-On Target
Thương Dăng - ngày 110707
Đúng Boong!
Cú bắn giã từ của Robert Gates phơi ra nhược điểm quân sự của Châu Âu
Sau đây là bản dịch bài viết của Charlemagne trên tờ The Economist "On Target", do độc giả Thương Đăng có thiện chí thực hiện cho quý vị, với vài hiệu đính nhỏ của Dainamax. Phần chú thích trong ngoặc vuông [ ] là của người dịch. Dainamax xin cảm tạ vị độc giả cần cù và tài hoa này.
Cuộc chiến tại Libya đã bước sang tháng thứ ba và lập luận tự tin rằng lực lượng của Muammar Qaddafi[1] bị bom đạn của NATO đập tan giờ này lại kéo theo nỗi lo, rằng chính các lực lượng đồng minh bắt đầu cảm thấy sự hao mòn do một chiến dịch quân sự kéo dài. Tư lệnh Hải quân Anh cho biết, nếu cuộc chiến kéo dài qua mùa Thu, ông sẽ buộc phải ra “những quyết định gai góc” về cách điều động các hạm đội Anh. Ở nước Pháp kế bên, người tương nhiệm của ông lại than phiền rằng, nếu hàng không mẫu hạm duy nhất của Pháp, chiến hạm Charles de Gaulle, lại tham chiến ở Libya đến hết năm, thì nó phải ngưng hoạt động để tiến hành bảo dưỡng tới năm 2012. Na Uy, một nước hiếm hoi trong số đồng minh cứng cỏi đã sẵn sàng oanh kích lực lượng của Đại Tá Qaddafi, cho biết lực lượng không quân khiêm tốn của họ hiện không còn sức: trước mắt sẽ cắt số phi vụ, rồi ngưng toàn bộ hoạt động vào ngày một tháng Tám tới đây.
Tuy nhiên, cú bắn sấm sét trước khi về hưu của Robert Gates, Tổng trưởng Quốc phòng đang ra đi của Hoa Kỳ, mới phũ phàng phơi bày những khuyết khuyết của Châu Âu. Từ khởi thủy, các nước Châu Âu dựa vào Hoa Kỳ để xứ này lãnh đạo chiến dịch Libya. Giờ đây dưới quyền chỉ huy của NATO, họ vẫn phụ thuộc vào Hoa Kỳ trong việc xác định mục tiêu và thi hành tiếp liệu trên không. Các chuyên gia Mỹ đang đổ xô và thành phố Naples [của Ý] để tiếp sức cho Bộ Chỉ huy NATO. Ông Gates nói thẳng ra: “Liên minh quân sự hùng mạnh nhất trong lịch sử này chỉ mới qua 11 tuần tham gia chiến dịch chống lại một chính quyền võ trang kém ở một quốc gia dân cư thưa thớt. Vậy mà nhiều nước đồng minh đã bắt đầu thiếu đạn, rồi đòi Hoa Kỳ, một lần nữa [2], bù cho phần thiếu hụt.”
Lý do bên dưới khuyết điểm này không là bí mật. Đa số quốc gia Châu Âu chi tiêu rất ít cho quốc phòng mà lại lãng phí rất nhiều. Việc các nước Châu Âu phải chật vật, về cả quân sự lẫn chính trị, để duy trì vài chục ngàn quân ở xứ Afghanistan (A Phú Hãn) xa xôi là điều dễ hiễu. Nhưng việc họ thấy mệt mỏi trong chiến dịch không tập có hạn chế ở vùng biên vực Âu Châu (chẳng hạn cường độ còn thấp hơn cuộc chiến ở Kosovo hồi năm 1999) cho ta thấy điều gì đó còn nghiêm trọng hơn.
Chiến sự Lybia đang mở ra một sự thật không thoải mái về NATO. Sức mạnh quân sự của họ chủ yếu phụ thuộc vào nguồn lực mà Hoa Kỳ sẵn sàng châm thêm. Nếu không có Hoa Kỳ, thì đòn quân sự của các cường quốc mạnh của Châu Âu, như Anh và Pháp, cũng bị giới hạn. Hơn thế nữa, như ông Gates cũng phát biểu, Châu Âu đừng nên tin vào sự cam kết của Hoa Kỳ. Ông Gates là một trong các cựu chiến binh Mỹ cuối cùng của thời Chiến tranh lạnh hiện còn đương chức; một thế hệ mới (của Hoa Kỳ) có thể sẽ không tán thành sự gắn bó giữa ông với liên minh này, thậm chí còn có thể coi các đồng minh Châu Âu như gánh nặng. Nếu Châu Âu không nỗ lực hơn, thì NATO trước sau cũng đối diện với “sự tồn tại không đáng kể của tập thể quân sự” và một “tương lai tối tăm ảm đạm”[3].
Lời lẽ của ông Gates có thể bị gạt qua như sự lèm bèm của một chính khách bẳn tính sắp về hưu. Ngần ấy chính quyền Hoa Kỳ vẫn đe nẹt Châu Âu về chuyện chia sẻ gánh nặng. John Foster Dulles, Ngoại trưởng trào Eisenhower, đã đe dọa “một vụ tái thẩm định chết người”[4] hồi năm 1953. Lãnh đạo Mỹ đều nhất quán khi xem các nước Châu Âu là đồng minh chính trị hữu dụng, nếu không là đồng minh quân sự. Ngay cả một tay đơn phương xông xáo như ông Bush con [George W. Bush] cũng đành chịu đựng những lời đả kích từ Âu Châu. Giữa nỗi khổ tâm về Iraq, các tướng lãnh Mỹ đã trích lời Churchill[5]: “Ít ra còn một thứ tệ hơn cả việc tham chiến bên các đồng minh - là tham chiến mà không có đồng minh.”
Cho đến nay, NATO đã thọ quá sứ mệnh ban đầu, là đối đầu với Liên bang Xô viết. Liên minh này băn khoăn bất tận về mục đích tồn tại, và bây giờ thì bận rộn hơn bao giờ hết. Nhưng nội bộ đã có một sự thay đổi nhận thức, theo lời Kurt Volker, một cựu đại sứ Mỹ tại NATO. "Với Châu Âu, NATO chính là Hoa Kỳ; với Hoa Kỳ thì nó là Âu Châu. Giờ thì nó không còn thuộc phe nào trong chúng ta.” Sự xa cách này có thể sẽ trầm trọng hơn. Khi chiến tranh lạnh kết thúc, mối quan ngại về an ninh của Hoa Kỳ đã chuyển từ Châu Âu sang Trung Đông, Nam Á, và cuối cùng đến nước Trung Hoa đang trỗi dậy. Châu Âu phải tự lo lấy chuyện an ninh; giá trị [hay sự xứng đáng] của họ nằm ở chỗ có giúp ích gì được gì không.
Nhưng vụ khủng hoảng nợ nần ở Châu Âu có nghĩa là các quốc gia ở lục địa này phải giảm chi về quốc phòng. Hiện chỉ có ba nước đạt chỉ tiêu của NATO là chi tối thiểu 2% Tổng sản lượng Nội địa GDP cho yêu cầu phòng vệ: đó là Anh, Pháp và Hy Lạp. Nhiều xứ khác chỉ chi 1%, hoặc còn ít hơn. So với mức cam kết của Mỹ là chi khoảng 5% GDP cho quốc phòng. Khi cũng bắt đầu cắt giảm quân phí, thì Mỹ sẽ phê phán nặng hơn các đồng minh đi bóong tại Châu Âu[6].
Chẳng bõ công[7]
Libya là dấu hiệu cảnh báo. Hoa Kỳ không còn muốn lãnh đạo chiến dịch quân sự; thậm chí vai trò giám trận cũng gây tranh luận trong nước. Lẽ ra, khu vực phía Nam bên kia Địa Trung Hải phải là trọng yếu cho cả Châu Âu. Nếu họ không thể hành động ở đây, thì việc chi ra 275 tỷ Mỹ kim cho quốc phòng còn có nghĩa lý gì? Vào những lúc kham khổ như hiện nay, các nước Châu Âu sẽ không đột ngột tăng chi quốc phòng. Nhưng tối thiểu cũng có thể tránh cắt giảm quân phí quá mạnh - và phối hợp khá hơn để giúp NATO duy trì được cán cân lực lượng.
Giờ đây, hơn lúc nào hết, Châu Âu cần chi cho đáng đồng tiền bát gạo. Họ có nhiều binh lính hơn Mỹ, nhưng khả năng trải quân ra hải ngoại thì thấp hơn nhiều. Ngân sách của họ bị xé vụn cho quá nhiều quân chủng, như bộ binh, hải quân và không quân. Châu Âu sản xuất ra đến 20 loại xe bọc thép khác nhau, sáu loại tàu ngầm tấn công và ba loại chiến đấu cơ. Với mức quân phí gia tăng hơn tốc độ lạm phát, rõ ràng là các nước Châu Âu cần tìm ra giải pháp tiết kiệm nhờ quy mô lớn hơn. Nói vậy không có nghĩa là họ nên thành lập một đạo quân Châu Âu, như có người mong muốn. Đây là một công thức dẫn đến tê liệt: hãy thử điều động lữ đoàn Pháp-Đức đến A Phú Hãn, chưa nói gì đến Lybia. Thay vào đó, các nước Châu Âu nên chuyên biệt hóa (quân đội của họ) và khi thực hiện những việc tương tự, họ nên gom chung trang thiết bị quân sự.
Những việc trên đều không dễ. Các nước thường không muốn lệ thuộc vào xứ khác hoặc bị lôi vào cuộc chiến của xứ khác. Một số nước có thể kích hoạt nền công nghiệp quốc phòng. Nhưng Đan Mạch đã buông các tiềm thủy đĩnh; cho chúng thủ vai quan trọng hơn tại A Phú Hãn và Libya. Nhiều quốc gia thì dùng chung vận tải cơ C-17. Năm qua, hiệp ước phòng vệ chung của Pháp và Anh đã chỉ ra con đường đi: hai quốc gia này sẽ gia tăng phối hợp, trong nhiều lĩnh vực thì có thử nghiệm vũ khí hạt nhân, điều động hàng không mẫu hạm và lực lượng viễn chinh liên hợp, cũng như sứ mệnh thiếu hấp dẫn mà thiết yếu, là yểm trợ[8]. Bài học rất rõ ràng: hoặc gom sức hoặc kiệt sức.
--------------------------------------------------------------------------------
Chú thích của Người Dịch
[1] Có thể chỗ này tác giả nhắc đến vụ Quốc hội Hoa Kỳ nhận được một lá thư dài đến ba trang, được cho là do ông Qaddafi gởi hồi thượng tuần tháng Sáu vừa rồi, kêu gọi Quốc hội Mỹ tiếp tục điều tra hành động quân sự của NATO và các đồng minh tại Lybia mà tác giả cho là rõ ràng vi phạm nghị quyết 1973 của Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc
[2] Ông cựu chiến binh này tế nhị nhắc đến vụ Hoa Kỳ tham chiến cùng các đồng minh Châu Âu hồi Đệ Nhị Thế Chiến.
[3] Nguyên văn: “collective military irrelevance” & “dim and dismal future”.
[4] Cái này là nhắc lại vụ tháng Chạp năm 1953, lúc ông Foster Dulles cảnh báo Châu Âu rằng mấy nước này cứ lộn xộn, còn Pháp Đức cứ đứng ngoài, để kế hoạch xây dựng EDC (European Defence Community - Cộng đồng Phòng thủ Âu Châu, tiền thân của NATO ngày nay) thất bại, thì Hoa Kỳ sẽ bỏ mặc Châu Âu, quay lại Châu Á và chỉ phòng thủ khu vực Tây bán cầu.
[5] William Churchill, Thủ tướng Anh thời Đệ Nhị Thế Chiến, ra cầm quyền hai lần (1940–1945 và 1951–1955)
[6] Nguyên văn: “free-riders”, nghĩa là "những kẻ đi boóng", người hưởng lợi mà không bỏ ra công sức hay tiền của tương ứng. Trong văn cảnh này, có lẽ ám chỉ các quốc gia khác trong khối NATO đang hưởng xái của Hoa Kỳ
[7] Câu này "big bucks, small bangs" bắt nguồn từ thành ngữ “bang for the buck”, là phải đáng đồng tiền bát gạo, và ý ngược là cho rất nhiều mà hưởng chẳng bao nhiêu! "Nén pháo đùng ra pháo tẹt" cũng có thể là một cách dịch.
[8] Chắc là cái này nói tới vụ cho phép các phi đội của quân lực Pháp dùng không phận Anh để tiếp vận nhiên liệu theo hiệp ước. Có khi là vụ các trung đoàn Đức và Pháp phải thuê vận tải cơ Ukraine để đưa quân vào A Phú Hãn hoàn thành nghĩa vụ với NATO vào cuối năm 2001.
[8] Chắc là cái này nói tới vụ cho phép các phi đội của quân lực Pháp dùng không phận Anh để tiếp vận nhiên liệu theo hiệp ước. Có khi là vụ các trung đoàn Đức và Pháp phải thuê vận tải cơ Ukraine để đưa quân vào A Phú Hãn hoàn thành nghĩa vụ với NATO vào cuối năm 2001.