Một chuyến công du của Hillary - từ xứ Thổ đến chuyện Mekong
Người viết có một thần tượng là Ngô Thì Nhậm, hay Ngô Thời Nhiệm theo cách gọi đời sau vì chuyện kỵ húy vào thời Nguyễn. Trong các tác phẩm của nhà tư tưởng, chiến lược gia và nhà thơ xuất chúng của nước ta, có một cuốn sách nhỏ là "Quản Kiến Xuân Thu".
"Xuân Thu" thì ai cũng có thể hiểu là cách gọi phổ biến về lịch sử, xuất phát từ bộ Xuân Thu là cuốn sử biên niên tương truyền do Khổng Tử sưu tập và biên soạn theo lối phê phán của ông ta. Lâu dần, ta cũng học thói Tầu mà gọi lịch sử là "Xuân Thu". Còn "Quản Kiến" là... nhìn qua ống bút. Ngô Thời Nhiệm viết một cuốn "luận sử" theo quan điểm của ông, nhưng khiêm nhượng gọi đó là "nhìn sử qua ống bút". Cũng là một cách nói về hoàn cảnh "ếch ngồi đáy giếng".
Học lối đó, từ đáy giếng, người viết xin dùng quản bút theo dõi một chuyến công du của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton.
Trước khi lên đường, Hillary đã nói rằng bà thấm mệt với nhiệm vụ lòng vòng trên toàn thế giới và sẽ xin nghỉ sau nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama. Có lẽ là bà nói thật!
Hillary rời Hoa Kỳ đi thăm Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ) trong hai ngày 15-16, rồi Hy Lạp ngày 17-18 trước khi đến thủ đô New Dehli của Ấn Độ và đặc biệt còn ghé tỉnh Chennai của tiểu bang Tami Nadu ở phía Đông Nam Ấn Độ, bên Vịnh Bengal. Rời Ấn Độ, bà tới Bali của Indonesia (Nam Dương) tham dự hội nghị cấp Ngoại trưởng của Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á và kết thúc chuyến đi 10 ngày tại Hong Kong rồi Thâm Quyến của Trung Quốc.
Chỉ quét quản bút qua một lộ trình như vậy thì cũng đủ chóng mặt!
Bây giờ mới là lúc vui nhất vì sẽ quăng cán bút đi mà bình....
***
Tại Turkey, một thành viên Hồi giáo của Minh ước NATO, Ngoại trưởng Clinton dự hội nghị... triệt thoái khỏi Libya trong danh dự.
Hội nghị hôm Thứ Sáu 15 vừa qua là lần thứ tư của "nhóm liên lạc quốc tế" tại Istanbul của xứ Thổ nhằm tìm ra giải pháp cho Libya. Sau khi Hoa Kỳ nhảy vào theo lời yêu cầu của các nước Âu châu, sự thể không kết thúc "trong vài ngày" như Tổng thống Obama hứa hẹn và bây giờ một số đồng minh Âu châu lại đề nghị xét lại - một chữ khác cho việc triệt thoái. Thì như lúc vào, Hoa Kỳ sẽ lại tìm sự dàn xếp của Turkey cho lúc ra.
Lý do là trước đây chỉ có các nước vô can trong NATO mới đề nghị giải pháp đi ra, bây giờ chính các nước góp phần oanh tạc Libya cũng lại đổi ý và nói đến giải pháp triệt thoái dù chưa có xứ nào chính thức rút lại điều kiện tiên quyết là Moammar Gaddafi phải ra đi.
Quốc gia sau cùng đồng ý nhập cuộc là Ý Đại Lợi cũng lại là quốc gia đầu tiên nói đến việc đi ra, và nói từ Tháng Sáu.
Dù chưa rút khỏi cơ chế NATO cho chiến dịch Libya, Ý đã ráo riết tiếp xúc với một đồng minh của Gaddafi là Chính quyền Algérie. Thủ tướng Silvio Berlusconi còn nói rằng nếu có thể quyết định một mình, ông đã noi gương thận trọng của Đức, một quốc gia bỏ phiếu trắng trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc! Ý còn hơi ân hận là đã thúc đẩy Tòa án Hình sự Quốc tế tại The Hague truy tố lãnh tụ Gaddafi.
Công lý con người vốn dĩ đòi hỏi như vậy, nhưng chính đòi hỏi công lý lại cản trở một giải pháp cho Gaddafí! Ông ta mà buông quyền để trao cho con trai trong một chế độ tạm gọi là hoà giải thì vẫn có thể bị truy nã! Vì vậy, Gaddafi khó buông quyền và buông súng.
Ngược với Ý, Pháp là thành viên NATO từ đầu đã đòi dấn tới, bây giờ thì tần ngần. Tuần qua, Tổng trưởng Quốc phòng Pháp là Gérard Longuet còn nói thẳng rằng chỉ dùng giải pháp quân sự thì không đạt kết quả và liên minh chống Gaddafi, có tên gọi là Hội đồng Quốc gia Lâm thời (National Transitional Council), nên rút lại đòi hỏi tiên quyết là Gaddafi phải ra đi! Sau đó, Ngoại trưởng và Thủ tướng Pháp cũng có những phát biểu tương tự!
Lý do khiến Pháp đổi ý có thể tìm thấy tại... Moscow và Washington.
Pháp muốn tăng cường quan hệ với Liên bang Nga để cân bằng lại hòa khí quá đậm đà giữa Nga và Đức nên khi thấy sự thể tại Libya khó ngã ngũ bèn nhân cơ hội mời Moscow vào một ghế hoà giải. Giả thuyất ấy không gây ngạc nhiên vì Paris xoay chuyển lập trường trước khi Ngoại trưởng Nga qua Mỹ vào hai ngày 11 và 12 để gặp Ngoại trưởng Clinton và Tổng thống Obama.
Mà ông Obama cũng nhân cuộc gặp gỡ Ngoại trưởng Sergei Lavrov để nói rằng Hoa Kỳ ủng hộ việc Liên bang Nga tham gia giải quyết hồ sơ Libya. Quan điểm chính thức – chính thức thôi - của Moscow là Gaddafi phải xuống, và Hoa Kỳ thì vừa chính thức công nhận liên minh chống Gaddafi. Nhưng ngần ấy quốc gia đều chuẩn bị giải pháp thay thế nếu việc oanh tạc không đạt kết quả.
Đâm ra lệnh truy nã của Tòa án Hình sự Quốc tế lại là vấn đề! Có phép lạ gì cho một giải pháp thỏa mãn cả thực tế chính trị lẫn lý tưởng pháp không?
Là một luật gia, Hillary phải tìm ra câu trả lời, nhất là khi bà là một trong bốn vị nữ lưu đã khuyến khích ông Obama nhảy vào Libia vì lý do nhân đạo, vì đạo lý! Và đâm ra NATO nháo nhào nhảy vào Libya và nay lại cần Nga tìm ra giải pháp triệt thoái.
Thật ra, tại Turkey Hoa Kỳ có vấn đề còn nóng hơn và có ảnh hưởng lâu dài hơn. Đó là kế hoạch bố trí hệ thống phòng thủ chiến lược BMD.
Để đón bắt hỏa tiễn có thể phóng đi từ Iran, Hoa Kỳ muốn lập hệ thống đó tại Azerbaijan hay Ukraine, mà hơi khó. Giải pháp Turkey thì gặp trở ngại ở nhà vì nhiều dân biểu nghị sĩ Cộng Hoà phản đối và vì Turkey không muốn chia sẻ những kỹ thuật cùa hệ thống này cho Israel. Ngoài cái gân gà Libya, Hillary sẽ phải giải quyết chuyện nhức đầu ấy.
Cũng nhức đầu không kém là chuyến thăm viếng Hy Lạp, quốc gia đang ở giữa con lốc xoáy vào đồng Euro.
***
Tại đây, Ngoại trưởng Hillary Clinton nói chuyện văn hoá.
Tất nhiên là hôm Chủ Nhật 17, bà ủng hộ việc cấp cứu kinh tế Hy Lạp và khuyến khích kế hoạch cải tổ trong hướng giảm chi và thu hẹp bội chi ngân sách, bà gọi đó là "liều thuốc đắng mà cần thiết". Nhưng Hillary khó nói gì hơn khi Chính quyền Obama đang ngần ngừ với liều thuốc đó ở nhà.
Vì vậy bà đổi giai điệu, chuyển qua tiết mục văn hoá khi ký kết một hiệp ước bảo vệ cổ vật của Hy Lạp tại Viện Bảo tàng Acropolis để tránh nạn buôn lậu đồ cổ trên các thị trường quốc tế. Có lẽ khi thăm viếng Acropolis, Hillary có được một chút thư giãn hiếm hoi.
Thật ra, tai họa tài chánh của Hy Lạp đã gây trở ngại cho một nỗ lực chiến lược của Hoa Kỳ là hòa giải hai đồng minh của mình trong một khu vực bất ổn, là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Mâu thuẫn giữa hai nước liên hệ đến đảo Cyprus và đối sách khác biệt với các nước Hồi giáo.
Vì vậy, Hillary khó làm gì ngoạn mục hơn ở chuyến thăm viếng Hy Lạp.
Nhưng sẽ có cơ hội tung hoành tại Ấn Độ.
Bà nhất quyết vẫn thăm viếng Ấn Độ sau khi xứ này bị khủng bố tại Mumbai. Bà càng phải xiết cái neo cho chặt vì chiến trường A Phú Hãn, vì lập trường bất nhất của Pakistan - đối thủ của Ấn và con mồi đang được Bắc Kinh o bế - vì thái độ hung hăng của Trung Quốc - một đối thủ khác của Ấn – và cũng vì một việc rất thực tế là kinh tế ở nhà.
Trước khi lên đường trong chuyến "merry go round" – chữ của Hillary - như đèn kéo quân, Ngoại trưởng Mỹ đã gặp các doanh gia ở nhà để khẳng định nhiệm vụ của Chính quyền là yểm trợ doanh nghiệp Mỹ trên trường quốc tế.
Tỉnh Chennai của Ấn là nơi ít được dư luận Mỹ quan tâm nhưng là trung tâm đầu tư lớn cho hàng loạt doanh nghiệp Hoa Kỳ. Bà sẽ đến đó ngợi ca các hãng Ford, Pfizer, Caterpillar hay Alcatel-Lucent, v.v... để lấy phiếu của các doanh gia cho đảng Dân Chủ ở nhà, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò của Hoa Kỳ trong công cuộc phát triển kinh tế Ấn Độ.
Bên cạnh Vịnh Bengal, khu vực Chennai này là một đầu cầu cho luồng giao thương giữa hai nước và sẽ là cơ hội ký kết một số hiệp định có lợi cho đôi bên.
Ngoài ra và quan trọng nhất, từ thời George W. Bush, quốc gia dân chủ đông dân nhất thế giới đã có mức đối thoại chiến lược với Hoa Kỳ. Là đồng minh của Liên Xô thời Chiến tranh lạnh, Ấn Độ đang thành đối tác chiến lược của Hoa Kỳ vì an ninh tại Trung Á và Nam Á, vì nỗ lực chống khủng bố, vì nhu cầu triệt thoái khỏi A Phú Hãn mà không gây bất ổn tại Nam Á và nhất là vì việc kết hợp đối sách với Trung Quốc nay đã từ Đông hải mò qua Vịnh Bengal, vào Ấn Độ dương và tiến qua Biển Á Rập.
Nhìn lại thì dù nằm trong tiểu lục địa Nam Á, Ấn Độ lại thuộc địa bàn bảo vệ của Bộ Tư lệnh Á châu Thái bình dương của Hoa Kỳ. Nếu Saudi Arabia là một quốc gia "Tây Á", Ấn Độ là một nước "Đông Á", sẽ có vai trò chiến lược tương tự như Nhật Bản, hoặc Úc Đại Lợi.
Vì vậy, chúng ta nên theo dõi kết quả của chuyến đi, ở những gì nói ra và nhất là những gì không nói ra!
Nhân đây, xin bàn thêm một chuyện cho vui cái quản bút.
Thế giới hiện có hai chục hàng không mẫu hạm đang hoạt động thì riêng Hoa Kỳ có 11 chiếc, Ý có hai. Còn lại mỗi nước Nga, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Brazil, có một. Tại Á Châu, Thái Lan và Ấn Độ, mỗi nước có một mẫu hạm. Nhưng Ấn đang tu bổ thêm một chiếc và thiết kế thêm hai chiếc cho năm 2012 này.
Để chờ cái phà Thi Lang của Trung Quốc?...
***
Thật ra, với Việt Nam thì đáng chú ý nhất trong chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ là Bali của Nam Dương, nơi bị khủng bố Hồi giáo tấn công năm 2002.
Hillary sẽ dự Hội nghị các Ngoại trưởng của Hiệp hội ASEAN và hội nghị về an ninh cấp vùng ARF, kỳ thứ 18. Năm nay, Indonesia là Chủ tịch Luân phiên của Hiệp hội này. Tại đây Hillary sẽ đón tiếp giới chức Nhật Bản và Nam Hàn, tất nhiên là để thảo luận về an ninh Đông Bắc Á với cái gai là Bắc Hàn và thầy dùi là Bắc Kinh.
Nhưng trọng điểm vẫn là an ninh Đông Nam Á với những biến động từ đầu năm.
Năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ long trọng thông báo tại Hà Nội rằng Hoa Kỳ trở lại Á châu. Cùng ngày đó, Tổng trưởng Quốc phòng Robert Gates đến thủ đô Jakarta của Nam Dương để tăng cường hợp tác quân sự với lực lượng ưu binh Kompasus, đã từng bị Quốc hội Mỹ nghi ngờ là nhúng tay vào việc đàn áp của chế độ độc tài Suharto ngày xưa.
Bây giờ, Hillary trở lại diễn đàn ấy để nói về quyền tự do giao lưu ngoài Đông hải và nhu cầu giải quyết tranh chấp bằng phương thức quốc tế.
Tuy nhiên, như năm ngoái, năm nay Hillary còn muốn tiến sâu hơn Đông hải vào tới chuyện Đông Dương. Ngoại trưởng Mỹ sẽ mời bốn Ngoại trưởng Cam Bốt, Lào, Thái Lan và Việt Nam thảo luận về "Sáng kiến Mekong".
Con sông này xuất phát từ Trung Quốc, bị lạm thác trên thượng nguồn và gieo họa cho 60 triệu dân ở dưới hạ nguồn. Sáng kiến Mekong muốn tìm giải pháp tập thể để dung hoà và chống đỡ, nhưng từng nước – và cả Miến Điện - đã bị Trung Quốc mua chuộc hoặc tranh thủ để phá vỡ nỗ lực chung.
Đấy là lúc Hoa Kỳ nhập cuộc, viện trợ cho Sáng kiến và mở ra đối thoại với cả tập thể. Lần này, Hillary cũng lại chủ trì một buội họp để rà soát và nghe ngóng quan điểm của các nước liên hệ.
Chúng ta nên chú ý đến kỳ họp này vì một lý do rất địa dư chính trị... của Việt Nam.
Lãnh đạo Hà Nội có thể tính toán kiểu khác, ở tại vùng biên vực với Trung Quốc hay ngoài Đông hải, nhưng tình hình hạ nguồn sông Mekong trực tiếp chi phối số phận của 20 triệu người dân trong Nam. Từ nước ngọt tới việc đánh cá và tiêu tưới cho đồng bằng Cửu Long đến tình trạng nhập mặn trong cả vùng châu thổ!
Nếu Cam Ranh hay Đà Nẵng là những khu vực chiến lược thì Mekong mới là chuyện sinh tử cho miền Nam - và cho cả Việt Nam! Mà dường như Trung Quốc đang đóng chốt cả hai đầu.... Vì vậy việc Hoa Kỳ chú ý đến sông Mekong mới là điều đáng chú ý, trước tiên cho người dân miền Nam.
Sau Bali, Hillary sẽ bay lên thăm viếng Hong Kong và vào Thâm Quyến nói chuyện với Ủy viên Quốc vụ viện Bắc Kinh là Đới Bỉnh Quốc. Thiếu gì chuyện để nói với nhân vật thực tế có thẩm quyền về đối sách ngoại giao của Trung Quốc, từ làm ăn đến làm hòa hay làm loạn.
Ngoại trưởng Mỹ sẽ chỉ trở về sau ngày 25 và dù có dùng quản bút quét sơ một vòng người ta cũng thấy nhức đầu về ngần ấy hồ sơ đa đoan của một siêu cường có quá nhiều trách nhiệm và cam kết với quá nhiều đối thủ và đồng minh.
Chưa nói đến sân sau của Hoa Kỳ là Mỹ châu La tinh, nơi mà Tổng thống Hugo Chavez không đi Brazil để hóa trị bệnh ung thư mà lại qua Havana, nên mọi tính toán cho việc kế nhiệm ở nhà sẽ nằm trong tầm kiểm soát của tình báo Cuba. Trên 10 ngày bay qua mấy lục địa, hiển nhiên là Hillary cũng phải được báo cáo về chuyện này.
Một hồ sơ khác sẽ phải tính sau, không chừng là đã được tính trước!...
--------
Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa là cộng tác viên kỳ cựu của Việt Báo. Ngoài các bài viết thường xuyên, ông còn là Trưởng ban Tuyển chọn "Giải thưởng Viết Về Nước Mỹ" của Việt Báo từ 2003 và Chủ biên Giai phẩm Xuân Việt Báo từ 2004. Ngoài Việt Báo, ông viết bình luận cho các đồng nghiệp là Người Việt, Ngày Nay (Houston) và Việt Tribune (San Jose) và trả lời phỏng vấn của các đài phát thanh quốc tế. Từ đầu năm nay, ông mở một blog riêng là Dainamax Magazine (http://www.dainamax.org), tính đến trung tuần Tháng Bảy đã có hơn 400 ngàn lượt người xem.