Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Kiên quyết chặn nước ngoài đặt giàn khoan trái phép

-Kiên quyết chặn nước ngoài đặt giàn khoan trái phép
(Đất Việt) Trả lời báo chí bên lề Hội nghị cấp làm việc chuẩn bị cho Hội nghị những người đứng đầu cảnh sát biển các nước châu Á lần thứ 7 tại Việt Nam hôm 7/7, Trung tướng Phạm Đức Lĩnh, Cục trưởng Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, bà con ngư dân sẽ yên tâm hơn với sự hiện diện của cảnh sát biển, nhất là khi có những tình huống xấu thì sẽ giúp đỡ, ứng cứu. - Thưa Trung tướng, Khi nước khác có ý định thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam một cách trái phép, cảnh sát biển xử lý thế nào?  

Bảo vệ thăm dò tài nguyên dầu khí trên vùng biển Việt Nam là trách nhiệm của chúng tôi. Thời quan qua, Tập đoàn dầu khí Việt Nam có liên hệ, Bộ Quốc phòng giao cho quân chủng hải quân là lực lượng nòng cốt, tổng chỉ huy bảo vệ hoạt động dầu khí của Việt Nam. Nếu nước ngoài đến thăm dò dầu khí của Việt Nam, đã là chủ quyền của mình, mình bảo vệ đến cùng. Chúng ta không nhún nhường. Đây không phải là vùng biển chồng lấn, tranh chấp gì cả, mà của Việt Nam. Việt Nam là thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), ta làm đúng trách nhiệm của nước thành viên, và yêu cầu nước khác cũng làm như vậy. Đã là thành viên phải thực hiện cho đúng UNCLOS.

Việc nước khác đặt giàn khoan đương nhiên vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Ta sẽ kiên quyết ngăn chặn, bằng mọi cách để không để việc này xảy ra, bằng mọi phương thức từ đấu tranh pháp lý, ngoại giao… với sự tham gia của tất cả lực lượng, huy động sức mạnh tổng lực của các đơn vị, bằng mọi biện pháp có thể theo luật pháp quốc tế. Việt Nam nỗ lực giải quyết bằng phương pháp hòa bình, giải quyết vấn đề trên quan điểm tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

- Cảnh sát biển Việt Nam làm gì để bảo vệ ngư dân trước tình hình phức tạp trên biển hiện nay?
- Thực tế, việc ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên vùng biển chủ quyền bị bắt giữ, đòi tiền chuộc diễn ra ngày càng nhiều, hoạt động đánh cá, thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam bị đe dọa. Xuất phát từ trách nhiệm của mình, cảnh sát biển Việt Nam tổ chức lại phương thức hoạt động để duy trì sự có mặt càng nhiều ngày càng tốt, nhất là tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn với các nước. Bà con ngư dân khi ra khơi sẽ yên tâm hơn khi thấy cảnh sát biển.
Đặc biệt, khi có tình huống xấu xảy ra thì đây sẽ là lực lượng giúp đỡ, ứng cứu. Bên cạnh đó, nếu bà con ngư dân vượt ra ngoài vùng biển của ta thì cảnh sát biển sẽ đưa ra cảnh báo, lưu ý ngư dân đánh bắt ở vùng biển của mình. Khi nào Bộ NN-PTNT Việt Nam có văn bản ký kết hợp tác khai thác thủy sản với các nước thì bà con ta yên tâm mà sang đánh bắt.

Để thực hiện nhiệm vụ, trước mắt, Việt Nam lo đầu tư tàu có độ giãn nước lớn, hoạt động dài ngày nhằm duy trì sự có mặt trên biển thường xuyên. Đầu năm 2012, chúng ta sẽ có tàu 2.000 tấn, có thể chạy 40 ngày đêm trên biển trong điều kiện thời tiết phức tạp như gió cấp 12, sóng cấp 9. Các tàu trang bị còn có nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, sàn đỗ trực thăng, buồng quân y, giường bệnh cùng một lúc cấp cứu được 120 người. Khi có tàu này thì bà con có thể yên tâm, cần là lực lượng cảnh sát biển có mặt.

Hiện cảnh sát biển từng bước phối hợp và sẽ tăng cường phối hợp chặt hơn giữa tất cả các lực lượng có liên quan hoạt động trên biển để giữ an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển. 

Tổng số lượt xem trang