Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

Nha phiến, tham nhũng và công lý ở Afghanistan và VN: Một chuyện cần xét lại

-Nha phiến, tham nhũng và công lý ở Afghanistan và VN: Một chuyện cần xét lại
Tác giả: Merle L. Pribbenow
Nguyễn Kỳ Phong Dịch

Nhật báo The New York Times số ra ngày 27 tháng 10, 2009 có đăng một bài viết rất sôi động về ông Ahmed Wali Karzai, bào đệ của tổng thống Afghanistan Hamid Karzai. Bài viết cáo buộc ông em tổng thống là một tay buôn bán nha phiến lớn và đồng thời cũng là một nhân viên ăn lương của cơ quan tình báo CIA. Bài báo do ba tác giả ký tên, trong đó có James Risen, một tác giả có tiếng với tác phẩm mới xuất bản gần đây là State of War, nói về những kế hoạch tình báo của Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Bush. Nhưng cũng giống như những cáo trạng mà tác giả Risen đã đưa ra trong State of War, những tin tức trong bài viết trên báo Times gần như dựa hoàn toàn vào những nguồn tin nặc danh.

Trong khi lưu ý độc giả là ông Ahmed Wali Karzai đã phủ nhận một cách khẳng định những liên hệ đến tin đồn chuyển nhận nha phiến và cũng không có làm việc ăn lương cho CIA, tác giả Risen tiếp tục trích theo nhiều viên chức nặc danh “trong giới quân sự và chính trị,” cho rằng liên hệ của Nha Tình Báo CIA với Ahmed Karzai là  “đầu mối của nhiều bực bội cho giới chức quân sự và chính trị trong nội các Tổng Thống Obama.” Trong khi thú nhận những bằng chứng về hoạt động của Ahmed Karzai đều là những bằng chứng “gián tiếp,” bài viết lên án liên hệ của Amed Karzai đến nha phiến đã biến ông thành một tệ trạng, “một lực lượng không tốt” (một danh từ rất đặc biệt và nhạy cảm) ở Afghanistan. Bài viết đồng thời lập lại chỉ trích đến từ những nguồn tin nặc danh của Nha Bài Trừ Ma Túy Hoa Kỳ, cho rằng chánh phủ Mỹ đã không hành động thích nghi trước những nguồn tin về Ahmed Karzai và liên hệ của ông ta với nha phiến.
Là một nhân viên CIA đã nghỉ hưu và từng phục vụ ở Việt Nam, bài viết trên nhật báo Times về Ahmed Karzai đem lại cho tôi một âm hưởng quen thuộc. Vài thập niên trước đây trong thời chiến, một vụ vu khống tương tự xảy ra cho Trung Tướng Đặng Văn Quang, một viên chức có nhiều thế lực và rất thân cận với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Mặc dù đã về hưu hơn mười năm, và chính cá nhân tôi không biết sự chính xác của cáo trạng về người em tổng thống. Nhưng tôi tin rằng, trước khi báo chí, công luận nước Mỹ, và những viên chức trong chánh phủ Obama mù quáng tin vào cáo trạng đăng trên nhật báo Times, xét lại trường hợp ở Việt Nam trước đây là một điều có ích. Bài học về trường hợp của tướng Quang có thể áp dụng được vào trường hợp em của Tổng Thống Karzai.
Những tin đồn độc hại
Đặng Văn Quang, phụ tá an ninh đặc biệt của TT Nguyễn Văn Thiệu. Ảnh washingtondecoded.com
Tướng Đặng Văn Quang là phụ tá đặc biệt cho Tổng Thống Thiệu về Quân Sự và An Ninh Quốc Gia. Đồng thời ông ta cũng là bạn và người tín cẩn của tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, từ thời cả hai mới vào quân ngũ. Vào cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, ở Sài Gòn có tin đồn tướng Quang buôn bán bạch phiến; một nhân viên ăn lương của CIA; và là người đi thâu tiền tham nhũng cho Tổng Thống Thiệu. Những tin đồn này được đối thủ chính trị (trong đó có nhóm theo phe Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ) của Tổng Thống Thiệu tung ra, rồi được báo chí trong và ngoài nước đăng tải rộng rãi. Tiếng đồn về hành vi của tướng Quang không những được các hãng thông tấn loan tải ở Mỹ, những vu cáo đó còn được viết như một đề tài chánh trong quyển The Politics of Heroin in Southeast Asia, một tác phẩm phổ quát, vẫn được trích dẫn thường xuyên, của tác giả Alfred McCoy, hiện đang dạy tại đại học Wiscosin-Madison.

Như mọi trường hợp về tin đồn, nhất là tin đồn có dính dáng đến những người làm việc trong bóng tối, ở lãnh vực an ninh quốc gia và tình báo như tướng Quang, những vu cáo này được chuyền tai và dần có một hiện hữu riêng của nó tự tại. Không lâu sau, hầu như mọi người — kể luôn giới truyền thông Mỹ, và ngay cả nhân viên tòa Đại Sứ và nhân viên Nha Bài Trừ Nha Phiến Hoa Kỳ — bắt đầu coi những tin đồn về tướng Quang là sự thật.
Những lời đồn về tướng Quang không tránh khỏi sự chú ý của Sở CIA Sài Gòn. CIA Sài Gòn quan tâm đến tiếng đồn vì sự liên hệ giữa Sở và tướng Quang, người được Tổng Thống Thiệu chỉ định đại diện để liên lạc với CIA. Tài liệu được giải mật gần đây cho biết CIA Sài Gòn theo dõi những tin đồn và gởi một tường trình về CIA Hoa Thịnh Đốn, thẩm định tính chất hư thực của tin đồn. Sự hiện hữu của bản phúc trình này — được giữ kín từ trước đến giờ — lộ ra ánh sáng trong một sử liệu nghiên cứu vừa được giải mật tên là CIA and the Generals: Covert Support to the Military Government in South Vietnam, do sử gia của CIA, Thomas Ahern, soạn thảo. Tài liệu giải mật này hiện nay được công bố ở trang web site của CIA. Dưới đây là một đoạn ngắn trong tài liệu nghiên cứu CIA and the Generals, nói về bản báo cáo của CIA Sài Gòn đối với những tin đồn về tướng Quang:
Sau hiệp ước ngưng bắn tháng 1-1973, từ vai trò nguyên thủy như một công cụ của chánh phủ Hoa Kỳ dùng để gây ảnh hưởng và cung cấp tin tức cho các tướng lãnh, CIA Sài Gòn gia tăng hoạt động trong những lãnh vực như vấn đề tham nhũng; ấn tượng của công luận Mỹ về VNCH; và chiều hướng viện trợ Hoa Kỳ trong tương lai. Từ lâu, công chức tham nhũng là một vấn nạn của chánh phủ Sài Gòn. Trong những người CIA Sài Gòn đang liên lạc, Trung Tướng Quang là người dễ đem lại tranh luận khi vấn đề tham nhũng được đề cập. Dáng người hơi mập, có giọng cười the thé từng đoạn trong những giây phút căng thẳng, người phụ tá cho Tổng Thống Thiệu thường bị một số người Mỹ coi thường. Với hy vọng giải quyết những tin đồn về chuyện tướng Quang tham nhũng, khoảng năm 1974 Trưởng Sở CIA Sài Gòn chỉ định [tên người này bị xóa bỏ] dùng mọi nguồn và phương tiện để thẩm định xuất xứ tiền bạc và tài sản của tướng Quang. Nhưng [tên bị xóa] không tìm thấy một dấu hiệu nào, và sau đó viết một báo cáo với chủ ý: nếu báo cáo không giải oan cho tướng Quang, thì cũng cho thấy những vu khống về tướng Quang tham nhũng cũng không chứng minh được [một vài hàng bị kiểm duyệt bỏ].
Tôi biết rõ nội dung báo cáo của CIA về tướng Quang, vì tôi là tác giả của báo cáo đó. Từ trước đến giờ tôi nghĩ, tướng Quang không phải là một người thánh thiện; và tôi cũng chưa hề nói ông ta hoàn toàn vô tội với tất cả những cáo trạng về tham nhũng. Nhưng ông ta hoàn toàn không liên hệ đến chuyện mua bán nha phiến.
Tôi biết chắc một số người sẽ nghi ngờ kết luận của tôi và của Sở CIA Sài Gòn. Để đi đến một nhận định trung thực về những kết luận trên, tôi nghĩ chúng ta nên nhìn kỹ chuyện gì đã xảy ra cho tướng Quang sau khi ông rời Việt Nam lúc quốc gia đó bị cộng sản cưỡng chiếm.
Sau khi thất thủ
Khi Sài Gòn sụp đổ vào cuối tháng 4, 1975, tướng Quang và gia đình di tản đến Hoa Kỳ. Đầu tiên, cả gia đình được đưa vào trại tị nạn ở Arkansas, sống chung với hàng chục ngàn người tị nạn. Có cảm tưởng đang bị nhiều người tị nạn đe dọa — những người đã nghe tiếng đồn về nạn tham nhũng, và tin rằng ông cũng là một trong những nguyên do đưa đến sự thất trận ê chề của VNCH — ông và gia đình rời trại đi qua Canada định cư.
Ở Canada, từ những báo cáo của giới chức thẩm quyền, đa số dựa vào tin tức và tiếng đồn đến từ báo chí, chánh phủ Canada ra lệnh trục xuất tướng Quang. Rồi sau đó, cũng từ những lời đồn thường xuyên về  tướng Quang, Hoa Kỳ và không nước nào cho phép ông đến định cư (chánh phủ Cộng Sản Việt Nam đồng ý sẽ nhận tướng Quang, nhưng không bảo đảm với chánh phủ Canada là sẽ không xử bắn nếu ông ta bị cưỡng ép hồi hương). Dưới trường hợp đó, tướng Quang đã sống hơn 10 năm ở Canada trong một hoàn cảnh bất hợp pháp: không phải là di dân thường trú; không được cấp giấy phép làm việc; và đối diện với một án lệnh trục xuất đang còn hiệu lực.
Mặc dù với tin đồn ông ta có bạc triệu đến từ các vụ buôn bán nha phiến, cuộc sống của tướng Quang và gia đình ở Canada rất thiếu thốn. Họ sống trong một chung cư tồi tệ, rẻ tiền, trong khi ông Quang đi làm mọi công việc thấp nhất trong xã hội , như quét dọn và rửa ve chai. Dăm ba lần ông ta bị đuổi việc và phải dọn nhà đi chổ khác, sau khi các ký giả Canada tìm ra ông, viết những bài phóng sự “vạch mặt,” để chỉ điểm nơi tên “buôn nha phiến” đang làm việc bất hợp pháp.
Năm 1989 tướng Quang được  Hoa Kỳ cho phép định cư. Giống như phần lớn người Việt tị nạn, ông định cư ở miền nam California. Giống khi còn ở Canada, tình trạng tài chánh của tướng Quang rất khiêm nhường. Những năm đầu thập niên 1990 tướng Quang nuôi gia đình bằng nghề khuân vác hành lý ở phi trường Los Angeles. Gần đây, theo nhật báo Sacramento News & Review, số ra ngày 4 tháng 12, 2008, tướng Quang, với sức khoẻ suy giảm trong những năm gần đây, đang sống trong một viện bệnh lão ở Sacramento, California.
Sự nghèo khổ, nghị tội, và đề án về tướng Quang sau khi Sài Gòn thất thủ, là một bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy tiếng đồn (và mọi người cho là sự thật) tướng Quang là triệu phú, là đầu đảng buôn bán nha phiến, là sai. Kinh ngiệm và lý luận cho thấy những đầu đảng buôn bán nha phiến thường đem thứ tiền trộm cắp đó dấu đi ở những ngân hàng ngoại quốc. Nếu tướng Quang thuộc vào lọai đó, tham nhũng và có tiền như báo chí Mỹ và những trung tâm loan tin đồn đã nói, thì ông ta đã đem phần lớn tiền của ông ra ngoại quốc vào những tuần lễ cuối cùng của miền Nam, khi ai cũng thấy sự chiến thắng của cộng sản gần như là chắc chắn. Một số tướng lãnh và lãnh tụ VNCH di tản, trong đó có Tổng Thống Thiệu, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, và Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên, họ sống nhiều năm lưu đày ở đất Mỹ một cách tương đối an nhàn. Có nhà, sống nhờ vào tiền đã “dành dụm” mà không cần phải đi làm nuôi thân một ngày trong đời của họ. Trong khi rất khó để chứng minh tướng quang vô tội, trong trường hợp này, tôi nghĩ, những người quan sát vô tư chỉ có thể kết luận những vu cáo tướng Quang buôn bán nha phiến là sai.
Điều này đưa chúng ta trở lại những nghi cáo về người em Tổng Thống Afghanistan Karzai. Giống như những nghi cáo về tướng Quang, những cáo buộc này, nhìn ngoài mặt, chỉ là những lời đồn mơ hồ, thiếu bằng chứng rõ rệt hỗ trợ. Giống như những nghi cáo về tướng Quang, những nghi cáo này được tung ra từ đối thủ chánh trị của thầy của Ahmed Wali Karzai (là ông anh; tổng thống Afghanistan), hay từ những nguồn tin nặc danh đến từ Mỹ và Afghanistan. Tôi sẳn sàng thú nhận, tôi không có tin từ bên trong để biết hư thực về những nghi cáo. Cũng có thể Ahmed Wali Karzai là loại ngưòi đê tiện như bài báo đã mô tả. Tôi thông cảm cho các ký giả có được những “tin nóng,” phải viết để có tên mình trên tranh nhất, và tôi cũng nhận ra rõ những các tòa báo cần phải làm tiền.
Tuy nhiên tôi xin đề nghị với báo The New York Times, với James Risen, với các ký giả và cơ quan truyền thông, là ký giả có trách nhiệm — những ký giả quan tâm đến sự thật như chính cá nhân họ  tuyên dương sự thật — trước nhất phải thật lòng tìm biết những bằng chứng cụ thể để  hỗ trợ cho những nguồn tin nặc danh, trước khi quyết định đăng tải loại bài nói trên. Đồng thời tôi cũng lưu ý  công luận và chánh phủ Hoa Kỳ phải thật cẩn thận trước khi chấp nhận những bài viết chỉ dựa vào những nguồn tin nặc danh, mơ hồ, những đồn đại vô căn.
Đã quá trễ để lấy lại những tổn thương do những tin đồn vô căn cứ đã gây ra cho tướng Quang. Nhưng có thể  thí dụ về tướng Quang giúp chúng ta tránh được lỗi lầm tương tự trong tương lai.
——————————————–
Nguyễn Kỳ Phong dịch theo “Drugs, Corruption, and Justice in Vietnam and Afghanistan: A Cautionary Tale,
Merle L. Pribbenow, tác giả bài viết “Limits to Interrogation: The Man in the Snow White Cell,” là cựu nhân viên CIA và là một chuyên viên ngôn ngữ, phục vụ ở Việt Nam từ năm 1970 đến 1975. “Limits to Interrogation: The Man in the Snow White Cell” nói về cuộc thẩm vấn mấy năm với Nguyễn Văn Tài, một cán bộ tình báo cao cấp nhất của CSBV bị VNCH bắt giữ.
© 2009 by Merle L. Pribbenow
Bản tiếng Việt do tác giả Trọng Đạt gửi tới.


Tin liên quan: Đời bi kịch của một vị tướng VNCH

Bùi Văn Phú

Đại tá Đặng Văn Quang được phong Chuẩn tướng rồi Thiếu tướng năm 1964 và Trung tướng năm 1965
Ông Đặng Văn Quang được phong Trung tướng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa năm 1965
Trung tướng Đặng Văn Quang, nguyên cố vấn quân sự và an ninh quốc gia của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu qua đời tại Hoa Kỳ, khép lại cuộc đời một vị tướng miền Nam phản ánh của bi kịch chính trường Sài Gòn và quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam Cộng hòa
Ông rời Việt Nam trong những ngày cuối tháng 4-1975, đến trại tị nạn ở bang Arkansas. Sau đó tướng Quang vội vã rời đây vì e ngại nỗi uất hận của đồng hương bột phát sẽ không an toàn cho bản thân ông, vì có một số lời đồn đại không tốt từ thời chiến.
Ông sang Canada thăm con và khi trở lại Hoa Kỳ thì chính phủ Mỹ không cho nhập cảnh mà không nêu lý do. Canada cũng không muốn sự có mặt của tướng Quang trên đất nước họ vì những cáo buộc liên hệ đến ông và muốn trả ông về Việt Nam.
Sự việc đã làm xôn xao dư luận người Việt hải ngoại trong thời gian đầu định cư ở nước ngoài.
Ra đi vất vả
Theo cựu trưởng phân tích gia của CIA Frank Snepp viết trong tác phẩm Decent Interval xuất bản năm 1977, ngày 29-4 tướng Quang đến trước Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn trong lúc đông người đang chen lấn mong được di tản.
Từ trong sân toà đại sứ, giám đốc CIA tại Việt Nam Tom Polgar nhận ra tiếng tướng Quang gọi và ra lệnh cho lính thủy quân lục chiến mở cổng cho vào. Vào bên trong, tướng Quang tiếp tục tìm cách cầu cứu vì đã bỏ lại người con và cháu bên ngoài.
Theo Snepp, lúc này tướng Quang chẳng còn là người quan trọng đối với Hoa Kỳ vì ông đã “phản bội người Mỹ” khi không báo cho CIA biết về kế hoạch bỏ cao nguyên của Tổng thống Thiệu. Chiều hôm đó tướng Quang được di tản ra khỏi Việt Nam bằng trực thăng.
Trong Decent Interval còn ghi chi tiết là trước đó vài hôm tướng Nguyễn Cao Kỳ đã muốn bắt giam tướng Quang khi các tướng có mặt tại Bộ Tổng tham mưu, nhưng ông đã lẩn thoát được.
Những bất đồng giữa tướng Kỳ và Tổng thống Thiệu trong thời gian nắm quyền lãnh đạo miền Nam, trong khi tướng Quang lại được ông Thiệu tín cẩn, đã gây nhiều hiềm khích giữa tướng Kỳ và tướng Quang với nhiều đồn đoán. Có dư luận cho rằng do phe tướng Kỳ đưa ra, về tham nhũng, buôn bán bạch phiến dính tới tướng Quang mà người dân miền Nam có một thời gian được nghe biết.
Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và Tổng thống Mỹ Johnson tại Đại bản doanh Thái Bình Dương của Mỹ ở Honolulu ngày 19/7/1968
Hai tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Johnson tại Honolulu năm 1968 trong thời kỳ rất khó khăn của VNCH
Tuy nhiên những ghi nhận trong các tác phẩm Decent Interval xuất bản năm 1977 và CIA and the Generals của Thomas L. Ahern, Jr. xuất bản năm 2009 đưa ra những tài liệu được giải mật cho thấy tướng Quang không liên hệ đến các cáo buộc buôn bạch phiến.
Vì tướng Quang được ông Thiệu tin cẩn và ông còn là người liên lạc giữa Dinh Độc lập với CIA nên cơ quan tình báo Mỹ đã có những điều tra riêng về nhân cách và biết rõ ông không liên quan đến bạch phiến như những tin đồn hay thông tin được nhà báo Mỹ Alfred W. McCoy viết trong tác phẩm The Politics of Heroin in Southeast Asia xuất bản vào đầu thập niên 1970.
Nhiều thông tin trong sách này đã được các nhóm chống đối chính quyền của ông Thiệu, điển hình như phong trào chống tham nhũng của linh mục Trần Hữu Thanh, dịch và phát tán tại Việt Nam trong những năm sau khi Hiệp định Paris được kí kết vào tháng 1-1973.
Tổng thống Thiệu lúc đó cho rằng các phong trào chống chính phủ của các tôn giáo Phật giáo, Công giáo là có người Mỹ đứng sau giật dây.
Theo Frank Snepp, tướng Quang là người giao tiếp giữa Dinh Độc lập và Đại sứ quán Mỹ. Ông đã có rất nhiều cuộc gặp với giám đốc cũng như nhân viên cao cấp của CIA ở Sài Gòn để trao đổi tin tức, phân tích tình hình chính trị, quân sự và chính sách của lãnh đạo Việt Nam Cộng hoà với người Mỹ. Snepp nhận xét tướng Quang có nếp sống với chuẩn mực đạo đức cao, sòng phẳng về tiền bạc.
Vì thế câu chuyện tướng Đặng Văn Quang sau khi rời Việt Nam không được chính phủ Mỹ cho định cư, còn Canada đòi trục xuất đã làm xôn xao dư luận một thời.
Sống tạm dung ở Canada tướng Quang đã làm đủ mọi việc để kiếm sống.
"Trong đời tôi mang ơn nhất Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu"
Trung tướng Đặng Văn Quang
Phục hồi danh tiếng
Năm 1988, một sĩ quan Lực lượng Đặc biệt của Mỹ, cựu Trung tá Dan Marvin từng phục vụ tại Quân đoàn IV khi tướng Quang là tư lệnh, biết được việc chính phủ Hoa Kỳ không cho phép ông vào Mỹ nên đã vận động để trả lại sự thực và đòi công đạo cho một vị tướng Việt Nam Cộng hoà bị quá nhiều tai tiếng.
Marvin coi tướng Quang là người đã cứu mạng ông trong một tranh chấp lúc chiến tranh khi ông làm cố vấn tại làng Hoà hảo An Phú trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sự kiện này được Dan Marvin ghi trong tác phẩm Expandable Elite xuất bản năm 2003.
Tác giả đưa ra giả thuyết chính phủ Mỹ không cho tướng Quang nhập cư vì ông đã không tán đồng kế hoạch của Hoa Kỳ nhằm ám sát Thái tử Norodom Sihanouk của Cam Bốt vào năm 1966.
Dan Marvin đã kiến nghị đến các dân cử, ban ngành liên hệ và cả với Tổng thống George H.W. Bush (Cha). Cựu giám đốc CIA tại Sài Gòn Tom Polgar, người đã có rất nhiều dịp gặp gỡ, tham khảo với tướng Quang khi còn làm việc trong một bản tường trình ủng hộ cho ông được vào Hoa Kỳ.
Ảnh của Bùi Văn Phú chụp cựu trung tướng Đặng Văn Quang
Tướng Đặng Văn Quang có cuộc sống khá vất vả kể cả sau khi được định cư tại Hoa Kỳ
Ông Polgar đưa ra nhận xét là tướng Quang và gia đình lúc ở Việt Nam đã không có một cuộc sống giầu sang, phú quý và những cáo buộc liên quan đến chuyện ông buôn bán bạch phiến là không có cơ sở vì theo những điều tra riêng của CIA thời đó, trước khi tổ chức này tin và liên lạc với ông, tướng Quang không có dính líu gì đến bạch phiến.
Sau đó chính quyền Canada hủy bỏ những cáo buộc liên quan đến tướng Quang và chính phủ Mỹ đồng ý cho ông định cư.
Đến Mỹ vào tháng 9-1989, hai ông bà có lúc sống ở Atlanta, khi ở nam California. Ông tiếp tục làm những việc lao động và vợ là bà Đỗ Thị Năm cũng làm bánh bán để kiếm sống.
Sau này vì tuổi già sức yếu, hai ông bà được sự giúp đỡ của cựu Thiếu tá Trần Văn Ngà, nguyên Trưởng ban Thông tin Báo chí Quân đoàn IV, đưa về sống trong một chung cư dành cho người già ở Sacramento, thủ phủ của bang California.
Mùa hè năm ngoái tôi có dịp đến thăm tướng Quang nhân cùng đi với đoàn quay phim của Hội Bảo tồn Lịch sử và Văn hoá Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) đang thực hiện phỏng vấn 500 người để lưu lại trong thư viện Đại học Texas ở Austin. Tướng Quang đã yếu và trí nhớ kém nhiều vì tuổi già.
Hỏi ông về những biến cố trong đời có điều ông nhớ, có điều không. Tôi có hỏi ông trong đời ông mang ơn ai nhất, tướng Quang nói đó là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Đối với những người đã gây phiền lụy, tướng Quang nói ông tha thứ hết.
Cựu Trung tướng Đặng Văn Quang sinh ngày 21-6-1929 tại Sóc Trăng.
Ông là một vị tướng trẻ nhất của quân đội Việt Nam Cộng hoà, từng giữ chức tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh, tư lệnh Quân đoàn IV Vùng IV Chiến thuật. Chức vụ sau cùng của ông là phụ tá đặc biệt về quân sự và an ninh quốc gia cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Ông qua đời hôm 15-7 tại Sacramento, California, hưởng thọ 82 tuổi, để lại vợ, 7 người con và 9 cháu nội ngoại.
Tang lễ cựu Bấm Trung tướng Đặng Văn Quang đã được cử hành theo nghi thức công giáo tại nhà thờ Các Thánh Tử đạo Việt Nam ở Sacramento, California vào chiều ngày 20-7-2011 và nghi thức hoả táng diễn ra vào trưa ngày hôm sau.
Tác giả Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và sống tại vùng Vịnh San Francisco.

Tổng số lượt xem trang