Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Người Trung Quốc bàn gì về giải pháp Biển Đông?

Biển Đông và Đông Nam Á đặt ra những câu hỏi lớn đối với người Trung Quốc thời gian gần đây
 (Toquoc)-Việc Trung Quốc vạch đường chữ U là “mua dây buộc mình”; 10 năm ngoại giao châu Á bị hủy trong một ngày; nên tìm giải pháp cho cuộc tranh chấp Biển Đông.
Trong thời kỳ đầu của cuộc tranh chấp trên Biển Đông sau những vụ gây hấn của tàu thuyền Trung Quốc hồi tháng 5 vừa qua, Trung Quốc rộ lên những lời đe dọa và thách thức. Gần đây, dư luận Trung Quốc đôi phần điềm tĩnh hơn, với những ý kiến ngược chiều đề cập về giải pháp Biển Đông. Phần lớn các bài dưới đây xuất bản trước khi thỏa thuận về Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC ngày 21/7, có giá trị để ta tham khảo xem người Trung Quốc bàn về giải pháp Biển Đông như thế nào.
5 hướng giải quyết tranh chấp Biển Đông

Bình luận viên Đài Truyền hình Phượng Hoàng Hong Kong Trịnh Hạo phát biểu trong chương trình bình luận thời sự của Đài này ngày 16/7 cho biết, ngày 13/7 ông đã đến Bắc Kinh tham dự “Hội thảo về tình hình tranh chấp Biển Đông và trách nhiệm của báo chí” do Đài Truyền hình Vân Nam và Sở nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, đồng tổ chức. Tham gia Hội thảo có hơn 20 chuyên gia, học giả và có cả giới quân sự. Các chuyên gia đã nêu nhiều quan điểm về cách thức giải quyết tranh chấp Biển Đông, nhìn chung có 5 hướng sau:
Một, lập trường chính thống của chính phủ Trung Quốc: Thông qua đối thoại song phương, đàm phán song phương với các nước có tranh chấp với Trung Quốc, giải quyết bằng biện pháp hoà bình, phản đối bên thứ ba can thiệp; cho rằng bên thứ ba can thiệp chắc chắn sẽ làm cho vấn đề bị quốc tế hoá, phức tạp hoá. Quan điểm thông qua đối thoại song phương giải quyết tranh chấp do Trung Quốc đưa ra đến nay vẫn chưa thay đổi.
Hai, chủ trương “mơ hồ về chủ quyền”. Hiện nay nếu nói chủ quyền các đảo và quyền quản lý vùng biển là của ai thì rất khó, nếu trong thời gian ngắn muốn phân định rõ ràng thì chắc chắn các bên sẽ tranh cãi quyết liệt. Tốt hơn là chưa nên tính đến chủ quyền thuộc ai, dốc sức vào thực hiện hợp tác với các nước tranh chấp, giống như quan điểm “gác tranh chấp cùng khai thác”, nhưng nhấn mạnh “mơ hồ về chủ quyền”. Vấn đề là Trung Quốc mơ hồ về chủ quyền nhưng các bên lại không muốn, họ biết rất rõ tình hình và 29 đảo hiện nay vẫn trong tay họ. Phương thức này có yếu tố tích cực là chủ trương cùng khai thác. Các bên thành lập một công ty liên doanh, Trung Quốc đầu tư giai đoạn đầu, bởi vì Trung Quốc có tiền, có thể cung cấp tài chính mua sắm thiết bị thăm dò, khai thác, chiếm phần lớn cổ phần. Nhiệm vụ khai thác thì giao cho các nước như Philippines, Malaysia, Việt Nam, bởi vì những nước này có khoảng cách gần hơn. Các bên cùng khai thác và phân chia sản phẩm theo cổ phần.
Ba, chủ trương “hành động thực tế”, đa số là giới quân sự, chủ trương áp dụng hành động thực tế, cho rằng chỉ dựa vào đàm phán sẽ không có tác dụng. Các nước đã chiếm lĩnh nhiều năm nay và đang khai thác thực tế. Những đảo này kể cả có đàm phán tiếp cũng không thể thu về được, do đó Trung Quốc cần áp dụng một số hành động thực tế để thu về.
Bốn, chủ trương giải quyết bằng pháp luật. Có thể cuối cùng vẫn phải thông qua con đường pháp luật để giải quyết, như căn cứ luật quốc tế, Công ước luật biển.
Năm, chủ trương căn cứ sự thực lịch sử, phần lớn là các nhà sử học. Những người này cho rằng không có gì phải đàm phán. Trung Quốc có chứng cứ lịch sử liên tục như khảo cổ, bia, tiền đồng, đồ sứ bị đắm ở khu vực đó, kể cả “đường 9 đoạn”. Trong lịch sử trước đây chưa từng có tranh chấp, tranh chấp chỉ xuất hiện những năm gần đây khi khu vực này phát hiện ra dầu khí. Do đó không cần phải đàm phán, đó là của Trung Quốc, chủ quyền thuộc Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc không cần dùng biện pháp quân sự và đưa ra toà án phán quyết, Trung Quốc chỉ cần đến đó đánh cá, khai thác là được. Nếu đối phương sử dụng vũ lực uy hiếp thì Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực.
Cá nhân ông Trịnh Hạo không đồng tình với lập trường của Chính phủ Trung Quốc, phản đối đối thoại song phương, vì đối thoại song phương không thể giải quyết vấn đề một cách căn bản. Ông Trịnh Hạo chủ trương giải quyết bằng luật pháp, bởi vì, đánh nhau là không thể. Trong giới quân sự Trung Quốc cũng có một bộ phận cho rằng dùng vũ lực là không phù hợp, chưa nói đến quan chức chính phủ. Do đó, cuối cùng sẽ phải đưa ra toà án để phán quyết theo luật. Có thể sẽ phải mất mấy chục năm nữa mới đến bước này, nhưng có lẽ nên đi theo hướng này.
Vạch đường chữ U là chuyện “mua dây buộc mình”; 10 năm ngoại giao châu Á bị hủy trong một ngày
Tạp chí Khai Phóng (Hongkong) số tháng 7/2011 đăng bài của nhà bình luận chính trị Trần Phá Không cho rằng gần đây vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông thể hiện rõ xu hướng xấu đi. Trong vấn đề Biển Đông, bản thân Trung Quốc không có lập trường rõ ràng, tiền hậu bất nhất, gây tổn hại nghiêm trọng tới uy tín quốc tế của Trung Quốc. Thời Đặng Tiểu Bình, lập trường của Trung Quốc về Biển Đông là “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Tuy nhiên, lập trường của Trung Quốc không ngừng thay đổi. Mấy năm gần đây, Trung Quốc bắt đầu từ chối đàm phán đa phương. Các nước bỗng chốc trở nên cảnh giác với Trung Quốc. Tháng 3/2010, Trung Quốc đột nhiên cao giọng tuyên bố chủ quyền Biển Đông thuộc “lợi ích cốt lõi” của mình. Dư luận các nước bùng lên. Sở dĩ Trung Quốc lớn tiếng là vì nước này tự kiêu với việc quốc lực được tăng cường, quân lực được mở rộng, muốn cho thế giới thấy “cơ bắp” của mình. Trong Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tháng 7/2010, các nước dự hội nghị như Ấn Độ, EU đều ủng hộ lập trường của ASEAN, Trung Quốc rơi vào tình trạng bị cô lập chưa từng có, tự ví là “đã bị vây đánh”. Xem ra nỗ lực 10 năm ngoại giao châu Á của Trung Quốc đã bị hủy trong một ngày. Trung Quốc lập tức thay đổi giọng điệu, vứt bỏ cách nói “lợi ích cốt lõi”, trở lại với cách biểu đạt lập trường mơ hồ.
Tác giả viết rằng, tạm thời chưa nói tới sự đúng sai của các bên trong tranh chấp Biển Đông, câu hỏi đặt ra là liệu việc Trung Quốc vẽ đường phạm vi chủ quyền Biển Đông (đường chữ U) tới “cửa nhà” của các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Bruney có hợp với tình hình khách quan hay không? Đối chiếu với các quy định bằng văn bản rõ ràng liên quan tới việc “các nước có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý” trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển mà Trung Quốc ký từ năm 1982, Trung Quốc càng khó có thể bào chữa cho kiểu hoạch định này của mình. Trên thực tế, từ việc tự vạch đường chữ U cho tới cách nói về “lợi ích cốt lõi” đều là chuyện “mua dây buộc mình” của Trung Quốc.
Chẳng trách tại hội thảo Vấn đề An ninh ở Biển Đông tổ chức ở Washington gần đây, trong khi học giả Việt Nam giành được sự đồng tình của những người dự hội nghị vì đã làm sáng tỏ lập trường chủ quyền của Việt Nam một cách lôgíc và hùng biện trên cơ sở lập luận chứng cứ đầy đủ, học giả Trung Quốc khiến những người dự hội nghị cảm thấy “quá khiên cưỡng”, gây ấn tượng “không trung thực” bởi phát biểu vá víu, mơ hồ. Đuối lý, học giả Trung Quốc sau đó chỉ còn cách đổ thừa cho là “chuẩn bị chưa đầy đủ”.
QT (Gt)
(Còn tiếp)
-Nguồn: TQ:
* Người Trung Quốc bàn gì về giải pháp Biển Đông? (Kỳ I)


-



(Toquoc)-Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông không thể tiếp tục “gác lại”; dùng vũ lực là không hiện thực; cùng khai thác hoàn toàn không phải là kế sách tạm thời mà là kế sách lâu dài.

Gần đây, dư luận Trung Quốc đôi phần điềm tĩnh hơn, với những ý kiến ngược chiều đề cập về giải pháp Biển Đông. Phần lớn các bài dưới đây xuất bản trước khi thỏa thuận về Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC ngày 21/7, có giá trị để ta tham khảo xem người Trung Quốc bàn về giải pháp Biển Đông như thế nào.
Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông không thể tiếp tục “gác lại”
Tờ Đại Công báo (Hongkong) đăng bài viết của Mã Kiến Ba, Giám đốc Công ty Tư vấn Chiến lược Bách Gia (HK), cho rằng trong bối cảnh này, Trung Quốc một mặt cần thể hiện rõ khí phách bất khuất, không sợ áp lực bá quyền, không sợ chiến tranh; mặt khác cũng cần có chiến lược và cơ chế chính trị hiệp thương tích cực để nỗ lực hóa giải nguy cơ chiến tranh. Đây chính là thách thức đối với Trung Quốc trước tình hình nguy hiểm ở Biển Đông hiện nay.
Trung Quốc ra sức củng cố các vị trí tiền tiêu trên Biển Đông: Dường như chưa sẵn sàng cho giải pháp
Theo tác giả, có thể nói sức mạnh của Mỹ ngày hôm nay không còn như trước đây. Tuy nhiên, Mỹ sẽ vận dụng các thủ đoạn khiêu khích, ly gián, “mượn gió bẻ măng” để gia tăng mâu thuẫn giữa các nước, từ đó có thể trở thành “ngư ông đắc lợi”. Do đó, nếu tình hình Biển Đông tiếp tục như hiện nay hoặc xấu hơn thì sẽ hình thành bố cục phong tỏa chiến lược đối với lãnh hải của Trung Quốc. Đây là điều vô cùng bất lợi đối với Trung Quốc.
Nếu tình hình tiếp tục phát triển, xung đột vũ trang là điều không thể tránh khỏi. Nếu như nổ ra một cuộc chiến tranh cục bộ, điều này sẽ có tác động tiêu cực nhất định đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Tuy nhiên, đối mặt với tình thế bị Mỹ và các nước xung quanh ra sức gây sức ép, Trung Quốc cũng không thể tiếp tục nhân nhượng hơn nữa, cần phải đưa ra cảnh cáo nghiêm khắc hơn nữa đối với các nước liên quan, hối thúc các nước này quay trở lại bàn đàm phán. Các nước liên quan trong khu vực cần xây dựng cơ chế hiệp thương trao đổi thường xuyên, cần xuất phát từ đại cục hợp tác khai thác, hóa giải bất đồng. Chiến lược hải dương liên quan đến sự trỗi dậy trong tương lai của Trung Quốc, do vậy tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông cần sớm được giải quyết. Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông không thể tiếp tục “gác lại” nữa.
Thứ nhất, Trung Quốc cần mạnh mẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế tôn trọng lịch sử, pháp luật và bảo đảm chủ quyền các đảo và vùng lãnh hải của Trung Quốc. Thứ hai, cần tăng cường cơ chế hợp tác liên minh chiến lược để kiềm chế Mỹ, ngăn chặn Mỹ can thiệp sâu hơn vào cuộc tranh chấp ở Biển Đông, nếu không tình hình sẽ càng phức tạp và “thùng thuốc súng” của khu vực sẽ càng nóng. Thứ ba, đối với việc khai thác tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế và khu vực đang có tranh chấp, cần thông qua cơ chế đàm phán để xác lập mô hình hợp tác mà các bên có thể chấp nhận được, cần tránh việc đơn phương bắt tay với nước không có tranh chấp nhảy vào can thiệp. Thứ tư, thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế thương mại với các nước thành viên chủ chốt của Liên minh châu Âu, từng bước giảm ảnh hưởng kinh tế-thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc.
Khai thác chung là như thế nào?
Thời báo Hoàn Cầu đăng bài cho rằng gác tranh chấp, cùng khai thác hoàn toàn không phải là kế sách tạm thời mà là kế sách lâu dài. Đối với Trung Quốc và cả với tất cả các nước liên quan đều là như vậy. Điều quan trọng của gác tranh chấp chính là cùng khai thác, nếu khai thác chung không thực hiện được thì gác tranh chấp rất dễ trở thành hình thức.
Việc Trung Quốc phải làm bây giờ, trước tiên là phải công bố với thế giới có những đảo bãi và vùng biển phụ cận nào bắt buộc phải thực hiện cùng khai thác. Tiếp đó, Trung Quốc cần phải đưa ra phương án cùng khai thác. Phương án này cần có quy hoạch tổng thể từ thăm dò, xây dựng đến khai thác, ai bỏ bao nhiêu tiền, ai được bao nhiêu lợi nhuận, cần có sự chuẩn bị chi tiết và cụ thể. Có phương án này rồi sẽ có thể mời các quốc gia liên quan đến đàm phán, ngã giá với nhau. Dù là khai thác chung, Trung Quốc cũng phải chuẩn bị tốt việc nhượng bộ lợi ích, kể cả chuẩn bị tâm lý cho nhân dân.
Có thể sẽ có người nói, anh đưa ra phương án nhưng người ta không đàm phán với anh thì sao? Ai không chấp nhận đàm phán, không chấp nhận cùng khai thác thì cũng sẽ không thể khai thác được, điều đó biến những đảo bãi mà họ chiếm đóng trở thành vô dụng, xét từ góc độ đại phát triển toàn cầu, khai thác quan trọng hơn rất nhiều so với sở hữu. Trung Quốc cần nói rõ rằng, Trung Quốc ngày nay có thực lực để ngăn cản bất cứ hành vi khai thác với mưu đồ hưởng lợi một mình, đồng thời, cũng sẽ không để cho các sự việc chiếm lĩnh đảo bãi xảy ra nữa. Trung Quốc cũng cần nói rõ cho các công ty xuyên quốc gia và các bên thứ ba liên quan rằng, ai muốn tham gia khai thác tại khu vực này khi chưa được sự đồng ý của Trung Quốc hay trong khu vực mà hai bên có tranh chấp chưa đạt được thoả thuận khai thác chung thì chính họ sẽ tự chuốc lấy phiền phức cho mình, lợi ích của họ sẽ bị tổn hại nghiêm trọng, sẽ tự gánh chịu hậu quả.
Dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp Biển Đông là không hiện thực
Trang web của hãng Thông tấn Bình luận Trung Quốc (HK) đăng lại một số ý kiến phát biểu của học giả Trung Quốc tại cuộc hội thảo mang tên “Biển Đông và vấn đề khai thác chung” do Đại học Quốc gia Singapore tổ chức mới đây:
Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông (Trung Quốc), nói: Muốn dùng vũ lực giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc phải rút khỏi một số công ước quốc tế. Các biện pháp giải quyết vấn đề Biển Đông không ngoài các biện pháp đàm phán hòa bình, trọng tài quốc tế và sử dụng vũ lực. Hiện nay, việc dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp Biển Đông là không hiện thực. Tất cả các bên đều gặp phải những cản trở không nhỏ trong quá trình thực hiện biện pháp này. Hòa bình sẽ là biện pháp khả thi nhất để giải quyết vấn đề Biển Đông trong tương lai. Việc giải quyết tranh chấp Biển Đông dựa trên luật quốc tế và luật biển hiện đại đã được công nhận, có thể thông qua đàm phán ngoại giao, ký kết các hiệp ước liên quan để thúc đẩy các nước tự mình ràng buộc.
Phan Quốc Bình, Phó Tổng Thư ký Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật Trung Quốc-ASEAN, nói: Xem xét khung pháp luật quốc tế mà Trung Quốc đã ký tới nay, việc dùng vũ lực giải quyết vấn đề Biển Đông cơ bản là không thể. Trung Quốc bị ràng buộc bởi hai văn kiện quốc tế. Một là Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) đã ký với ASEAN. Hai là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trung Quốc cũng cam kết từ bỏ việc sử dụng vũ lực giải quyết tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp biển. Trung Quốc kiên quyết phản đối sự can dự quân sự của bên thứ ba. Để bảo đảm lãnh thổ, lãnh hải không bị xâm chiếm từng bước, bảo vệ quyền lợi mang tính lịch sử của đường 9 đoạn, khi cần thiết, Trung Quốc có thể lên tiếng rút khỏi các văn kiện quốc tế nêu trên và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển, dựa vào các quyền cho phép ở điều 51, Hiến chương Liên hợp quốc để thực hiện quyền tự vệ, dùng vũ lực ra đòn phản kích.
Theo ông Bình, cùng khai thác Biển Đông không phải là không có khả năng, kiến nghị Trung Quốc và các bên tranh chấp có thể thành lập quỹ chung của khu vực, Trung Quốc có thể đảm nhiệm trách nhiệm nước lớn khu vực, đóng góp nhiều cho sự phát triển của khu vực, các nước xung quanh Biển Đông chung tay chống cướp biển, xây dựng hạ tầng trên biển, bảo đảm an toàn hàng hải, tạo phúc cho gần 1,5 tỉ người dân bên bờ Biển Đông.
Nhân dân nhật báo ngày 22/7 dẫn nguồn từ BNG Trung Quốc cho rằng, nội dung cốt lõi của “Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC” là thúc đẩy hợp tác thực chất, trong đó nội dung mới đạt được đã mở rộng từ 3 lĩnh vực hợp tác lên 6 lĩnh vực. Giới phân tích cho rằng, giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông chỉ có thể dễ trước khó sau. Trong môi trường lớn hiện nay, đạt được một “Bộ quy tắc ứng xử” mang tính quy phạm hay tính ràng buộc mà thiếu cơ sở hiện thực, nếu vội vàng thúc đẩy thực hiện “Bộ quy tắc ứng xử” này, tất sẽ dẫn đến mâu thuẫn mới, thậm chí gây bất đồng nghiêm trọng trong nội bộ ASEAN. Vì vậy, phía Trung Quốc không muốn nhấn mạnh “Bộ quy tắc ứng xử” gì đó, mà mong muốn cùng với các bên thảo luận thúc đẩy hợp tác như thế nào, trước hết phải xây dựng một khung hợp tác sơ bộ, phù hợp với lợi ích của Trung Quốc và các nước ASEAN, đồng thời có lợi cho hòa bình ổn định trong khu vực./.
QT (Gt)

Tổng số lượt xem trang