Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Thế Sự Thăng Trầm Cho Người Vừa Nằm Xuống - Hoàng Ngọc Nguyên


Nhưng lễ tang có đại diện của Hoàng Gia Malaysia đển dự. Sự vắng mặt của giới ngoại giao Việt Nam nhưng có mặt của Hoàng Gia Malaysia trong lễ tang cũng là một điều làm chúng ta suy nghĩ. ..Tất cả những hành động đó nói lên điều gì? Theo tôi, những hành động đó nói rằng chính quyền hiện nay rất kiên trì làm hòa với kẻ thù Trung Quốc, nhưng không muốn hòa giải với những người anh em của mình.

-Di ảnh cố Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ tại nhà quàn Nirvana Memorial Centre, Kuala Lumpur.
- Nghĩ về ông Nguyễn Cao Kỳ và hòa hợp dân tộc (BS Ngọc).

Vắng một người thế giới trở nên hoang vu hơn. Người xưa nói thế. Hôm nọ, nghe tin ông Nguyễn Cao Kỳ qua đời ở Malaysia làm tôi suy nghĩ vu vơ. Thế là ông đã ra đi, nhưng lại ra đi trên xứ người! Tưởng rằng ông sẽ được chôn cất ở quê nhà, nhưng lại hỏa táng và đem tro về Mỹ. Thế là ông vĩnh viễn xa nhà. Có khi đó cũng là một điều hay vì những kêu gọi hòa hợp hòa giải dân tộc của ông cũng sắp tan thành mây khói.

Kể cũng lạ.  Một người mà tôi chẳng hề quen biết nhưng lại thấy quan tâm. Không hiểu sao. Có lẽ vì cái tâm của ông dành cho Việt Nam trong thời kỳ khốn khó. Nhưng có lẽ ông đã lầm. Đời ông là một chuỗi sai lầm. Sai lầm làm đồng minh với Mỹ. Sai lầm làm thủ tướng. Sai lầm trong việc kêu gọi hòa hợp hòa giải với đối thủ của ông ngày xưa. Có một cái ông không sai lầm. Đó chính là lòng yêu nước. Đó chính là sự trong sạch. Ở thế giới bên kia ông sẽ thanh thản, không còn phải đương đầu với những sóng gió của dư luận, những tấn tuồng chính trị làm ông đau khổ, nhưng ông có thể mỉm cười để thấy rằng ông đã làm tất cả có thể cho quê hương, làm đến ngày cuối đời. Ông và con cháu ông có quyền tự hào về điều đó.
Ông Kỳ là người gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Quả thật, có một điều rất rõ ràng là ông là kẻ quang minh chính đại. Sống và làm việc trong cái hệ thống tham nhũng hối lộ thời đó, mà ông hoàn toàn trong sạch.  Nói như con của ông là không ăn hối lộ một đồng xu. Ông còn là một người thuộc týp nói là làm. Có người nói là ngang tàng. Ngang tàng của một người làm tướng. Làm tướng là ra trận, chứ không ngồi phòng có máy lạnh. Ông từng tự mình lái máy bay xung kích. Đó là phong cách của người làm tướng.
Tôi chỉ đọc về ông qua những bài báo thời trước và sau 1975. Thời đó tôi đã vào trường thuốc, bận học ngày đêm nên chẳng có thì giờ theo dõi chính sự. Sau này có đọc cuốn Đứa con thừa tự của ông có giới thiệu ở Việt Nam như là một hồi ký. Không có gì hay lắm trong cuốn hồi ký, nhưng có nhiều tư liệu đáng làm đối chiều về sau. Dư luận báo chí thì khen có, chê có. Ngay cả đồng minh của ông là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mĩ Robert McNamara cũng chê ông thậm tệ. McNamara nói rằng chính phủ của ông không sống quá 1 tuần, nhưng trong thực tế sống qua 3 năm! Báo chí lề phải vẫn còn vài nghi kị về ông. Đọc những bài viết nói về chuyến ông về thăm quê Sơn Tây thì thấy có gì đó trịch thượng như là đấng trên ban ơn cho ông về thăm quê, tha thứ lỗi lầm … Có phải lỗi lầm của ông là lỗi lầm yêu nước không giống như cách yêu nước của người cộng sản? Đọc lên những dòng chữ trịch thượng đó không biết ông sẽ nghĩ gì. Chắc là không vui.  Nhưng với bản chất xem đời là trò chơi, ông cũng chẳng bận tâm. Ông chỉ cần biết mình trong sạch, không tham ô là hay rồi. Tất cả chỉ là một cuộc chơi. Những trò đời, bon chen, ghanh đua, tranh giành quyền chức, dư luận … chỉ là những trò chơi. Từ giã cõi đời là từ giã cuộc chơi.
Không hiểu sao ông đi Malaysia và qua đời bên đó. Chỉ biết ông sang đó thành lập một quỹ học bổng dành cho du học gì đó, rồi bị sưng phổi và chết. Thế là ông dành tấm lòng cho quê hương cho đến những giây phút cuối đời.
Thế là ông cùng hàng ngàn (có lẽ hàng vạn) người Việt Nam khác đã chết trên đất Malaysia sau 1975. Đó cũng là một vết thương dân tộc. Một anh bạn bác sĩ bên Mỹ kể rằng mấy năm trước anh góp tiền cho một nhóm thuyền nhân bên Mỹ về Malaysia xây một tấm bia tưởng niệm những thuyền nhân bỏ mạng trên xứ người, nhưng bị chính quyền Việt Nam phản đối chính phủ Malaysia nên những tấm bia đó bị đục bỏ. Cũng giống như số phận của tấm bia tưởng niệm Vua Quang Trung ở Nghệ An và những dòng chữ của cụ Hồ Chí Minh.
Ông hô hào hòa hợp hòa giải dân tộc. Mặc cho những “chiến hữu” của ông chỉ trích thậm tệ, ông kiên trì theo đuổi con đường hòa hợp dân tộc. Nói là làm. Ông đi tiên phong, về Việt Nam, gặp lãnh tụ cao cấp và nói ý của mình. Nhưng hình như chính quyền hiện tại vẫn còn nhìn ông một cách e dè. Nghe nói trong đám tang không có ai trong tòa đại sứ Việt Nam ở Malaysia đến dự. Cũng có thể họ quá bận việc. Nhưng cũng có thể họ chưa quên những việc làm của ông Kỳ trong thời hai miền Nam Bắc còn oánh nhau. Nhưng lễ tang có đại diện của Hoàng Gia Malaysia đển dự. Sự vắng mặt của giới ngoại giao Việt Nam nhưng có mặt của Hoàng Gia Malaysia trong lễ tang cũng là một điều làm chúng ta suy nghĩ. Những người cầm quyền theo chủ nghĩa Mác Lê ngày nay chắc chưa quen với câu nghĩa tử là nghĩa tận.
Đục bỏ bia tưởng niệm Vua Quang Trung. Đục bỏ những chứng từ về sự xâm lăng của kẻ thù Trung Quốc. Đục bỏ bia tưởng niệm thuyền nhân ở Malaysia. Không tham dự đám tang một người chủ trương hòa hợp hòa giải dân tộc. Tất cả những hành động đó nói lên điều gì? Theo tôi, những hành động đó nói rằng chính quyền hiện nay rất kiên trì làm hòa với kẻ thù Trung Quốc, nhưng không muốn hòa giải với những người anh em của mình.
*****
Sáng nay, nhận được vài tin tức và hình ảnh trong buổi tang lễ do anh bạn bên California chuyển cho đọc và tôi có hứng viết bài này để chia xẻ.
Hình ảnh đám tang cựu PTT Nguyễn Cao Kỳ tại Malaysia
KUALA LUMPUR (AP) – Đám tang cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ đã được tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, hôm Thứ Sáu với sự hiện diện của người thân trong gia đình và bạn hữu của ông, bay từ Mỹ và Việt Nam sang tham dự.
Bà Lê HoangKim Nicole, quả phụ cố Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ, hôn quan tài lần cuối.
Cựu thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, 81 tuổi, qua đời tại Kuala Lumpur hôm 23 tháng 7 vì bệnh phổi. Ông từng là tư lệnh không quân, thủ tướng và phó tổng thống VNCH. Năm 1975, ông định cư tại Hoa Kỳ. Năm 2004, ông bắt đầu về Việt Nam. Hãng thông tấn AP trích lời cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên, con gái của ông Kỳ, cho biết tro cốt của ông sẽ được đưa về Mỹ ngày Thứ Hai để bà con thân thuộc và bạn hữu đến viếng.
Di ảnh cố Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ tại nhà quàn Nirvana Memorial Centre, Kuala Lumpur.
Một người trong gia đình khóc tại đám tang cố Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ.
Con cháu và người thân phủ cờ VNCH lên quan tài cố Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ.
Quan tài cố Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ được phủ ba lá cờ Mỹ, Malaysia và VNCH.
Bà quả phụ Nguyễn Cao Kỳ, nhũ danh Lê HoangKim Nicole, khóc tại đám tang.
Gia đình tướng Kỳ trước linh cữu người quá cố.
Nhân viên an ninh hộ tống xe tang chở quan tài cố Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ đi hỏa táng.
(Hình: Saeed Khan/AFP/Getty Images; Lai Seng Sin/AP)
- - Thế Sự Thăng Trầm Cho Người Vừa Nằm Xuống - Hoàng Ngọc Nguyên tvvn.org
 Ông Nguyễn Cao Kỳ, 81 tuổi, đã qua đời hôm thứ sáu tại Mã Lai. Chắc chắn, trong những ngày sắp đến, người ta sẽ nói nhiều, viết nhiều đến ông, một nhân vật lịch sử trong một thời đất nước nhiễu nhương, tao loạn. Ông từng là tư lệnh Không Quân, thủ tướng (Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương) trong những năm biến động của miền Nam (1965-67), Phó Tổng Thống trong những năm đầy thử thách của chế độ (1967-71). Sự nghiệp của ông có vẻ bạo phát bạo tàn, nhưng ý nghĩa lịch sử thì có thể sâu xa hơn những gì nhiều người có thể nghĩ. Trong những năm qua, người ta viết quá nhiều về ông. Dĩ nhiên phần lớn là phê phán. Khi chẳng còn mấy để viết, người ta chẳng chừa gì những điều người ta nghĩ, người ta biết. Về cá tính, tư cách của ông. Về thân thế và đời tư của ông. Và nhất là về sự chuyển hướng 180 độ trong lập trường chính trị. Khi còn sống, ông đã có thái độ bưng tai, bịt mắt trước dư luận – ít nhất là kể từ năm 2004. Nhưng chẳng phải vì thế mà người ta không tiếp tục viết về ông, một phần là vì nghiên cứu lịch sử là một sự tìm kiếm liên tục để soi sáng những chỗ còn chưa đủ sáng trong quá khứ.

Ông Kỳ, sinh năm 1930 tại Sơn Tây, đã nổi lên trong đám sĩ quan tướng tá trẻ thường được gọi là Young Turks, chớp thời cơ khi cờ đến tay bởi vì lớp tướng lãnh cựu trào thời Pháp đã cho thấy nhiều mặt bất cập trước tình thế, và phía các đảng phái quốc gia không có đảng nào đáng là lá cờ đầu, không một chính khách nào đủ bản lĩnh là lãnh tụ. Sau cả một năm rưỡi nhiễu nhương, hỗn loạn, gần nhất là sự tranh chấp quyền lãnh đạo của Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Phan Huy Quát, quân đội được dân sự giao quyền, và một cơ chế mới được thành lập, ông Nguyễn Văn Thiệu là Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, và ông Kỳ cầm đầu Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương. Chỗ của ông Kỳ có người không dám nhận, như Thiếu tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh vùng I.

Ông thực sự làm khá được việc trong những năm có trách nhiệm hành pháp này. Mỹ quyết định đưa quân chiến đấu đến miền Nam từ 10-3-1965, cho nên tình hình chiến trận đã dần dần bớt nguy ngập trong những năm sau đó. Nhớ lại thời đó, ký ức mỗi người có thể mỗi khác về những gì còn lại trong đầu. Người nhớ đến Bộ Trưởng Kinh Tế Âu Trường Thanh và cuộc chiến chống lạm phát phi mã bằng cách phá giá đồng bạc Việt Nam với hối suất mới 118 đồng ăn một Mỹ kim vào ngày 18-6-1966 của ông. Người thì nhớ đến cái “chính phủ của người nghèo” của ông Kỳ và pháp trường cát ông dựng lên mà “nghi can” hay “nạn nhân” duy nhất là Hoa kiều Tạ Vinh - bởi thế mà người Hoa sau này quay mặt với ông. Giới tuổi trẻ ở Saigon thì phải nhắc đến chương trình quận VIII và các chương trình sinh hoạt hè. Người miền Trung, nhất là người Huế và Đà Nẳng hẳn phải nhớ đến cuộc hành quân chấm dứt biến động miền Trung với chiến dịch khiêng bàn thờ ra ngoài đường của Thượng Tọa Trí Quang vào tháng năm 1966. Tất cả những gì người ta còn có thể nhắc lại đó đều là những chuyện gây nhiều tranh cãi, nhưng có hai điều chắc chắn có thể kết luận từ đó: thứ nhất, ông không né tránh hay đùn đẩy trách nhiệm “lãnh đạo quốc gia” ; thứ hai, những sự việc đó đã góp phần tạo ấn tượng của thời Nguyễn Cao Kỳ, xây dựng được sự ổn định cần thiết đã không có sau cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào tháng 11 năm 1963.

Là nhân vật có quyền nhất và có trách nhiệm nhất trong chính phủ, nổi bật hơn cả ông Thiệu đang im lặng ẩn nhẫn chờ thời, dĩ nhiên ông Kỳ cũng đáng được ghi công về chuyện xây dựng nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Ông đã giữ lời hứa tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến vào ngày 10-9-1966. Đây là cuộc bầu cử tự do, dân chủ đầu tiên người dân miền Nam đã có từ năm 1963, và sự tham gia tích cực của các đảng phái, tôn giáo, chính trị địa phương (nhất là người Nam) đã cho thấy nhận thức chung một thời mới đã mở ra. Tuy người ta có phê phán ít nhiều sau đó về quá trình hình thành hiến pháp và sức ép của phía chính quyến đối với những quy định tổ chức bầu cử Thượng Viện, Hạ Viện và Tổng Thống (như chuyện ông “Sáu Lèo” mặc cảnh phục đi dép Nhật, lưng đeo súng, tay cầm chai rượu, đi lên lầu trên Hạ Viện ngồi nhìn xuống theo dõi sự đời), Hiến Pháp 1-4-1967 đáng được xem là một thành công của nền dân chủ miền Nam.

Có ba câu chuyện sau đó cũng có thể nói thêm về ông Nguyễn Cao Kỳ.

Thứ nhất, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1967, trong khi ai cũng nghĩ ông sẽ ra tranh cử chính thức với sự ủng hộ của Hội Đồng Quân Lực, và ông Thiệu nếu có ra sẽ phải tranh cử với tính cách độc lập, thì ông Kỳ đã chấp nhận chẳng những đứng chung liên danh với ông Thiệu mà còn đứng phó. Ông Kỳ vào lúc đó được sự ủng hộ mạnh mẽ của hội đồng tướng lãnh, những tướng có binh quyền trong tay đều đứng sau lưng ông Kỳ (Lê Nguyên Khang, Nguyễn Đức Thắng, Cao Văn Viên), thế nhưng ông Kỳ, như ông viết trong sách “Con cầu tự”, đã “cầm lòng không đậu” trước giọt nước mắt lã chã của ông Thiệu nên “khảng khái” thay đổi quyết định. Dĩ nhiên đó là mối hận ông Kỳ sẽ mang xuống tuyền đài chưa tan, lý do có nhiều ta cũng có thể đoán, nhưng quyết định đó cũng cho thấy cá tính, tư cách của ông Kỳ rất nhiều.

Thứ hai, trong dịp Mậu Thân, Việt Cộng tấn công. Ông Thiệu mãi về quê vợ ở Mỹ Tho ăn Tết nên bị mắc kẹt, phải chờ Mỹ đưa trực thăng tới đón mới dám về. Ông Kỳ một mình ở Saigon đối phó, điều động lực lượng chống trả và tiêu diệt những lực lượng đặc công của dịch đánh vào Dinh Độc Lập, tòa Đại sứ Mỹ, phi trường, các khu dân cư… Một nữ ký giả Ý gai góc số một, Oriana Fallaci (1929-2006), đã từng viết hai bài phỏng vấn dài về hai ông Kỳ và Thiệu, đã nói lên những ấn tượng mạnh mẽ của bà khi quan sát sự lo nghĩ căng thẳng và ưu tư về vận mệnh của đất nước của ông Kỳ trong thời gian có cuộc tấn công của Việt Cộng, và sự dấn thân của ông trong việc đảm đương chỉ huy cuộc truy quét địch. Sau khi ông Thiệu về, bao nhiêu công lao của ông Kỳ đều đổ xuống song, xuống biển.

Thứ ba, cách đây đúng 40 năm, ông Thiệu đã tổ chức bầu cử độc diễn. Sau khi ông Thiệu hạ bệ Thủ Tướng Nguyễn Văn Lộc của ông Kỳ và thanh toán hết vây cánh của ông Kỳ trong quân đội sau đợt tổng tấn công đợt hai của Việt Cộng năm 1968, ông Kỳ đã ngồi chơi xơi nước bên cánh trái của dinh Độc Lập cả ba năm. Năm 1971, người ta nghĩ ba ông Thiệu, Kỳ và Dương Văn Minh sẽ ra tranh cử, nhưng ông Thiệu dùng đủ mọi thủ đoạn đề chỉ có thể một người ra tranh với ông mà thôi. Rốt cuộc, cả ông Minh và ông Kỳ đều chẳng muốn chơi trò này, khi người ta nhìn vào bụng dạ của hai người: ông Thiệu và Đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker. Trong bao nhiêu năm nhẫn nhục đó, ông Nguyễn Cao Kỳ, vẫn được tiếng là con người hành động, đã nói chơi nhiều mà chẳng làm thật những đe dọa đảo chính hay lật đổ này nọ. Ông đã không hành động khinh xuất vì cá nhân!

Những người quan sát có thể kết luận này nọ về ông Kỳ của thuở trước. Một người cương quyết, dám làm. Ông bắn Tạ Vinh không sợ người Hoa. Đưa quân ra miền Trung không sợ người miền Trung và người theo đạo Phật. Dám có hành động với những tướng Nguyễn Chánh Thi hay Nguyễn Hữu Có. Ông tin người, chịu nghe và dám làm, không đa nghi, không do dự. Ông ít bè phái và không có đầu óc kỳ thị địa phương nam bắc, mặc dù ưa bạn bè, thích giao du. Chung quanh ông một thời có nhiều người giỏi. Đám dân biểu người Nam sau này chạy theo ông Minh khi bắt đầu được hình thành nhờ sự đỡ đầu của ông. Mặc dù ông có tiếng là “liều lĩnh”, thích làm ngưòi hùng, dân anh chị, chơi ngông, từ bộ râu đến quân phục và áo lãnh tụ như Mao Trạch Đông… nhưng trong hành động ông quyết định cẩn trọng, thực tế hay thực tiễn, cân nhắc không ít đến hậu quả, ví dụ như trong việc nhường cho ông Thiệu năm 1967, và để cho ông Thiệu lấn át những năm sau.

Trong khi có quyền hành đòi hỏi phải hành xử một cách có trách nhiệm, ông đã kềm chế đưọc cá tính của mình, giữ gìn tư cách của mình. Nếu năm 1967 ông tranh cử tổng thống và thành công, đất nước sẽ ra sao. Đó là một câu hỏi nên suy nghĩ. Nhưng với cái số bạo phát bạo tàn mà nhiều người Việt của thế hệ sinh ra từ 1925-1945 phải trải qua, ông đã làm hỏng chính ông một cách tan hoang. Ông chẳng còn gì cả - thân bại danh liệt. Ông cư xử trong những cách người ta không hiểu nổi và khó thể châm chước. Và nay, gặp lại những bạn bè cũ ở bên kia sông như Phạm Phú Quốc, Lưu Kim Cương… ông sẽ phải ăn làm sao, nói làm sao đây?
-Tướng Kỳ - Một cuộc đời nhiều khen chê -
Đám tang của ông Nguyễn Cao Kỳ: Chùm ảnh tang lễ ông Nguyễn Cao Kỳ (Bee.net 29-7-11) -- Emotional Funeral For South Vietnam's Ex-Leader Ky (AP 29-7-11) -- Tang lễ ông Nguyễn Cao Kỳ (BBC 29-7-11)

Tổng số lượt xem trang