‘Không khuyến khích cách cũ, nhưng… ‘ LTS - Ông Võ Ðức Văn, 52 tuổi, công dân Mỹ, vừa được Thái Lan trả tự do trở về Hoa Kỳ sau gần 10 năm bị giam cầm vì bị cáo buộc “toan tính đánh bom” tòa Ðại Sứ Việt Nam tại Bangkok. Một thời gian ngắn sau khi trở về Hoa Kỳ, ông Văn dành cho phóng viên Hà Giang/Người Việt cuộc phỏng vấn sau đây. -Hà Giang (NV): Ông toan tính ném bom vào tòa Ðại Sứ CSVN tại Thái Lan hồi tháng 6, 2001? -Võ Ðức Văn: Chúng tôi không ném bom, mà phải nói là đặt hai quả bom thì đúng hơn. Một quả được đặt bên ngoài, một quả được đặt phía trong sứ quán CSVN, nhưng không kích nổ.
|
Ông Võ Ðức Văn trả lời phỏng vấn của nhật báo Người Việt. (Hình: Người Việt) |
Ðây là một công việc hoàn toàn mang tính cách biểu tượng. Ý định từ đầu của chúng tôi là cũng không muốn cho bom nổ, mà chỉ muốn tạo ra một biến cố chính trị cho thế giới thấy sự phẫn nộ của người Việt Nam đối với một chế độ tạo áp bức cho người dân nhiều quá. Chúng tôi muốn gửi đến cho nhà cầm quyền Việt Nam thông điệp là họ phải thay đổi chính sách, là chúng tôi không muốn có chiến tranh, nhưng nhà cầm quyền VN không cho chúng tôi có một lối thoát nào hết. Chúng tôi muốn tìm đủ mọi cách để nói cho họ biết là người Việt Nam mong muốn có một chính thể cởi mở hơn, thông thoáng hơn, chứ không thể bưng bít tối tăm như vậy. -NV: Xin cho biết tại sao sau vụ đặt bom, ông không bị bắt ngay, nhưng đã về đến Hoa Kỳ rồi mới bị bắt giữ? -Võ Ðức Văn: Tôi bị bắt tại đất Mỹ vào tháng 10 năm 2001, do yêu cầu của chính phủ Thái Lan, và bị cầm giữ tại trại giam MDC LA (Federal Metropolitan Center in California, Los Angeles) một trại giam của liên bang Hoa Kỳ, tất cả là 5 năm hai tháng. Sau đó vào tháng 12, 2006, Hoa Kỳ dẫn độ tôi về Thái Lan. -NV: Lúc nãy ông dùng chữ “chúng tôi” đặt bom? -Võ Ðức Văn: Chúng tôi là một nhóm người thuộc tổ chức có tên là Chính Phủ Việt Nam Tự Do, cùng theo đuổi lý tưởng đấu tranh đòi hỏi dân chủ cho Việt Nam. -NV: Giờ đây đã được tự do thì ông còn tiếp tục việc đấu tranh không, và dự tính trước mắt của ông là gì? -Võ Ðức Văn: Hiện giờ chúng tôi đang vận động với tổ chức để cứu những anh em còn đang ở trong lao tù. Tôi đã tưởng rằng tôi là người cuối cùng ra tù, nhưng chưa, vẫn còn một người em đang nằm trong tù ngay tại Hoa Kỳ này và đang phải đối diện với nguy cơ bị trục xuất. Còn những người bị bắt với chúng tôi ở Thái Lan lúc đó thì có án nhẹ hơn và đã ra tù rồi. -NV: Mục đích của ông và những người cùng lý tưởng lúc đó là muốn gióng lên một tiếng chuông cho thế giới biết được rằng người Việt Nam khao khát một nền dân chủ. Ðể thực hiện được mục đích, các ông đã phải trả một giá rất đắt cho bản thân và gia đình. Mười năm đã trôi qua, nhìn lại, ông có thấy sự hy sinh đó đã đánh đổi được những gì ông kỳ vọng không? -Võ Ðức Văn: Quý vị có lẽ cũng biết rằng tôi không tin là những ngày tháng lao tù của chúng tôi là vô ích. Bằng chứng cho chúng ta thấy được rằng là những năm tháng qua Việt Nam có nhiều thay đổi về vấn đề chính trị, tuy rằng hoàn toàn không đáp ứng những mong ước của người Việt Nam, thế nhưng những sinh hoạt về chính trị về xã hội trong thời gian qua có nhiều thay đổi đáng kể. Những thay đổi này không tự nhiên mà có. Rõ ràng những thay đổi này được tác động bởi những người đi đấu tranh trong nước và ngoài nước. Vậy thì dù chúng tôi chưa thắng hoàn toàn để mang lại tự do dân chủ cho Việt Nam, chúng tôi tin rằng những ngày tháng lao tù của chúng tôi là một đóng góp nhỏ cho công cuộc đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam phải cải thiện sinh hoạt chính trị và cho người dân Việt Nam có được tự do. Có một điểm quan trọng tôi muốn nói lên để giải thích là tại sao chúng tôi đặt bom vào năm 2001. Chúng ta có lẽ cũng nhớ là trước biến cố 9/11 của Hoa Kỳ, vào thời điểm mà chúng tôi thực hiện việc đặt bom, thì Quốc Hội Hoa Kỳ đang bàn luận sôi nổi về dự luật HR-2833, có tên là dự luật “thúc đẩy tự do dân chủ nhân quyền cho Việt Nam.” Dự luật này sau đó đã được thông qua tại Hạ Viện với tỉ số áp đảo. Tôi cho rằng biến cố 9/11 đã khiến cho chính quyền Hoa Kỳ có cái nhìn khác với những hành động mà họ cho là khủng bố. Chúng tôi thường nói với nhau là mấy ông Hồi Giáo cực đoan khiến cho những người đấu tranh bằng phương pháp tích cực như chúng tôi bị vạ lây. -NV: Sau khi ra khỏi tù ngày 1 tháng 6, ông bay thẳng về Hoa Kỳ? -Võ Ðức Văn: Không, việc không đơn giản rõ ràng như vậy. Tôi bị giữ lại Thái Lan 10 ngày sau khi ra khỏi tù, lý do là vì Việt Nam muốn bắt tôi nữa. Vào sáng ngày 1 tháng 6, khi đài Á Châu Tự Do vừa đi bản tin là tôi được trả tự do xong thì Việt Nam có phản ứng ngay. Bộ Ngoại Giao Việt Nam gửi một công hàm chính thức đến Bộ Ngoại Giao Thái, và cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol, yêu cầu phải bắt ông Võ Ðức Văn ngay tức khắc và dẫn độ về Việt Nam, làm cho tôi khổ thêm 10 ngày lao tù nữa. Nhưng Thái Lan đã không đáp ứng yêu cầu đó, lý do là về vấn đề tư pháp, tôi bị dẫn độ từ Mỹ đến Thái thì Thái không đơn phương cho phép dẫn độ một công dân Mỹ về Việt Nam được, mà phải thông qua chính phủ Hoa Kỳ. Trong thời gian 10 ngày đó, Lãnh Sự Timothy Swanson, trưởng phòng ACS (American Citizen Services) của Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Bangkok đã hết sức giúp đỡ và bảo vệ tôi, và đến ngày 10 tháng 6, tôi mới về đến Hoa Kỳ. -NV: Bây giờ nếu được trở lại thời gian 10 năm trước, với tình hình ngày hôm nay, ông có chọn giải pháp cũ, với cùng lý tưởng ngày xưa? -Võ Ðức Văn: Như tôi đã nói ngay từ đầu, đối với tất cả những người dấn thân tranh đấu để mong ước cho một Việt Nam dân chủ tự do thì chuyện lao tù không phải là điều có thể tránh khỏi, và cũng chẳng phải là điều vô ích. Tại sao tôi nói như vậy? Lý do là chúng ta tranh đấu trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn, mình không có phương tiện hay cơ hội đứng trên đất nước Việt Nam để tranh đấu chuyện này, mình đứng ngoài lãnh thổ Việt Nam để tranh đấu. Như vậy thì bằng cách này hay cách khác sẽ có lúc mình sẽ vi phạm luật pháp của nơi mình đang sống, hay nơi mà mình mượn để tranh đấu. Dĩ nhiên tôi không khuyến khích những người đi đấu tranh ngày hôm nay chọn phương tiện đó. Tuy nhiên, nếu cần thiết, vì đất nước Việt Nam mà mình bắt buộc phải phạm luật của một vài nước nào đó để đòi hỏi để nói lên nguyện vọng có dân chủ cho Việt Nam thì điều đó không thể tránh được. -NV: Cảm ơn ông đã dành thời giờ cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn.
|