuyển sang mua rau quả nhập từ Mỹ, Ôxtrâylia hay Niu Dilân, an toàn hơn. Ngay cả những người thu nhập thấp cũng quay sang mua rau quả Việt Nam, ít ra còn bảo đảm là không bị nhiễm độc.
Những hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam trong những ngày qua đang làm dấy thêm phong trào tẩy chay hàng Trung Quốc, đẩy mạnh tinh thần “Người Việt dùng hàng Việt”. Nhưng nếu ngành công nghiệp Việt Nam không đủ sức tạo ra những hàng hoá vừa giá rẻ, vừa bảo đảm chất lượng, cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, thì phong trào dùng hàng nội cũng chẳng đi đến đâu. Bên cạnh đó, nếu các nhà quản lý không đủ sức ngăn chặn những con đường nhập hàng ồ ạt qua biên giới phía Bắc, thì các sản phẩm độc hại của Trung Quốc tiếp tục đe doạ sức khoẻ của người dân Việt Nam.
***
(Đài BBC 20/6)
Nguyễn Hoàng trò chuyện với ông Dominic Scriven, Tổng Giám đóc Dragon Capital, về vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.- Xin chào ông, câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là FDI chiếm một tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế Việt Nam, chắc hẳn các nhà đầu tư nước ngoài phải thấy ở Việt Nam có một điểm gì đó hấp dẫn?
+ Quả thực, vai trò của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là rất lớn, nếu tính theo GDP khi so với Trung Quốc và các nước khác. Đầu tư nước ngoài chia thành 2 phần, một phần lớn nhất là đầu tư trực tiếp còn gọi là FDI và FDI chủ yếu từ các tập đoàn đa quốc gai đến Việt nam để lập những cơ sở sản xuất. Một số điển hình là Tập đoàn Intel của Mỹ vừa khởi động nhà máy sản xuất lớn nhất của Intel trên thế giới. Mới đây, Tập đoàn Nokia lập nàh máy thứ 6 của họ trên toàn cầu tại Việt Nam… Lý do những nhà đầu tư này có mặt ở Việt Nam là vì cơ sở chi phí có thể cạnh tranh được, gồm có chi phí lao động và các chi phí khác. Dù có nhiều vật chất về hạ tầng cơ sở, suy cho cùng, hạ tầng cơ sở của Việt nam cũng tạm ổn, không cản trở những quá trình sản xuất của họ. Còn có một loại đầu tư nước ngoài thứ hai, cũng gọi là đầu tư trực tiếp tại Việt Nam vào thị trường trong nước, thị trường tiêu dùng, thị trường bán lẻ. Còn có loại đầu tư nước ngoài thứ ba, đó là đầu tư gián tiếp hay là đầu tư tài chính, thông thường là dạng đầu tư nước ngoài đến sau, mới phát triển mấy năm nay.
- Ở đây có những nhà đầu tư dài hạn và những nhà đầu tư ngắn hạn. Ông có lời khuyên nào dành cho nhà đầu tư dài hạn và nhà đầu tư ngắn hạn?
+ Phải nói thật, đầu tư ngắn hạn tại Việt Nam là không nên, cũng giống như các thị trường mới nổi khác thì bài toán đầu tư phải là bài toán dài hạn. Vì sao thế? Là vì sự phát lâu dài cho một nền kinh tế như Việt Nam là khá ấn tượng. Nhưng vì cơ cấu thể chế và các công cụ điều hành kinh tế, kể cả cách phát triển của xã hội khó có thể dự báo nên dễ có những biến động trong thời gian đó. Vì thế, đầu tư tại Việt Nam nên có một tầm nhìn dài hạn. Nhưng phải nói rằng đây là thời điểm tốt để đầu tư, nếu đã đầu tư rồi thì đây là thời điểm nên kiên nhẫn và bình tĩnh để qua chu kỳ khó khăn này, vì chắc chắn nó sẽ khởi sắc trở lại.
- Chắc hẳn ông đã có dịp gặp các vị lãnh đạo nhà nước Việt Nam trong quá trình tiếp xúc khi hội thảo, khi ngồi nói chuyện bàn thảo với họ về mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, những hướng đi của nền kinh tế. Ông có nhận xét gì về giới lãnh đạo của Việt Nam, những mong muốn tầm nhìn của họ như thế nào ở trong khu vực?
+ Tôi có gặp một số vị lãnh đạo, tôi thấy có một điều tương đối bất ngờ là vai trò của “thành phần nước ngoài” lớn. Trong sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện nay, thành phần các doanh nghiệp Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài chiếm phần lớn nhất, đồng thời là thành phần tăng trưởng nhanh nhất. Rõ ràng đây là đầu tư trực tiếp, kể cả trong lĩnh vực kinh doanh của mình, tôi có thể khẳng định rằng Việt Nam khá cởi mở đối với doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt so với một số nước khác như Trung Quốc chẳng hạn.
- Ông đã sống ở Việt Nam 20 năm, có những lý do gì khiến ông chọn Thành phố Hồ Chí Minh là nơi đặt trụ sở kinh doanh của mình, hay vì ông dự đoán được ở đó có thị trường chứng khoán trước?
+ Đúng như anh nói, năm nay là năm thứ 20 tôi ở Việt nam và nơi tôi đặt chân đến đầu tiên là thủ đô Hà Nội. Tôi đăng ký học tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội 2 năm. Tuy nhiên, khi học xong, tạii Hà Nội không có nhiều công việc, nên khi có một cơ hội ở trong Nam, tôi đã vào đó đến bây giờ. Đúng như anh nói, trụ sở của tôi ở trong Nam. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tôi không kinh doanh tại Hà Nội, tôi cũng thấy nhiều người gốc Bắc vào lập nghiệp trong Nam cho nên cũng không phải chỉ một mình tôi đi theo hướng đó.
***
(Đài RFA 21 và 28/6)
Chỉ còn chưa đến 10 năm tính đến thời điểm Việt Nam phải trở thành nước công nghiệp hoá, tuy nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn còn là một vấn đề gai góc, nhất là khi lượng vốn đầu tư cho lĩnh vực này rất cao, khả năng thu hồi vốn chậm.Vì lý do nêu trên nên việc Chính phủ huy động đầu tư từ khối ngành tư nhân trong nước và nước ngoài là điều hết sức cần thiết. Nhưng mô hình kết hợp công tư này có điểm gì đặc biệt?
Mô hình đối tác công tư (PPP)
Mô hình đối tác công tư là hình thức đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng cơ sở gồm 9 lĩnh vực trọng yếu như đường bội, giao thông đô thị, cảng hàng không, cảng biển, hệ thống nước sạch, nhà máy điện, môi trường, y tế… với việc tham gia đầu tư của nhà nước không quá 30% vào dự án, phần còn lại là của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, khu vực tư nhân ở đây phải được hiểu theo nghĩa là của cả nhà đầu tư trong nước lẫn ngoài nước.
Tại Việt Nam, cần có sự góp vốn đầu tư của tư nhân vào những dự án mà khả năng thu hút vốn đầu tư không hấp dẫn, thời gian và khả năng thu hồi vốn lâu, trong khi những công trình này nhà nước cần phải đầu tư ngay, nhằm phát triển kinh tế xã hội cho cả vùng hay một khu vực.
Ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu Hạ tầng Cơ sở (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho biết: “PPP là một chương trình mà khung pháp lý hiện nay đang thí điểm chứ chưa hoàn thiện, mục tiêu của Chính phủ nghiên cứu là để hợp tác công tư. Nhà nước bỏ ra tuỳ theo từng dự án, nhưng tối đa chỉ là 30% tổng vốn đầu tư, còn lại phải đề nghị các nhà đầu tư mà chủ yếu là ở nước ngoài trực tiếp bỏ vốn vào cũng nhau thực hiện dự án”.
Ông Bảo cũng giải thích thêm về bản chất thì mô hình PPP dựa trên hình thức BOT: xây dựng, vận hành, chuyển giao hoặc BT: xây dựng, chuyển giao do nhà đầu tư đầu tư 100% vốn xây dựng rồi sau khi hết thời gian thu hồi vốn và lãi, sẽ chuyển lại cho nhà nước quản lý. Còn với hình thức PPP này, thì nhà nước và tư nhân cũng nhau chia sẻ mức vốn đầu tư cũng như những lợi ích, rủi ro và độ phức tạp từ dự án.
Còn chập chững
Ở các nước trên thế giới thì hình thức đối tác công tư PPP này không phải là mới mẻ, mà đã có khoảng 50 năm nay, nhưng ở Việt Nam thì mới đang ở những bước đi chập chững đầu tiên và mới chỉ dừng lại ở các mô hình thí điểm, như dự án đầu tiên là đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đang được giao cho Bộ Kế hoạch Đầu tư thực hiện. Câu hỏi đặt ra là tại sao khối ngành tư nhân trong và ngoài nước lại muốn tham gia những dự án hạ tầng đòi hỏi vốn lớn và thời gain thu hồi chậm như vậy. Trả lời câu hỏi này, một chuyên gia thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư chia sẻ: “Nhà đầu tư là nhà thầu tự thi công, bởi vì trong thi công đã có phần lãi trong đó. Cái lợi mà nhà đầu tư có thể thu được ngoài những kỳ vọng vào việc thu phí cầu đường, cầu cảng… thì họ lại còn chính là nhà thi công, mà điểm này mới là quan trọng. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, áp dụng hình thức PPP sẽ giải quyết được nhiều bài toán về ùn tắc giao thông, tạo việc làm cho người lao động tại địa phương…”
Lợi ích và rào cản
Tác động tích cực nhất của Quy chế thí điểm PPP sẽ là mở ra cơ hội, điều kiện huy động nguồn vốn của khu vực tư nhân và nước ngoài vào việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, đồng thời tận dụng được năng lực, kỹ thuật và kinh nghiệm của các nhà đầu tư. Tuy thế, cũng giống nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, hình thức PPP này hiện cũng đang vấn phải một vấn đề rào cản khi thực thi là làm sao quản lý nguồn vốn này. Vị chuyên gia này cho biết tiếp: “Rào cản thực thi PPP là việc quản lý nguồn vốn đầu tư vào dự án đó, ai đứng ra quản lý và quản lý như thế nào, đầu tư ra sao là vấn đề cơ bản nhất”.
Ngoài rào cản về quản lý nguồn vốn, hiện nay còn có những rào cản khác là những dự án cần kêu gọi đầu tư hiện chưa được lập và phân tích một cách cụ thể. Tất cả mới chỉ dừng lại trên con số chung chung 30% và 70%. Vì thế, nhiều dự án chưa biết sẽ mang lại hiệu quả hài hoà ra sao cho nhà đầu từ và cho Chính phủ. Khi các dự án khó thực hiện, với mức thu hồi thấp, thì nhà nước cần có chính sách cởi mở hơn nữa, không quy định cứng nhắc bao nhiêu phần trăm. Vì trước đây, kết cấu hạ tầng nhà nước phải bỏ ra 100%, nếu ta có thể huy động 50%, nhà nước bỏ ra 50% là điều chấp nhậnd dược. Học tập kinh nghiệm của Malaixia, có những dự án nhà nước bỏ ra 70%, tư nhân bỏ ra 30%, một công trình tính ra 90 năm mới thu hồi vốn, nhà đầu tư thu hồi vốn trước trong vòng 30 năm, rồi bàn giao lại cho chính phủ. Bên cạnh đó, cơ chế pháp lý liên quan đến công tác đấu thầu các dự án đầu tư vẫn là việc cần phải bàn đến. Vị chuyên gia nói thêm: “Vấn đề thứ hai là chuyện đấu thầu giữa các nhà đầu tư để tham gia hình thức PPP, phần đấu thầu hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vì một nàh đầu tư khi tham gia đầu tư họ phải chuẩn bị khá lâu, thậm chí có những dự án 5 năm. Nhưng hiện nay khung pháp lý của Việt Nam, chính xác mà nói thì vẫn căn cứ theo Nghị định 78 là cơ sở pháp lý duy nhất vì đó là nghị định chứ còn Quyết định 71 thì chỉ là quyết định của Thủ tướng mà thôi”.
Nhà nước cần làm gì?
Vậy để PPP trở thành một kênh thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân hiệu quả hơn nữa, phía Chính phủ cần phải làm gì? Theo nhiều chuyên gia kinh tế thì hiện tại việc tính toán hiệu quả đầu tư, để từ đó phân chia hài hoà lợi ích giữa Chính phủ và nhà đầu tư vẫn là một trở ngại. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần có những hình thức hỗ trợ thêm về thuế, quy đổi ngoại tệ… Vì thế cần phải có một đội ngũ chuyên gia tính toán như thế nào cho chính xác và từ đó kêu gọi đầu tư, rồi có những cơ chế về thuế, nguồn thu, quy đổi ngoại tệ.
Có thể nói, để thu hút được thêm mọi nguồn vốn đầu tư từ cả trong nước lẫn nước ngoài, nhất là cho những dự án cơ sở hạ tầng lớn, thì hình thức mới PPP được xem là một trong những giải pháp và bước đi được tập trung mạnh trong thời gian tới.
Tuy vậy, để mô hình thí điểm đó trở thành thực tế lại là cả một bước dài thực hiện. Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế độc lập nhận xét: “Trước đây, gần như truyền thống của Việt Nam là chỉ có nhà nước thực hiện phát triển cơ cấu hạ tầng nên PPP cũng là ý tưởng mới của nhà nước. Tuy nhiên điều này cần phải làm một cách nhanh chóng hơn nữa, chứ còn chỉ thí điểm trong một vài trường hợp, rồi phải chờ rất lâu sau mới mở rộng thì có lẽ khó đạt được yêu cầu phát triển của Việt Nam hiện nay”.
Có lẽ kết luận của bà Phạm Chi Lan cũng là mong muốn của nhiều người dân ở những nơi mà học sinh còn phải trèo qua những câu cầu khỉ đi học, trẻ nhỏ còn phải băng qua hàng chục km đường đèo đến trường hay những nơi vùng sâu vùng xa chưa bao giờ nhìn thấy bóng đèn điện. Việc xây dựng nhanh chóng hạ tầng thiết yếu, phục vụ đời sống người dân là điều đang rất được mong chờ.
***
Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam phụ thuộc xuất khẩu dẫn đến phát triển xuất khẩu ồ ạt không bền vững. Chính phủ đã nhận biết được điều đó nhưng việc chuyển đổi cơ cấu vẫn mãi dậm chân tại chỗ. Việt Nam trù liệu việc giảm tốc độ sau một thập niên phát triển xuất khẩu bằng mọi giá để đạt tăng trưởng kinh tế. Theo các số liệu chính thức, trong 10 năm đầu thế kỷ 21 mức tăng GDP bình quân của Việt Nam là gần 8% và tăng xuất khẩu gần 19%.Xuất khẩu nguyên liệu thôi chiếm 70%
Tiến sĩ (Ts) Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế độc lập từ Hà Nội nhận định: “Hiện nay xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ và xuất khẩu trong 10 năm gần đây không thay đổi được nhiều. Xuất khẩu tới 70% là các sản phẩm thô là dầu thô, than đá, cao su, các khoáng sản, nông sản như gạo, cà phê nâhn, hồ tiêu… còn sản phẩm công nghiệp như dệt may thì trong đó phần lớn nguyên liệu dệt may phải nhập từ Trung Quốc. Tức là xuất khẩu chậm chuyển biến, chậm tiến lên một nền xuất khẩu dựa vào công nghệ cao và dựa vào giá trị gia tăng cao hơn”.
Cao su là nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu 2,3 tỷ USD vào năm 2010. Một trong các thí dụ điển hình được đề cập là Việt Nam xuất khẩu mủ cao su tự nhiên rất nhiều nhưng lại phải nhập lốp xe cũng như hầu hết sản phẩm cao su. Ts. Trần thị Thuý Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam nhận định: “Ngành cao su xuất khẩu nguyên liệu thô chiếm 80%. Sản phẩm cao su trong đó có lốp xe vẫn còn ít, chúng tôi cũng nhận thấy phát triển như vậy chưa bền vững cho nên sắp tới phải đẩy mạnh các sản phẩm cao su xuất khẩu và giảm bớt xuất khẩu nguyên liệu thô. Đấy là xu hướng của ngành cao su trong tương lai. Chúng tôi cố gắng giảm xuất khẩu thô từ 80%-85% xuống còn 70%, để dành nguyên liệu cho sản xuất trong nước”.
Ts. Đinh Văn Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại Bộ Công thương xác nhận với báo chí là trong giai đoạn 2011-2020, nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7,5% đến 8% nhưng tăng trưởng xuất khẩu sẽ chỉ gâp 1,5 lần thay vì hơn 2 lần như giai đoạn trước. Việc giảm tốc độ xuất khẩu khá lớn đòi hỏi phải tái cấu trúc cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu.
Trả lời chúng tôi, Ts. Lê Đăng Doanh bày tỏ e ngại nếu không có hành động kịp thời, một số ngành hàng xuất khẩu qua gia công sẽ gặp nhiều khó khăn. Ông nói: “Cần thấy là trong những năm gần đây lạm phát tăng lên, Việt Nam đã phải điều chỉnh tỷ giá đồng tiền, tăng giá xăng dầu, tăng tiền lương. Nếu như xu hướng này tiếp tục, thì ngành dệt may Việt Nam trong vòng 5 năm nữa, theo sự tính toán của cá nhân tôi, sẽ mất khả năng cạnh tranh với những sản phẩm của Bănglađét hay của Inđônêxia vì giá dệt may trên thị trường thế giới mang tính cạnh tranh. Trong khi đó, ở trong nước những yếu tố đầu voà của ngành dệt may liên tục tăng lên, điện tăng, xăng dầu tăng, tiền lương tăng lên, cước phí vận tải tăng lên và do phá giá đồng tiền cho nên các sản phẩm nhập khẩu chiếm đến 70-75%. Giá thành hàng dệt may xuất khẩu từ Việt Nam cũng tăng lên và lúc bấy giờ hàng dệt may Việt Nam không thể còn năng lực cạnh tranh với các sản phẩm của Inđônêxia và Bănglađét. Đó là một trong những điều hết sức đáng lo ngại”.
Chính sách nội địa hoá chưa thực sự phát huy
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Da giày Việt Nam đồng thời là Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan thành phố Hồ Chí Minh, nhận định là chính phủ có những chủ trương tốt nhưng khi thực hiện thì không mang lại hiệu quả: “Chúng tôi cho rằng chính sách nội địa từ công nghiệp lắp ráp rồi sản xuất da giày, dệt may… và nhiều ngành khác nữa chính là để giúp giảm nhập siêu. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua cả doanh nghiệp lẫn chính phủ đều đánh giá là những chính sách đó chưa thực sự phát huy tác dụng. Do đó, vẫn tiếp tục nhập khẩu và tình trạng nhập siêu tiếp tục xảy ra. Trong khoảng thời gian 1 năm trở lại đây chính phủ đã quyết liệt hơn trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hoá”.
Về nông sản, mục tiêu giảm xuất khẩu thô để gia tăng các sản phẩm chế biến là một vấn đề nan giải vì cần xây dựng thương hiệu, vốn đầu tư lớn và thời gian chuẩn bị cho công nghệ. Có một vài sự tiến triển ở ngành cà phê nhưng chậm và sản lượng cà phê qua chế biến là không đáng kể, có chuyên gia nói rằng 15 năm nữa cà phê Việt Nam sẽ vẫn cứ xuất nguyên liệu thô là chủ yếu.
Đối với ngành cao su, Ts. Trần thị Thuý Hoa nhận định: “Chỉ tiêu đặt ra tới năm 2015-2020 tiến đội vẫn chậm. Để cho khả thi, một mặt các doanh nghiệp trong nước nên tìm các sản phẩm thích hợp và thị trường thích hợp đối với các sản phẩm cao su. Ngoài ra chính phủ nên tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài. Để rút nhanh thời gian, nếu nước ngoài đầu tư vào sản phẩm cao su thì cần ưu tiên, ưu đãi để nâng lượng sản phẩm cao su lên, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô”.
Việt Nam đang đứng trước các câu hỏi hóc búa, bắt nguồn từ tình trạng xuất khẩu nhiều mà không hiệu quả, tạo ra tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại kéo dài. Hàng công nghiệp thì phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào, trong khi khoáng sản, nông sản xuất khẩu thô thì ít giá trị gia tăng. Nếu giảm tốc độ xuất khẩu nhanh thì hàng triệu người lao động mất việc làm dẫn tới bất ổn xã hội. Điều cần làm, theo các chuyên gia, là phải tái cơ cấu xuất nhập khẩu hay rộng hơn nữa là tái cơ cấu nền kinh tế. Nếu bây giờ chưa bắt đầu thì biết đến khi nào mới tới đích./.