Với nhận thức rằng các đòi hỏi chủ quyền là vấn đề phức tạp và lâu dài, Trung Quốc đã coi mục tiêu thiết thực trước mắt là khai thác nguồn lợi dầu lửa và khí đốt. Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc đã đẩy mạnh các nỗ lực trong việc khẳng định quyền kiểm soát phần lớn Biển Đông.
Trong thời gian tới, cùng với việc tăng cường sức mạnh trên biển, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên. Động thái này của Trung Quốc chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng mạnh mẽ của các nước đòi chủ quyền khác, đặc biệt là Việt Nam và Philíppin. Vì thế tình hình vừa tạm lắng dịu trên Biển Đông trong mấy ngày gần đây - sau một loạt những va chạm giữa Trung Quốc với Philíppin và Việt Nam - chỉ là tạm thời và căng thẳng sẽ sớm tái diễn.
Trong thời gian tới, cùng với việc tăng cường sức mạnh trên biển, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên. Động thái này của Trung Quốc chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng mạnh mẽ của các nước đòi chủ quyền khác, đặc biệt là Việt Nam và Philíppin. Vì thế tình hình vừa tạm lắng dịu trên Biển Đông trong mấy ngày gần đây - sau một loạt những va chạm giữa Trung Quốc với Philíppin và Việt Nam - chỉ là tạm thời và căng thẳng sẽ sớm tái diễn.
Mặc dù các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông theo đường lưỡi bò dường như phi lý, song trước thế và lực hiện nay của Trung Quốc, các nước như Việt Nam và Philíppin khó có thể kỳ vọng Bắc Kinh nhượng bộ đòi hỏi chủ quyền. Trong trường hợp Trung Quốc không thể đơn phương khẳng định chủ quyền, mức cao nhất mà nước này có thể nhượng bộ là đề nghị cùng hợp tác khai thác tài nguyên tại các khu vực chồng lấn, chiểu theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và các luật pháp quốc tế khác.
Nhiều học giả từng nghiên cứu các tuyên bố khẳng định chủ quyền của các nước tranh chấp tại Biển Đông đều đi đến kết luận rằng phương án khả thi duy nhất để duy trì hòa bình trên Biển Đông là các bên tranh chấp nên gác lại các đòi hỏi chủ quyền và hướng tới xây dựng một cơ chế hợp tác khai thác tài nguyên. Tuy nhiên, triển vọng này cũng không dễ dàng khi một số nước như Philíppin vẫn kiên quyết đàm phán đa phương và không chấp nhận khai thác chung khi chưa phân định rõ chủ quyền. Một khía cạnh khác cản trở triển vọng hợp tác khai thác chính là việc Trung Quốc giờ đây quá tự tin vào khả năng tự tổ chức thăm dò và khai thác nên sẽ không chịu chia sẻ lợi ích cho các bên tranh chấp và cũng không muốn nhượng một phần lợi ích cho Mỹ và phương Tây thông qua việc cho phép các tập đoàn dầu khí nước ngoài hợp tác. Điều này chắc chắn sẽ gây ra phản ứng từ phía Mỹ vì ngoài các toan tính chiến lược toàn cầu, lợi ích tài nguyên ở Biển Đông cũng là một phần lý do khiến Mỹ tuyên bố quay trở lại Đông Nam Á.
Về triển vọng giải quyết tranh chấp, ông David cho rằng bất lợi hiện nay đối với Bắc Kinh là việc các nước ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông đã nhất trí cùng gác tranh chấp để tập trung đối phó với Trung Quốc. Các nước ASEAN có tranh chấp cũng đồng quan điểm rằng UNCLOS, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) và một bộ quy tắc ứng xử (COC) trong tương lai là cơ sở cho mọi cuộc đàm phán và buộc Trung Quốc phải hành xử trong một khuôn khổ pháp lý. Quan điểm thống nhất của các nước ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông đã tạo cho họ sức mạnh đoàn kết trước Trung Quốc. Quan điểm đó cũng không trái với luật pháp quốc tế nên các nước ASEAN có tranh chấp dù có lợi ích riêng trong quan hệ với Trung Quốc, cũng khó từ chối việc ủng hộ nhau. Đây là môi trường thuận lợi để nước giữ chức Chủ tịch ASEAN hiện nay là In-đô-nê-xi-a thúc đẩy các nước xây dựng và chấp nhận COC làm nền tảng ngăn ngừa xung đột. Tuy nhiên, nếu ASEAN không đạt được tiến triển trong việc xây dựng COC thì bất lợi sẽ ập đến sau khi Inđônêxia vào tháng 11 tới sẽ trao ghế Chủ tịch ASEAN cho Campuchia và sau đó là Lào và Mianma - ba nước khó cưỡng lại sức ép từ phía Trung Quốc. Khi đó, Trung Quốc sẽ tìm cách chia rẽ ASEAN hơn nữa và ép từng nước hữu quan phải giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương, mà đối tượng hàng đầu bị o ép sẽ là Việt Nam và Philíppin.
Theo Asia Focus, ngày 18/7