Tháng trước là lần đầu tiên từ hai ngàn năm nay mà thế giới cùng ngó vào Hy Lạp!
Khác với thời Thượng Cổ, khi Hy Lạp còn là Đế quốc chế ngự cả "thế giới văn minh" tập trung quanh Địa trung hải, ngày nay, Hy Lạp là một con bệnh Âu Châu. Tháng trước, cả thế giới chú ý đến xứ này khi Chính quyền của Thủ tướng George Papandreou xoay trở với Quốc hội để khỏi bị bãi nhiệm và còn hai lần đề nghị các biện pháp kinh tế khắc khổ, trong khi dân chúng xuống đường biểu tình phản đối.
Hy Lạp phải trải qua giai đoạn kiệm ước khắc khổ để được các nước cấp cứu hầu khỏi bị vỡ nợ. Các nước phải trợ giúp Hy Lạp để cứu lấy đồng Euro, đơn vị tiền tệ thống nhất của 17 quốc gia trong số 27 nước hội viên của Liên hiệp Âu Châu.
Với dân số hơn 500 triệu, Liên Âu là khối kinh tế có sản lượng hơn 15 ngàn tỷ một năm, cao nhất thế giới - hơn cả Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản. Nếu Hy Lạp bị khủng hoảng, đồng Euro mà bị sứt mẻ thì Liên Âu càng khó thoát khỏi tình trạng kinh tế èo uột hiện này. Khủng hoảng sẽ dội vào các quốc gia đang ở vào hoàn cảnh chi thu bấp bênh nhất, đa số ở miền Nam....
Vì vậy, các thủ đô và trung tâm tài chánh thế giới đều nín thở nhìn vào Hy Lạp, một cái chốt cho chuyện áo cơm của thiên hạ.
Khi ấy, người ta ít chú ý đến một chuyện khác.... chuyện súng đạn.
***
Chuẩn bị về hưu sau gần năm năm làm Tổng trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, ông Robert Gates giã từ các đồng minh Âu Châu trong Minh ước Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương NATO bằng những lời phê phán rất nặng.
Là một viên chức ôn hoà, nguyên Giám đốc CIA và Khoa trưởng Đại học, mà cũng chẳng có tham vọng chính trị gì, Robert Gates không có thói ăn nói lung tung tùy hứng. Ông than phiền các nước Âu Châu không gánh vác trách nhiệm trong minh ước NATO mà cứ lệ thuộc vào Hoa Kỳ và trong nhiều năm liền chẳng đầu tư phần tối thiểu vào ngân sách quốc phòng nên không còn khả năng bảo vệ nền an ninh của Âu Châu.
Dịp này, tuần báo The Economist của Anh đã có bài nhận định về sự thể được ông Gates nêu ra ("On Target" ngày 18 Tháng Sáu 2011, mà người viết xin tạm dịch là "Đúng Boong!" và Dainamax sẽ giới thiệu bản dịch của một độc giả).
Chúng ta quan tâm đến chuyện Hy Lạp và hồ sơ kinh tế nên cho rằng Âu Châu bị bội chi ngân sách hoặc vung tay tiêu xài và mắc nợ nên hết phương tiện đầu tư vào quân sự. Trong 28 thành viên của liên minh quân sự này, chỉ có Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Hy Lạp còn giữ chỉ tiêu là dành tối thiểu 2% ngân sách quốc gia cho quốc phòng. Nhiều thành viên khác thì chưa đạt tới 1%.
Vì vậy, chưa đầy trăm ngày sau khi can thiệp vào Libya vì một nghị quyết do chính Âu Châu đề nghị, nhiều nước đã thiếu đạn và lại cầu cứu Hoa Kỳ. Bị mắng là phải.
Nhưng thật ra, vấn đề nó trầm trọng hơn vậy!
Các quốc gia Âu Châu thiếu tiền mua ổ khóa hay võ khí để bảo vệ quyền lợi và lối sống của họ. Mà lại thừa khôn ngoan chính trị để vừa trông cậy vào Hoa Kỳ vừa đả kích nước Mỹ ưa can thiệp vào thiên hạ sự! Ngày xưa, họ có lý cớ bằng vàng là chủ trương hung hăng của Tổng thống George W. Bush. Sau đó, họ hết lòng ủng hộ Nghị sĩ Barack H. Obama vì mong rằng lập trường trí thức bất nhất của một tay hùng biện thiếu thực chất sẽ làm suy yếu nước Mỹ.
Khiến Âu Châu hy vọng trở thành lực đối trọng trong một thế giới đa cực thay vì cứ bị chi phối bởi một siêu cường độc bá là Hoa Kỳ. Nhưng đấy chỉ là trò ngoại giao dễ hiểu giữa các nước.
Nó cũng phi lý như việc thống nhất tiền tệ và thống nhất khuôn khổ sinh hoạt kinh tế mà không có cơ chế thống nhất về chính trị có khả năng cưỡng hành về chánh sách, khiến nhiều nước Âu Châu khôn ngoan mặc tình vay tiền ban phát phúc lợi ở bên trong và gây khủng hoảng khiến xứ khác phải gánh nợ cho mình. Về kinh tế, các nước khôn ngoan trông chờ vào Đức, về an ninh, họ núp dưới cây dù của Mỹ.
Nhìn xa hơn vậy, ta còn thấy ra nguy cơ khủng hoảng của Minh ước NATO và sự suy bại của Âu Châu sau 500 năm tung hoành toàn cầu.
***
Thế giới bắt đầu gặp "Hiệu ứng Âu Châu" - bị Âu Châu chi phối - từ năm 1492 là khi Columbus giăng buồm thám hiểm và tìm ra "Tân thế giới".
Từ đó, cả địa cầu phải sinh hoạt theo quy ước Âu Châu (chẳng hạn một xứ Viễn Đông như Philippines có quốc hiệu từ tên một ông vua Âu Châu, đất Viễn Tây của Mỹ cũng đầy tên các vị Thánh). Năm 1991, khi cường quốc Âu Châu sau cùng là Liên bang Xô viết tan rã thì cái "Trật tự Âu Châu" đó chấm dứt.
Khi ấy, thế giới lạc quan gọi sự kết thúc của Chiến tranh lạnh là sự "cáo chung của lịch sử", là mở đầu cho một "Trật tự Toàn cầu mới", v.v.... mà không nhìn ra sự khủng hoảng của NATO.
Khi ấy, thế giới lạc quan gọi sự kết thúc của Chiến tranh lạnh là sự "cáo chung của lịch sử", là mở đầu cho một "Trật tự Toàn cầu mới", v.v.... mà không nhìn ra sự khủng hoảng của NATO.
Minh ước này là lá chắn bảo vệ an ninh cho Tây Âu trước đà bành trướng và đe dọa của Liên Xô. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, các nước Âu Châu không giải quyết nổi một vấn đề nội bộ là sự tan rã và nội chiến của Cộng hoà Liên bang Nam Tư. Lần đầu tiên lá chắn NATO xẹt lửa là khi NATO can thiệp vào Kosovo năm 1999 để cứu lấy người dân theo Hồi giáo nơi đây trước nguy cơ tàn sát của Cộng hoà Serbia dưới chế độ độc tài Slobodan Milosevic.
Liên Xô tan rã khiến hậu thân là Liên bang Nga bị đẩy lui. Thừa thắng xông lên, lá chắn NATO cứ thế Đông tiến:. minh ước mở rộng theo đà phát triển dân chủ muôn màu để bao gồm các nước Cộng hoà Baltic, các nước Đông Âu và Trung Âu.... Từ đó, minh ước mất định hướng. Bên trong là sự ỷ lại vào thế lực Hoa Kỳ.
Mất định hướng vì NATO có ba khối nhìn ra ba hướng.
Các nước phía Bắc, từ Anh quốc trở lên, thì đồng ý với tinh thần Bắc Đại Tây Dương nguyên thủy, là chặt chẽ hợp tác với Hoa Kỳ để bảo vệ mọi thành viên trước mọi nguy cơ về an ninh, dù là Nga hay Iran hay A Phú Hãn. Các nước Tây Âu cũ – Pháp, Đức, Bỉ, Ý. v.v... – trong lục địa thì nhìn xuống miền Nam và chủ trương hợp tác với Liên bang Nga vì nguồn lợi kinh tế, năng lượng và đầu tư. Các nước Đông Âu vừa thoát khỏi khối Xô viết thì không quên kinh nghiệm lịch sử là đà bành trướng của Đế quốc Nga, nhất là khi Nga và Đức lại cùng hợp tác để tấn công họ từ hai ngả Đông-Tây. Họ âu lo nhìn về mối nguy từ hướng Đông.
Khi Liên bang Nga phục hồi và tranh thủ lại những quyền lợi đã mất trong vùng quỹ đạo truyền thống của mình - khởi điểm là việc tấn công Cộng hoà Georgia và khuynh đảo Cộng hoà Ukraine từ năm 2008 – NATO lâm khủng hoảng.
Khi ấy, thế giới chỉ nói đến khủng hoảng tài chánh và suy trầm kinh tế. Rồi nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, v.v.... NATO lâm khủng hoảng vì hết xác định nổi mục tiêu và chiến lược giữa ba ngả chọn lựa của ba nhóm địa dư.
Trong khi Hoa Kỳ bất định vì Barack Obama cứ lang ba vi bộ!
Obama cần hợp tác với Nga để giải quyết ưu tiên của ông là chiến trường A Phú Hãn, đồng thời can gián một đối thủ hung hăng là Iran vì ảnh hưởng của xứ này vào chiến trường Iraq. Vì cần hợp tác nên có lập trường đảo điên về việc bảo vệ các nước Đông Âu, cụ thể là kế hoạch phòng thủ chiến lược BMD cho Ba Lan và Cộng hoà Tiệp đã được chính quyền Bush hứa hẹn trước đó.
Trong khi ấy, vì ở xa nước Nga, cả Pháp và Đức đều yên tâm nghĩ đến mối lợi kinh tế - như khí đốt của Nga – và tìm giải pháp thỏa hiệp với Moscow, bất chấp sự e ngại của nhóm Đông Âu và Trung Âu. Ngược với Hung, Tiệp và Ba Lan, hai cường quốc Âu Châu là Pháp Đức lại hài lòng với sự lật lọng của Hoa Kỳ về kế hoạch BMD. Vì khỏi làm phật lòng Liên bang Nga.
Và nói chung, sau khi chống việc Mỹ tham chiến vào Iraq, các nước Âu Châu đều tìm cách rủt khỏi chiến trường A Phú Hãn, để đỡ tốn xương máu và khỏi gây hiềm khích với khối Hồi giáo!
Trong hoàn cảnh đó, sau ba lần thay đổi chiến lược từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, đến tháng 10 năm ngoái NATO vẫn chưa thống nhất được chủ trương. Rồi lại còn bị ba nước Anh, Pháp, Ý dẫn vào một cuộc hành trình chưa có lối ra, là Libya! Cậu bé quàng khăn đỏ Obama bị các cáo gìà Âu Châu dẫn vào chỗ lạ khiến người chỉ huy quân đội là Robert Gates phải nói nặng trước khi ra về!
***
Nhưng, việc các thành viên Âu Châu không chịu gom tiền đánh giặc mà ông Gates nói tới chỉ là một vấn đề. Vấn đề kia là chuyện... định nghĩa: giặc là ai?
Là nguy cơ Hồi giáo từ miền Nam, từ Trung Đông, là chế độ hung đồ Iran với kế hoạch hạch tâm nguyên tử? Là sự bành trướng của Liên bang Nga? Hay là sự tan rã của nhiều quốc gia trong khối Bắc Phi Trung Đông khiến di dân sẽ vượt biển Địa Trung Hải, bên trong có cả con buôn ma túy lẫn đặc công khủng bố?....
Nhìn trên toàn cảnh và trong lâu dài, sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, mối quan tâm của Hoa Kỳ đã chuyển hướng.
Hết là kẻ thù đáng sợ, Liên bang Nga chỉ còn là đối thủ, nên có thể tùy từng hồ sơ mà đổi chác – và hy sinh xứ khác. Sau vụ khủng bố 9-11, mối quan tâm ấy chuyển qua sự bất ổn của Trung Đông rồi Trung Á, và nay đã lan vào tiểu lục địa Nam Á.
Hết là kẻ thù đáng sợ, Liên bang Nga chỉ còn là đối thủ, nên có thể tùy từng hồ sơ mà đổi chác – và hy sinh xứ khác. Sau vụ khủng bố 9-11, mối quan tâm ấy chuyển qua sự bất ổn của Trung Đông rồi Trung Á, và nay đã lan vào tiểu lục địa Nam Á.
Âu Châu hết là trọng lực của thế giới và sự hèn nhát hay ỷ lại của khối này chỉ là vấn đề... của Âu Châu. Ông Robert Gates có cảnh báo điều ấy thì cũng do lòng ái ngại chứ bản thân ông và cả Hoa Kỳ nay đã phải lo chuyện khác!
May ra, trong cương vị Chủ tịch luân phiên của Liên Âu kể từ Tháng Bảy này, Ba Lan có thể nhắc nhở các nước về hai nhu cầu song hành: áo cơm và võ khí! Về lâu dài, có thể Ba Lan sẽ nhìn sâu xuống miền Nam và hợp tác với một cường quốc dân chủ Hồi giáo trong Minh ước NATO, là Turkey, để xây dựng một trục phòng thủ Bắc Nam nẳm giữa cõi Âu Châu, từ biển Baltic xuống Hắc hải.
Nhưng đó là chuyện 10 năm sau....
***
"Đông phương hồng" từ dưới hố đen
Chuyện trước mắt là nếu có giải quyết xong mối lo Hồi giáo tại Trung Đông, rồi Trung Á, Nam Á - tại Iraq, A Phú Hãn rồi Pakistan - Hoa Kỳ sẽ đi ngược ánh mặt trời mà trở về Đông Á. Tại Đông Á, một cường quốc mới nổi là Trung Quốc đang e ngại kịch bản đó, nhất là khi Obama hết làm Tổng thống và nước Mỹ sẽ lạnh lùng xác định lại ưu tiên cho rõ rệt hơn.
Chúng ta trở về chuyện Đông hải!
Lồng trong nhiều biến động trên mặt nổi đã thấy từ đầu năm nay, người ta chú ý đến một hiện tượng khác, trở thành rõ rệt nhân lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc. Đó là sự tái sinh của - hay lòng hoài niệm về - tư tưởng Mao Trạch Đông! "Văn hoá đỏ" trong nhạc khúc "Đông phương hồng" đã trở thành chiến dịch rợp trời.
Đây không chỉ là sáng kiến của Bí thư Trùng Khánh là Bạc Hy Lai nhằm tranh thủ một ghế rất cao trong Thường vụ Bộ Chính trị sau Đại hội khóa 18 năm tới của đảng. Nó phản ảnh tâm tư luyến nhớ của nhiều đảng viên và cả thường dân Trung Quốc về thời Mao Trạch Đông nắm quyền.
Thời ấy, Trung Quốc không bị thế giới đe dọa – nhờ chánh sách bế quan tỏa cảng và tự cung tự cấp – lại còn làm thế giới lo ngại – vì chiến lược bành trướng cách mạng vô sản để lãnh đạo Thế giới Thứ ba. Lòng hoài niệm về Mao có khả năng... "lọc lựa ký ức", là chỉ nhớ những gì đáng nhớ mà quên hẳn nhiều tội ác của bạo chúa.
Người ta không nên đánh giá sai phản ứng này mà cho rằng cũng khôi hài như khi dân Nga luyến nhớ thời ổn định và huy hoàng của Liên bang Xô viết. Phản ứng này có khác mà lại dễ hoà nhập với một tâm lý truyền thống. Là tinh thần bài ngoại, là mặc cảm tự tôn, là sự biến thái của chủ nghĩa duy chủng - chủng tộc của ta là nhất - là việc đề cao chủ nghĩa Đại Hán!
Tinh thần này thường bùng phát mỗi khi có một biến cố ngoại nhập.
Ngày nay là tranh chấp chủ quyền với Nhật trên đảo Điếu Ngư Đài mà Nhật gọi là Senkaku, với các nước Đông Nam Á về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày xưa là khi Thế vận hội Bắc Kinh 2008 bị nhiều nước phản đối vì chuyện Tây Tạng, hoặc khi Sứ quán Trung Quốc tại Belgrade bị NATO oanh tạc lầm vào năm 1999. Xa xưa hơn nữa thì có cả chục vụ trong lịch sử... Từ trận Thảm sát Nam Kinh đến Loạn Quyền phỉ hay Thái bình Thiên quốc, v.v...
Vì vậy, cho dù việc Bạc Hy Lai khôi phục tinh thần Mao Trạch Đông sẽ khó tái diễn thảm kịch siêu hiện thực bên trong là "Cách mạng Văn hoá Vô sản Vĩ đại", nó lại dễ bắn điện vào những gì đó còn nguy hiểm hơn cho thế giới bên ngoài.
Tình trạng ấy càng dễ xảy ra khi lãnh đạo đảng đang lúng túng trước quá nhiều vấn đề ngổn ngang ở bên trong. Thực tế là thả nổi bản năng đập phá vì động lực gọi là "dân tộc", "ái quốc" và chấp nhận những đề nghị rất phiêu lưu của quân đội, được các trí thức khoác áo viện sĩ biện minh bằng những lý luận hàm hồ. Xưa kia, trong thời tao loạn, các Nho thần cũng đã từng uyên áo nên ra loại lý luận ấy, trước sự bần thần của một Thiên tử bị rối trí....
Vốn đang tập trung vào nhiều ưu tiên khác, Hoa Kỳ không muốn châm lửa vào thùng thuốc súng ở bên kia Thái bình dương. Nhưng bộ máy an ninh và đối ngoại cũng biết là sẽ có ngày phải ứng phó với kịch bản tồi tệ nhất tại Đông Á. Vì vậy, chuyện Âu Châu và NATO chỉ là vụn vặt! Và những loay hoay của Obama chỉ là nhất thời....