Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Hai, ngày 4/7/2011
TTXVN (Xítni 29/6)
Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy, có trụ sở tại Xítni (Ôxtrâylia), đã cảnh báo rằng những va chạm trên biển gần đây liên quan đến Trung Quốc có thể dẫn tới chiến tranh ở châu Á, đồng thời tiềm ẩn khả năng lôi kéo sự can dự của Mỹ và các cường quốc khác. Trong một báo cáo công bố ngày 28/6, hai tác giả Rory Medcalf và Raoul Heinrichs chỉ rõ cách hành xử mạo hiểm của quân đội Trung Quốc ở biển Hoa Nam (biển Đông) và biển Hoa Đông, cùng với nhu cầu năng lượng to lớn của nước này cũng như thái độ ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh, đã làm gia tăng nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột vũ trang.Đặc biệt, biển Đông đang trở thành một điểm nóng vì khu vực này có nhiều bên gồm Trung Quốc, Việt Nam, Philippin, Đài Loan, Brunây và Malaixia, cùng tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần lãnh hải.
Bản báo cáo, có tựa đề “Khủng hoảng và niềm tin: Các cường quốc chính và vấn đề an ninh hàng hải ở châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”, dựa trên những tham vấn với các chuyên gia an ninh tại Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ. Theo báo cáo của Viện Lowy, các tuyến đường biển ở châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đang ngày càng trở nên đông đúc hơn, cạnh tranh gay gắt hơn và rất dễ dẫn đến xung đột vũ trang. Không quân và hải quân của các nước đang được tăng cường giữa lúc cán cân sức nặng chiến lược kinh tế đang có sự thay đổi. Những xích mích giữa Trung Quốc với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ có khả năng tiếp tục dai dẳng và dữ dội hơn. Khi con số và nhịp độ của các vụ việc gia tăng, có thể một vụ việc sẽ leo thang thành đối đầu vũ trang, khủng hoảng ngoại giao hoặc thậm chí có thể là xung đột.
Ông Medcalf, chủ biên của báo cáo, cho rằng cần phải nhanh chóng cải thiện và sử dụng các kênh liên lạc trên thực tế giữa quân đội Trung Quốc và quân đội các bên có tranh chấp, đồng thời khẳng định tình hình căng thẳng hiện nay ở biển Đông có thể dịu bớt nhờ các cuộc đối thoại liên quan đến Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam. Trả lời phỏng vấn Hãng truyền thông quốc gia Ôxtrâylia (ABC) ngày 28/6, ông Medcalf cho rằng những đối đầu đang diễn ra đều có chủ định từ phía Trung Quốc nhằm phát đi tín hiệu về đòi hỏi của nước này đối với các vùng biển ở biển Đông. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng có một nguy cơ mà Trung Quốc đánh giá thấp, đó là bất kỳ biến cố nào cũng đều có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát và dẫn tới xung đột vũ trang.
Theo nhà phân tích Medcalf, Hải quân Trung Quốc ngày càng mạnh lên và đang “ngấp nghé” hạn chế khả năng tiếp cận của Mỹ đối với các khu vực gần bờ biển Trung Quốc, và thậm chí sớm muộn là các vùng biển quanh Đài Loan. Vấn đề lớn ở đây là ý đồ. Chưa có gì rõ ràng chứng tỏ Trung Quốc có ý đồ quyết liệt hay gây hấn mạnh mẽ nhưng dường như có một số thế lực tại Trung Quốc, kể cả Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA), đang đẩy ranh giới sự việc di xa thêm. Họ đang tiến hành những hành động khiêu khích liên quan đến tranh chấp lãnh hải hoặc có những hành động mà có thể đoán rằng sẽ gửi tín hiệu tới Nhật Bản, Mỹ, Đông Nam Á và các nước khác rằng quyền lợi của Trung Quốc không thể bị xem nhẹ. Cho nên đây là một tình thế rất đáng lo ngại.
Viện Lowy cảnh báo rằng nếu có một cuộc chiến tranh xảy ra thì nó sẽ lan rộng khắp khu vực Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương và Mỹ cùng các cường quốc khác sẽ nhanh chóng bị cuốn vào. Về khả năng Ôxtrâylia có thể phải can dự vào những căng thẳng đó, chuyên gia Medcalf cho rằng Ôxtrâylia rất quan tâm đến vấn đề này bởi tự do hàng hải ở biển Đông rất quan trọng với không chỉ lực lượng hải quân Ôxtrâylia mà còn với hoạt động xuất khẩu của nước này tới Bắc Á. Thêm nữa, Ôxtrâylia cũng là một đồng minh của Mỹ nên nếu Mỹ có xung đột với Trung Quốc về vấn đề biển Đông thì rất nhiều khả năng Ôxtrâylia cũng phải tham gia và đứng về phía Mỹ.
Người Ôxtrâylia lo ngại xung đột quân sự với Trung Quốc, nhưng sẵn sàng hậu thuẫn Mỹ
Một cuộc thăm dò dư luận cũng do Viện Lowy thực hiện mới đây cho thấy người dân Ôxtrâylia đang ngày càng lo ngại về sức mạnh quân sự ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc và rất nhiều người tin rằng chiến tranh là điều không thể tránh khỏi trong vòng 20 năm tới. Giám đốc điều hành Viện Lowy Michael Wesley cho biết 44% số người được hỏi nói rằng có thể Trung Quốc sẽ trở thành một mối đe doạ quân sự đối với Ôxtrâylia, với 87% nêu lý do là vì Trung Quốc và Mỹ sẽ xung đột nên Ôxtrâylia sẽ bị lôi kéo vào.
Công chúng Ôxtrâylia còn đặc biệt tỏ ra quan ngại về việc người nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, đầu tư ồ ạt vào nước này. Sau khi công bố bản thăm dò dự luận, tiến sĩ Micheal Wesley cho hay người dân Ôxtrâylia có quan điểm mâu thuẫn trong vấn đề liên quan tới Trung Quốc. Một mặt, ba phần tư số người trả lời phỏng vấn cho biết nhìn chung, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc là điều có lợi cho Ôxtrâylia. Tuy nhiên, cũng có đến 65% người Ôxtrâylia tin rằng một khi lớn mạnh, không sớm thì muộn Trung Quốc sẽ tìm cách thống trị châu Á. Tiến sĩ Wesley cho hay trong năm 2011, 57% người Ôxtrâylia cho rằng Chính phủ Ôxtrâylia đã cho phép Trung Quốc đầu tư quá nhiều vào nước này. So với năm 2009, số lượng người Ôxtrâylia lo ngại về vấn đề này tăng tới 7%. Ông Wesley kết luận số người Ôxtrâylia quan ngại về Trung Quốc đang ngày cang đông đảo hơn.
Theo thăm dò của Viện Lowy, người Ôxtrâylia ngày càng bám chặt hơn vào liên minh với Mỹ, bất chấp việc cuộc chiến tranh ở Ápganixtan không được công chứng ủng hộ và niềm tin rằng Mỹ có thể lôi kéo Ôxtrâylia vào một cuộc xung đột mới ở châu Á. Hầu hết số người được hỏi ủng hộ việc đồn trú quân đội Mỹ ở Ôxtrâylia và sẽ ủng hội việc Ôxtrâylia đi theo Mỹ trong một cuộc chiến tranh toàn diện trên bán đảo Triều Tiên.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy sự mâu thuẫn về những rủi ro và lợi ích của một nước Trung Quốc có uy lực, những lo ngại tiếp diễn về mối đe dạo về các vụ tấn công khủng bố, nhưng với một niềm tin vững chắc rằng bất chấp tất cả, sự bá chủ toàn cầu của phương Tây vẫn sẽ còn nguyên vẹn hoặc thậm chí còn được củng cố. Người Ôxtrâylia tin tưởng vào việc các cường quốc lớn sẽ “hành động có trách nhiệm”, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản, cũng như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, mặc dù ở một mức độ quan trọng nhưng kém hơn. Cuộc thăm dò phản ánh sự tái đánh giá đang nổi lên nhanh chóng của Ôxtrâylia về tương lai chiến lược của nước này, cả trong lĩnh vực quân sự và kinh tế, cũng như lo ngại của Chính phủ Thủ tướng Julia Gillard nhằm cân bằng những phản ứng của nước này đối với những dịch chuyển có tiềm năng mâu thuẫn nhau trong cán cân quyền lực.
Ôxtrâylia tái bố trí lực lượng để đối phó với những mối đe doạ trong tương lai
Ôxtrâylia đã bắt đầu tiến trình xem xét lại các khả năng quân sự lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua nhằm chuyển trọng tâm bố trí các tàu chiến, tàu ngầm, máy bay chiến đấy và binh sĩ sang khu vực phía Tây và phía Bắc của nước này nhằm đáp lại những thách thức đang nổi lên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và vùng vành đai Ấn Độ Dương. Động thái này được Chính phủ của Thủ tướng Julia Gillard tuyên bố là để nghiên cứu cách thức tốt nhất bảo vệ các ngành công nghiệp khai khoáng trong vùng đó và chỉ dẫn về những vấn đề như liệu sức mạnh quân sự đang nổi lên của các nước châu Á-Thái Bình Dương có gây ra một mối đe doạ cho Ôxtrâylia hay không.
Theo nhận định của tờ “Người Ôxtrâylia” ngày 23/6, tiến trình “Xem xét tái bố trí lực lượng” do Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Smith công bố hôm 22/6 sẽ gắn chặt với việc xem xét lại cách thức bố trí lực lượng toàn cầu mà Mỹ đang tiến hành với trọng tâm nhằm vào sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Hai tiến trình xem xét lại này có thể sẽ dẫn tới việc gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực và việc Mỹ tăng cường sử dụng các căn cứ của Ôxtrâylia cho máy bay và tàu chiến. Kể từ sau Hội nghị các bộ trưởng ngoại giao – quốc phòng giữa Ôxtrâylia và Mỹ (Ausmin) tại Melbourne hồi năm ngoái, các nhóm của cả hai nước đã bắt đầu làm việc về chi tiết của những thoả thuận liên quan đến việc các lực lượng Mỹ sử dụng các cơ sở quân sự và hải cảng của Ôxtrâylia.
Các tài liệu do Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Smith công bố không đề cập gì tới Trung Quốc, nhưng nhóm thẩm định đã được chỉ thị nghiên cứu “sự gia tăng các khả năng sử dụng sức mạnh quân sự của những nước ở châu Á-Thái Bình Dương”. Theo giáo sư Paul Dibb, tác giả của tiến trình tương tự được tiến hanh 2 thập niên trước đây, điều đó là một sự đề cập rõ ràng tới Trung Quốc. Trong khi đó, Giám đốc Viện chính sách chiến lược Ôxtrâylia (ASPI) Peter Abigail cho rằng tiến trình xem xét lại lần này sẽ bổ sung cho phần không được đề cập tới trong Sách trắng Quốc phòng 2009.
Tiến trình xem xét lại bố trí lực lượng sẽ do hai cựu quốc vụ khanh quốc phòng Allan Hawke và Ric Smith chủ trì và là một sự đáp lại những lo ngại của ngành khai khoáng và các nhà chiến lược quốc phòng rằng nguồn chủ yếu mang lại sự giàu có cho Ôxtrâylia có thể bị nguy hiểm và không được bảo vệ đúng mức nếu tình hình an ninh khu vực trở nên xấu đi. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Smith, tiến trình này và Sách trắng Quốc phòng không nhằm vào bất cứ quốc gia cụ thể nào, nhưng sẽ chú trọng vào một loạt những nhân tố toàn cầu, khu vực cũng như chiến lược và an ninh quốc gia hiện tại và đang nổi lên. Ông Stephen Smith đã bác bỏ những gợi ý rằng việc xem xét lại này đang được tiến hành với một trọng tâm nhằm vào Trung Quốc, nói rằng Ôxtrâylia có một mối quan hệ kinh tế rất quan trọng với Trung Quốc, nhưng đó là một quan hệ song phương toàn diện và quan trọng bao gồm cả những vấn đề chiến lược và an ninh cũng như những trao đổi thường xuyên giữa các quan chức quân sự. Ông Stephen Smith nói: “Chúng tôi tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ nổi lên, như Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Bob Zoellick nói, là một thành viên có trách nhiệm trong một môi trường hoà hợp, như người Trung Quốc nói”.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Smith, việc bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng cũng như câu hỏi về an ninh năng lượng đang trở thành những vấn đề trong nước quan trọng đối với Ôxtrâylia, giữa lúc các hoạt động khai thác dầu khí trị giá hàng tỉ AUD ở ngoài khơi vùng Tây Bắc nước này tiếp tục phát triển. Ông Smith cho biết tiến trình thẩm định sẽ cân nhắc sự nổi lên của nhu cầu đối với an ninh năng lượng ở vùng Tây Bắc Ôxtrâylia, sự nổi lên của Vành đai Thái Bình Dương như là một khu vực có tầm quan trọng chiến lược và nhu cầu đối với Ôxtrâylia để có thể phản ứng trước các cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực.
Tiến trình thẩm định này sẽ dựa vào và chỉnh lý những kết luận của Sách trắng Quốc phòng 2009 và khi hoàn tất vào năm tới sẽ đưa ra một bối cảnh chiến lược cho Sách trắng Quốc phòng tiếp theo dự kiến được công bố vào năm 2014. Trong khi chưa có mối đe doạ nào hiện hữu ngay trước mắt vào lúc này, Ôxtrâylia sẽ cần phải mất nhiều năm để trang bị và đưa vào trực chiến các tàu hải quân mới (bao gồm tàu khu trục và các tàu đổ bộ lớn) và máy bay chiến đấu đa năng như JSF cũng như nâng cấp các căn cứ cho những khí tài quân sự này.
Hãng truyền thông quốc gia Ôxtrâylia (ABC) cho biết Ôxtrâylia hiện đang theo đuổi chương trình mua sắm vũ khí quy mô lớn, tập trung vào việc hiện đại hoá hải quân và không quân, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và tác chiến trên bàn cờ chiến lược mới tại châu Á. Đây là đợt mua sắm vũ khí lớn nhất của quân đội Ôxtrâylia kể từ Thế chiến II, theo đó, hạm đội tàu ngầm sẽ tăng gấp đôi lên 12 chiếc và nhóm tàu ngầm lớn Collins sẽ đàn được cho “nghỉ hưu”. Bên cạnh đó, Chính quyền Canbơrơ sẽ chi ra 10 tỷ AUD để mua hai tàu sân bay với tên gọi HMAS Adelaide và HMAS Canberra. Về không quân, Ôxtrâylia sẽ mua 100 máy bay chiến đấu đời mới loại F-35 JSF của Mỹ, cùng 8 máy bay thám thính đường trường. Ngoài ra, một số tên lửa đạn đạo với tầm bắn xa tới 2.400km cũng sẽ được Ôxtrâylia mua lần đầu tiên.
***
Việt Hà của đài RFA đã có cuộc phỏng vấn giáo sư Nick Bisley giảng dạy môn quan hệ quốc tế tại trường Đại học La Trope của Ôxtrâylia về tình hình căng thẳng ở Biển Đông và thái độ của Ôxtrâylia về vấn đề này. Giáo sư Bisley cũng là thành viên của Hội đồng an ninh và hợp tác châu Á Thái Bình Dương, và đã có mặt tại Đối thoại Shangri-La vừa qua ở Xinhgapo. Sau đây là nội dung chi tiết:Cơ cấu kiềm chế xung đột
+ Xin ông cho biết những căng thẳng trên Biển Đông có ảnh hưởng thế noà đối với Ôxtrâylia?
- Quan điểm của Ôxtrâylia cũng giống như nhiều nước khác quan tâm đến các diễn biến trên Biển Đông. Mối quan ngại lớn nhất là những xung đột rõ ràng tại Biển Đông, nơi quyền lợi của các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc cùng một số nước khác tại Đông nam Á lại trùng hợp nhau. Những đụng độ xẩy ra thường xuyên xuất phát từ nguyên nhân lợi ích bị va chạm sẽ không chỉ là những đụng độ nhỏ trên biển mà có thể sẽ xảy ra các cuộc xung đột lớn hơn.
Quan điểm của Ôxtrâylia cũng như một số nước khác trong khu vực là cần tạo ra một cơ cấu để có thể kiểm soát và kiềm chế được các xung đột này, tránh để xung đột có thể leo thang thành xung đột lớn hơn. Nhưng vấn đề mà chúng tôi gặp phải, cũng đựơc thể hiện ở Shangri-La, là kể cả Trung Quốc và Mỹ đều không muốn đi theo hướng mà họ cho là có thể ràng buộc những hoạt động của họ trong một quá trình đa phương. Cho nên ASEAN, Ôxtrâylia, Nhật Bản, Hàn Quốc đã nhiều lần đưa ra các đề nghị để nhiều bên kiểm soát và kiềm chế những xung đột trên biển, hay khi xẩy ra khủng hoảng, thậm chí đề nghị có một bộ quy tắc ứng xử. Tuy nhiên cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều không muốn bị ràng buộc bởi cơ chế này. Ôxtrâylia cũng như nhiều nước khác cũng có quyền lợi gián tiếp liên quan đến những sự kiện tại Biển Đông nhưng không thể làm được gì nhiều bởi những ảnh hưởng mạnh từ Mỹ và Trung Quốc, mà họ thì không sẵn sáng thay đổi lập trường để phù hợp với một quá trình đa phương.
Ôxtrâylia nghiêng phía nào?
+ Ông có nghĩ đến một lúc nào đó Ôxtrâylia sẽ trực tiếp can thiệp vào những căng thẳng trên Biển Đông? Nếu có là trong trường hợp nào? Mức độ ra sao?
- Tôi nghĩ rất khó có khả năng Ôxtrâylia sẽ can thiệp vào những sự kiện đụng độ nhỏ trên Biển Đông, Ôxtrâylia không muốn tham gia về mặt quốc phòng vào các khu vực nhạy cảm như Biển Đông. Ôx trâylia sẽ rất miễn cưỡng trong chuyện này trừ khi có sự hậu thuẫn của Liên hợp quốc hay nhiều quốc gia.
Ngoại lệ duy nhất là khi xảy ra xung đột nghiêm trọng giữa Trung Quốc với Mỹ. Trong trường hợp đó, vị trí của Ôxtrâylia là rất khó khăn vì Ôxtrâylia là đồng minh của Mỹ, tôi cho là Ôxtrâylia tham gia vào bất cứ hành động can thiệp quân sự nào của Mỹ. Về mặt chính trị, cũng sẽ rất khó cho Ôxtrâylia để nói “không” với Mỹ. Tôi nói một ví dụ về Đài Loan, dù đây không phải là Biển Đông nhưng cũng gần đó, và đây là một bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc. Tôi nghĩ Ôxtrâylia sẽ rất khó khăn khi phải chọn lựa giữa một bên là đồng minh Mỹ và một bên là Trung Quốc – một nước nhập khẩu lớn, đối tác thương mại lớn của Ôxtrâylia là Trung Quốc. Có rất nhiều lý do mà Ôxtrâylia muốn tránh can thiệp nhưng cuối cùng nếu Mỹ cần thì Ôxtrâylia sẽ không thể không tham gia dù khó khăn, kể cả trong vấn đề Biển Đông.
Trung Quốc không đáp ứng
+ Vậy theo ông, Chính phủ Ôxtrâylia sẽ làm gì trong thời gian sắp tới và phải làm gì để thúc đẩy quá trình đưa đến việc tìm ra một giải pháp cho vấn đề Biển Đông?
- Đối với Ôxtrâylia, cách duy nhất để có thể đạt được mục đích về chính sách trong khu vực là tìm đối tác để cùng làm việc. Ôxtrâylia chỉ là nước nhỏ và không muốn đơn độc một mình, mà muốn làm việc với các nước khác có cùng quan điểm để tìm ra một cơ chế đa phương. Như tôi biết được qua sự tiếp xúc với giới chức chính phủ lúc này là Ôxtrâylia đồng hành với ASEAN để đạt được Bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông, hay có thể là một tuyên bố mạnh hơn bản tuyên bố năm 2002. Cho nên Ôxtrâylia đang cố gắng hết sức để làm việc cùng ASEAN nhằm tìm ra cách kiểm soát các vấn đề về Biển Đông. Nhưng viễn ảnh đạt được kết quả như mong muốn thực sự không sáng sủa lắm. Theo tôi, bên ngoài ASEAN mọi người muốn nhìn thấy Ôxtrâylia thành công trong việc thực hiện được một điều gì đó để cuối cùng ASEAN, Ôxtrâylia, Nhật Bản, Hàn Quốc có thể tạo dựng được một cách để kiềm chế khủng hoảng trên Biển Đông. Nhưng tất cả còn lệ thuộc vào sự hưởng ứng của Mỹ và Trung Quốc. Trong hai nước lớn này, Mỹ là nước có vẻ sẵn sàng hơn trong việc ủng hộ sự hình thành những qui định chung cho Biển Đông. Chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nói tại Shangri-La là nếu không có một quy định chung như vậy thì khả năng căng thẳng leo thang là có thể xảy ra. Quả bóng đang ở bên sân của Trung Quốc nhưng với những gì mà tôi quan sát, tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ có những chuyển động tích cực đáng nói trong vấn đề này.
May lắm chỉ đạt được một thời gian biểu
+ Ông có nói đến việc đưa ra một cơ chế đa phương cho vấn đề Biển Đông. Chúng ta đã có Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và mong đợi Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC), theo ông, đâu là khó kăhn cho ASEAN trong việc tién tới một bộ quy tắc như vậy?
- Tôi nghĩ khả năng của ASEAN nhất trí được với nhau về vấn đề này là rất hạn chế. Chúng ta thấy một ví dụ điển hình là xung đột đang diễn ra giữa Thái Lan và Campuchia cho thấy khả năng giải quyết vấn đề của ASEAN giữa các thành viên hạn chế thế nào. Rõ ràng là ASEAN cũng làm được những điều đó có lợi cho các nước thành viên, nhưng ASEAN còn hạn chế trong các vấn đề về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Và việc mà chúng ta đang làm là thiết lập được COC cho ASEAN và Trung Quốc. Điều này đang tạo ra một khó khăn kép cho ASEAN. Thứ nhất là sự khác biệt giữa các nước nội khối, họ cũng có tranh chấp với nhau. Thứ hai là với Trung Quốc, Mỹ. Cho nên khó mà có thể hy vọng vào một COC phát xuất trước từ ASEAN có tính ràng buộc và làm dịu tình hình trong tương lại gần. ASEAN theo đuổi con đường ngoại giao và điều đó có thể xảy ra theo tôi có lẽ là một dạng giữa COC và DOC có thể là một thoả thuận giữa các bên về một quá trình tiến tới đạt được COC.
Tôi nghĩ do sự khác biệt giữa các nước mà một COC có tính ràng buộc là rất khó đạt được, nhưng rõ ràng là đã 9 năm rồi và vấn đề chỉ càng trở nên phức tạp hơn ngay cả trong trường hợp ASEAN muốn giữ thể diện của mình mà nói rằng muốn làm được cái gì đó để cho mọi người thấy. Tôi nghĩ là rất có thể chúng ta sẽ nhìn thấy cái gì đó như làm một tiến trình, một thời gian biểu, vì ASEAN thì thích cáic gọi là quá trình nhưng tôi không tin là một COC mà có thể thoả mãn được tất cả các bên sớm thành hình./.