Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

"Nỗi Riêng Khép Mở..."

-"Nỗi Riêng Khép Mở..."
Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 20110721

Kế toán Doanh nghiệp và Bí mật Quốc gia... với màu sắc Trung Quốc
    Cái này là một bí mật!


Kỳ này, lờ chuyện kinh tế xin nói về chuyện kế toán cho vui!

Sau vụ sụp đổ của hàng loạt doanh nghiệp bất lương vào cuối năm 2001, như Enron, WorldCom hay Arthur Andersen..., Tháng Bảy năm 2002, Hoa Kỳ ban hành đạo luật mang tên hai tác giả là Nghị sĩ Paul Sarbanes và Dân biểu Michael Oxley (sau gọi tắt là Luật Sarbox hay SOX). Đạo luật tăng cường việc kiểm soát và giám định sổ sách các công ty bán cổ phiếu cho công chúng (public company), cũng có thể gọi là "công ty đại chúng". Từ luật Sarbox, một cơ quan tư nhân và vô vụ lợi được thành lập dưới sự giám hộ của một định chế công quyền là Hội đồng Kiểm soát Giao dịch Chứng khoán (SEC).

Cơ quan đó là Public Company Accounting Oversight Board, gọi tắt là PCAOB.

Nhằm bảo vệ quyền lợi cho công chúng có tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán, Ban Thanh tra Kế toán PCAOB lãnh trách nhiệm kiểm soát các công ty giám định sổ sách kế toán của các doanh nghiệp bán cổ phiếu cho đại chúng. Không ở trong nghề hoặc chẳng là nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán, người ta ít chú ý đến PCAOB, một cơ quan có năm chuyên gia chỉ huy 600 nhân viên, với ngân sách năm nay là 183 triệu Mỹ kim một năm...

Ta chỉ cần nhớ rằng PCAOB là cơ quan rà soát xem việc giám định kế toán các công ty nặc danh và đại chúng có trung thực hay không. Ghi lại cho gọn thì Hội đồng Kiểm soát SEC có một cơ quan chuyên theo dõi các công ty giám định kế toán xem họ thi hành thế nào một nghiệp vụ rất quan trọng là xác định giá trị kế toán của các doanh nghiệp yết giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Thế rồi, mùng sáu Tháng Bảy vừa qua, PCAOB loan một tin lạ.

Một phái đoàn của PCAOB và SEC do một Ủy viên Hội đồng Quản trị PCAOB cầm đầu (ông Lewis Ferguson) sẽ đi Bắc Kinh thảo luận với giới chức cao cấp của Bộ Tài Chánh và Ủy ban Kiểm soát Giao dịch Chứng khoán Trung Quốc - cơ quan tương nhiệm với Hội đồng SEC của Mỹ. Mục đích là - xin lỗi quý độc giả - "để trao đổi thông tin về phương thức tiến hành nghiệp vụ giám định kế toán, hầu tiến tới một hiệp định song phương cho phép PCAOB thanh tra các công ty giám định kế toán của Trung Quốc khi các công ty này ghi danh với PCAOB để xác định sổ sách các doanh nghiệp Trung Quốc". Phải xin lỗi độc giả vì sẽ trình bày một chuyện rắc rối bí hiểm.

Cũng bí hiểm - bí mật và nguy hiểm - như đòi lật cái vẩy ngược của con rồng!


***


Khi tìm hiểu kỹ tin này, ta biết phái đoàn Mỹ gồm các luật gia và chuyên gia kế toán trong các phân bộ quốc tế vụ, kế toán và thanh tra của SEC và PCAOB. Họ sẽ họp trong hai ngày 11-12 Tháng Bảy tại Bắc Kinh. PCAOB cho biết chuyến đi là một tiếp nối của nỗ lực tiến hành từ năm 2007.

Hoá ra là để hợp thức hoá một chuyện quái dị.

Lại xin nhắc lại. Theo Đạo luật Sarbox, sổ sách kế toán của mọi doanh nghiệp yết giá trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ phải được giám định. Việc giám định phải do một công ty giám định kế toán tiến hành theo tiêu chuẩn kế toán của Hoa Kỳ. Dù ở bất cứ nơi nào, Công ty giám định (auditing firm) phải ghi danh với - và chịu sự giám sát về nghiệp vụ của - cơ quan PCAOB, để bảo đảm là việc kiểm soát sổ sách phải xác thực. Nhớ lại thì Arthur Andersen là một trong "ngũ đại gia" về giám định kế toán đã sụp đổ năm 2002 vì có gian lận trong việc kiểm tra và báo cáo sổ sách của tổ hợp Enron. Đấy là lý do của Đạo luật Sarbox và sự ra đời của PCAOB.

Mà chuyện ấy dính dáng gì tới Trung Quốc?

Thưa rằng vì hiện nay có 900 công ty giám định kế toán ngoại quốc đã ghi danh (đăng bộ, đăng ký) với cơ quan PCAOB của Hoa Kỳ. Trong số này có 110 công ty của Trung Quốc và Hong Kong. Xin quý độc giả kiên nhẫn vì chúng ta bắt đầu thấy con rồng lấp ló:

Chỉ vì gần đây đã bùng nổ hàng loạt những vụ tai tiếng về sổ sách kế toán liên quan đến các doanh nghiệp Trung Quốc đang bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ.

Nếu biết chút ít về luật lệ kế toán tài chánh Hoa Kỳ - và chút đỉnh về "tam thập lục kế" của văn hoá Trung Hoa - ta nghĩ ngay ra kế "Kim Thiền Thoát Xác". Còn giới tài chánh Hoa Kỳ thì gọi là "reverse merger".

Lý do là doanh nghiệp Trung Quốc đi vào Mỹ bằng cửa hậu. Xin chớ dùng chữ Hán-Việt ở đây - tục lắm.

Thay vì tiến vào thị trường chứng khoán Mỹ bằng cách hiên ngang phát hành cổ phiếu lần đầu (initial public offering - IPO) như thiên hạ, các đấng con trời lại khôn vặt nên mới mua - hay sát nhập, merger - một công ty yết giá sẵn tại Mỹ. Rồi dùng danh hiệu đó làm cái vỏ để đi vào huy động vốn trên thị trường Hoa Kỳ.

Chuyện mượn xác ve theo kiểu kim thiền đó để dần dần "phản khách vi chủ" thì cũng đã tinh! Nhưng còn đạo luật Sarbox và cơ quan PCAOB?

Vốn là con trời, lãnh đạo Trung Quốc có ngay các công ty giám định kế toán đứng ra xác nhận giá trị của các doanh nghiệp đã đội xác ve để chui vào thị trường Mỹ. Vì vậy mới có 110 công ty giám định kế toán Trung Quốc và Hong Kong ghi danh với PCAOB!

Chúng em xác nhận rằng các doanh nghiệp đó làm ăn đứng đắn và có sổ sách phân minh.

Từ năm 2007 – bây giờ ta hiểu ra thông báo của PCAOB – Hoa Kỳ đã nêu vấn đề về các công ty giám định kế toán đó của Trung Quốc, mà không được đáp ứng. Gần đây, SEC thẳng tay đóng cửa 24 doanh nghiệp Trung Quốc trên thị trường Mỹ, dù - hoặc vì - các doanh nghiệp này đã được phía Trung Quốc giám định hẳn hoi! Sau đấy, họ mới đến tận Bắc Kinh nói chuyện với lũ đầu xỏ của một bầy gian manh, là Bộ Tài chánh và "Trung Quốc Chứng khoán Giám đốc Quản lý Ủy viên hội", viết tắt là CSRC, cơ quan tương nhiệm của SEC!

Vào đến sân rồng thì mới thấy ra cái vẩy ngược!


***


Khi yêu cầu thẩm tra sổ sách kế toán của các công ty giám định Trung Quốc đã chứng nhận cho doanh nghiệp đáng nghi của Trung Quốc, cơ quan PCAOB được họ từ chối và trả lời rằng đấy là... bí mật quốc gia.

Mà cha mẹ ơi, họ có lý!

Vì nếu cung cấp cho Mỹ những chi tiết kế toán thì công ty giám định này có thể vi phạm một Đạo luật vừa được tu chính vào Tháng Tư năm ngoái và thi hành từ Tháng 10 vừa qua. Đạo luật "Bảo mật Quốc gia" ban hành năm 1989 đã mở rộng phạm vi áp dụng cho mọi thông tin liên hệ đến các doanh nghiệp nhà nước. Chấp hành việc bảo vệ bí mật này là một Cục tổ bố.

Mà bí mật của con rồng không chỉ có chuyện an ninh, tình báo hay quốc phòng, nó còn trùm lên các công ty quốc doanh. Các cơ sở này nằm dưới quyền kiểm soát và quản lý của một cơ quan ngang bộ trong Quốc vụ viện (Hội đồng Chính phủ) là "Quốc vụ viện Quốc hữu Tư sản Giám đốc Quản lý Ủy viên hội", gọi tắt là SASAC. Đúng chữ thì phải gọi là "Giam đốc" - lần này, xin đảm bảo là không chơi chữ.

Thành thử, khi doanh nghiệp Trung Quốc chui vào cửa hậu để moi tiền thị trường Mỹ, công ty giám định kế toán của Trung Quốc chỉ được quyền xác nhận là "đạt tiêu chuẩn"! Chứ nếu bị Mỹ xét hỏi tới ngọn ngành thì họ chỉ về Ủy ban SASAC và Cục Bảo mật Quốc gia! Qua đó mà nói chuyện!

Khốn nỗi, trong số 24 doanh nghiệp đã được giám định và vừa bị đóng cửa, chẳng có cơ sở nào là chi nhánh hay phân bộ của một tập đoàn nhà nước nằm dưới sự quản lý của Ủy ban SASAC!

Nhằm nhò gì chuyện đó?

Vì Đạo luật Bảo mật Quốc gia có sự mờ ảo của con rồng. Chỉ cần Ủy ban SASAC hay ai đó trong Cục Bảo mật Quốc gia xác nhận rằng các doanh nghiệp Trung Quốc này hoạt động trong "những khu vực chiến lược" thì mọi sổ sách thông tin của chúng đều thuộc diện bí mật quốc gia. Huống hồ, có khi các doanh nghiệp này lại giao dịch với một tập đoàn kinh tế nhà nước thì tất nhiên là mọi chuyện làm ăn của chúng cũng trở thành bí mật quốc gia!

Nhân vụ này thì phải nói lại hai chuyện xưa.

Năm 2009, một chuyên gia về quặng sắt người Úc gốc Hoa là Stern Hu (Hồ Sĩ Thái) của tổ hợp Anh-Úc Rio Tinto bị bắt tại Thượng Hải và ra toà về tội xâm phạm bí mật quốc gia khi ông điều nghiên thị trường sắt thép của Trung Quốc. Mà sau cùng lại không dính tội và chỉ lãnh án... hối lộ quan chức Trung Quốc để có thông tin thị trường, loại thông tin mà thị trường văn minh nào cũng có và công khai hoá cho giới kinh doanh. (Xin xem lại bài "Làm ăn với Trung Quốc - Nghệ thuật "Trong Bá Ngoài Vương", đài Á châu Tự do phát thanh ngày 20090812, Dainamax đã đăng lại).

Rút kinh nghiệm, năm ngoái Bắc Kinh mở rộng phạm vi áp dụng của Đạo luật Bảo mật.

Lần này thì bắt dính một kỹ sư địa chất người Mỹ gốc Hoa đã tốt nghiệp Đại học Chicago là Xue Feng (Tiết Phong).

Năm 2005, ông ta qua nghiên cứu cho công ty IHS Energy về tiềm năng dầu khí của Trung Quốc và vào tù từ năm 2007 về tội gián điệp! Dù chỉ thu lượm thông tin đã công khai nhưng đi vào khu vực chiến lược là rớ vào cái vẩy ngược của con rồng nên bị tống giam - và còn bị tra tấn. Ờ nhà tại Houston, bà vợ cũng gốc Hoa là Nam Khang đã kín đáo vận động luật sư vì sợ liên lụy cho gia đình còn sống tại Hoa lục. Khi thấy vô vọng, Nan Kang mới công khai hóa mọi chuyện và gửi thư cho Tổng thống Barack Obama xin can thiệp. Cậu bé quàng khăn đỏ Obama đã hỏi thẳng Hồ Cẩm Đào về chuyện đó mà không có kết quả nên xuống giọng "mineur" - và cho qua luôn!

Rồi Bắc Kinh đã có luật mới: Tháng Bẩy năm ngoái Xue Feng lãnh án tám năm tù! Chưa kể tới nhiều quan chức khác ở địa phương cũng vào tù bóc lịch y như trong vụ Stern Hu vì tội tiết lộ bí mật quốc gia.

Kết quả là sau mấy đòn ngang ngược, Bắc Kinh đã gieo nỗi sợ cho chính thần dân của họ: bất cứ ai khai báo sổ sách gì thì cũng có thể mắc tội tiết lộ bí mật. Mà thế nào là bí mật thì Bắc Kinh có toàn quyền quyết định - cho tiện việc sổ sách. Một tấm bình phong rất tiện cho các công ty giám định kế toán đã ghi danh với cơ quan PCAOB!

Bây giờ thì ta hiểu cái "nỗi riêng khép mở" của các công ty giám định mà không dám nói của Trung Quốc.


***


Rồi đây cơ sự sẽ ra sao? Người ta chưa biết kết quả thảo luận của phái bộ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, chắc là còn lâu mới có thể thấy được trận đánh dưới hầm cầu hàm rồng. Vì lãnh đạo Mỹ thì chỉ một mùa chứ bộ máy công quyền xứ này thì có sự vận hành khác, việc ai người ấy làm.

Và con rồng quá khôn có khi lại... lộn đầu xuống ruộng!

Thứ nhất, muốn moi tiền của Mỹ trên thị trường Hoa Kỳ thì doanh nghiệp Trung Quốc phải tôn trọng luật lệ Hoa Kỳ. Nếu không thì cứ ở nhà chơi trò ma bùn với thần dân u mê của họ. Luật lệ Mỹ quy định rằng mọi doanh nghiệp yết giá trên thị trường chứng khoán Mỹ thì phải công khai hóa sổ sách, nếu không thì công chức Hoa Kỳ sẽ xét tới bến.

Doanh nghiệp Trung Quốc thì công khai hóa với màu sắc Thiên triều qua các công ty giám định kế toán của mình. Nếu có sự gian lận – điều ấy đã xảy ra – thì doanh nghiệp và công ty giám định kia phải chịu trách nhiệm.

Hiển nhiên là họ có gì đó cần che giấu. Cái gì đó cũng phải khá quan trọng vì Bộ Tài chánh Trung Quốc vừa nhắc nhở - ngẫu nhiên sao, cũng vào ngày mùng sáu Tháng Bảy vừa qua, khi PCAOB thông báo chuyến đi - rằng "ta phải quan tâm đến tin tức kinh tế quốc gia". Nghĩa là bật tín hiệu rất có vẻ Thiền tông cho các doanh nghiệp: "nên nín hơn nên nói!"

Thứ hai, nếu Bắc Kinh có thể nhân danh chuyện bảo vệ bí mật quốc gia mà cấm các công ty giám định trưng bày sổ sách thì chính lãnh đạo Trung Quốc là đồng lõa của trò gian lận.

Ta nên chờ đợi xem các công ty giám định xoay trở ra sao, có nộp sổ sách không, hoặc có bị Cục Bảo mật Quốc gia truy tố không nếu như họ đã lỡ nói nhiều hơn nín. Lách thế nào thì cũng kẹt!

Sau cùng, trong mọi trường hợp, ta thấy ra một sự thể: cường quốc kinh tế này chưa biết quy củ kinh doanh văn minh của thế giới. Y như cái lưỡi bò man rợ ngoài Đông hải, trò lộn xác ve đã bị bắt quả tang trên thị trường Mỹ!

Thế mà cũng đòi!

Tổng số lượt xem trang