Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Nhà nước Trung Quốc: quyền lực tăng nhưng đầy âu lo

- Nhà nước Trung Quốc: quyền lực tăng nhưng đầy âu lo (viet-studies 1-7-11) -- Một thân hữu dịch giùm bài Rising power, anxious state (Economist 23-6-11)

- Chưa đầy một thập niên nữa Trung Quốc có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng thành tựu kinh tế kéo dài của nước này đang bị đe dọa bởi sự trỗi dậy trở lại của nhà nước và sự phản kháng nhu cầu cải cách thêm nữa, theo James Miles


Vào đỉnh cao của triều Thanh, khoảng những năm 1700, Trung Quốc được hưởng một thời đại hoàng kim. Các bộ tộc kém văn minh đều khiếp sợ triều đình còn đám người ngoại quốc tham lam vẫn chưa xuất hiện trước cửa. Người Trung Hoa gọi đó là thời “thịnh thế” (shengshi), thời thái bình thịnh vượng. Giờ đây một số người Hoa theo chủ nghĩa dân tộc nói rằng, nhờ đảng Cộng sản Trung Quốc và tài kinh bang tế thế của đảng, một thời “thịnh thế” khác đã đến.

Năm ngoái, Trung Quốc đã trờ thành nhà sản xuất công nghiệp hàng đầu thế giới, thay thế Mỹ ở cái vị trí mà Mỹ đã chiếm giữ hơn một trăm năm qua. Trong chưa đầy một thập kỷ nữa, Trung Quốc có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Một lần nữa, người ngoại quốc lại há hốc mồm kinh ngạc.

Sự hồi phục nhanh chóng của Trung Quốc từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và tình trạng bất ổn kéo dài của phương Tây đã tạo ra một hiệu ứng tâm lý sâu sắc ở nhiều người Trung Quốc. Cảm xúc của họ dao động từ niềm tự hào cho đến tâm trạng sung sướng trên sự đau khổ của kẻ khác thấm đẫm trong những lời hùng biện chính thức. Các nhà ngoại giao xứ này đối xử với các đồng sự phương Tây với chút bề trên. Tháng Ba năm ngoái, thủ tướng Ôn Gia Bảo gáy (crow) rằng, sự vĩ đại của chủ nghĩa xã hội là ở chỗ, nó cho phép Trung Quốc “đưa ra những quyết định hiệu quả, tổ chức một cách hiệu quả, và tập trung mọi nguồn lực để thực hiện những nhiệm vụ lớn lao”. Trong con mắt của nhiều người Trung Quốc và cả một số người nước ngoài, chủ nghĩa chuyên chế đã có được tính chính đáng mới.

Một cuộc trình diễn hoành tráng những tên lửa, xe tăng và duyệt binh ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh tháng 10-2009 – cuộc duyệt binh đầu tiên ở thủ đô trong gần một thập niên – được báo chí chính thống miêu tả là “nghi lễ vĩ đại của thời thịnh thế”. Nhân kỷ niệm 60 năm ngày đảng Cộng sản lên nắm quyền, một nhóm các tướng lĩnh và quan chức cao cấp đã mời 60 họa sĩ cùng vẽ một bức tranh dài 120 mét có nhan đề “Bức tranh về thời thịnh thế hài hòa Trung Quốc” – miêu tả những đường chân trời giăng giăng cao ốc ở các thành phố lớn của nước này, xen giữa những ngọn núi, những dòng sông và mây trắng – từng được các họa sĩ vẽ tranh thủy mặc ngày xưa ưa thích. Cũng có những cảnh người dân tộc thiểu số nhảy múa vui vẻ trên quảng trường Thiên An Môn, một tên lửa rời bệ phóng, một cánh đồng điện gió, cả một hòn đảo Đài Loan ẩn hiện trong sương mù. Trong vài năm qua, thời thịnh thế đã kéo hòn đảo ngoan cố này lại gần với đại lục hơn, thông qua những chuyến bay xuyên eo biển và một hiệp định tự do thương mại.

Đối với các quan sát viên ở phương Tây bất an, cán cân quyền lực toàn cầu đang chuyển dịch một cách vững chắc về phía Trung Quốc; hàng loạt sách báo bày tỏ nỗi lo lắng của phương Tây trước sự trỗi dậy này. Các nhà xuất bản Trung Quốc cũng kiếm được tiền: các hiệu sách đầy những cuốn sách viết về “Mô hình Trung Quốc” và sự thất bại của kinh tế học tự do. Tháng Mười năm ngoái, Viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc đưa ra một báo cáo có vẻ khiêm tốn: xếp Trung Quốc vào vị trí 17 thế giới về “năng lực cạnh tranh quốc gia”, nhưng chỉ ra rằng nước này đã vọt lên từ vị trí thứ 73 năm 1990, bỏ xa Ấn Độ ở vị trí 42. Mục tiêu của Trung Quốc, theo báo cáo, là sẽ lọt vào danh sách 5 nước hàng đầu về “năng lực cạnh tranh quốc gia” vào năm 2020 và lên hạng nhì sau Hoa Kỳ vào năm 2050. Các trường đại học nước này sản xuất ra những đoàn cử nhân đông đảo nhưng dường như vẫn chưa đủ để đưa Trung Quốc gia nhập vào hàng ngũ những quốc gia tiên tiến. 
  
**

Tuy nhiên, dù vỗ ngực tự hào, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn tỏ ra thận trọng hơn nhiều so với cấp dưới và ngành xuất bản do nhà nước kiểm soát. Họ tránh dùng thuật ngữ “Mô hình Trung Quốc” và không công khai nói về thời thịnh thế cho dù họ vẫn bật đèn xanh cho báo chí nói tới những điều đó.

Thực vậy, giờ đây các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo lắng nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong hơn một thập kỷ qua. Họ đã tăng chi tiêu rất nhiều cho hoạt động an ninh nội địa và năm nay, lần đầu tiên ngân sách dành cho hoạt động an ninh nội địa đã vượt qua ngân sách dành cho quốc phòng. Chính phủ Trung Quốc cũng đã phục hồi một hệ thống có từ thời Mao Trạch Đông, theo đó các tình nguyện viên dân sự có nhiệm vụ giám sát hàng xóm của mình. Trong vài tháng qua, công an Trung Quốc đã thực hiện một cuộc tấn công toàn diện vào xã hội dân sự, bắt giam hàng chục luật sư, nhà hoạt động phi chính phủ, những người viết blog, thậm chí các nghệ sĩ. Các cuộc cách mạng ở thế giới Ả-rập đã làm giới lãnh đạo Trung Quốc lo sợ. Từ góc độ này, hệ thống Trung Quốc có vẻ dễ bị tổn thương.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có nhiều lý do để lo ngại. Vào cuối năm tới, có thể vào tháng Mười, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tiến hành đại hội lần thứ 18. Đại hội này, cùng với hội nghị Ban chấp hành trung ương đảng được tổ chức ngay sau đó và kỳ họp quốc hội vào tháng 3-2013, sẽ phê chuẩn một sự thay đổi trong lãnh đạo Trung Quốc – sự thay đổi lớn nhất trong vòng một thập niên. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và thủ tướng Ôn Gia Bảo sẽ bước xuống khỏi đỉnh cao quyền lực ở Trung Quốc: bộ Chính trị gồm 9 thành viên. Một thế hệ trẻ hơn sẽ lên thay. Sự thay đổi lãnh đạo ở quy mô như thế luôn làm các quan chức lo lắng. Mặc dù cuộc chuyển giao quyền lực gần đây nhất, năm 2002, đã diễn ra suôn sẻ, nhưng trước đó những cuộc chuyển giao tương tự đã kích hoạt những biến cố trọng đại: đảo chính năm 1976, những cuộc đấu tranh chính trị hỗn loạn những năm 1986-1989 và bất ổn lan rộng năm 1989. Cuộc chuyển giao mới nhất diễn ra suôn sẻ không có nghĩa lầ lần chuyển giao này cũng suôn sẻ như vậy.
 
Lớp lãnh đạo mới sẽ không có được sự thỏa mái như lớp sắp ra đi trong việc điều hành nền kinh tế có mức tăng trưởng bình quân hơn 10%/năm kể từ năm 2002, bất chấp thảm họa khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lợi thế về dân số học của Trung Quốc – cụ thể là nguồn cung cấp lao động dồi dào từ các vùng nông thôn – cũng đã bắt đầu phai nhạt. Trong vài năm nữa, dân số ở độ tuổi lao động sẽ lên tới đỉnh. Không có những sự thay đổi chính sách lớn lao và đầy rủi ro về chính trị, Trung Quốc sẽ ngày càng khó khăn trong việc duy trì tốc độ đô thị hóa cao – từng là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Nhìn tới thập niên 2020, nhiều nhà kinh tế học Trung Quốc lo ngại trước khả năng nước này sẽ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”: đánh mất sức cạnh tranh trong các ngành công nghiệp thâm dụng lao động mà không có được những nguồn lực mới cho tăng trưởng từ sự canh tân công nghệ.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng thấy khó khăn chồng chất trong việc tái cân bằng nền kinh tế, để cho sự tăng trưởng được dẫn dắt bởi tiêu dùng hơn là bởi xuất khẩu và đầu tư. Những nỗ lực của họ bị cản trở bởi ảnh hưởng ngày càng tăng của các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước. Trong một thập niên qua, những doanh nghiệp nhà nước này đã trỗi dậy từ đống tro tàn sau khi hàng chục ngàn doanh nghiệp nhà nước bị giải thể trong thập niên 1990. Giờ đây, doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã giảm rất nhiều về số lượng nhưng ảnh hưởng chính trị và kinh tế lại lớn lên nhiều và ngày càng tăng.

Các ngân hàng chẳng hạn, hầu như vẫn hoàn toàn nằm trong tay nhà nước. Việc cho vay hào phóng tới các thành phần khác trong mạng lưới kinh tế nhà nước để duy trì tăng trưởng sau khủng hoảng tài chính, sẽ làm hồi sinh vấn đề nợ xấu mà Trung Quốc ngỡ đã xóa bỏ nhiều năm trước. Nhiều con cháu của các nhà cách mạng đã dẫn dắt đảng Cộng sản lên nắm chính quyền năm 1949 – những người có khả năng giành thắng lợi lớn trong cuộc tái sắp xếp vào năm tới – cũng có mối quan hệ mật thiết với các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước.

Trung Quốc có thể sẽ làm thất vọng những người tin rằng, việc chấp nhận toàn cầu hóa sẽ dẫn tới tự do chính trị rộng rãi hơn trong vài năm sắp tới. James Mann, một nhà báo Hoa Kỳ, đã cảnh báo điều này trong cuốn sách xuất bản năm 2007, “Ảo tưởng Trung Quốc: Tại sao Chủ nghĩa Tư bản sẽ không mang Dân chủ tới Trung Quốc”, trong đó ông dự báo rằng, sau một phần tư thế kỷ kể từ hôm nay, “hệ thống đàn áp tân tiến và được doanh nghiệp hậu thuẫn hiện hành ở Trung Quốc rất có khả năng sẽ trở nên vững chắc và ổn định hơn nữa”. Rất nhiều chuyện có thể xảy ra trong vòng 25 năm, nhưng danh sách những người xếp hàng chờ lên lãnh đạo trong năm tới không đem lại lý do để lạc quan.



  Cách Trung Quốc nhìn ra thế giới (TVN 1-7-11) -- Dịch bài How China sees the world (Boston Globe 26-6-11) 
Vì Trung Quốc ngày càng mạnh hơn trên trường quốc tế, nên việc tìm hiểu về chính sách đối ngoại của họ ngày càng quan trọng hơn. Chính sách này chính xác là gì và được đưa ra như thế nào?
Nỗi ám ảnh về một Trung Quốc có tầm ảnh hưởng lớn hơn trên thế giới đã khiến Mỹ lo lắng từ lâu. Giống như một chiếc xe hơi đang phóng hết tốc độ và bỗng dưng choán hết chiếc gương hậu, Trung Quốc đạt tăng trưởng mạnh hơn và nhanh hơn: họ không chỉ nắm giữ một lượng khổng lồ những tờ bạc xanh của Mỹ và khoe khoang về một mức thâm hụt thương mại lớn, họ còn ngày càng có khả năng đóng vai kẻ ác với các nước khác.
Trung Quốc áp dụng chính sách "viễn giao, cận công", thúc đẩy quan hệ thương mại với Mỹ và các nước Trung Đông có thể cung cấp cho họ nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong khi gây sức ép để giành đặc quyền trong các tranh chấp mang tính khu vực với các nước láng giềng châu Á - trong đó có vụ va chạm với Việt Nam ở biển Đông hồi tuần trước.
Vì Trung Quốc ngày càng mạnh hơn trên trường quốc tế, nên việc tìm hiểu về chính sách đối ngoại của họ ngày càng quan trọng hơn. Nhưng chính sách này chính xác là gì và được đưa ra như thế nào?
Khi các học giả nghiên cứu sâu hơn về cách Trung Quốc nhìn nhận về thế giới xung quanh, điều mà họ phát hiện đôi khi khá ngạc nhiên. Thay vì là sản phẩm che giấu của một cỗ máy của Đảng Cộng sản tập trung và nguyên tắc, chính sách của Trung Quốc phức tạp hơn, hay thay đổi, và được định hình bởi một cuộc tranh cãi nội bộ rất gay gắt và chia rẽ vì có nhiều trung tâm quyền lực cạnh tranh nhau.
Trên thực tế, sự ganh đua diễn ra rất rõ rệt, giữa một bên là những người cứng rắn ủng hộ quan điểm dân tộc, thậm chí theo trường phái sôvanh, với bên kia là những nhà tư tưởng có khuynh hướng toàn cầu hơn, muốn Trung Quốc thận trọng và hội nhập tốt hơn vào các thể chế quốc tế. Và người dân Trung Quốc, còn hơn cả giới lãnh đạo nước này, có thể bị thôi thúc bởi tâm lý Trung Quốc là thứ nhất. Các học giả cho rằng chủ nghĩa bản địa mạnh mẽ thể hiện trên các diễn đàn online ở Trung Quốc có thể là một nhân tố chính đẩy chính sách đối ngoại của nước này theo hướng cứng rắn hơn.
Ngày nay, bất chấp sức mạnh kinh tế, Trung Quốc vẫn chưa được xem làm một siêu cường toàn cầu. Quân đội của họ chưa đạt đến tầm thế giới, và kinh tế thì dù đã đạt nhiều thành quả nhưng vẫn chưa chuyển đổi sang sản xuất công nghệ thay vì chỉ sản xuất hàng hóa cho thị trường thế giới. Tuy nhiên, vì nước này đã chuyển đổi nhanh chóng từ nền kinh tế thứ ba thế giới sang một nước công nghiệp, nên việc họ trở thành một cường quốc được cho là điều không tránh khỏi.
Vì vậy, hiểu về chính sách đối ngoại của Trung Quốc trở nên quan trọng hơn.

Trước hết, nội dung chính của các cuộc thảo luận về chính sách đối nội cho thấy một Trung Quốc đang bị cô lập, không chắc chắn, và đang trong quá trình chuyển đổi, khác với những ngôn từ thường rất hiếu chiến của họ. Cuộc thảo luận thẳng thắn đang diễn ra trong chính xã hội Trung Quốc này đã khẳng định một điều là vị trí của nước này vẫn chưa được xác nhận. Và có một câu hỏi nổi lên là một quốc gia hùng mạnh sẽ hành xử như thế nào trong thế giới khi bước vào cái được cho là thế kỷ của Trung Quốc.
Trong nhiều năm qua, câu hỏi về chính sách đối ngoại của Trung Quốc mang tính học thuật: nước này quan tâm trước tiên đến chính sách phát triển đại nhảy vọt của mình. Năm 1989, khi Trung Quốc mở cửa ra thế giới, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình khi đó đã đề ra một chính sách theo đuổi các mục đích đầy tham vọng mà không cảnh báo các cường quốc lớn đã được xác lập - mà ông nói là "ẩn sáng, dưỡng tối, không bao giờ dẫn đầu nhưng hướng tới mục đích làm cái gì đó vĩ đại".
Kể từ đó, cách tiếp cận của Trung Quốc đã thay đổi rõ rệt. Trung Quốc đã không lộ diện một chút nào, mà chỉ lén lút và thận trọng khi họ giành được những nhượng bộ về dầu và khai mỏ tại Iraq và Afghanistan, và thách thức Mỹ trên lĩnh vực kinh tế như tiền tệ và tại các điểm nóng chính trị như Darfur.
Ít nhất điều đã thay đổi là tại một quốc gia đang sung mãn, một người lãnh đạo tối cao duy nhất không còn cái quyền tự do quyết định chính sách đối ngoại. Giờ đây, các cơ quan chính phủ, các bộ và các nhóm chuyên gia cố vấn, với những lợi ích cạnh tranh nhau, đều tham gia cuộc thảo luận nội bộ rất sôi nổi về lối đi nào tốt nhất cho Trung Quốc.
Ngày nay, các phát biểu công khai trong nước về chính sách đối ngoại của Trung Quốc có đặc điểm là khá điềm tĩnh và cởi mở. "Làm thế nào để" là câu hỏi về quyền và nghĩa vụ của Trung Quốc trong vai trò một siêu cường mới. Trung Quốc có không dưới 428 chuyên gia cố vấn chuyên về hoạch định chính sách - một con số lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ (dù khác với Mỹ là tất cả họ có một sự liên hệ nào đó với nhà nước). Ngay cả các phương tiện truyền thông cũng tham gia cuộc chơi: truyền hình nhà nước đã chiếu một bộ phim tài liệu dài 12 tập vào năm 2006 mang tên "Các nước đang nổi", nói về những vết nứt của các đế chế cũ và phân tích Trung Quốc có thể tránh các vết xe đổ lịch sử như thế nào.
Trong một bài báo được đông đảo người đọc trong số ra mới nhất của tờ The Washington Quarterly, ông David Shambaugh, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Washington, đã nói về một cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại rất ầm ĩ ngay trong lòng Trung Quốc, với ít nhất 7 quan điểm khác nhau.
Shambaugh viết: "Nhiều tác nhân và giọng nói mới giờ đây tham gia một tiến trình hoạch định chính sách đối ngoại phức tạp chưa từng thấy. Chưa quốc gia nào từng có một cuộc tranh luận sôi nổi, rộng rãi và đa dạng như vậy ở trong nước về vai trò của nước mình khi là một cường quốc chính đang nổi, như Trung Quốc trong thập kỷ vừa qua".
Trong những năm 1990, các phe phái có ảnh hưởng trong cuộc thảo luận chính sách ở Trung Quốc kết hợp quyền lực mềm và sự can thiệp ngày càng gia tăng trong các thể chế toàn cầu như Liên hợp quốc. Nhưng ngày nay, Shambaugh thấy rằng những quan điểm cứng rắn hơn, khắc nghiệt hơn đang chiếm ưu thế - một sự đồng thuận mà ông gọi là "hung hăng" và đẩy Trung Quốc theo hướng "cứng hóa các chính sách và tung sức mạnh của mình ra bên ngoài một cách có chọn lọc".
Không chỉ Mỹ thấy sự thay đổi này ở Trung Quốc là đáng lo ngại. Những năm gần đây, Trung Quốc đã quả quyết rằng họ có chủ quyền đầy đủ đối với toàn bộ biển Đông, khu vực nhiều quốc gia cũng đòi quyền sử dụng như một tuyến đường vận tải, nơi đánh bắt cá, và mỏ dầu khí và khoáng sản tiềm năng. Năm 2010, một nhóm các quốc gia láng giềng, với sự ủng hộ của Mỹ, đã đối đầu với Trung Quốc tại một cuộc họp của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Điều này đã khiến các quan chức Trung Quốc tức giận. Ngoại trưởng Dương Khiết Trì lớn tiếng: "Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác chỉ là nước nhỏ, đó là một thực tế".
Đằng sau các tuyên bố nặng nề trên của Trung Quốc, Shambaugh thấy các nhóm mà ông gọi là những người dân tộc chủ nghĩa và những người thực dụng. Nhiều trong số này coi hệ thống quốc tế là một âm mưu tiêu diệt Trung Quốc, và lo ngại rằng việc Đảng Cộng sản chủ trương gắn với nền kinh tế toàn cầu có thể dẫn tới thất bại. Những người thực dụng, mà Shambaugh cho là nhóm có ảnh hưởng ngày nay, muốn Trung Quốc khẳng định mình một cách mạnh mẽ, đặc biệt chống lại các cường quốc - trong đó có Anh và Mỹ - mà họ cho là từng nỗ lực chống lại các lợi ích của Trung Quốc.
Những trường phái ôn hòa hơn ở Trung Quốc ủng hộ Bắc Kinh hành xử một cách uy quyền hơn nhưng tập trung chính sách vào một vài quan hệ chủ chốt. Một số chuyên gia Trung Quốc nói rằng Nga hoặc Mỹ nên được ưu tiên, trong khi những người khác cho rằng Trung Quốc nên gắn số phận mình với các nước láng giềng ở châu Á, hoặc chia sẻ với thế giới đang phát triển.
"Những người theo chủ nghĩa đa phương có chọn lọc" và "những người ủng hộ toàn cầu hóa" cho rằng Trung Quốc sẽ nhận những trách nhiệm mới khi sức mạnh của họ gia tăng, ngay cả khi điều đó có nghĩa là việc làm theo các chuẩn mực quốc tế sẽ hạn chế khả năng của Trung Quốc xử lý các vấn đề như Tây Tạng, Đài Loan và biển Đông. Một số nhà tư tưởng này vẫn hoài nghi về các rào cản quốc tế, nhưng vẫn muốn Trung Quốc được xem là người có đóng góp cho hệ thống toàn cầu hơn là hành xử như một con ngựa hoang. Những người ủng hộ toàn cầu hóa tự do nhất ở Trung Quốc muốn thấy nước họ nhượng bộ một số giới hạn liên quan đến chủ quyền của mình và hội nhập hoàn toàn với các thể chế quốc tế. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của các trường phái tự do này dường như đã sụt giảm thảm hại sau khi đạt đỉnh cao trong những năm 1990.
Tuy nhiên, dự đoán điều Trung Quốc sẽ làm còn phức tạp hơn là theo dõi cuộc tranh cãi bên trong nước này. Khác với Mỹ, nơi các phe phái trong chính phủ đạt một chính sách đồng thuận sau một tiến trình cạnh tranh minh bạch, các quyết định thực sự ở Trung Quốc vẫn được đưa ra trong phòng kín, bởi một số rất ít lãnh đạo cấp cao nhất. Và hiện ai chính xác là người ảnh hưởng tới các lãnh đạo này là một câu hỏi phức tạp hơn trước rất nhiều.
Theo ông Taylor Fravel, một nhà khoa học thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) luôn theo sát chính sách của Trung Quốc, một nhóm gồm các nhân vật góp phần đưa ra cách tiếp cận của Trung Quốc với biển Đông đang ảnh hưởng tới quyết sách của chính phủ trung ương. Họ gồm các quan chức nghề cá, những người thường bắt giữ ngư dân nước ngoài; công ty dầu lửa nhà nước chịu trách nhiệm thăm dò và khai thác ngoài khơi; Cơ quan Hải dương học Nhà nước, chuyên điều tra các vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền; và Hải quân - lực lượng tiến hành các cuộc tập trận tại các vùng biển đang tranh chấp.
Ông Fravel cho rằng: "Câu chuyện thực sự là ở sự gia tăng về số lượng tác nhân nhà nước và khả năng các tác nhân này ảnh hưởng tới quan hệ của Trung Quốc với nước khác và từ đó ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của Bắc Kinh".
Tất cả những điều này có nghĩa gì đối với các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ? Và liệu Washington có một vai trò đòn bẩy nào trong cuộc tranh cãi về ảnh hưởng trong nội bộ Trung Quốc hay không?
Vì Trung Quốc ngày nay rất hay thay đổi, Shambaugh cho rằng các hành động của Mỹ có tác động lớn. Nhưng Shambaugh cảnh báo, hoạch định chính sách hầu như không tránh khỏi những hậu quả không mong muốn bên trong Trung Quốc. Ông cho rằng các quan điểm cứng rắn của Mỹ có thể làm gia tăng nỗi lo ngại, thậm chí hoang tưởng, của những người dân tộc chủ nghĩa sôvanh ở Trung Quốc. Nhưng các chính sách mang tính hòa giải hơn sẽ củng cố cho nhóm cứng rắn, những người theo trường phái thực dụng ở Trung Quốc, sẽ cho rằng Mỹ nhượng bộ sau khi Trung Quốc gây hấn.
Ngay cả khi cuộc tranh luận ở Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn, một số học giả cho rằng Mỹ dường như nhất quyết lại hướng sự chú ý tới Trung Quốc. Một loạt các quan chức chính quyền Obama những tháng gần đây đã đưa ra những bình luận công khai về lợi ích của Mỹ khi hướng trọng tâm chính sách sang vùng viễn Đông, với các lợi ích chiến lược rộng lớn, sau một thập kỷ sao lãng ở Trung Đông và Trung Á.
John Lee, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu độc lập ở Sydney và Học viện Hudson ở Washington, cho rằng với việc trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt và các cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Afghanistan dần đến hồi kết, Mỹ sẽ có thể chú ý hơn đến châu Á. Những quốc gia châu Á đang xem Mỹ là một cường quốc bớt thù địch hơn, và có phần thân thiện hơn sẽ sử dụng sự thay đổi này của Washington như một đối trọng với các ý định của Trung Quốc bắt nạt hoặc kiểm soát các nước láng giềng. Theo ông Lee, kết quả là Trung Quốc sẽ ngày càng bị cô lập.
Gần đây, ông viết trên tạp chí Chính sách Đối ngoại rằng: "Trung Quốc tôn trọng và thậm chí sợ Mỹ hơn đại đa số người Mỹ có thể nhận thấy. Cảm giác bị cô lập của Trung Quốc không phải là có vẻ, mà có thực và rõ nét."
Sự lo lắng thường làm mọi thứ tồi tệ đi trong quan hệ quốc tế, và có thể những người cứng rắn sẽ chiếm ưu thế nếu Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa nhiều hơn. Nhưng Tổng thống Obama đã được các nhà quan sát của Trung Quốc hoan nghênh về cách tiếp cận từng bước của ông. Ông đã cam kết trong một số vấn đề, như ngừng chỉ trích Trung Quốc về nhân quyền và Tây Tạng. Mặt khác, ông đặt ra các giới hạn cứng, phản đối Trung Quốc đòi chủ quyền trên biển Đông và đề nghị Bắc Kinh ngừng bảo hộ đồng nhân dân tệ.
Dù những vấn đề này còn dai dẳng, một điều rõ ràng là Trung Quốc đã bỏ vai trò một tác nhân đơn thuần trong khu vực, và sẽ nhanh chóng vượt qua vai trò cổ đông để trở thành cường quốc toàn cầu. Trung Quốc càng nghĩ về việc làm thế nào để ảnh hưởng tới thế giới ở bên ngoài biên giới của mình, thì phần còn lại của thế giới sẽ càng chú ý đến những gì đang diễn ra bên trong quốc gia này./.
  • Châu Giang (dịch từ Boston Globe)

Tổng số lượt xem trang