Cuộc sống cần được đảm bảo thì công nhân mới có thể làm việc hết năng suất (ảnh mang tính minh hoạ). Ảnh: N.H
SGTT.VN - Chiều 20.7, liên đoàn Lao động TP.HCM đã tổ chức hội nghị giao ban công đoàn cơ sở để thông tin về tình hình tranh chấp lao động trên địa bàn các quận, huyện trong thời gian qua.
Theo một số đại biểu, do đời sống của công nhân quá khó khăn, thu nhập không đủ sống nên họ mới phải đình công. Và nếu như trước đây, đình công là cách cuối cùng của công nhân dùng để đòi quyền lợi cho mình thì nay lại là việc làm đầu tiên để họ giải quyết những yêu sách của mình với doanh nghiệp. ông Nguyễn Văn Khải, chủ tịch công đoàn KCX-KCN cho rằng, yêu cầu của công nhân là hoàn toàn hợp lý và chính đáng, chỉ có cách làm và bước đi là không đúng so với quy định.
Tham dự hội nghị, nhiều đại biểu cũng đưa ra nhận xét các cuộc đình công thường diễn ra nhiều khi bắt đầu thực thi một chính sách mới như điều chỉnh lương tối thiểu hay nâng phụ cấp cho công nhân. Từ nay đến cuối năm, nhiều đại biểu e ngại đình công sẽ gia tăng khi từ 10.8, doanh nghiệp sẽ phải tăng trợ cấp cho những công nhân có thu nhập dưới 2,2 triệu đồng với mức tối thiểu là 250 ngàn, tùy thuộc vào quỹ tài chính của doanh nghiệp và dự kiến đầu tháng 10 sẽ tăng lương tối thiểu. Hiện nay, cũng có nhiều doanh nghiệp đã chủ động nâng lương cơ bản và phụ cấp cao hơn mức tối thiểu nhà nước quy định nên khi nhà nước yêu cầu tăng, họ không tăng nữa và công nhân thì chưa hiểu nên sẽ đình công để đòi quyền lợi cho mình.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Cận, chủ tịch liên đoàn Lao động TP.HCM chỉ đạo liên đoàn Lao động quận, huyện phải rà soát lại mặt pháp lý từng doanh nghiệp có công đoàn chưa hay nợ BHXH. Nếu chưa có tổ chức Công đoàn thì phải thành lập ngay đồng thời nắm tình hình doanh nghiệp và phân loại để doanh nghiệp nào có nguy cơ ngừng việc cao thì giải quyết trước. Phân công cán bộ theo dõi chặt chẽ những doanh nghiệp có nguy cơ xảy ra tranh chấp để kịp thời tìm biện pháp giải quyết. "Khi cần tăng cường, liên đoàn Lao động thành phố sẽ cử luật sư xuống hỗ trợ liên đoàn, quận, huyện và thậm chí nếu gần đó có văn phòng luật sư thì đặt vấn đề thuê luật sư để đi thương lượng cho công nhân. Phải nắm được công nhân yêu cầu gì, có chính đáng không rồi thương lượng với doanh nghiệp cho có hiệu quả".
Theo báo cáo của liên đoàn Lao động TP.HCM thì tình hình tranh chấp tăng vọt vào thời điểm từ tháng 6 trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của việc giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng cao, nhà trọ, điện, nước tăng làm ảnh hưởng đến đời sống của công nhân vốn đã khó khăn nay càng khó khăn thêm. Trong khi đó giá nguyên, nhiên vật liệu cũng tăng, lãi suất ngân hàng cao nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Từ 27.6 đến nay, do những doanh nghiệp có quy mô công nhân lớn xảy ra đình công hoặc doanh nghiệp chủ động điều chỉnh thu nhập và kết quả giải quyết của những doanh nghiệp này là nguyên nhân dẫn đến đình công lây lan sang các doanh nghiệp khác.
Hà Dịu