Chuyện Bá láp và Bá đạo nhân Đạo luật Di trú Arizona...
Biểu tình chống kỳ thị di dân nhập lậu - năm 2007 - với lá cờ Mễ
Viết cách đây đúng một năm, bài này nêu lên nhiều vấn đề "nhạy cảm" - nhất là đoạn cuối!
Ngày 23 Tháng Tư (năm 2010), bà Thống đốc Jan Brewer của Tiểu bang Arizona ban hành Đạo luật Di trú tên là "Yểm trợ việc Thi hành Luật pháp và An ninh Khu phố" ("Support Our Law Enforcement and Safe Neighborhood Act"). Đạo luật Arizona Senate Bill 1070 này sẽ chính thức áp dụng từ ngày 29 Tháng Bảy nhưng mấy tháng qua đã gây tranh luận trong chính trường Mỹ.
Được sự ủng hộ rất lớn của dân Arizona (64%) và toàn quốc (trên 60%), đạo luật khiến nhiều tiểu bang khác suy nghĩ và dự tính soạn thảo để áp dụng cho địa phương mình. Nhưng nó lại gặp sự chống đối của Chính quyền Obama cùng nhiều đảng viên Dân Chủ. Bộ Tư pháp còn kiện đạo luật và 70 thành phố kể cả Los Angeles, thì đòi tẩy chay Arizona.
Đó là chuyện chính trị trong một năm tranh cử. Ra khỏi chính trường, thì dù chưa đọc văn kiện, nhiều người cũng nhảy vào cuộc kết án đạo luật là kỳ thị di dân. Dân thiểu số thuộc chủng tộc khác tất nhiên cũng có thể nghĩ vậy, mà không biết là đang bị các chính khách lừa mị.
Thực tế thì Arizona tăng cường việc thực thi luật pháp liên bang - đã có sẵn mà không chấp hành - để đối phó với nạn di dân nhập lậu gia tăng sau khi San Diego dựng lên bức tường ngăn di dân bất hợp pháp tràn vào từ biên giới miền Nam tiếp giáp với xứ Mễ Tây Cơ. Trong mùa tranh cử, giới chính trị bên đảng Dân Chủ thổi bùng vụ này, tấn công Arizona để lấy lòng cử tri gốc Latino và các thành phần thiểu số. Ai khờ thì ráng chịu....
Bài này không nói về chuyện đó mà đi sâu hơn vào nước Mỹ, dù người viết có thể bị hiểu lầm là kỳ thị dân Mễ!
***
QUỐC GIA CỦA DI DÂN
Như rất nhiều xứ khác, Hoa Kỳ là quốc gia của di dân. Chuyện ấy đã tưởng thành nhàm.
Thật ra, dân Mỹ nguyên thủy, thổ dân "da đỏ" chỉ là di dân đến từ Á Châu mấy chục thế kỷ trước. Các đợt kế tiếp là di dân đến từ Âu Châu, Á Châu rồi Nam Mỹ Châu... Suy như vậy thì hầu hết các quốc gia đều thành hình từ nhiều đợt di dân đã sống chung rồi cùng chia sẻ một số giá trị tinh thần hay nguyện ước để dần dần lập nên một quốc gia. Việt Nam cũng không khác mà nhiều khi mình lỡ quên.
Trong lịch sử từ thời lập quốc - thật ra rất mỏng, từ năm 1776 - Hoa Kỳ thành hình chủ yếu với dân Anh, tập trung tại ven biển miền Đông. Nhu cầu an ninh trước mối đe dọa của Đế quốc Anh khiến dân Mỹ (gốc Anh Cát Lợi) thời lập quốc phải Tây tiến. Họ mở cửa nhận thêm di dân, chủ yếu thuộc sắc tộc Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan (Scots-Irish, xin tạm gọi là Tô-Ái)). Với dân Mỹ gốc Anh, đa số là nông gia đã lập nghiệp lâu đời ở miền Đông, thì lớp dân Tô-Ái này là kẻ tứ chiếng, vừa nghèo vừa thất học. Trong các năm 1820 trở về sau, mâu thuẫn có xảy ra vì dị biệt trong cách sống.
Nhưng, đám tứ chiếng đầy tinh thần phiêu lưu - và tự tin - chính là lớp người tiên phong đã xây dựng hậu cứ bền vững cho nước Mỹ khi vượt qua rặng Alleghenies đi về hướng Tây, lập ra trang trại và các thị trấn đầu tiên. Từ thế hệ quốc phụ nhuốm mùi quý tộc như Washington và Jefferson, tầng lớp lãnh đạo mới đã có những người như Jackson hay Lincoln, xuất thân bần hàn hơn, nhưng cũng làm cho nước Mỹ trở nên hùng cường.
Sau trận Nội chiến, tiến trình kỹ nghệ hoá khởi đầu và nước Mỹ đón nhận thêm di dân, từ Đông Âu và Nam Âu, rồi nhu cầu lao động rẻ cũng mở cửa cho người Hoa bước vào vùng Viễn Tây.
Sau mỗi đợi di dân như vậy thì mâu thuẫn, hiềm khích và thậm chí xung đột có xảy ra. Người tới trước nhìn đám người tới sau với nhiều nghi ngại vì dân đến sau thường nghèo hơn, có lối sống khác biệt, có khi làm loãng đi cái "quốc tính" truyền thống của nước Mỹ - dưới con mắt của lớp người đi trước. ("Người Nam việt đâu có kỳ như vậy.... Đúng là Bắc kỳ!", sau 1954, câu đồng dao nghịch ngợm ở trong Nam có phần nào phản ảnh tinh thần ấy. Dễ hiểu thôi! Hãy hỏi dân Bắc kỳ 54 ngày nay nghĩ gì về Bắc kỳ 75 thì rõ...)
Nhìn lại Hoa Kỳ thì trung bình cứ nửa thế kỷ lại có một lần đấu tranh, xét lại, và xoay chuyển để dung hòa. Cuối cùng thì vẫn là "hội nhập". Hay nói theo sinh học, là "biến dưỡng", "metabolizing", một quá trình biến đổi để tồn tại. Hay sự đồng hóa của các tế bào.... Hoa Kỳ là nơi mà các tế bào ta gọi là chủng tộc hay văn hóa đã được ghép liên tục để tổng hợp những ưu điểm nguyên thủy của các "tế bào gốc". Nhưng ưu điểm về tinh thần hơn là nhiễm sắc tố hay chủng tử DNA.
Quả thật như vậy. Là một quốc gia của di dân, nước Mỹ đón nhận và tạo cơ hội cho các di dân phát huy tài năng của họ và làm cho Hoa Kỳ thêm giàu mạnh. Hoa Kỳ cũng là quốc gia mà các công dân không gọi nhau là "đồng bào"! Họ gọi nhau là "công dân Mỹ", Americans chứ không phải là United Statians từ tên nước là United States of America. "America" không là một khái niệm chủng tộc mà chỉ là địa dư.
Yếu tố "biến dưỡng" tại Hoa Kỳ chính là ý chí thực dụng của những người yêu chuộng tự do và sùng đạo đã lập ra quốc gia này và được đời sau gìn giữ.
Họ hy sinh một phần tự do cá nhân cho một quyền lực tập thể cao hơn - do họ lập ra ra và kiểm soát - để đem lại sự giàu mạnh chung, dưới sự phù hộ hay nhờ ân sủng của một đấng Tối cao nào đó mà mỗi nhóm người lại có quyền chọn lấy.
Nếu đọc lại lịch sử Đàng Trong, trong giai đoạn Nam tiến của chín đời Chúa Nguyễn, đôi khi ta mường tượng ra chuyện xung đột rồi hội nhập hay đồng hóa như vậy. Về sau, cái chất đa nguyên phóng túng và quốc tế đặc biệt của miền Nam lại được các Hoàng đế thời Nguyễn Sơ đưa vào "chính quy nền nếp" theo kiểu tự Hán hóa. Và lụn bại dần cho tới thời Tây qua. Nhưng đấy là chuyện khác!
Nhìn lại như vậy thì trong hơn 200 năm lập quốc, vấn đề hội nhập và đồng hóa lớp người đi sau là hiện tượng bình thường của Hoa Kỳ, đã từng xảy ra bốn lần. Bài viết này đã quá dài nên không thể kể hết từng đợt như vậy.
Vì cần chú ý đến lần thứ năm là ngày nay, với dân gốc Latino.
TRẺ TRUNG HÙNG MẠNH NHỜ DI DÂN
Trong các nước hậu công nghiệp (tạm gọi tắt về Âu-Mỹ-Nhật), Hoa Kỳ là nơi mà dân số vẫn tăng đều và không bị lão hóa.
Thành phần trẻ vẫn chiếm đa số. Tuổi "trung vị" median - phân nửa già hơn và phân nửa trẻ hơn - chỉ là 36,7. Đây là một sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ. Nguyên nhân chính là vì Mỹ vẫn có chánh sách đón nhận di dân cởi mở hơn các quốc gia "thuần chủng" kia. Và thành phần di dân có sinh suất - tỷ lệ sinh đẻ - cao hơn vì đến từ các xã hội nghèo hơn và bất trắc hơn nếu so với người Mỹ bản địa mà đa số tới 75 là da trắng. Chánh sách di dân cởi mở của Mỹ xuất phát từ cả nhu cầu kinh tế - nhân công - lẫn tâm lý hay tâm linh của dân Mỹ: là đất tự do cho thập phương nhập làm một.
Nhìn về dài thì với lãnh thổ quá rộng, Hoa Kỳ có mật độ dân số thuộc loại thấp nhất trong các nước hậu công nghiệp.
Nếu không kể tiểu bang Alaska, vùng đất không người gần Bắc cực, mật độ dân số tại Mỹ chỉ có 34 người một cây số vuông, so với mật độ gấp 10 là 340 người tại Nhật, hay 230 người tại Đức hay gần 250 người tại Anh. Nếu chịu sống chật chội như người Anh, thì thay vì 310 triệu như hiện nay nước Mỹ có thể chứa được hai tỷ người. Trung Quốc mà nhằm nhò gì với diện tích canh tác tính theo đầu người chỉ bằng 1/3 trung bình của thế giới!
Cho nên Hoa Kỳ không sợ hiện tượng "bồng bế nhau lên chúng ở non" và còn có thể đón nhận di dân nữa. Cũng vì vậy mà trong bốn chục năm qua, Hoa Kỳ đã tiếp nhận rất nhiều di dân, lần này là gốc Á. Vấn đề ngày nay là di dân nhập lậu. Mà vì là lậu, không biết là hiện lên tới bao nhiêu - từ 12 đến 20 triệu người, đa số tới hơn 80% là đến từ Mễ Tây Cơ và các nước Nam Mỹ (di dân bất hợp pháp từ Á châu chỉ có khoảng 9%!)
Nhưng, cơ thể gốc cần thời gian biến dưỡng - đồng hóa - các tế bào mới, theo nhịp độ tiệm tiến. Làn sóng di dân lậu là vấn đề vì lý do ấy, chưa nói đến sự bất công cho những người muốn chấp hành thủ tục di trú một cách hợp pháp và phải đợi rất lâu.
Mà không chỉ có vấn đề hội nhập, biến dưỡng, hoặc Mỹ hóa lớp di dân mới.
CÔNG DÂN MỄ QUỐC TỊCH MỸ
Vấn đề là trong lớp di dân mới, nhiều người không muốn hội nhập - hay bị đồng hóa, bị Mỹ hóa.
Họ coi Hoa Kỳ là nơi kiếm ăn, kiếm sống, không hơn không kém và giữ niềm thủy chung với quê hương hay tổ quốc nguyên thủy. Trong các cuộc khảo sát về dân số, nhiều người thuộc thành phần ta gọi là "da trắng" vẫn khẳng định họ là Hispanic-Latino.
Các lớp di dân gốc Anh, Tô-Ái, Đức, Ý, Pháp, Nga, Ấn, Hoa và Việt, v.v... đều chọn nơi này là quê hương dù có thể còn tình cảm luyến nhớ cố hương. Nhưng cố hương đã ở quá xa - cách một đại dương. Họ lần lượt trở thành công dân Mỹ và dù có còn quan hệ thân tộc với người ở nhà - ngày một ít hơn - con cháu họ đều sống, suy nghĩ và chấp nhận một quy luật chung là gắn bó với Hoa Kỳ, với những giá trị tinh thần của nước Mỹ.
Khi gia nhập quốc tịch, họ làm lễ tuyên thệ hẳn hoi là từ bỏ mọi sự thần phục hay chung thủy với quốc gia cũ để trung thành với nước Mỹ! Và kết thúc bằng câu "so help me God!...
Nhiều thành phần gốc Mễ lại không như vậy.
Quê hương của họ ở ngay Nam vĩ tuyến, gia đình thì họ gặp lại dễ dàng và tháng tháng vẫn gửi tiền chu cấp, một năm khoảng 25 tỷ đô la, tính theo dân số thì nhiều nhất. Do vị trí địa dư đó, họ không có ý chí hay nhu cầu hội nhập như các thành phần di dân khác. Cái "Mễ tính" vẫn nặng hơn "Mỹ tính". Đấy là một vấn đề.
Năm 2007, khi biểu tình chống lại việc cải tổ chế độ di trú, họ đã giương cờ Mễ, cho tới khi thấy hố thì mới đem cờ Mỹ ra phất. Yêu cầu tối thiểu của hội nhập là Anh ngữ mà họ còn coi thường và đòi chính quyền phải dạy con em tiếng Tây Ban Nha. Đây là một nhu cầu chính đáng, nhưng phải do cộng đồng tự túc tiến hành chứ không thể do nhà nước lo toan được.
SỐNG TẬP TRUNG MÀ HỘI NHẬP RIÊNG
Vấn đề thứ hai, khác hẳn các thành phần di dân kia được phân tán khắp nơi, dân Mễ lại sống tập trung tại các tiểu bang ở miền Tây-Nam Hoa Kỳ. Nhiều nhất tại Texas, New Mexico, Arizona và California. Trong khu vực ấy, nhiều người Mỹ gốc Mễ đã lên tới vị trí quan trọng của quyền lực chính trị địa phương: họ không hề bị kỳ thị nên mới lên tới vị trí có ảnh hưởng như vậy. Nhưng lên tới nơi, họ trở thành sức mạnh cho cộng đồng Mễ. Và thực tế tranh thủ quyền lợi cho "thiểu số Latino" hay người Mỹ gốc Mễ, nay đã chiếm đa số ở nhiều nơi. Nhiều khi các nhóm thiểu số khác thì chỉ có tiếng mà không có miếng. Cái "miếng" đó nó không đến phần mình.
Mật độ tập trung như vậy là một bài toán về bản sắc của một phần lãnh thổ, có khi trầm trọng hơn bốn đợt di dân trước đây.
Chỉ vì tới giữa thế kỷ 19, khu vực này là lãnh thổ Mễ Tây Cơ.
ĐẤT HỨA LÀ ĐẤT CŨ
Chuyện dời đổi là qua ba đợt biến cố.
Lần thứ nhất là năm 1845, sau "Cách mạng Độc lập" của Texas thời 1835-1836, khi dân Texas đòi ly khai khỏi xứ Mễ để lập ra một nước riêng rồi sát nhập vào Hiệp chủng quốc. Lần thứ hai là năm 1848, sau Chiến tranh Mỹ-Mễ 1846-1848, khi Mễ Tây Cơ phải nhượng đất cho Hoa Kỳ lập ra sáu tiểu bang sau này, trong đó có California, Nevada và Arizona... Lần thứ ba là vụ mua đất năm 1853, khi Mỹ mua lại của Mễ gần 77 ngàn cây số vuông, nay là miền Nam của Arizona và New Mexico (Gadsden Purchase).
Nếu nhớ lại thì với nhiều người Mễ, rõ ràng là quốc gia Mễ Tây Cơ bị xử ép, bị Mỹ tước đoạt hay mua rẻ mất một phần lãnh thổ phì nhiêu trải rộng từ Texas qua Cali lên tới sát Oregon. Họ nghĩ không sai, thế mới chết!
Khi ta có một cộng đồng sắc tộc sống tập trung ngay vùng biên vực và có sự chung thủy hai hàng như vậy, vấn đề về dài sẽ là nhu cầu kẻ vạch lại biên cương.
***
Vì vậy, chuyện chính không chỉ có nạn di dân nhập lậu hoặc kỳ thị người Mễ.
Cũng chẳng là phản ứng gay gắt của tiểu bang Arizona. Cũng không là sự ruỗng nát của chính quyền Liên bang Mễ Tây Cơ (Estados Unidos Mexicanos) trước sự hoành hành của các tổ chức tội ác có võ trang, hàng năm cung cấp khoảng 90% lượng ma túy cho thị trường Hoa Kỳ và ra vào lãnh thổ Mỹ như đi chợ, có khi còn dùng tầu ngầm để đưa ma túy vào Hoa Kỳ. Mà cũng chẳng là tinh thần mị dân dại dột của đảng Dân Chủ nhằm hốt phiếu dân thiểu số và đả kích người khác là kỳ thị di dân.
Vấn đề chính là tương lai lâu dài của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Là tinh thần công dân mờ nhạt của nhiều người đã có quốc tịch Mỹ. Với các chính khách Hoa Kỳ, chuyện tương lai lâu dài như vậy là "rừng thỏ lông rùa", hoang đường không đáng kể. Với họ tấm lịch tranh cử mới là chính.
Vì vậy, không ai dám nêu ra vài câu hỏi then chốt là 1) Di dân từ các khu vực khác của Hoa Kỳ: có nên tạo ra thế cân bằng về địa dư và màu da cho cái quốc gia "hiệp chủng" này không? 2) Di dân từ Mễ Tây Cơ: làm sao tạo điều kiện cho họ hội nhập nhưng phân tán vào các địa phương khác? 3) Di dân từ Mễ Tây Cơ đang tập trung tại khu biên vực Mỹ-Mễ: họ muốn là người Mỹ hay người Mễ? 4) Và có ngày nào con cháu họ đòi vạch lại biên cương cho "công bằng" không?
Nhưng câu hỏi ấy có thể là quá xa vời.
Nó cũng xa vời như khi Mễ Tây Cơ là cường quốc mà nước Mỹ còn là đất hoang vu vắng người. Sau đó, Hoa Kỳ mới thành cường quốc và biến vùng đất khô cằn ngày xưa của Mễ thành nơi tiền rừng bạc biển của Mỹ. Chuyện thịnh suy dâu biển như vậy thường chẳng xảy ra một lần trong lịch sử nhân loại. Cả Âu Châu đều có gặp, và đang gặp sau khi Liên Xô tan rã và nhiều sắc dân đòi nhổ cọc biên giới để phản ảnh thực tế dân số. Gần nhất là việc Kosovo được độc lập, như Toà án Quốc tế của Liên hiệp quốc vừa biểu quyết hôm 22 vừa qua.
Nói cho rõ hơn, nếu các sắc dân sơn cước hay người Việt gốc Hoa ở biên giới Việt-Hoa lại muốn thành công dân Trung Quốc và sau này đòi bỏ phiếu nhổ cọc biên giới, với lá phiếu ủng hộ của Trung Quốc thì ta tính sao? Với nhiều người, chuyện ấy quá xa xôi, dù có thể đã có trong đầu lãnh đạo Bắc Kinh. Chính sách kỳ thị dân thiểu số của lãnh đạo Hà Nội là một sự dại dột nguy hiểm!
Nói cho gần hơn nữa về không gian lẫn thời gian, trong các năm 1992 và 1995, người Việt tại Québec của Canada lo sốt vó và gọi nhau đi bầu đông đảo để chống lại việc chính quyền thuộc cánh hữu của Quebec đòi trưng cầu dân ý để ly khai. Thành một quốc gia riêng! Trong quốc gia nhỏ bé ấy, người Việt sẽ sinh sống ra sao, vì thế mà bà con ta bên Gia Nã Đại ráo riết đi bỏ phiếu chống. May mà cuộc "cách mạng độc lập" của Québec không thành!
Hãy nghĩ đến chuyện ấy đi, trước khi đả kích Arizona!