Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

“Nhân hòa” – Cơ sở của đồng thuận trong bảo vệ Tổ quốc

QĐND - Trong lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam, ông cha ta đã đúc kết một phương lược bảo vệ Tổ quốc là phải luôn chăm lo “giữ cho nhân hòa” để bảo đảm cho đất nước luôn chủ động về chiến lược trong mọi tình huống. Tư tưởng này được Đại hội XI của Đảng kế thừa và phát triển lên tầm cao mới, nhất là trong những định hướng chiến lược đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Phương lược “Giữ cho nhân hòa” bao hàm sự thống nhất hữu cơ các kế sách đối nội và đối ngoại đúng đắn nhằm bồi dưỡng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nội lực vững mạnh toàn diện, quan trọng nhất là “nhân hòa” với lãnh đạo đất nước anh minh, trên dưới đồng lòng, xã tắc đồng thuận. Đó là cơ sở, nền tảng để tạo lập thế đối ngoại rộng mở, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ ở bên ngoài để bảo vệ Tổ quốc; trong đó việc giữ vững sự ổn định ở bên trong và sự trong sạch vững mạnh từ bên trên là chủ yếu, có ý nghĩa quyết định.
Chiến lược bảo vệ Tổ quốc là một trong hai chiến lược cơ bản, trọng yếu và bao trùm của đất nước, nhưng lại bị chi phối trực tiếp bởi Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (Chiến lược này giữ vai trò chủ đạo, làm cơ sở để hoạch định các chiến lược chuyên ngành và kế hoạch chiến lược trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có chiến lược quốc phòng và chiến lược an ninh).
Đại hội XI của Đảng xác định: “Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng-an ninh… Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng-an ninh, quốc phòng-an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế-xã hội và trên từng địa bàn”, đồng thời “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển”, kết hợp chặt chẽ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta với cuộc đấu tranh giữ gìn hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, tạo môi trường thuận lợi và thế đối ngoại vững mạnh để góp phần bảo vệ Tổ quốc.
Có nhiều việc phải làm để “nhân hòa”, song trước hết ông cha ta luôn coi trọng xây dựng toàn diện, thống nhất và đồng bộ các yếu tố “Dân giàu, nước mạnh, binh cường”, trong đó “Dân giàu” là cơ sở, là nền tảng để xây dựng đất nước mạnh lên về mọi mặt và phát triển bền vững làm phương thức tối ưu để bảo vệ Tổ quốc. Kế thừa và phát triển tư tưởng đó, Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ”. Sự giàu mạnh không chỉ về kinh tế, mà là tổng hợp các sức mạnh chính trị-tinh thần, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, trong đó đáng chú ý là sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Đại hội cũng nhấn mạnh việc xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Điều này thể hiện rõ nét tư tưởng “Lấy dân làm gốc” mang tính nhân văn sâu sắc trong văn hóa chính trị và văn hóa quân sự Việt Nam.
Trong lịch sử và trong thế giới đương đại, nhiều quốc gia chỉ coi trọng “nước giàu, quân mạnh”, bởi ở đó chỉ có quan niệm “người giàu” và “nước giàu”, không có quan niệm “dân giàu”, nhất là khi sự phân hóa xã hội và sự bất bình đẳng trong xã hội ngày càng sâu sắc do sự chi phối bởi nền văn hóa và triết lý sống của chủ nghĩa cá nhân thực dụng cực đoan, nên gặp nguy nan không có tinh thần “tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.
Trong thời kỳ mới, cùng với tập trung thực hiện gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn các nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa làm nền tảng tinh thần của xã hội, chúng ta phải đặc biệt coi trọng giữ vững ổn định chính trị-xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững. Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta nhận thức toàn diện và sâu sắc hơn về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, tập trung đấu tranh khắc phục nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta; đồng thời chủ động phòng ngừa, sớm phát hiện và triệt tiêu những yếu tố bất lợi có thể dẫn đến xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ và sẵn sàng đối phó thắng lợi với chiến tranh xâm lược kiểu mới của các thế lực hiếu chiến.
Khảo cứu những bài học rút ra từ “thắng – thua”, “còn – mất” của các nước, các thể chế chính trị trên thế giới, liên hệ với sự vận động của con người và xã hội Việt Nam đương đại; kết hợp với nghiên cứu dự báo sự phát triển của tình hình và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, chúng ta ngày càng cảm nhận sâu sắc một vấn đề có tính quy luật trong bảo vệ Tổ quốc là: Phải kết hợp chặt chẽ đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” và “cách mạng màu” của các thế lực thù địch với kiên quyết giữ vững định hướng XHCN, tích cực khắc phục nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, nhất là từ bên trên.
Từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1-1994) và liên tục qua các kỳ đại hội, Đảng ta luôn xác định nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là một trong những thách thức lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta, coi việc đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ là một nội dung rất quan trọng trong nhiệm vụ quốc phòng và an ninh. Đến Đại hội XI, Đảng ta đã đề cập sâu sắc và toàn diện hơn về nguy cơ này, không chỉ đối với quốc phòng và an ninh, mà còn rất cấp thiết đối với công tác xây dựng Đảng; đáng chú ý là lần đầu tiên trong các văn kiện đại hội, Đảng ta đã nhấn mạnh phải chủ động đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, gắn với kiên quyết đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Điều này phản ánh sâu sắc sự phát triển tư duy lý luận của Đảng đã bám sát hơn những vấn đề bức xúc nảy sinh trong thực tiễn, đồng thời thể hiện rõ nét tính chiến đấu của Đảng, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật để tự chỉnh đốn, tự đổi mới và phát triển.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân ta còn chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc về tính chất gay go, quyết liệt và phức tạp của cuộc đấu tranh phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta. Cuộc đấu tranh phòng, chống các nguy cơ này chưa thực sự được coi là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên và cấp bách, có ý nghĩa sống còn đối với độc lập dân tộc và CNXH ở nước ta. Chúng ta cũng chưa huy động cao độ bản lĩnh và trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của các cấp, các ngành và các địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động thực tiễn thật sâu sắc và quyết liệt đối với cuộc đấu tranh này. “Nhân hòa” được đến mức độ nào còn phụ thuộc phần lớn vào kết quả của cuộc đấu tranh phòng, chống các nguy cơ đó.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình và sự phát triển của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là trong hệ thống nhà trường và trên các phương tiện thông tin đại chúng về cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta. Cần huy động trí tuệ và tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị-xã hội, các nhà khoa học và tất cả mọi người Việt Nam yêu nước để làm cho vấn đề này thực sự trở thành một nội dung cơ bản, thường xuyên trong công tác chính trị-tư tưởng, được tiến hành tích cực, liên tục và kiên trì, có sức thuyết phục và mang lại hiệu quả thiết thực. 
Rất mong Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện; đồng thời chỉ đạo tổ chức đảng ở các cấp, các ngành, các địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo khắc phục nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Coi đó là bộ phận trọng yếu và cấp thiết trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, để chỉ đạo đấu tranh thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. 
Những nội dung của chiến lược và nghị quyết chuyên đề nói trên cần được quán triệt sâu sắc, được cụ thể hóa trong hệ thống các chiến lược cơ bản và trong các kế hoạch mang tính chiến lược của quốc gia; trong các chương trình hành động và phương án xử trí các tình huống nảy sinh trong thực tiễn của các cấp, các ngành và các địa phương; trong nhận thức và trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo nên phong trào chính trị sâu rộng và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, khắc phục có hiệu quả nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta. Đây là vấn đề rất hệ trọng và mang tính cấp thiết nhằm tích cực giữ cho “nhân hòa”, bảo đảm cho đất nước luôn chủ động về chiến lược trong mọi tình huống, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, phát triển nhanh và bền vững.
Trung tướng PGS, TS Nguyễn Tiến Bình
-Nguồn: QĐND: “Nhân hòa” – Cơ sở của đồng thuận trong bảo vệ Tổ quốc

Tổng số lượt xem trang